XUÂN ĐINH HỢI        2007

Chuyện cổ tích kể lại

 Phân loại:  PG (Cần có phụ huynh phiên dịch sang tiếng Anh giùm cho các cháu)

 

Người kể chuyện:  Miệt Dưới Dũng Trần  

 

 M NƯƠNG ĐOT CHÂU  

 

PHN 1  

PHN 2

PHN 1

 

Dn nhp

 

 

Xin mạn phép nói trước là mặc dầu người kể có tham khảo đại khái một số sách vở, nhưng câu chuyện sau đây vẫn hoàn toàn là một sản phẩm tưởng tượng.  Nếu như có chi tiết nào trong câu chuyện này nghe cứ y như thiệt thì hoàn toàn ngoài ý muốn của người kể, xin quí vị độc giả xính xái bỏ qua, khỏi cần mất công thắc mắc khiếu nại người kể đã trích dẫn từ tài liệu nào, có đáng tin cậy hay không.  Chỉ mong cống hiến quí vị độc giả mọi lứa tuổi một chút hì hà đầu năm cho vui thôi.

 

 

 


VĂN LANG - GIANG SƠN CẨM TÚ VÀ CON NGƯỜI

 

 

Vào thuở hồng hoang, trần gian còn mịt mù gió bụi; thần linh, thú vật và con người còn sống lẫn lộn với nhau, ở về mé nam dãy Ngũ Lãnh thuộc Đông Thắng Thần Châu có một vương quốc rất trù phú xinh đẹp, gọi là nước Văn Lang.  Đây là địa bàn của rất nhiều bộ tộc Việt mà trong đó bộ tộc Lạc Việt chiếm đa số.

 

Đất Văn Lang được cai trị bởi họ Hồng Bàng đã trải hơn ngàn năm.  Các vị vua họ Hồng Bàng đều xưng là Hùng Vương, con cháu của các ngài thì cứ hễ con gái thì gọi là Mỵ Nương, còn con trai thảy đều là Quan Lang hết ráo.  Trong chốn triều đình thì bá quan cũng được chia làm hai phe: quan văn gọi là Lạc Hầu, quan võ gọi là Lạc Tướng.

 

Nước Văn Lang thuở đó từ trên xuống dưới đều đồng lòng theo rờ-gim mẫu hệ cho tiện việc sổ sách, nói nôm na là chế độ trong nhà đờn bà làm xếp, còn ra khỏi nhà đờn bà làm cũng làm xếp luôn, vừa dễ nhớ, vừa khỏi mắc công thay đổi mần chi cho nhức đầu.  Triều đình của Hùng Vương do vậy cũng không ngoại lệ.  Các vương gia xưa rày đều sống rất giản dị, mà cũng chẳng có vương gia nào dám hó hé.  Chốn hậu cung tức nhiên là rất vắng vẻ, chỉ có một mình Hùng Hậu với vài đứa cung nữ và thái giám, khỏi có chuyện tam cung lục viện mần chi, đã vừa tốn cơm, mà ngày nào cũng điên đầu vì kiện cáo.  Nào là con kỹ nữ cẩu kia ỷ bự con uýnh thiếp đó, rồi nào là cái yếm tơ tằm của thiếp vừa mới giặt phơi, xây qua xây lại đã bị con mã bà bà nào ăn cắp mất tiêu rồi, ới đại vương ơi !  Trên thì Hùng Vương chẳng dám lập tam cung lục viện, nên dưới thì tức nhiên cũng khỏi có quan lạc hầu, lạc tướng nào dám có hơn một vợ.  Nói nào ngay, thời đó ở nước Văn Lang thì con gái đi cưới chồng, con trai mà đã có vợ rồi thì như ván đã đóng xuồng, còn con gái nào dám rớ nữa ?  Tóm lại, ngay trong bộ tự điển đầy đủ nhứt của Viện Hàn Lâm nước Văn Lang cũng không có từ nào để chỉ vợ nhỏ, vợ bé hay hầu thiếp hết trơn, chỉ có một chữ ‘Vợ’ thiệt bự đứng trên chữ ‘Trời’ mà thôi.

 

Vương quốc Văn Lang đất đai không rộng cũng không hẹp, có đủ núi cao, sông dài, hồ to, biển lớn.  Dân số tuy không ít, nhưng kết quả của rờ-gim mẫu hệ khiến dân số tăng rất chậm, cả ngàn năm dư mà nước Văn Lang vẫn chưa có dấu hiệu nhơn mãn.  Dân tình nói chung là hiền lành, chỉ có chút đỉnh tật ưa thậm xưng gan ruồi mỡ muỗi và hay đua đòi danh tiếng hão, nhưng lúc cần làm dữ thì cũng dữ chẳng thua ai.  Đất đai trù phú, mưa thuận gió hòa, người Văn Lang lại biết mần ruộng trồng lúa nước nên dân chúng quanh năm ăn cơm trắng cá tươi.  Điều này khiến các đại vương láng giềng phương bắc tay cầm cái bánh bao (không có nhưn) chán phèo chẳng buồn ăn, cứ lo ngó chén cơm trắng của dân Văn Lang mà nước miếng chảy ròng ròng quẹt không kịp.  Tức nhiên các đại vương tài gì mà nhịn thèm nổi, nên cứ lâu lâu lại kéo cả bầy xuống giựt.  Cũng nhờ biết làm dữ khi cần thiết nên mặc dầu dân không đông, lại ở tản mát khắp nơi, mà mỗi lần có láng giềng phương bắc xuống thăm thì lúc nào đất Văn Lang cũng có hằng vạn gái trai biết mặc áo giáp dầy, đeo nỏ cứng, cầm giáo nhọn, lên ngựa, cỡi voi, dàn hàng ngang nghinh tiếp.  Mà uýnh rất đẹp mắt, nên lần nào nam hạ các bắc quốc đại vương rốt cuộc cũng ôm đầu máu chạy về bắc tiếp tục sự nghiệp gặm bánh bao (không có nhưn) và tức nhiên cũng không ai nỡ lòng cấm các ngài tiếp tục tương tư cơm trắng Văn Lang.

