NG GÌ ĐÂY ?

Miệt Dưới Dũng Trần

 

 

DN

 

Gn đây có mt đc gi ca GĐNN gi i-meo ti hi GĐNN v tên ca mt đa danh Sài Gòn là Hàng Sanh hay Hàng Xanh. 

 

 

CÂY SANH LÀ CÂY GÌ VẬY CÀ ?

 

Kết quả tìm kiếm đầu tiên người viết nhận được từ web site caycanhsaigon.com là quả thiệt ở Việt Nam ta có cái thứ cây gọi là cây Sanh.  Mà nó cũng chẳng phải xa lạ gì với bà con ta đâu.  Cứ ngó bộ vó trăm tay ngàn cẳng thấy phát ớn của nó thì trên cõi đời này còn ai dám nghi ngờ quyết tâm giành đất tới ngày Tận Thế của nó chớ ?.  Người viết tin là hồi đầu năm nay đã có dịp gặp nó nhiều lần ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài dưới hình thức những chậu bonsai ngó thiệt hoành tráng (và tức nhiên giá cả cũng hoành ... thánh không kém).  Chỉ là lúc đó người viết cứ tưởng là mình đang xem các bonsai cây Si mà thôi.

 

 

CÂY SANH VÀ CÂY SI

 

 

Theo Wikipedia, cây Sanh có nguồn gốc từ bán đảo Ấn Độ.  Nên tức nhiên nó cũng phải có tên Ấn Độ mới thiệt đúng điệu cà-ri nị chớ.  Mà đâu phải chỉ có một tên.  Trong ngôn ngữ Hindi hiện tại, cây Sanh có ít ra là ba tên: Bargad, Vatavriksh, Barh.  Mà hình như thiên hạ thấy vẫn còn chưa đủ, cho nên dân Anh-Cát-Lợi khi mò tới Ấn Độ thấy cái cây hùng vĩ lạ lùng này, bèn vô cùng hâm mộ và tặng cho nó thêm vài cái tên nữa như là Banyan, Indian Fig, Bengal Fig.

 

Tên loạn xà ngầu như vậy kể ra cũng làm phiền không ít cho các nhà thực vật mỗi khi muốn gọi nó, nên các chuyên gia phân loại thực vật đã chịu khó phân loại và đặt tên khoa học cho nó như sau:

 

Class:           Magnoliopsida

                   Order:          Urticales

                   Family:         Moraceae

                   Genus:         Ficus

                   Species:        Ficus benghalensis            synonyms:    Ficus indica

 

Vậy thì đối với cây Si, các nhà phân loại đã phân loại và đặt tên gì đây ?  Coi tiếp Wikipedia thì câu trả lời cũng y hệt như cây Sanh, cũng vẫn là Ficus benghalensis.  Có thiệt không vậy ?  Tham khảo Encyclopædia Britannica cho chắc ăn.  Lại cũng là Ficus benghalensis !  Hơ hơ !  Như vậy là các nhà phân loại thực vật đã coi hai tên Sanh, Si này là một, ít ra là cùng loài (species).  Nên từ căn bản đó, người viết suy đoán tiếp là nếu như hai cây có sự khác biệt gì thì chỉ là khác biệt ở cấp chủng (variety) mà thôi.

Hình 1:  Một chậu bonsai cây Sanh ở Hà Nội.

Source:  diendan.nguoihanoi.net   

Hình 2:  Một chậu bonsai cây Si trắng ở Hà Tây

Source: aquabird.com.vn

 

