NHỮNG CHUYỆN NGOÀI BIÊN BẢN

Miệt Dưới Dũng Trần

 

Để xem chú thích, xin di chuyển chuột (mouse) ngay trên số chú thích, sẽ có ô chú thích hiện ra.

Phi Lộ 

Năm kia Đinh sư muội có rủ rê Phan phu nhơn và người ghi cùng ngồi ghi lại chuyện đi chống rầy nâu của K16 vào năm 77 hay 78 gì đó để đăng lên báo Xuân K16, trước là cho các bạn ta xem chơi cho vui ba ngay Tết, sau là có dịp cho K16 ôn lại một chút cái thời xa xưa ta bé ta ngu, ta lấy dây thun …. Lúc đó người ghi có thử ngồi nhớ lại, nhưng cái hard disk của mình sau hai mươi mấy năm quả thiệt đã hao mòn trầm trọng, rốt cuộc chẳng nhớ lại được bao nhiêu nên đành bỏ cuộc. Nay nhơn tác giả Kim Bông, năm xưa vốn là tổ trưởng của tiểu tổ chống rầy nâu ở xã Dương Xuân Hội mà trong đó người ghi cũng là một tổ viên, đã chịu khó ngồi ghi lại đoạn cố sự chống rầy này, nên người ghi mới có dịp ôn lại chuyện củ. Bèn nhơn đó mà nhớ lại được ít nhiều. Vậy xin được góp một vài chuyện vào cái chuyện dài chống rầy chung của K16.

Cũng xin nói thêm ở đây là đại khái chuyện chống rầy nâu của tiểu tổ đã được tác giả Kim Bông kể lại khá đầy đủ. Tuy nhiên, bởi vì tác giả đã nhắc tới chuyện tác giả đã từng méc với thầy Thạch là trong tiểu tổ có người đi họp về ưa kể chuyện ngoài biên bản, nên có lẻ sẽ có không ít các bạn ta thắc mắc đó là những chuyện gì. 

rice_field_005.jpg (41992 bytes)

Vậy nhơn ba ngày Tết được hưởn, người ghi xin phép được cà kê với các bạn ta vài chuyện.

 

ĐỊA DANH TẦM VU VÀ TRUYỀN THUYẾT QUÂN VƯƠNG TÌM VỢ NHỎ

Địa danh Tầm Vu có thể nghe lạ hoắc đối với nhiều người nhưng người ghi tin là rất quen thuộc đối với con dân K16, nhứt là K16 nội trú. Người ghi cam đoan là K16 ta chẳng những quen mà còn đã quen rất lâu trước khi xảy ra chuyện mấy con rầy nâu mắc toi kia giở giói ra, làm cho lụy đến đám bạn già … K16 ! Tại sao người ghi dám khẳng định như vậy ? Xin trả lời ngay là bộ ở trong cư xá những đêm trăng thanh gió mát không phải huynh đệ tỉ muội ta thường thấy Lê huynh đệ lên dây cây đờn lục huyền cầm rồi lấy hơi ca nam ca bắc như vầy sao ?

Nếu mơi thất nghiệp anh dìa Tầm Vu anh cắm câu.

Bắt con nhái bầu.

Cắm ngay đầu cầu.

Chờ cho trăng sáng cá cắn câu.

Để mơi mốt nọ em dìa làm dâu cho má anh !

Rồi huynh trưởng mình tiếp lời lấy hơi cụ Thành Được vô sáu câu:

Bớ em gái Tầm Vu tóc thề nghiêng nghiêng vành nón lá ! Xin hảy dừng chơn cho anh hỏi thăm…ư…đường.

Xuống xề mùi muốn rụng chổi chà của Dũng Đoàn luôn ! Nghe riết rồi K16 ta không quen tên Tầm Vu sao được ?

Địa danh Tầm Vu thì rõ ràng là tên chữ (Nho). Nên có thể đoán mò là tên do Nguyễn triều ban cho vào thời kỳ lưu dân từ Đàng Ngoài tới khai phá đất Long An hoặc giả là do một cụ túc nho nào đó lưu lạc đến đây đặt ra. Quê ngoại của người ghi ở làng Tân Chánh cũng thuộc tỉnh Long An và chỉ cách huyện lỵ Tầm Vu chừng mươi hay mươi lăm cây số. Tuy nhiên làng Tân Chánh lại thuộc về huyện Cần Đước. Địa danh sau cũng là một tên chữ. Theo như ông ngoại người ghi kể lại thì hồi xưa lúc còn dùng chữ nho thì công văn đều viết là Cần Đức, nhưng chữ “Đức” ở miệt lục tỉnh khi phát âm bị biến thành “Đước” để né cái tên của cụ Nguyễn Huỳnh Đức vốn là một khai quốc công thần, đức cao trọng vọng của Nguyễn triều. Thuở nhỏ, người ghi cũng nhiều lần được nghe ông bà ngoại nhắc tới địa danh Tầm Vu, nhưng không có nghe ông bà ngoại nói có đức hoàng đế nào ở ngoài Huế đến xứ Tầm Vu để kiếm vợ nhỏ (1). Nhưng cứ giả tỉ là có đi, vậy thì tên Tầm Vu có thể nào mắc mớ tới truyền thuyết này không ?