 

Ngoài đa số dân chúng chịu khó mần ruộng, dệt vải, săn thú, đánh cá ra, cũng có một số quan đàng chi địa quanh năm ưa cà nhỏng, cờ bạc, rượu chè, phá xóm phá làng, hoặc tệ hơn nữa là trốn nghĩa vụ đắp đê sông Nhị rồi mò lên các đồi trà ghẹo gái.  Thời đó các cô nương hái trà đã rủa cái đám trời uýnh này là bọn “phải gió”.  Tuy nhiên, đất Văn Lang đang là thời huỳnh kim cực thịnh của thế giới đờn bà, cho nên các cô nương hái trà thời đó cũng đâu có vừa.  Các cô cũng dám tổ chức phục kích và xơi tái mấy tên “phải gió” đi lẻ tẻ như chơi.  Bộ không phải ca dao dân gian đã từng truyền tụng thành tích lừng lẫy của các cô nương hái trà như vầy hay sao ?

 

Hôm qua bọn em hái chè,

Bắt được “phải gió”, em đè nó ra.

Nó lạy em cũng chẳng tha.

Dao lụt em khứa cái “mả cha” đi đời !

 

Kết quả của các tên “phải gió” đi lẻ tẻ lên đồi trà vì vậy thường rất giống nhau.  Oai hùng khệnh khạng lên đồi rồi ủ rủ khóm róm xuống đồi.  Mà cũng chẳng có tên nào buồn về nhà, cứ đi thẳng tới kinh đô Phong châu, gõ cửa hậu cung năn nỉ xin một chưn làm thái giám.

 

 

TRIỀU ĐẠI HÙNG VƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM

 

 

Ở đây xin có đôi dòng giới thiệu Hùng Vương thứ mười tám của nước Văn Lang.  Vương gia vốn là quan lang cả của Hùng Vương thứ mười bảy, mà Hùng Vương thứ mười bảy lại là quan lang cả của Hùng Vương thứ mười sáu, mà ... thôi chỉ xin phớt qua một chút gia phả họ Hồng Bàng.  Xin mạn phép trở lại Hùng Vương thứ mười tám.  Vương gia được gả vợ lúc còn cởi truồng tắm sông Nhị.  Hùng hậu vốn là một mỵ nương xinh đẹp của quan lạc hầu họ Đèo đời đời trấn giữ xứ Thái phía tây.

 

Từ nhỏ Hùng hậu đã giỏi giang nức tiếng khắp xứ Thái.  Mới lên ba, dù chưa được sư phụ nào chỉ điểm mà Đèo mỵ nương đã biết tự cầm que vẽ liền cả chục con giun trên miếng đất sét trong nháy mắt.  Lên năm đã biết ra cầu ao soi bóng chải tóc cả buổi.  Lên bảy đã biết quét nhà, nấu cơm, giữ em.  Lên tám đã biết nhổ mạ, cấy lúa.  Tới năm lên mười thì giữa Hội Xuân, tiểu mỵ nương họ Đèo diện áo tơ trắng, quấn xà-rông đen, bước ra giữa sân đình yểu điệu múa xòe, bước tới bước lui chập chờn như bướm lượn khiến cái đám đầu ba vá xứ Thái ngó tới rớt lông nheo chưa hay.  Đến năm lên mười hai, Đèo mỵ nương vấn tóc cài trâm, tỏ ý kén chồng.

 

Quan lạc hầu xứ Thái nhìn ra khắp cõi Lãnh Nam bấy giờ thì thấy là không có quan lang quí tộc nào đáng mặt cầm cục than vẽ chưn mày cho mỵ nương nhà mình, ngoại trừ quan lang cả của Hùng Vương thứ mười bảy xứ Văn Lang.  Năm đó quan lang mới vừa lên tám mà tiếng tăm đã đồn dậy khắp cõi Lãnh Nam .  Nghe đồn là mặc dầu mới tám tuổi, mà chỉ trừ lúc tắm sông ra, quan lang đã biết quấn xà-rông, không còn cởi truồng rong chơi làng trên xóm dưới nữa.  Chưa hết, vào năm ngoái Đèo Lạc Hầu nhơn dịp tiến kinh dưng cống phẩm đã ở lại kinh thành chơi gần một trăng.  Có một bữa Hùng Hậu thứ mười bảy thiết yến đãi quan Lạc Hầu, giữa buổi tiệc Hùng Hậu có gọi Quan Lang ra chào hỏi và khoe là Quan Lang mới bảy tuổi mà đã hết đái dầm, bọn cung nữ khỏi phải mỗi sáng đi giặt chiếu giặt mền cho Quan Lang nữa.  Còn nữa, một bữa Hùng Vương thứ mười bảy mời Đèo Lạc Hầu dạo thuyền trên Tây Hồ, Quan Lang cao hứng mượn nỏ liên châu của quan Hộ Giá tướng quân bắn thử chơi.  Vậy mà kết quả là trúng luôn một hơi mấy con le le, khiến Đèo Lạc Hầu chiều hôm đó được thưởng thức món tiết canh và cháo le le độc đáo do chính tay Hùng Hậu thứ mười bảy xuống bếp đạo diễn và biên soạn thiệt là hết ý.  Quả nhiên Quan Lang tuy tuổi mới thiếu niên mà đã có khí khái anh hùng, không hổ là con cháu dòng dõi vương tộc Hồng Bàng, từng cầm nỏ cứng, ngồi lưng voi mà mở nước Văn Lang.

 

Sau buổi họp gia tộc họ Đèo, Quan Lang được trúng tuyển với đa số tuyệt đối chấp thuận của tất cả họ hàng ngoại, nội, Đèo phu nhơn và tức nhiên không thể thiếu tiếng “Dạ, ưng” của Đèo mỵ nương, Đèo Lạc Hầu liền sắm sửa lễ vật và cử nguyên một phái đoàn sứ giả cùng mai mối đến Phong châu cầu thân.  Hùng Vương và Hùng Hậu thứ mười bảy vốn sẵn có giao tình rất đậm đà với gia tộc họ Đèo xứ Thái và cũng hâm mộ tài sắc của Đèo mỵ nương nên hớn hở vui mừng thu nhận lễ vật và nhận lời cầu thân, tức nhiên không thể thiếu điều kiện bắt dâu.  Chuyện nhỏ !  Sứ giả và bà mai đồng ý rụp rụp liền.  Sau khi nhận lễ vật đính ước từ tay Hùng Hậu, phái đoàn cầu thân liền ba chưn bốn cẳng dông lẹ trở về xứ Thái loan báo tin mừng.

