![]()
NGÀY XỬA NGÀY XƯA LỚP TÔI ĐI CHỐNG RẦY
Nguyên bổn bằng tiếng Việt không dấu của tác giả Kim Bông
Dịch ra tiếng Việt có dấu và chú thích: Miệt Dưới Dũng Trần
Để xem chú thích, xin di chuyển chuột (mouse) ngay trên số chú thích, sẽ có ô chú thích hiện ra.
Lời giới thiệu
Chuyện khóa 16 đi chống rầy nâu vào khoảng cuối năm 1977 hay 1978 gì đó đã được Đinh sư muội và Phan phu nhơn kể lại, và Hà huynh đệ đã cho trình làng trên trang báo Xuân Quí Mùi K16. Năm nay người viết lại có thêm một ngạc nhiên rất thích thú nữa là cuối năm bổng dưng nhận được chuyện chống rầy thứ ba do chị Kim Hoa gởi tới nhờ bỏ dấu giùm. Nghỉ đến báo Xuân K16 năm nay lại có thêm bài mới và K16 lại có thêm một cây viết nữ nữa, người viết bèn mừng quá xá, cám ơn chị rối rít. Chuyện nhỏ ! Không thành vấn đề ! Vô cùng hoan nghinh ! My pleasure !
Nhưng tới buổi tối ngồi đọc bài của chị người viết mới nhảy tưng lên từng chập. Thì ra chị Kim Hoa đang thọt lét người viết bằng … bàn chải tắm ngựa ! Tức nhiên vừa nhột gần chết mà cũng rát rạt đến hít hà lận nghe ! Bao nhiêu thứ the good, the bad and the ugly của người viết đều được chị tỉ mỉ đem ra mổ xẻ. Mà không thể nói là hân hạnh được chị kỳ thị tận tình chiếu tướng bởi vì chị đâu phải chỉ kể có mổi một chuyện của người viết thôi đâu ! Còn nữa, khi gởi bổn nháp chị đã cẩn thận rào đón là chị chỉ nhớ sao kể vậy, nếu như người viết thấy có đoạn nào hổng hạp con mắt (kiếng) thì cứ việc tự nhiên đục bỏ. Chị đã vô cùng tin tưởng giao cây kéo cho người viết như vậy, thử hỏi với các bạn ta vậy chớ người viết có dám thò tay ra nhận cây kéo này không ? Cho nên tức nhiên người viết đành phải ráng vừa cười cho thiệt tươi vừa hăng hái từ chối thôi xin chị cứ tự nhiên cất lại để dành lâu lâu đem ra cắt … móng chưn !
Vậy xin được hân hạnh giới thiệu cùng tất cả huynh đệ tỉ muội hải nội ngoại, toàn bộ (không thiếu một dấu chấm, dấu phết) câu chuyện chống rầy nâu của K16 ở xứ Tầm Vu, tỉnh Long An, dưới mắt nhìn rất lạ lùng độc đáo và lối hành văn rất nhiều cua quẹo bất ngờ né không kịp của một cây viết nữ mới tinh nhưng đầy triển vọng của K16 – Kim Bông. Xin mời tất cả các bạn ta thưởng thức …
Miệt Dưới Dũng Trần
NGÀY LÊN ĐƯỜNG Mùa lúa chín là niềm hy vọng của nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Bọn giặc rầy nâu ào ạt tràn đến làm tiêu xơ những cánh đồng của tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp … , lấy đi chén cơm manh áo của những người nông dân nghèo và làm tiêu đi những buổi học êm ả ở trường ĐHNN 4 của chúng tôi. Rồi thì cả lớp phải nghỉ học, lên đường chống rầy. Bạn bè tôi ra đi với nhiều tâm sự khác nhau. Người thì tiếc những ngày lên lớp, người thì lo lắng để lại đằng sau chuyện gia đình cần phải gánh vác, người thì thấp thỏm đang chờ chuyến vượt biên (1). Tôi thì lúc ấy đang ngày ngày mong tin chị tôi bắt đầu định cư trên đảo sau bao ngày vượt biển, nhưng cũng đang muốn biết sự khác biệt giữa thực tế đồng ruộng và lý thuyết học ở trường ra sao.