Trong thiên nhiên, cả hai Sanh và Si đều là những đại mộc, trăm tay ngàn cẳng, cao lớn hùng vĩ, có thể cao trên 30 thước, cành nhánh và rễ khí sanh có thể bao phủ một đường kính vài chục thước như chơi.  Chẳng hạn như hiện nay ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, có một cây Banyan đại thụ được trồng trong Edison and Ford Winter Estates, nghe nói do chính tay ngài bác học Thomas A. Edison trồng hồi năm 1925, lúc đó nó chỉ mới là một cây con cao 4 feet (1.2 m) do một người bạn mang từ Ấn Độ về tặng cho ngài.  Ngày nay cây Banyan này đã ngoài 80 tuổi, tàn lá bao phủ một vùng có đường kính 400 feet (120 m) !  Nhưng nó cũng còn tương đối trẻ trung nếu đem so với cây Banyan trồng năm 1873 tại Lahaina’s Courthouse Square, tiểu bang Hawaii, tàn lá cây này hiện nay bao phủ một diện tích là hai phần ba mẫu Anh.  Tuy nhiên, cây Banyan nổi tiếng già nhứt thế giới lại là cái cây đang trồng ở thành phố du lịch nổi tiếng Kabirvad, tiểu bang Gujarat của Ấn Độ.  Ông lão Banyan này hiện nay đã ngoài 300 tuổi, tàn cây bao phủ một diện tích là 3.7 mẫu Anh.  Cũng theo Wikipedia thì cây Banyan bự nhứt thế giới hiện nay, tính theo diện tích che phủ, là cái cây đang đứng phơi nắng Ấn Độ trong Indian Botanic Garden của thành phố Howrat, tiểu bang West Bengal.  Nhưng lại không thấy nói diện tích che phủ này là bao lớn.

 

Nói tóm lại, hai anh em Sanh, Si này mặt mũi tay chơn đều bậm trợn như nhau, y hệt như hai anh em sanh đôi.  Nên nếu không phải là má nó thiệt là khó lòng phân biệt được đứa nào anh, đứa nào em.  Mời các bạn ta xem hình 1 và hình 2 thì rõ.

 

 

TỪ TRỒNG CÂY SUNG TỚI TRỒNG CÂY SI  

 

Ficus là một Tông chi (Giống, Genus) rất lớn.  Danh sách các anh chị em chú bác của chi này liệt kê trên Wikipedia đếm được cỡ 850 tên (species).  Vừa đông, vừa đa dạng, chi Ficus bao gồm từ những cây thân mộc vĩ đại cho chí tới cây bụi tầm thường, luôn cả dây leo, tầm gởi (ký sanh, epiphytes) và bán tầm gởi (hemi-epiphytes).  Cống hiến cho đời của chi Ficus cũng rất muôn màu muôn vẽ, có thứ cho bóng mát, có thứ cho trái ăn được, có thứ trái không ăn được, lại có thứ đem ngâm rượu uống chơi hay làm thuốc ...  Thôi thì anh thư, hào kiệt đều đủ mặt, trong đó có cả cây Sung (Ficus racemosa) rất quen thuộc đối với người Việt ta.  Cây Sung ở Việt Nam có mặt khắp nơi.  Trái Sung ăn tuy chẳng ngon lành gì, nhưng đặc biệt được người Việt ưa đem chưng trên bàn thờ tổ tiên ba ngày Tết để cầu được mãn năm sung túc.  Ở hải ngoại có một chị em ngoài ngàn dặm của cây Sung là cây Fig hay Common Fig (Ficus carica) mà người viết nghe một số người Việt ở Miệt Dưới gọi là trái Vả tây.  Trái Fig lớn cỡ trái lê nhỏ, mượt mà óng ả hơn trái sung, khi chín có vị rất ngọt.  Riêng ở Miệt Dưới người viết nhận thấy trái Fig được các sắc dân Ấn Độ và Tích Lan tận tình chiếu cố rất đặc biệt.

 

Image:Fig.jpg

Hình 3:  Trái Fig (Vả tây ?)

Source: wikipedia.org/wiki/Common_Fig

 

 

CÂY SANH VÀ CÂY GÕ

 

Độc giả họ Nguyễn có nhắc tới cây Sanh cùng họ với cây Gõ trong i-meo thắc mắc nên nhơn đây người viết cũng xin tán thêm ít hàng về cái cây này.

 

Cây gõ là một danh mộc, tiếng tăm đã lẫy lừng lâu đời ở Việt Nam, rất được dân chơi đồ gỗ ưa chuộng vì ngoài đặc tính cứng rắn mối mọt nào lỡ cạp trúng thì chỉ có nước đi kiếm nha sĩ, chịu đựng được thời tiết nhiệt đới nóng và ẩm, gõ còn có vân và màu sắc tuyệt đẹp.  Nên với bàn tay khéo léo của các nghệ nhơn thêm vài thùng varnish loại chiến như polyurethane, gõ đã, đang và sẽ dài dài tiếp tục trở thành các món đồ gia dụng hay trưng bày trong nhà tuyệt đẹp.  Những bộ ván Gõ hai, ba miếng dày cả chống; những căn nhà cổ với hàng cột Gõ tròn cả ôm đã từng là niềm mơ ước, là dấu chỉ của sự phú quý giàu sang đối với dân Lục Tỉnh Nam Kỳ.  Cho tới hiện nay, các thứ này vẫn tiếp tục lì lợm nằm trên các hàng đầu trong danh mục sưu tầm của các tay săn đồ cổ.