 

Cuối năm đó, sau khi mùa màng đã gặt hái xong, dân chúng Văn Lang được chứng kiến một cái đám cưới vương giả rất tưng bừng náo nhiệt.  Đèo mỵ nương mặc áo cưới, lên kiệu bông, tiền hô thổi kèn đánh trống, hậu ủng là nguyên phái đoàn nhà gái cùng với một trăm thớt voi trận chở phân nửa gia sản của quan Lạc Hầu cho con gái làm của hồi môn.  Đích thân Đèo Lạc Hầu cùng Phu Nhơn ngồi kiệu voi đưa Mỵ Nương đến tận kinh thành Phong châu.  Tiệc cưới tức nhiên diễn ra vô cùng linh đình, dân chúng được bao ăn nhậu thả giàn suốt ba ngày ba đêm mệt ngủ, ngủ đã dậy nhậu tiếp.

 

Thời gian trôi rất mau như dòng nước sông Nhị tuôn ra biển Đông.  Sau vài năm Đèo mỵ nương cõng chồng dạo chơi kinh thành thì tới phiên Hùng quan lang ẵm vợ du Xuân trên núi Nùng, núi Tản.  Đất nước thanh bình, bốn phương vô sự, trời thương cho mưa thuận gió hòa, nước Văn Lang mấy năm trúng mùa liên tiếp, trăm họ an cư lạc nghiệp, từ chốn kinh thành cho chí tới thái ấp xa xôi, đâu đâu cũng vang tiếng chày giã gạo, tiếng hò hát gái trai cùng tiếng chó sủa gà gáy xôn xao bất tận.

 

Hùng Vương và Hùng Hậu thứ mười bảy tới tuổi trung niên chiều chiều dắt các quan lang và mỵ nương cháu nội đi dạo Tây hồ cảm thấy vô cùng đắc ý.  Vừa ngắm mặt trời xuống non đoài, Vương gia vừa vuốt râu mỉm cười mãn nguyện.  Nhưng những ngày hạnh phúc của Vương gia không được dài lâu, Hùng Hậu đang tuổi trung niên mạnh khoẻ, khi không mắc bạo bịnh lìa đời.  Sau khi chôn cất vợ xong, Hùng Vương trở nên buồn bả, chán nản, bỏ cả việc triều chánh.  Vương gia như cái bong bóng xì hơi, như đờn đứt dây, như tuấn mã ăn nhằm bã đậu.  Cả ngày ngơ ngẩn, đi ra đi vô chốn hậu cung, chỗ nào Vương gia cũng thấy bóng dáng người vợ hiền tấm mẳn từ thời niên thiếu.  Khỏi cần nói cũng biết là từ triều đình cho tới thứ dân, ai ai cũng vô cùng lo lắng.

 

Đèo lạc hầu cùng phu nhơn một bữa xuống thăm thấy tình cảnh ông sui Vương gia như vậy bèn đề nghị với chàng rể là để Lạc Hầu đưa Vương gia lên chơi xứ Thái một thời gian, trước là rời khỏi cung điện để khỏi phải thấy cảnh nhớ người, sau là ngao du sơn thủy xứ Thái cho khuây khỏa nỗi buồn mất vợ.  Quan lang cả không dám tự quyết định bèn về thưa lại với vợ xin họp cả gia tộc cùng bá quan văn võ để bàn luận.  Đèo mỵ nương nhận thấy yêu cầu của chồng là chánh đáng liền vui vẻ ưng thuận.

 

Sau mấy ngày bàn luận hết sức sôi nổi, cuối cùng tất cả bà con họ hàng trong vương tộc lẫn bá quan văn võ đều đồng lòng đề cử Quan lang cả làm thuyết khách với sứ mạng thuyết phục Vương gia đi chơi xứ Thái.  Quan lang cả liếc mắt nhìn vợ thấy vợ kín đáo gật đầu, bèn khẳng khái đứng ra đảm đương sứ mạng.

 

Cả buổi chiều hôm đó, Đèo mỵ nương xăn tay áo viết nguyên một bài sớ trên thẻ tre, rồi bắt chồng tập dợt đọc tới đọc lui cho thiệt nhuyển.  Hôm sau, trời vừa hừng đông Hùng quan lang tay cầm bó sớ vô cung xin gặp bố.  Hai bố con ngồi uống trà xanh sau vườn.  Quan lang nhìn bố mà thấy xót ruột, mới có nửa năm mà bố Hùng Vương như đã già đi cả chục tuổi.  Thăm hỏi sức khoẻ của bố xong xuôi, thình lình Quan lang quì xuống, rơm rớm nước mắt, móc bó sớ tre mở ra đọc.

 

“Con dại là Quan lang cả có mấy lời gan phổi, tha thiết muốn được thưa cùng bố Hùng Vương.

 

Trộm nghĩ, bậc vương giả xưa nay đều lấy sông núi, con dân làm trọng.  Tổ tiên họ Hồng Bàng nhà ta bao đời nay cũng đều lấy đó làm lẽ phải để răn mình.  Nay mẹ Hùng Hậu tuổi trời đã dứt, đành rời bỏ bố con ta theo tổ tiên về nơi tiên giới.  Con dại mất mẹ đã xót xa như đứt từng đoạn ruột, nhưng nhìn thấy bố Hùng Vương âu sầu, bỏ ăn biếng ngủ, xao lãng việc triều chánh, khiến từ trên triều đình xuống chí tới dân gian hết thảy đều lo lắng cho bố, con dại lại càng xót xa đau đớn bội phần.  Bố Hùng Vương đã coi nhẹ mình vàng khiến thần dân Văn Lang nhà nhà phải âu lo kinh hải, ấy là bố đã vì mối sầu riêng mà quên mất điều nặng nhẹ.

 

Nay có bố vợ của con trẻ là quan Lạc hầu xứ Thái đã tỏ ý muốn mời bố Hùng Vương tới xứ Thái dạo chơi ít lâu, trước là tạm rời kinh đô để tránh thấy cảnh nhớ người, sau là dạo xem phong cảnh xứ Thái cho khuây khỏa nỗi sầu góa vợ.  Con trẻ đã bàn bạc rất kỹ với tất cả họ hàng trong vương tộc và các quan lạc tướng, lạc hầu trong triều, hết thảy mọi người đều thấy lời mời của Đèo lạc hầu vào lúc này thực rất đáng được ưng thuận.

 

Mấy lời dại dột, không nói được hết lòng con trẻ, chỉ mong bố Hùng Vương chẳng bỏ ngoài tai.  Dám mong bố vì trăm họ mà suy xét cho kỹ.”