Buổi sáng hôm ấy, cả lớp tập trung ở trường Nông Lâm Cường Để, sau khi bị chia ra thành nhiều nhóm đi các tỉnh. Nhóm tôi đi về tỉnh Long An. Tổ của tôi gồm Bích Lan, tôi, anh Trần Anh Dũng và anh Nguyễn Xuân Tảo. Sau khi chia tay với Kim Cúc và Cẩm Hoàn, anh Dũng trông buồn rủ ra vì hết ai để mà nói chuyện tiếu lâm. Bởi vì tôi và Bích Lan là hai bà cụ non và rất là im lặng. Anh Tảo thì đang trầm ngâm suy nghĩ như đang tính chuyện đi thuyền Apollo lên cung trăng ??? (2) . Để phá tan bầu không khí nặng nề, tôi quay sang hỏi chuyện anh Dũng:
- Anh Dũng nè ! Một cây chuối có một quày hay nhiều quày ?
Anh Dũng nói giọng lắt léo:
- Mấy quày lận.
Tôi hỏi:
- Thiệt hả ? Vậy mà người ta nói một cây chuối chỉ có một quày, xong rồi đốn bỏ.
Anh Dũng quay đầu lại, ngạc nhiên nhìn tôi rồi nói:
- Trời đất ! Tôi tưởng chị biết mà còn làm bộ hỏi tôi cho có chuyện nói chớ.
Tôi hạ giọng nói:
- Tôi nhỏ lớn sanh ra và sống ở Sài Gòn, đâu có quê đâu mà về, làm sao mà biết ?
Anh Tảo lúc ấy mới xoay lại hỏi tôi:
- Tại sao chị học Nông Nghiệp ?
- Tại vì tôi thích trồng cây và màu xanh tươi của cây cối. Ở Sài Gòn khô quá, nhà nhà như cái hộp quẹt để kế nhau, nên tôi thích cảnh đồng quê.
Anh Tảo hỏi tiếp:
- Tại sao người ta học Thủy Sản ?
Tôi trả lời:
- Tại họ thích màu xanh của biển hay thích nuôi sinh vật trong nước.
Anh Tảo cười rồi hỏi tiếp:- Tại sao nhiều thằng học Lâm Nghiệp ?
- Tại vì họ yêu rừng. Tôi nói.
Anh Tảo tỏ vẻ hiểu đời:
- Không phải luôn luôn như vậy đâu ! Nhiều tên Lâm Nghiệp giàu lắm, cây rừng gổ quí là vàng trong tay tụi nó đó !(3)
Hồi đó tôi không tin lắm lời anh nói, nhưng bây giờ ngẫm nghĩ lại qua kinh nghiệm của anh chị B., tôi công nhận là anh có phần đúng. ………………(4) .
Thật ra tôi đã đậu ba trường Sư Phạm, Dược và Nông Nghiệp. Tôi thích dạy học lắm, nhưng sợ lùn quá viết bảng cao hổng tới (5), học trò thì hay chọc phá nên thôi. Qua trường Dược gặp bọn con gái nhà giàu, ăn mặc đồ đầm, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió. Trở qua trường Nông Lâm, thấy học sinh giản dị, hiền lành coi bộ hợp với mình. Chị Hai tôi giận tôi bỏ Dược qua học Nông Nghiệp, chỉ nói học Dược mới sang, Nông Nghiệp nhà quê lắm (6). Nhân một buổi cả lớp đi lao động ở nông trường, anh Trần Văn Lập nói:
- Em gái tôi mà đòi đi học nông nghiệp thì tôi nhất định không cho.
Tôi hỏi:
- Tại sao ?
Anh nói:
- Nhìn mấy chị thì biết.(7)
Lúc ấy cả bọn con gái lớp tôi mặt mày bơ phờ, da cháy nắng, quần áo đầy đất với cát, trông thật thê thãm.