 

   

Hình 4:  Tủ Gõ Đỏ                               Hình 5:  Giường Gõ Mật và Gõ Đỏ

Source: Sưu tập riêng của Dũng Trần

 

Có hai thứ Gõ thông dụng ở Việt Nam: Gõ Đỏ và Gõ Mật.  Sự phân biệt này căn cứ trên màu sắc và vân gỗ.  Gõ Đỏ cho gỗ màu đỏ, vân vằn đen như da cọp; còn gỗ Gõ Mật màu hường, vân nâu.  Theo Wikipedia, cả hai chị em nhà Gõ này đều có quê quán ở vùng Đông Nam Á.  Nên dĩ nhiên ngoài tên Việt Nam ra, hai chị em này còn có tên Miên, Mã, Lào, Thái, Miến nữa mới là phải đạo chớ.  Đáng tiếc là ngoài tên Campuchea của thiếm Gõ Đỏ là beng ra, người viết chưa tìm được các tên khác.  Trong thiên nhiên, cả hai đều là đại mộc, chiều cao có thể tới 30 thước và đường kính thân có thể lớn hơn 2 thước.

 

Các nhà phân loại thực vật đã xếp loại và đặt tên cho chị em nhà Gõ như sau:

 

                             Gõ Đỏ                                                Gõ Mật

 

          Class:           Magnoliopsida                                     Magnoliopsida

          Order:           Fabales                                               Fabales

          Family:         Fabaceae                                             Fabaceae

          Genus:         Afzelia                                                 Sindora

          Species:        Afzelia xylocarpa                                  Sindora siamensis

 

Căn cứ theo bảng phân loại này thì biểu tỉ và biểu muội nhà Gõ đều thuộc bộ Đậu (Fabales), họ Đậu (Fabaceae).  Cho nên nếu nói về thân bằng quyến thuộc thì biểu tỉ muội nhà Gõ phải gần gủi hơn với các chú bác cô dì họ Đậu khác, như là:

 

          Me               (Tamarindus indica)

          Phượng vĩ     (Delonix regia)

          Điệp (ta)       (Caesapinia pulcherrima)

          Ô Môi           (Cassia grandis)

          Vông (nem)  (Erythrina variegata)

          ...

 

Tóm lại, xét về quan hệ họ hàng thì huynh đệ Sanh, Si tuy có cùng đầu ông Lớp (Class) với biểu tỉ muội nhà Gõ, nhưng đã là họ hàng rất xa, cà-nông thụt ba ngày chắc cũng chưa tới.

 

 

VẬY THÌ HÀNG GÌ ĐÂY ?

 

 

Đã vòng vo Tam Quốc chuyện cây Sanh là cái thứ cây gì, có mắc mớ gì tới chị em họ nhà Sung, nhà Gõ, người viết xin trở lại nghi vấn Hàng gì đây.

 

Tài liệu người viết đầu tiên nghĩ tới có thể trả lời nghi vấn Hàng Sanh hay Hàng Xanh là quyển Sài Gòn Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển.  Cụ Vương vốn là thổ công của Sài Gòn, trong quyển sách này cụ đã đính chánh nhiều địa danh bị đọc sai tương tự trường hợp Sanh hay Xanh. Chẳng hạn như chữ rừng sát.  Theo cụ thì phải viết là rừng sác mới đúng.  Cụ trưng dẫn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của cụ Huỳnh Tịnh Của, trương 276, làm bằng chứng:

 

          Sác:             cây nước mặn

          Rừng sác:     rừng cây nước mặn

 

Tức là cái đám đước, dà, tràm, bần, mắm ... .  Tuy nhiên, cả ba quyển I, II và III đều không thấy cụ nhắc tới địa danh hay tên đường Hàng Sanh, mặc dầu các tên đường như Hàng Thị, Hàng Điệp, Hàng Me, Hàng Sao, Hàng Dầu (đều là tên cây trồng bên đường lấy bóng mát) ... cụ đều có ít nhiều nhắc tới.  Kể cả trong hai chương Cây trồng hai bên lề đường và Bổ túc Cây trồng hai bên lề đường cũng không thấy cụ nói tới cây Sanh, mặc dầu cụ đã kể khá nhiều tên cây như Hòe, Liễu, Me, Điệp, Bàng, Dừa, Thốt Lốt, Sao, Dầu, Gõ ... chẳng thiếu cây nào.