 

Hùng Vương nghe Quan lang tâu xong, chẳng nói nửa lời, chỉ trầm ngâm nhìn chén trà hồi lâu rồi phán.

 

“Chuyện này để bố nghĩ lại.  Thôi con cứ về đi.  Vài hôm nữa bố sẽ có quyết định.”

 

Ba ngày sau, Hùng Vương truyền lịnh triệu tập tất cả họ hàng xa gần cùng toàn ban lạc hầu, lạc tướng tới trước ngọ môn để nghe chiếu chỉ.  Trời vừa hừng đông, tất cả họ hàng trong vương tộc cùng bá quan đã tề tựu trước ngọ môn.  Dân chúng kinh thành cũng chen chúc tới xem đông nghẹt, bàn tán vang trời.  Thình lình nổi lên ba tiếng trống đồng ngân nga hồi lâu, rồi Hùng Vương bước lên kỳ đài châm lửa tế tổ tiên.  Ngọn lửa bốc cao, mọi người im phăng phắt.  Hùng Vương sau khi an tọa liền đưa mắt nhìn xuống khắp nơi một lượt, rồi vẫy tay ra hiệu, lập tức quan Nội Thị liền cầm bó thẻ tre bước ra trước kỳ đài, tằng hắng mấy tiếng, mở bó thẻ tre ra, lớn tiếng tuyên đọc chiếu chỉ.

 

“Thừa mệnh Tiên Rồng Bách Việt, Hùng Vương thứ mười bảy nước Văn Lang có chiếu rằng:

 

Từ khi được bố Hùng Vương thứ mười sáu truyền ngôi tới nay, ta dầu tài thô trí thiển, vẫn hết lòng hết sức cai trị nước Văn Lang.  Nhờ phúc đức tổ tiên, khí thiêng sông núi, cùng bá quan lạc hầu, lạc tướng hết lòng phò tá, cả đời ta tuy chẳng lập được công nghiệp gì lớn lao, nhưng ngoài thì cũng giữ yên được bờ cõi, trong thì vỗ về trăm họ, trời thương ban cho mưa thuận gió hòa, đồng bào ai ai cũng an cư, lạc nghiệp.

 

Nay giữa đàng gãy gánh, Hùng Hậu sớm vội lìa trần, ta vào ra thui thủi chốn hậu cung, nhìn chốn nào cũng cứ thấy phảng phất bóng hình Hùng Hậu, khiến ta lòng dạ âu sầu, chểnh mảng việc triều chính.  Vừa rồi Đèo Lạc Hầu có lòng mời ta dạo chơi xứ Thái giải khuây, âu cũng là hợp ý ta.  Ngặt một nỗi đất nước không thể một ngày thiếu vua, thảng hoặc giặc phương bắc kéo xuống cướp phá Văn Lang mà ta còn dạo chơi ở tận xứ Thái thì trăm họ ắt phải vì ta mà lâm cảnh lầm than.  Nên trước khi ra đi, ta truyền chiếu này nhường ngôi cho Quan lang cả.  Ta mong là tất cả họ hàng trong vương tộc cùng bá quan lạc hầu, lạc tướng hết lòng phò tá con ta giữ yên bờ cõi và chăm lo cho trăm họ được ấm no.

 

Nay chiếu.”

 

Truyền đọc chiếu xong, quan Nội Thị cuốn bó thẻ tre lại rồi hô lớn: “Xin mời Quan lang cả tiến lên nhận chỉ.”

 

Quan lang cả chưng hửng, chưa biết nên tiến lên hay không tiến lên, vội ngó vợ hỏi ý.  Đèo mỵ nương mắt nháy lia tỏ ý khuyến khích, Quan lang liền sửa lại mũ áo, nhưng chưa sửa xong thì mẹ vợ Đèo phu nhơn sốt ruột nhịn hết nổi liền đẩy vội con rể bước ra.  Quan lang cả trèo lên kỳ đài rồi quì xuống, đưa hai tay lên khỏi đầu lảnh chỉ.  Hùng Vương liền bước tới đỡ Quan lang đứng dậy.  Hai bố con đứng đối mặt nhau, ngài liền cởi áo bào lông chim Hồng ra đem choàng lên vai Quan lang, rồi hai tay nâng mão lông chim Lạc đội lên đầu Quan lang.  Đoạn ngài quay mặt về hướng dân chúng và bá quan, dõng dạc tuyên bố: “Kể từ nay Quan lang cả là Hùng Vương thứ mười tám của nước Văn Lang.”

 

Lập tức trống đồng nổi lên vang trời, tù và rúc lên truyền đi tám hướng.  Họ hàng vương tộc cùng bá quan đồng loạt quì xuống tung hô vạn tuế.  Dân chúng hớn hở, nhảy nhót reo mừng.  Vậy là Quan lang cả khi không trở thành Hùng Vương thứ mười tám, còn Đèo mỵ nương đương nhiên cũng trở thành Hùng Hậu thứ mười tám của Văn Lang quốc.

 

Sau khi cẩn thận dặn dò vua mới lên ngôi phải học thuộc lòng và thực hành tám điều răn mình làm thế nào để trở thành một quân vương tốt, tạo phước cho bá tánh, cùng sáu nguyên tắc đối ngoại, đặc biệt thêm nguyên tắc thứ bảy dành cho các đại vương phương bắc, Hùng Vương thứ mười bảy liền dắt vài đứa đầy tớ tháp tùng với phái đoàn của Đèo lạc hầu khởi hành lên xứ Thái.  Tuy vậy, ra tới cửa thành phái đoàn cũng phải dừng lại chờ Đèo phu nhơn tới gần giờ ngọ mới thấy kiệu voi của phu nhơn đủng đỉnh tiến ra.  Nói nào ngay, phu nhơn cũng phải cấp tốc dạy Hùng Hậu mới lên ngôi tám chục điều răn làm thế nào để trở thành Hùng Hậu tài giỏi giúp được chồng Hùng Vương trị nước cùng sáu chục nguyên tắc làm sao để Hùng Vương cho dầu thèm chảy nước miếng cũng không dám mở miệng xin xỏ lập thứ phi, còn cỡ như tam cung lục viện của các đại vương phương bắc thì cho dầu Hùng Vương có nằm mơ cũng bảo đảm cấm được ngó thấy.