TỚI XỨ TẦM VU
Nhóm tôi đi về tỉnh Long An. Trước khi về đến xã, bọn tôi phải nghỉ lại một đêm ở Ban Nông Nghiệp Huyện. Đây là đêm hãi hùng mà tôi không bao giờ quên. Trời vừa xụp tối, các bạn con trai đang chè chén, tụi con gái đi vào một căn phòng nhỏ với nhiều giường đã giăng mùng sẳn đặt kế sát nhau (8). Tôi và Ngọc Mai được chia ngủ chung trên một chiếc ghế bố còn nhỏ hơn một single bed ở xứ Úc này. Độ một giờ sau, một người lạ nào đó bước vào phòng, rồi chui vào ghế bố sát bên cạnh chúng tôi (9), sặc sùi mùi rượu và ngáy như sấm nổ ! Tôi sợ quá, ôm chặt cánh tay của Ngọc Mai. Mai khẽ nói, đừng lo Kim Hoa, chắc hổng có sao đâu. Một lát sau thì vì mệt quá tôi cũng ngủ thiếp đi đến gần sáng.
Cuối cùng rồi cũng tới được xã Dương Xuân Hội. Phong cảnh nơi đây mát mẻ và đẹp vô cùng với các mảnh vườn cỏ dừa gần như phủ kín. Nghe nói đây là xứ Tầm Vu, ngày xưa vua đi tìm vợ và thê thiếp ở đây (10). Căn nhà mà bốn đứa tôi được gửi đến để ở khá khang trang, có dòng nước chảy lượn trước sân nhà. Tôi thích ra cái mương trước nhà, nhưng sợ phải đi trên thân cây dừa để qua phía bên kia để ngồi giặt đồ. Ông chủ nhà thì hiền lành vui vẻ, còn bà chủ nhà thì mặt khó đăm đăm. Bà chủ nhà nói với mấy bà khách của bả:
- Mấy đứa này là cán bộ trên huyện gửi xuống theo dõi lúa gạo nhà mình rồi báo cáo lên mấy ổng (11).
BUỔI TIỆC ĐẦU TIÊN
Phải đến khi anh Tảo làm thịt con heo nái đẻ mới chết một cách xuất sắc và tôi thì phải làm công tác dân vận dọn dẹp nhà cửa giùm bà và trông chừng mấy đứa bé khi ba mẹ chúng phải ra đồng cắt lúa đến mãi xụp tối mới về nhà thì bà mới hài lòng và thân thiện với bọn tôi hơn. Trưa hôm đó, nhà có tiệc đãi bằng thịt con heo mới chết, anh Tảo và anh Dũng kêu tôi và Bích Lan ra bàn ngồi ăn cho vui. Chưa kịp cầm đủa thì cô con dâu ra nói khẽ má em mời mấy chị vào ngồi chung với mấy dì đằng sau. Tôi thì hiểu câu trọng nam khinh nữ (12), nhưng Bích Lan thì ấm ức lắm vì mấy bà ngồi trên một chiếc đi-văng, chỉ có vài chén cháo với dĩa thịt vụn nhỏ, phần ngon đem ra bàn mấy ông hết (13). Vậy mà còn may mắn hơn cô con dâu, sau khi quần quật cả buổi nấu ăn dọn dẹp, cô đâu có được vào ngồi ăn chung mâm với tụi tôi, mà ẳm con vào buồng chắc chờ ăn phần còn lại.
LỘI RUỘNG
Lúc chia tiểu tổ, anh Tảo chọn Bích Lan để đi chung, anh Dũng nói:
- Tui đi một mình. Đừng chị nào đi với tui mà phiền.
Tôi hỏi tại sao ? Anh nói:
- Nếu đi với tui xuống xã, tui mà đi nhậu thì chị phải băng ruộng về một mình, mà trời thì tối.
Anh nói vậy chứ hôm nào đi với tôi thì anh không nhậu (14). Có một lần lúc đi băng qua ruộng về nhà, trời hơi xụp tối, tôi cứ bị hụt chưn té hoài. Tôi nói:
- Hồi ở trường NN 4, đi gác đêm với anh Tiến, thấy tôi bị vấp té hoài anh Tiến bảo chị Hoa để tôi đi trước, hễ tui vấp thì chị biết mà tránh.