 

Nên đành xếp Sài Gòn Năm Xưa của cụ Vương qua một bên.  Định giơ tay đầu hàng chuyện Hàng Sanh hay Hàng Xanh thì tình cờ mò vô được forum chủ đề Bạn Yêu Thanh Đa Vì Những Gì trên web site thanhda.vietcal.org/community.  Quá đã !  Xin ghi lại phần đối đáp của hai nhơn vật Sao Băng và Trường Khắc hồi năm 2007 cho các bạn ta tham tường.

 

Tôi trong tứ tuần rồi mà cũng chưa hề biết cây Sanh vì nó được người Pháp trồng và khởi đầu từ những năm 60 chúng đã bị tịch diệt nhiều ,chỉ có những cụ   cỡ 80 tuổi trên mới biết chúng và thưòng kể lại cho con cháu nghe.Buồn nhể?

            Bạn có thể cho biết cây "Sanh" đó nó như thế nào không? Có hình ảnh càng tốt.  

 

            Gia đình tôi sống ở khu vực Hàng Sanh (viết Hàng Sanh mới đúng vì lúc đó đường Hàng Sanh tức Bạch Đằng ,quận Bình Thạnh bấy giờ chỉ trồng mổi loại cây          có tên gọi cây Sanh) từ trước 1945.

 

            to all: Đấy ,cảm ơn nhà thông thái tetmaroc đã "CỨU NGUY DÂN TỘC > cho tôi.Còn lý do Hàng Sanh biến thành Hàng Xanh thì chắc các bạn đã đoán ra rồi : phát âm chử s saigòn phải uốn lưỡi hoài thì mệt lắm.Tội nghiệp cho cây Sanh quá ! hix hix. . ...  

 

 

Tới đây thì thắc mắc Xanh hay Sanh của độc giả họ Nguyễn coi bộ đã có câu trả lời rồi đó nghe.  Thì ra trước độc giả họ Nguyễn đã có một số người thắc mắc chuyện này rồi.  Vậy xin được tạm kết luận ở đây.  Theo thiển ý người viết thì chuyện nội tổ của độc giả họ Nguyễn giải thích về cây Sanh và địa danh Hàng Sanh quả thiệt rất có đạo lý và phù hợp với những hiểu biết của những người khác từng sống ở khu vực Hàng Sanh.  Địa danh Hàng Sanh bắt nguồn từ những chứng cớ hoàn toàn đáng tin cậy và bị biến thành Hàng Xanh vì những lý do cũng rất Nam Kỳ Sài Gòn.  Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, không phải Sanh nào ở miền Nam cũng bị biến thành Xanh hết đâu, bằng chứng là xóm Cây Sanh ở Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (vĩ độ 11° 00’ 00” bắc, kinh độ 106°41’ 00” đông) tới nay vẫn còn nguyên là xóm Cây Sanh.  Vậy rồi chừng nào Hàng Xanh lại trở lại Hàng Sanh ?  Cái đó người viết thấy chắc còn lâu, vì như cụ Vương đã từng than rằng Thiên hạ nói sai đã tràn đồng và không gì mạnh hơn được thông tục.  Cho nên:

 

          Hàng Sanh mới thành Hàng Xanh

          Chưa thành Hàng Sảnh, mắc gì mà lo !

 

Đúng hôn, bà con ?

 

Viết xong ngày 17/11/08 ở Méo-Bình

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. www.caycanhsaigon.com

  2. www.diendan.nguoihanoi.net  

  3. www.aquabird.com.vn

  4. www.agriviet.com

  5. www.thanhda.vietcal.org/community/

  6. www.maplandia.com/vietnam/song-be/thu-dau-mot/xom-cay-sanh

  7. www.wikipedia.org

  8. Encyclopædia Britannica 2005

  9. Vương Hồng Sển, Sài Gòn Năm Xưa, tái bản lần 2, 1997, NXB TPHCM.

  10. Vương Hồng Sển, Sài Gòn Tạp Pín Lù (Sài Gòn Năm Xưa II và III), 1998, NXB VHTT.