 

Từ khi Hùng Vương thứ mười tám lên ngôi, nhờ bá quan lạc hầu, lạc tướng hết lòng phò tá, đặc biệt dưới sự cố vấn tài tình của Hùng Hậu, bốn phương đều thái bình vô sự, bá tánh đặng áo ấm cơm no.  Chỉ có một chút chuyện nhỏ lúc ngài vừa mới lên ngôi, có vài đại vương láng giềng phương bắc cũng có ý lăm le nam hạ thử thời vận, nhưng sau khi nghe tế tác trở về báo cáo lại tình hình thì các đại vương đều thở ra, rồi lượm cái bánh bao (vừa mới quăng) lên gặm tiếp cho đở sầu đời.

 

 

MỴ NƯƠNG ÚT MÓT

 

 

Thời gian trôi đi vùn vụt, mới đó mà Hùng Vương và Hùng Hậu thứ mười tám đã tới tuổi trung niên, con đàn cháu đống.  Các quan lang và mỵ nương đều đã gả vợ cưới chồng, chỉ riêng còn một Mỵ Nương Út Mót vẫn còn nhởn nhơ khiến Vương và Hậu nhức đầu không ít.

 

Đây nói về Mỵ Nương Út Mót của Hùng Vương thứ mười tám.  Năm đó cô đã mười bốn xuân xanh, đẹp gái nổi tiếng kinh thành.  Cô giống mẹ, da trắng như bông bưởi, tóm lại chỗ nào đáng đen thì đen, nên trắng thì trắng, phải dài thì dài và phải tròn thì tuyệt đối là không suông đuột.  Có thể nói đây là cô mỵ nương đẹp nhứt trong đám một chục cô mỵ nương của vua Hùng.  Là con gái út, tức nhiên cô được bố mẹ cưng khỏi nói.  Chỉ là cô ỷ được bố mẹ cưng nên ngang bướng cũng khỏi chê.

 

Được Hùng Hậu huấn luyện từ thuở mới tập nói, đến năm mười hai tuổi Mỵ Nương Út Mót đã nức tiếng tài sắc khắp cõi Văn Lang.  Chỉ có một chuyện vấn tóc cài trâm thì bị mẹ nói ra nói vô mãi cô mới chịu làm.  Nhưng vấn tóc cài trâm rồi cô vẫn cứ tiếp tục nhởn nhơ, chẳng lo kén chồng.  Cũng không hẳn vậy, chỉ là cô chưa vừa mắt với bất kỳ quan lang nào cả.  Mà số thí sanh quan lang đã và đang tham gia dự thi cũng đâu phải là nhỏ.  Không kể mấy chục quan lang của các lạc hầu, lạc tướng trong triều, còn có hằng trăm quan lang khác ở khắp các thái ấp xa xôi cũng như các quan lang ở trên các xứ Mường, xứ Thái.  Vậy mà tất cả đều bị tiểu Mỵ Nương của Hùng Vương thứ mười tám xù đẹp hết ráo.  Lý do thì nhiều vô số, chỉ kể chơi vài món.  Chẳng hạn như vầy:

 

“Con lạy mẹ !  Cái nhà anh quan lang Hăng Rô của nhà quan lạc hầu Thừa Tướng Hăng Rết có cặp bàn nạo to tướng thế kia, cưới nó về nhỡ khi nó quạu nó ngoạm cho một phát thì còn gì là Mỵ Nương bé bỏng của mẹ nữa kia chứ ?  Còn quan lang một của quan lạc tướng Cửu Môn Đô Đốc nữa.  Đã mười bảy rồi mà vẫn chưa có mỵ nương nào rước đi, ế thiu ế chảy thế kia mà mẹ nỡ lòng nào bắt con phải hạ mình đi cưới nó chứ ?  Mà ới làng nước ơi !  Tới cái thằng bé quan lang Đèo Cải Xọn, cháu của bà dì Tư con chú Ba của em cô cậu với Đèo phu nhân xứ Thái thì mới thực là kinh khủng !  Giời ngó xuống mà xem, đã tám tuổi đầu nhớn tồng ngồng như cái cột nhà rồi mà vẫn còn ngủ với mẹ.  Mà giời ạ !  Nghe đồn là còn măng vú mẹ nữa mới khiếp chứ.  Cưới nó về tối nó ngủ nhỡ nó cứ măng vú mỵ nương của mẹ thì buồn chết người, chịu đời sao thấu mẹ ơi !”

 

Hùng Vương đang ngồi lơ mơ nhâm nhi chén trà xanh, nghe cục cưng Út Mót kể tội các thí sanh quan lang một cách hết sức ngây thơ cả đống tội, bổng giựt mình nhảy nhỏm xém chút đổ chén trà.  Ngài đặt chén trà xuống, mở miệng định nói gì đó, nhưng bổng dưng nín thinh, chỉ đưa tay lên vuốt râu tủm tỉm cười thiệt khó hiểu.  Còn Hùng Hậu thì trợn tròn cặp mắt há miệng ra định mắng con gái nói năng ba trợn, nhưng câu mắng chưa kịp ra khỏi miệng thì thình lình trở đầu quay lại chui tuốt trở vô bụng !

 

Nhưng nói nào ngay, chuyện các quan lang khắp xứ đều bị xù đẹp và Mỵ Nương Út Mót vấn tóc cài trâm đã hai năm rồi mà vẫn chưa rước được quan lang nào về dinh cũng chẳng phải là chuyện trời sập gì.  Cả năm nay nỗi băn khoăn lớn nhứt của Hùng Vương thứ mười tám thiệt ra lại là chuyện khác.

 

Số là có một vị vương gia, thuộc họ hàng xa với Đèo Lạc Hầu xứ Thái, đã hai lần sai sứ tới Phong châu tỏ ý cầu thân mà cả hai lần đều bị Mỵ Nương Út Mót làm cho quê xệ.  Vị Vương gia này tên Phán, vốn dòng dõi vương tộc rất lâu đời ở đất Thục.  Mấy chục năm trước, xứ Thục bất ngờ bị nước láng giềng Tần đánh úp.  Nước Thục bại trận, Thục Vương và rất nhiều họ hàng trong vương tộc bị quân Tần giết hại.  Nhưng may mắn là có mẹ con một quan lang trong vương tộc cùng một số họ hàng được tướng sĩ trung thành liều chết cứu thoát.  Trên bước đường lưu vong, Quan lang được tướng sĩ tôn lên ngôi Vương rồi từ đó Vương gia cùng vương tộc dẫn tướng sĩ lưu lạc khắp nơi để tránh quân Tần truy sát.  Sau nhiều năm bị đánh đuổi khắp nơi, cuối cùng Thục vương gia được Trạch lãnh chúa đất Tây Âu, một láng giềng phía tây bắc của Văn Lang, thương tình cho ở đậu.  Mấy năm trước đây Thục Vương qua đời, truyền ngôi Vương lại cho Quan lang Thục Phán.  Bố conThục vương trước sau đều nung nấu hoài bão phục quốc, nên từ khi dừng chơn ở đất Tây Âu, đã ra sức chiêu mộ binh mã đợi thời cơ trở về đất Thục.