Anh Dũng cười và nói:
- Thằng nào ngu vậy ? (15)
Nhưng sau đó thấy tôi vấp hoài, anh Dũng chịu hết nổi nên nói:
- Chị để tui đi trước cho.
Tôi nói:
- Thằng nào ngu vậy ? (16)
Anh cười hà hà và nói:
- Được đó chị Hoa ! Lần sau đi công tác tui đi cùng tổ với chị.
HỌP TỔ PHỤ NỮ
Một lần tôi và Bích Lan đi họp với phụ nữ xã. Mấy bà già ở xã nói:
- Hai con cán bộ này đi chung mà một con cao nhòng hà ! Còn một con thì nhỏ xíu !
Nghe vậy Bích Lan bàn:
- Thôi lần sau tụi mình đi riêng nghen !
Chắc Cẩm Hoàn sẽ cười vì chuyện này giống như dân nông trường Lê Minh Xuân cười khi nhìn thấy anh Lộc bò lăn đo cây dứa nuôi cấy mô và anh Thiện leo thang đo đọt xì gà của cây chuối ở nông trường Lê Minh Xuân.
CÂU CÁ BẮT CÒNG
Anh Tảo rất tháo vát và khéo tay bắt cua còng. Trước khi đi khỏi nhà, anh dặn tôi mang theo bao ni-lông để bắt cua hay còng bỏ vô. Đi nửa đường xuống Ban NN Huyện, bao ni-lông cũng đầy ăm ắp. Trước khi vào họp thì anh dấu ngoài bụi rậm để lúc trở ra thì đem về nấu cho anh em ăn. Có một lần gặp mấy ông trong Ban NN, tôi lo chào mà quên mất bao cua còng trong tay, nên sau lần đó anh Tảo không chịu bắt cua nữa.
Thấy bữa ăn đạm bạc, anh Dũng đề nghị góp tăng tiền chợ, nhưng tôi ngại nên anh nói để anh đi câu cá. Anh câu được nhiều cá lắm nên bửa ăn cũng khấm khá. Một dạo không thấy anh đi câu cá nữa, tôi hỏi tại sao, anh bảo hết tiền rồi. Thì ra anh câu không được cá nên đành mua lại cá của mấy đứa nhỏ trong xóm.
CANH CHUỐI MIỀN TÂY
Một hôm có anh Mỹ đến thăm. Anh mang cho tụi tui một nải chuối xiêm Mỹ Tho vàng tươi thật to. Đến bữa ăn, anh tế nhị chỉ cho tôi nấu một nồi canh chuối. Cuối cùng thì nồi canh chuối cũng được ăn sạch sẽ. Cám ơn anh Mỹ ! Lần đầu tiên tôi biết nấu canh chuối kiểu Nam Bộ của anh (17). Chuối xiêm ruột vàng, chín vừa, lột vỏ bỏ xơ, cắt lát bỏ vô nồi nước đang sôi, nêm sơ một tí muối cho vừa ăn, bắt xuống ngay. Bây giờ đời sống khấm khá rồi, dân ở VN nhờ ở overseas chắc ăn canh chuối hổng thấy ngon. Chớ lúc đó, học trò nghèo đi xa nhà thì món canh này rất là ngon. Nhớ hồi ở cư xá, lúc học thi không về nhà được cuối tuần, một buổi tối Hoàng Hà hỏi tôi:
- Kim Bông ! Tao đói quá, mầy có gì ăn không ?
Tôi lật đật đi nấu một nồi nước sôi, nặn bột mì, bỏ vô thêm tí muối mà hai đứa tôi ăn ngon lành (18). Sau khi học thi xong, về nhà ở Tiền Giang, Hà kể lại cho má nó nghe, bà già ứa nước mắt.
