Sách ở Việt nam đầu thế kỷ thứ 19.

Bác sĩ Hồ văn Hiền

 

Người Việt chúng ta có truyền thống đọc sách và trích dẫn sách . Hiện nay chúng ta quen thuộc với lượng khá lớn sách bằng chữ quốc ngữ nhưng chữ này chỉ mới phổ thông từ ngày chúng ta trở thành thuộc địa của Pháp. Tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt, Gia định báo xuất hiên năm 1865 (lúc đầu bằng tiếng Pháp) và sau đó là những sách dịch cũng như những sách viết trực tiếp bằng quốc ngữ. Ngoài ra, qua sách báo Pháp, chúng ta bắt đầu tiếp xúc và đọc sách quốc tế từ nhiều nguồn gốc. Chúng ta thử tìm hiểu xem đầu thế kỷ 19 , sau khi Vua Gia Long thống nhất nước nhà và đổi tên nước là Việt nam, sách ở đâu mà có, các nhà lãnh đạo chúng ta có đọc sách về thế giới bên ngoài và nhất là Tây phương hay không?

Sách Việt nam Sử lựơc của Trần Trọng Kim, nói về sách vở dưới triều Gia long chỉ có một đoạn ngắn:

"Vua Thái tổ mới lên ngôi, đã lo việc làm sách vở; ngài đặt ra Quốc sử quán để góp nhặt những chuyện làm quốc sử. Ngài lại lưu ý về việc tưởng lệ cho những người làm ra sách vở. Bởi vậy, ngài xuống chiếu: hễ ai tìm được sách cũ, hay làm sách mới, thì được ban thưởng.Tự đó, ông Trịnh Hoài Đức dâng sách: Gia định thông chí và sách Minh bột di hoàn văn thảo; ông Hoàn công Tài dâng một bản Bản triều ngọc phả, 2 bản ký sự… Vua Thánh tổ lại sai quan soạn xong bộ Liệt triều thực lục tiền biên…."

Alexander B. Woodside, một học giả Mỹ, là tác giả cuốn"Vietnam and the Chinese Model, a comparative study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteen Century", so sánh tổ chức chính phủ Việt nam dưới triều Nguyễn theo lối Tân Khổng học (Neo-confucianism) với mẫu mực nhà Thanh ở Bắc kinh mà triều đình ta muốn nghiên cứu, học hỏi, bắt chước , nhưng đôi khi với lắm dè dặt. Sách do Đại học Harvard xuất bản năm 1988. Cuốn sách này giúp chúng ta trả lời một số thắc mắc về nguồn gốc sách vở chúng ta vào tiền bán thế kỷ thứ 19.

Theo Woodside,” Đa số sách Trung hoa đến Việt nam qua ngã hệ thống triều cống (tributary system)". .. người Việt, trong mục đích xây dựng các thể chế của mình, biết đánh giá cơ hội gởi sứ thần qua Bắc kinh. Các sứ thần này đem các sản phẩmViệt nam qua Trung quốc để đổi lấy ba sản phẩm được Vua Minh Mạng năm 1840-1841mô tả như là "tối cần thiết cho nhu cầu của đất nước” - sâm, thuốc men và sách. Một số hàng khác cũng có thị trường đáng kể ở Việt nam - đáng kể nhất là trà và giấy - nhưng thường những món này được đem qua do các tàu buồm của thương gia người Hoa.

"Vì sự buôn bán sách gắn bó với tương quan ngoại giao giữa hai nước Hoa-Việt như vậy, những học giả tài giỏi nhất của Việt nam thường được gởi đi làm sứ thần qua Bắc kinh. Khi đến nơi, hai nhiệm vụ chính của họ là nhận ra và tìm mua những công trình mới nhất của các học giả Trung hoa và thi thố tài năng về thi phú với các học giả Trung hoa và Triều tiên (Đại hàn hiện nay)."

Dùng những cớ khác nhau, triều đình Huế gởi những quan cao cấp của mình qua Bắc kinh để học hỏi và đem những sách vở Trung hoa về nước, tối thiểu cũng là phái đoàn ba người, và hầu như là cứ ba năm một lần. Giới quan lại cao cấp trong triều đều gồm những người đã từng chứng kiến tận mắt triều đình Trung hoa hoạt động như thế nào. Và chúng ta nên nhớ Bắc Kinh thời đó đón tiếp những phài đoàn ngoại giao từ nhiều nơi trên thế giới. "Trong số những sứ giả này, có những người Việt gốc Hoa chỉ mới di dân qua Việt nam gần đây thôi.” Họ thuộc về một giai cấp quan trọng, tạp chủng Hoa-Việt xuất phát ở Việt nam từ thế kỷ thứ 17, khi mà những người trung thành với triều Minh chạy trốn qua Trung và Nam phần Việt nam và được phép dựng nên các làng ,mạc riêng rẽ của họ, tách rời khỏi dân chúng người Việt. Những người di dân này thường lấy vợ Việt. nhưng họ lại giữ cách ăn mặc Trung hoa thời Minh và những phong tục khác.’ Những nười này được gọi là người Minh Hương, khác với những người Hoa định cư sau này vì những người Minh Hương không còn giữ những mối liên hệ với miền nam Trung Hoa. Con trai của người Minh Hương có thể gia nhập vào giới thư lại Việt nam và lúc đó thì họ không còn tự coi mình như một sắc dân thiểu số nữa. Những người Minh Hương này, điển hình là Trịnh Hoài Đức (sinh quán là Phúc kiến) đóng một vai trò quan trọng trong việc đi sứ qua Trung hoa vì khả năng song văn hoá và song ngữ của họ.

Ngoài khuôn khổ của hệ thống triều cống (tributary system), sách Tàu được các tư nhân miền nam Trung hoa đem qua bán kiếm lời. Triều đình Huế sẵn sàng chi tiền mua các sách đủ loại, sách Tây phương lẫn sách Trung hoa.” Năm 1820, Vua Minh Mạng ban cho quần thần những kính đeo mắt và những chai nước hoa của Tây phương và thúc dục họ đọc "những cuốn sách lạ lùng từ bốn phương trời" chứa trong thư viện của vua.

Phần lớn là sách nghiên cứu Trung Hoa được Hoa thương đem bán ở những nơi như Hà nội, Quảng nam, và nhất là Chợ lớn. Theo lời Trịnh Hoài Đức thì "Từ Nam chí Bắc,từ sông ra biển, không có món hàng nào mà các thương gia Chợ lớn không có". (trang 124).

Riêng về sách Việt nam, những sáng tác còn hiếm hoi. Các tài liệu của các triều đại trước từng bị nhà Minh phá hủy một cách có hệ thống từ 1407 đến 1427. Trong số này có Hình thư (Book of Justice) của nhà Lý, Quốc triều Thông lễ và Trần Triều Đại Điển của nhà Trần.

Đến năm 1821 mới lập Quốc sử quán. Ngoài bộ luật Gia Long, ít có sách khảo cứu của Việt nam trước năm 1815. Sau 1820 Vua Minh mạng phải tịch thu một số sách của thư viện tư nhân để có được những tài liệu trước 1820. Năm 1821, Phan Huy Chú (1782-1840) dâng vua Minh mạng bộ sách rất có giá trị về những cơ chế Việt nam thời trước, cuốn Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (A reference book to the institutions of successive dynasties), bắt lại nhịp cầu nối khoản lịch sử bị gián đoạn. Ông cũng viết rằng khó dựng lại hình thái của các thể chế Việt nam trước năm 1400. (trang 125).

 

Ngày 21 tháng 12 năm 2003