 

Vương gia Thục Phán vốn là một hào kiệt đương thời, biết nhìn xa trông rộng, có tài ngoại giao, rất được lòng tướng sĩ và được chủ nhà Trạch lãnh chúa cực lực ủng hộ.  Vương gia đã đề ra chiến lược vừa chiêu mộ binh mã, vừa sử dụng ngoại giao để tạo thế liên minh quân sự với các nước láng giềng.  Nước Văn Lang trù phú, binh cường mã tráng, từ lâu vốn là một mục tiêu ngoại giao quan trọng mà Thục Vương vẫn ao ước được kết minh.

 

Mấy năm trước, Thục Hậu bổng lâm bịnh qua đời.  Sau ba năm để tang vợ, Thục Vương cũng mới xấp xỉ ba mươi, đã tỏ ý muốn kết thân với Hùng Vương nước Văn Lang.  Đầu xuân năm trước, Thục Vương đã sai sứ mang lễ vật gồm sừng tê và gấm Thục tới Phong châu dưng lên Hùng Vương và Hùng Hậu và trình bày mỹ ý muốn làm rể Văn Lang.  Mặc dầu nhìn chung thì hai nhà quả thiệt môn đăng hộ đối nhưng triều đình Văn Lang vốn cũng biết rõ mười mươi ý đồ trước xin làm rể sau là mượn binh của Thục Vương nên không mấy hào hứng ủng hộ cuộc hôn nhơn vương giả này.  Mỵ Nương Út Mót sau khi nghe bố mẹ hỏi ý liền tạt ngay nước lạnh.

 

“Bố mẹ ơi !  Cụ Thục Vương đã xấp xỉ ba mươi, già ngắt khú đế rồi còn gì.  Con gái của bố mẹ có cưới là cưới chồng chứ cưới bố về làm gì kia chứ ?”

 

Vương và Hậu cũng chẳng buồn nói ra nói vô gì thêm, chỉ lựa lời từ chối khéo và trả lễ vật lại khiến quan sứ giả tiu nghỉu trở về.  Đến cuối năm sứ giả của Thục Vương lại mò sang lần nữa mang theo lễ vật nhiều gấp đôi lần trước.  Lần này không phải Thục Vương xin làm rể mà là Quan lang của Thục Vương mới ác chớ !  Coi bộ lần này Văn Lang còn lý do gì mà chê chú rể già quá đát nữa hay không kìa ?  Nhưng chỉ là Hùng Vương và Hùng Hậu không biết làm sao mở miệng từ chối thôi, chớ đối với Mỵ Nương Út Mót thì dễ ợt.

 

“Này quan Thục sứ !  Nhờ ông về chuyển lời lại với Thục Vương là bản Mỵ Nương đây đã cho người điều tra kỹ Quan lang của ngài.  Quan lang năm nay đã lên bảy mà còn chưa biết vận xà rông, tối nào cũng khóc nhè và đêm nào cũng đái dầm trôi mền trôi chiếu.  Bản Mỵ Nương đây vốn tính ưa sạch sẽ, có muốn tắm thì là tắm sữa dê sữa bò kia, chứ nước đái của Quan lang nhà ông thì quí báu gì mà bản Mỵ Nương phải cưới về để tắm chứ ?  Thôi nhờ quan sứ chịu khó thu hồi lễ vật đem về trả lại cho Thục vương gia giùm cho cháu nhé !”

 

Thục sứ giận nổi gân trán muốn !*#@!, nhưng ráng nhịn sợ bị chê là man di không biết lễ nghĩa, bèn hét quân sĩ khiêng hết lễ vật, không thèm nói một câu từ biệt, bỏ về một nước.

 

Hùng Vương thứ mười tám vì việc hai nước bất hòa này cũng băn khoăn lo nghĩ không ít.  Quân tế tác về báo cáo lại là hiện nay Thục Vương đang thao luyện mấy vạn binh mã ở Tây Âu.  Chuyện này không khéo lại biến thành chiến tranh giữa hai nước thì chỉ khiến trăm họ khốn khổ mà thôi.  Vương gia đã bàn bạc việc này nhiều lần với bá quan và triều đình đều đồng lòng tăng cường phòng thủ biên giới tây bắc, đề phòng quân Thục bất ngờ đánh úp.  Riêng Mỵ Nương Út Mót vẫn tiếp tục nhởn nhơ ngày ngày bẻ hoa bắt bướm, đêm đêm bắt đom đóm về chơi, trời có sập cũng coi như đắp mền !

 

 

TƠ DUYÊN TRỜI ĐỊNH

 

 

Giữa mùa Thu năm đó, Mỵ Nương Út Mót bỗng dưng nổi hứng đòi đi chơi núi Tản Viên để ngắm cảnh rừng Phong, mà thiên hạ vẫn truyền tụng là đang nhuốm màu quan san, để xem cái màu quan san thiệt ra là màu gì.  Vương và Hậu tối ngày nghe con gái lèo nhèo nhức xương chịu không thấu, bèn truyền lịnh xa giá lên núi cắm trại để Mỵ Nương xem cho đã.

 

Một bữa nọ, sau khi cơm trưa xong, mọi người đều chui vô lều nghỉ trưa.  Mỵ Nương Út Mót nằm lăn qua lăn lại một hồi không ngủ được, bèn lén chui ra khỏi lều rồi thơ thẩn đi vô rừng.  Bổng nhiên Mỵ Nương bắt gặp một cặp bướm to cỡ bàn tay, màu sắc đẹp hết ý, cứ bay qua bay lại trước mặt.  Bèn rượt theo bắt cho kỳ được, nhưng không sẵn cây vợt trong tay dễ gì mà bắt được cặp bướm quỉ quái kia, nên càng rượt Mỵ Nương càng chạy sâu vô rừng.