NGƯỜI ƯA KỂ CHUYỆN … NGOÀI BIÊN BẢN
Anh Dũng làm giỏi (19) mà nhậu cũng giỏi (20). Anh nói nhậu để xã giao. Cũng may là lần nào cũng về đến nhà (21). Có một lần anh đi họp đến chiều mới về, mặt mày đỏ ké.
Tôi đang ngồi băm xả thì anh ngồi bên kể chuyện.
Chị biết không, bửa nay có một ông kêu tôi về nhà đãi ăn rồi nói:
- Nè ! Tao có hai đứa con gái cũng dễ coi. Mầy chịu đứa nào thì tao gả .(22)
Mà thiệt hai đứa con gái coi cũng dễ thương lắm. Ổng cứ hỏi hoài, tui cũng hổng biết trả lời làm sao !
Tôi thấy anh say quá nên hỏi lè lẹ để anh đi ngủ:
- Còn chuyện họp ở dưới xã, bữa nay có gì lạ hôn ?
Anh nói:
- Chuyện đó có trong biên bản, chị đừng có lo, còn bây giờ thì chị để tui kể chuyện ngoài biên bản.
THẦY THẠCH ĐẾN KIỂM TRA
Tuần sau thầy Thạch ghé thăm. Thầy hỏi anh chị em có gì lạ không ? Tôi nói:
- Dạ có ! Em và Bích Lan thì sợ qua cầu khỉ, còn anh Dũng đi họp về thích kể chuyện ngoài biên bản (23).
Thầy Thạch ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì ngoài biên bản ?
Xong thầy Thạch dặn dò:
- Mấy anh chị ở thành phố nên đi xuống đây phải cẩn thận với mấy cây cầu khỉ, còn tui thì từng ở vườn nên đi quen không sợ.
Đến giờ ăn trưa mời thầy ăn chung, thầy đi rửa tay ở cái mương trước nhà có cây dừa bắc ngang để đi qua. Chờ lâu không thấy thầy vào, Bích Lan nóng ruột chạy ra tìm (24), trở vào Bích Lan cười tũm tĩm nói:
- Thầy Thạch rớt xuống mương !(25)
MỜI CỤ ĂN ỔI
Một lần anh Phú ghé thăm. Anh nói:
- Hai chị ở đây thấy cũng vui, tội nghiệp chị Đoàn có một mình mà chỉ thì hổng biết làm gì hết. Chị có rảnh thì xuống thăm chị Đoàn một chút.Rồi anh chỉ đường cho tôi đi đến nhà Đoàn ở.
Gặp được tôi Đoàn mừng lắm, nói:
- Trời ơi ! Ở đây buồn muốn chết, hổng có việc gì để làm ! (26)Bây giờ tao phải dắt mầy đi ra chợ, chỉ có chợ là vui thôi.
Hai đứa ăn hàng xong, Đoàn mua mấy trái ổi xách về. Về đến chổ Đoàn ở, nhà chỉ có một bà già, bà rất vui vẻ và hiền hậu. Đoàn đem ổi ra mời bà ăn. Bà nói:
- Bà già rồi, đâu có răng mà ăn ổi, con ăn đi !
Đoàn dạ xong rồi ăn ổi ngon lành (27). Thiệt là ngây thơ hết biết !
CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRỊ LIỆU VÀ BỊNH NHƠN
Trong bồ lúa lớn trong nhà có để một con chồn khô. Mấy đứa con trai của ông chủ nhà thật là rắn mắt. Một hôm không có ai lớn ở nhà, hai thằng đem nó ra nhát. Tôi la lên:
- Ê ! Đừng đến gần chị nghen, chị sợ lắm !
Hai đứa chạy đến gần, tôi hoảng sợ bỏ chạy rồi tụi nó rượt theo. Đến khi gặp ông chủ nhà đi ở ngoài ruộng về thì tôi đã chạy gần hết hơi. Buổi chiều anh Tảo về nhà, nghe nói tôi sợ quá nên anh lấy con chồn ra để trên bàn rồi khuyến khích tôi tập sờ tay lên bộ lông chồn (28)và nói tôi không sợ đâu. Tôi sờ tay lên con chồn và nói:
- Tôi cũng còn sợ quá !