 

Đây xin nói về thần Sơn Tinh trên núi Tản Viên.  Thiệt ra không ai biết rõ lai lịch gốc gác của vị thần này, cũng không biết Thần đã bao nhiêu tuổi, chỉ nghe dân miệt Lãnh Nam đồn đãi là Thần đã châu du khắp thiên hạ, đến núi Tản Viên thấy phong cảnh hữu tình nên ở lại đã có mấy trăm năm nay.  Thần Sơn Tinh hay hiện thân như là một tráng sĩ tuổi ngoài đôi mươi, mặc áo da thú, tóc xõa chấm vai, mày rậm mắt sáng, tướng tá thô hào.  Thần lại rất nổi tiếng ở chỗ hay làm việc nghĩa hiệp, các tiều phu và thợ săn đều đồn rằng nếu lên núi đốn củi, săn bắn mà gặp tai nạn hoặc lạc đường cứ cầu khấn Sơn Tinh thì thế nào Thần cũng hiện đến giúp đỡ.

 

Mấy ngày trước thần Sơn Tinh đứng trên núi Tản, thấy xa giá của Hùng vương nước Văn Lang lên núi.  Không muốn kinh động đến phái đoàn vương tộc Văn Lang đi ngoạn cảnh nên Sơn Tinh đã hóa thành một con cọp vằn đi tuốt vô rừng sâu tránh mặt.  Buổi trưa hôm đó Sơn Tinh trong lốt con cọp vằn đang nằm trên gành đá bên bờ vực, dưới một bụi rậm, lim dim thưởng thức cảnh giang sơn của mình đang thay áo.  Bên tai gió thổi hiu hiu, chẳng bao lâu Thần ngủ quên lúc nào cũng không hay.

 

Trong lúc đó thì Mỵ Nương Út Mót rượt theo cặp bướm cũng vừa chạy tới.  Cặp bướm có lẽ chơi trò cút bắt với Mỵ Nương nãy giờ cũng thấy oải nên đáp ngay lên bụi cây.  Mỵ Nương cứ dán cặp mắt vào đôi bướm nên chẳng thấy cái đuôi cọp tổ chảng đang thò ra dưới lùm cây, cô rón rén bước tới từng bước từng bước, rồi thình lình phóng tới giơ hai tay chụp cặp bướm.  Nhưng dễ gì !  Vừa nghe động cặp bướm đã chém vè dông lẹ, còn Mỵ Nương lỡ trớn đáp ngay xuống cái đuôi con cọp vằn.  Mèn ơi !  Con cọp vằn đang say sưa kéo gỗ, bỗng nhiên vùng vậy rống lên một tiếng rung chuyển cả núi rừng.  Mỵ Nương thất kinh, hồn bất phụ thể, cặp giò tự nhiên mềm xèo khiến cô sụm ngay xuống đất rồi lăn long lóc ra bờ vực, sẵn trớn lăn tuốt xuống vực luôn.  Mỵ Nương sợ điếng hồn chưa kịp la thì đã rớt cái bịch lên một tàn cây mọc ra từ vách núi.  May mà tàn cây rậm rạp lại có dây leo quấn chằng chịch, êm như cái gối rơm, nên Mỵ Nương không bị thương tích gì, chỉ phải một phen hoảng vía nên cô cứ ôm cứng lấy cành cây mà chịu trận.

 

Con cọp vằn Sơn Tinh phía trên gành đá lúc bấy giờ đã hoàn toàn tỉnh ngủ và đang nhìn quanh tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra mà cái đuôi tự nhiên đau thấu trời vậy cà ?  Còn đang phân vân thì bổng nghe có tiếng con gái kêu cứu vọng lên từ dưới bờ vực.  Sơn Tinh liền rùng mình biến hình lại thành một tráng sĩ mặc áo da thú, rồi bước tới bờ vực nhìn xuống.  Mỵ Nương đang ngồi trên tàn cây ngó lên, bổng thấy một tráng sĩ mặt mày đầy râu đang đứng nhìn xuống, liền vẩy tay rối rít kêu cứu.  Sơn Tinh lập tức nổi lòng nghĩa hiệp liền tung mình phóng xuống ôm gọn lấy Mỵ nương rồi bay vọt trở lên.  Mỵ Nương nghe gió thổi bên tai vù vù, hoảng hốt nhắm tít mắt lại, hai tay cứ bám chặt lấy tráng sĩ rậm râu.  Đến lúc hết nghe gió thổi cô mới mở mắt ra thì đã thấy mình đang ngồi trên gành đá, trước mặt là chàng tráng sĩ đang đứng nhìn mình đăm đăm.  Tự nhiên Mỵ Nương cảm thấy toàn thân như có kiến bò.  Sao chàng táo bạo quá vậy kìa ?  Từ trước tới giờ ở đất Văn Lang này chỉ có mình ngó con trai đăm đăm như thế chứ có con trai nào dám ngó thẳng mình như vậy bao giờ.

 

Đột nhiên Mỵ Nương đứng phắt dậy, dáo dác nhìn quanh.

 

“Chàng có thấy một con cọp vằn rất to ở đây không ?  Lúc nãy thiếp dẫm phải cái đuôi của nó khiến nó rống lên một tiếng rõ to, làm thiếp kinh hải lăn quay xuống vực đấy.”

 

Thì ra là vậy.  Bây giờ thì Sơn Tinh đã biết chuyện gì đã xảy ra trong lúc mình đang ngủ.  Không muốn giải thích lôi thôi nên Sơn Tinh trả lời cho qua chuyện.

 

“Ờ, lúc nãy ta quả có nghe tiếng cọp gầm, liền chạy tới đây thì thấy bóng một con cọp vằn phóng chạy đi.  Kế, ta nghe tiếng nàng kêu cứu mới xuống đó cứu nàng lên đấy.  Mà nàng là ai ?  Một mình đến đây làm gì đến nổi gặp nạn ?”

 

Mỵ Nương nghe tráng sĩ râu ria nói con cọp vằn đã chạy đi mới thở phào nhẹ nhỏm rồi ỏn ẻn thưa.

 

“Thiếp là Mỵ Nương Út Mót của Hùng Vương đất Văn Lang.  Mấy ngày qua thiếp theo bố mẹ tới du ngoạn núi này.  Trưa nay vì đuổi theo cặp bướm mà mắc nạn.  May được chàng trượng nghĩa cứu giúp, nếu không thì e rằng thiếp đã chôn thân nơi đáy vực rồi.  Ơn cứu mạng của chàng thực thiếp không biết lấy gì đền đáp, xin chàng nhận thiếp một lạy.”

 

Nói rồi Mỵ Nương liền quì xuống, nhưng tức nhiên Sơn Tinh đâu có nhận vái lạy của Mỵ Nương mần chi, liền đưa tay đỡ cô đứng dậy.

 

“Thì ra nàng là Mỵ Nương Út Mót đã nổi danh tài sắc xứ Văn Lang.  Hôm nay được gặp mặt, thực là hân hạnh.  Ta là Sơn Tinh vốn ở núi này đã lâu.  Mấy hôm nay ta có thấy xa giá Vương gia tới hạ trại trên núi.  Chỉ là từ trước tới giờ ta chưa được hân hạnh quen biết với Vương gia nên không dám đường đột tới trại xin ra mắt.”

 

Nghe tráng sĩ tự xưng là Sơn Tinh núi Tản Viên, Mỵ Nương tròn xoe cặp mắt nhìn tráng sĩ đầy vẽ thán phục.

 

“Ô !  Thì ra chàng là thần Sơn Tinh từ lâu nổi tiếng nghĩa hiệp khắp cõi Lãnh Nam .  Thảo nào chàng tài phép vô song, đạp mây cỡi gió như đi dạo dưới đất bằng.  Mỵ Nương Út Mót xứ Văn Lang xin được hân hạnh ra mắt Sơn Tinh núi Tản.”

 

Rồi cô rất điệu, vòng tay, khuỵu gối, ngoáy ngoáy cái chỗ ngồi, đầu cúi thấp mà cặp mắt cứ chớp lia liếc liếc tráng sĩ râu ria.  Sơn Tinh khi không như ăn nhằm nấm độc, thở phì phì như trâu kéo cày, đầu óc quay mòng mòng thiếu điều muốn té xỉu.  Không biết nói gì, Sơn Tinh cứ cà lăm cà lắp.

 

“Ờ... ờ... ! Không dám, không dám.  Xin Mỵ Nương chớ đa lễ.  Ờ... ờ... !  Mà Mỵ Nương chắc đã rời trại khá lâu rồi, hay là để ta đưa nàng trở về trại, kẻo bố mẹ nàng phải lo lắng sai người đi kiếm.”

 

Mỵ Nương trong bụng hơi thất vọng, nhưng không lẽ mới quen mà mở miệng đòi ngồi lại nói chuyện với chàng thêm vài canh giờ nữa thì xệ quá, đành miễn cưởng gật đầu.

 

“Vậy thiếp xin làm phiền chàng đưa thiếp về ạ !”

 

Sơn Tinh liền đưa bàn tay bự như cái quạt ra nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của Mỵ Nương, miệng lâm râm đọc thần chú, lập tức hai người bay bổng lên không rồi bay vù vù xuống núi.  Mỵ Nương thích chí ngây ngất, cứ muốn chàng cầm tay mình bay hoài tới tận cùng trời đất.  Nhưng một lần nữa cô lại thất vọng vì chỉ trong nháy mắt đã thấy lều trại vua Hùng hiện ra ở chỗ lưng chừng núi, quân sĩ đang dắt chó thả chim túa ra chung quanh trại tìm kiếm.  Sơn Tinh liền đưa Mỵ Nương đáp xuống khuất sau một cây cổ thụ.

 

“Xin thứ lổi ta không tiện vào trại nên chỉ có thể đưa nàng tới đây thôi.  Chúng ta tạm biệt ở đây.  Xin nàng kín miệng đừng kể lại cho ai biết cuộc gặp gỡ hôm nay nhé !  Lần sau nhớ đừng vào rừng một mình, rủi ro nàng gặp nạn thì trên là phụ nghĩa sanh thành, dưới thì khiến bao nhiêu quan lang khắp xứ phải đau lòng xót dạ.”

 

Chao ơi ! Sao chàng nói năng cứ giống y như bố Hùng Vương ở nhà thế kia nhỉ ?  Nhưng quái lạ !  Sao bố nói thì nghe chẳng thấy tí xíu nào ngọt ngào duyên dáng như chàng vậy kìa ?  Thình lình Mỵ Nương đưa tay tháo cái vòng ngọc ở cổ tay trái ra, rồi không cần biết Sơn Tinh có nhận hay không, cô cứ dúi cái vòng ngọc vào bàn tay tổ chảng của chàng rồi nhìn chàng đăm đăm, ánh mắt thiệt tha thiết, trìu mến, u ẩn chiều Tản Viên.

 

“Mong chàng nhận lấy.  Mỗi ngày chàng nhìn thấy nó như nhìn thấy thiếp vậy.”

 

Dưới bóng chiều trong rừng Phong, gió cuốn tung lá vàng bay lả tả, đôi bạn nắm chặt tay nhau chẳng nỡ rời xa, bốn mắt ngó nhau quả nhiên tình trong đà quá đã chỉ là mặt ngoài còn hơi ê ê, trái tim nhỏ của cô tiểu Mỵ Nương như co thắt lại, trái tim bự của tráng sĩ rậm râu đập đùng đùng như trống thúc quân.  Tình cảnh hỡi ơi thiệt là:

 

Chàng về, thiếp chẳng muốn về.

Hổng về quê xệ, phải đành về thôi.

Vòng này vốn dĩ một đôi,

Chàng giữ một chiếc, lôi thôi thiếp bằm !

 

Rồi cô buông tay chàng ra, chẳng đợi chàng trả lời, quay mình thoăn thoắt bước đi.  Tráng sĩ Sơn Tinh râu ria tay nắm chặt chiếc vòng ngọc, đứng sau gốc cây ngơ ngẩn nhìn theo Mỵ Nương cho tới khi cô bị chìm lấp trong đám quân sĩ và đầy tớ đang vui mừng reo hò ùa tới.

 

Hùng Vương và Hùng Hậu trải qua một phen hoảng vía nên sáng sớm hôm sau liền truyền lịnh nhổ trại xuống núi.

 

Coi bộ My Nương Út Mót đã tìm thấy được người trong ý rồi, nhưng ông Tơ lẩm cẩm có chịu khó se mối duyên này cho xuôi chèo mát mái hay không ?  Muốn biết mối tình vừa chớm của cô Mỵ Nương tài sắc và tráng sĩ Sơn Tinh rậm râu sẽ phát triển theo chiều hướng nào, đám cưới hay cuốn gói trốn đi, xin mời quí độc giả đón xem lời giải đáp trong phần kết cuộc sẽ được trình làng vào dịp Tân Niên.