KẾT THÚC
Ngày anh Mỹ xuống thăm là cũng để báo cáo tình hình chung và ngày về. Ngày cuối cùng, đêm đó thật khó là khó ngủ, hồi hộp vô cùng (29). Sáng ra Bích Lan và tôi khiêng cái ghế bố ra sân để giặt sạch trước khi trả cho bà chủ nhà. Anh Dũng nhìn hai đứa cười nức nẻ. Bích Lan tức hỏi:
- Gì mà cười ?
Tôi nói:
- Thì tại vì mình hổng có cân, nên đầu thấp đầu cao đó mà.
Đó cũng là kỷ niệm chót tôi còn nhớ trong chuyến đi ấy.
Ghi chú của người dịch:
1. Quả nhiên đoán không sai. Khâm phục ! Khâm phục.2. Cũng không cần đi đâu xa vậy. Cỡ Phi, Thái, Mã Lai hay Nam Dương là bạn mình mừng lắm rồi.
3. Sorry các huynh đệ tỉ muội Lâm Nghiệp nghe. Bạn già Xuân Tảo chắc cũng chỉ nói chơi với tác giả Kim Bông cho qua chuyện thôi.
4. Đục bỏ một đoạn theo yêu cầu của tác giả (Lời ngưởi dịch).5. Hình như tác giả hơi quá lo xa phải không quí vị ? Ở Sài Gòn từ thời bà nội bà ngoại mình đã biết tới giày high heel rồi mà !
6. Cũng không thể trách chị hai của tác giả bôi bác NN được. Mấy mươi năm sau nghe lại vẫn còn thấy chị hai của tác giả nói đúng quá trời ! Thiệt là tóc có thể nhuộm, răng có thể trồng, song chơn lý ấy tuyệt nhiên không thèm thay đổi.
7. Quả nhiên Lê huynh đệ gan cùng mình nghe ! Tỉ muội ta người nào cũng đang một tay thủ đôi dép, một tay lôi cây cuốc, mà Lê huynh đệ mình tỉnh bơ trả lời không kiêng kỵ gì hết trơn. Xin phục bạn mình sát đất.
8. Mèn ơi ! Sướng quá rồi còn phàn nàn gì nữa ?
9. Hú vía ! Cũng may ông chú bác đó hổng có chui lộn mùng !
10. Không biết tác giả đã nghe bà thiếm nào khoe như vậy ?
12. Thiệt khoái ! Vừa mới tới xứ Tầm Vu là cả đám đã được thăng lên chức cán bộ huyện rồi.
12. Nghe thiệt muốn đứt ruột.
13. Nói thiệt lúc đó nếu mà tui với bạn già Xuân Tảo biết được chắc cũng nuốt hổng vô.14. Bộ tui dám sao ?
15. Asking for trouble !
16. Lập tức có liền !
17. Bộ xưa rày dân Sài Gòn hổng biết ăn canh chuối xiêm sao cà ?
18. Yum ! Tui nghe cũng bắt chảy nước miếng !
19. Quá khen ! Quá khen ! Không dám nhận.
20. Cũng không dám nhận. Chỉ ba chung là ngồi đâu kể chuyện ngoài biên bản ở đó.
21. Bộ tui dám đi luôn sao ?
22. Hỏi thiệt hay nhưng có thể làm đứng tim người bị hỏi !23. Thầy vừa tới là méc liền.
24. Hảo đệ tử !
25. Còn không mau đi vớt thầy lên !26. Sssss ! Nói nhỏ một chút.
27. Còn tác giả thì sao ? Ngồi gọt ổi cho chị Đoàn ăn ?
28. Chuyên gia Xuân Tảo hình như méo mó nghề nghiệp rồi chăng ? Phải ẵm vào lòng mới đúng method of psychology chớ !
29. Vái trời cho mau sáng ! Sắp được về gặp lại má rồi, khỏi còn phải ngồi nghe chuyện ngoài biên bản nữa.