Tầm Vu thì hẳn nhiên là đi kiếm “vu” rồi. Có điều trong chữ Nho có tới cả chục chữ “vu” lận. Viết bằng chữ Nho thì mỗi chữ đều khác, nhưng viết bằng Quốc Ngữ thì khó biết là chữ "vu" nào. Mà trong đám "vu" này thì chỉ có một chữ có nghĩa rõ ràng là một người đờn bà, nhưng kẹt một cái lại là bà … bóng ! Coi bộ chắc là không phải chữ này rồi. Bởi vì hoàng thượng đến đây kiếm bà bóng để làm cái gì chớ ? Ở kinh đô Phú Xuân bộ không có hay sao mà các ngài phải trèo non lặn lội vào tận cái xứ đồng lầy nước mặn, khỉ ho cò gáy này (vào thời đó) mà kiếm ? Cũng xin các bạn đọc chớ có hiểu lầm người ghi kỳ thị bà bóng hay có ý chê các bà bóng kém nhan sắc đâu nghe. Nói thiệt không sợ các bạn ta cười chớ hồi còn xà lỏn đầu trọc người ghi cũng thuộc loại khán giả trung thành của các bà bóng. Không có đám múa bà bóng nào mà nguời ghi chịu bỏ qua. Ngó các bà lượt là phấn son thơm phức, thiệt cũng đẹp còn hơn … bà ngoại người ghi nữa ! Nhưng phải tận mắt coi lúc bà "nhập" các bà bóng múa hát mới hết hồn. 

Trên đầu thì đội cái mâm son nhỏ. Trên cái mâm thì lủ khủ các thứ trái cây (2). Hai tay cầm hai cái đèn hình bông sen. Rồi các bà uốn éo múa hát theo tiếng kèn (3) í e, tiếng trống cơm lung bung. Cái lưng dẻo nhẹo, cái đầu lắc lư, hai chưn bước tới bước lui, lúc xoay tròn, khi xuống tấn (4). Có phần hơi giống như đang hát xiệc vậy ! Đám con nít xà lỏn đen thui tức nhiên là nín thở mà xem tới rụng lông nheo không hay. Tim đứa nào đứa nấy cũng đập đùng đùng không thua tiếng trống cơm. Chỉ sợ rủi đèn tắt trái rơi là thần tượng tụi nhỏ sẽ bị ông hành bà quở, đau bịnh lăn lóc, cái đầu trọc lóc như tụi nhỏ thì hỡi ơi còn gì là thần tượng lịch sự lịch sàng (5) của tụi nhỏ nữa !

lendong.jpg (16707 bytes)

Chỉ có tới màn cuối lúc bà "thăng" thì đám nhỏ không hiểu tại sao cứ y như là bà bóng lăn đùng ra, hai chưn giựt giựt, tay bắt chuồn chuồn, miệng sùi bọt mép. Một hồi sau bà bóng mới ngồi dậy, rồi tỉnh bơ têm một miếng trầu thiệt bự, vừa nhai vừa xỉa với một cục thuốc cỡ ngón cẳng cái !

Mãi sau này có dịp được đọc bộ sách Nguồn Gốc Mã-Lai của Dân Tộc Việt Nam (6), ở chương Vu Hích, thấy cụ Bình Nguyên Lộc có lý giải khá rành mạch hiện tượng này. Các bạn ta có ai tò mò muốn biết xin tìm đọc.

Xin trở lại địa danh Tầm Vu. Coi bộ cái tên này chắc không có ăn nhậu gì tới truyền thuyết quân vương tìm vợ nhỏ rồi. Nhưng thế nào cũng có vài bạn ta sẽ hỏi người ghi là vậy chớ thiệt ra các tiểu thơ xứ Tầm Vu nhan sắc châu trầm nhạn lạc cỡ nào ? Vậy thì xin trả lời ngay với các bạn ta là người ghi vốn bốn mắt, thiệt không đủ khả năng và tư cách phê phán. Nên xin mời bạn mình có dịp nào về Việt Nam, hảy ghé qua Tầm Vu để tự tìm câu trả lời. 

Người ghi có thể giúp bạn mình đở mất thì giờ đi từng nhà xem mặt các tiểu thơ, xin chỉ bạn mình tới ngay cổng trường trung học huyện. Chỉ tốn chừng nửa tiếng đứng dưới gốc me quan sát các tiểu thơ lúc tan trường, người ghi tin là bạn mình sẽ tìm ra câu trả lời chính xác. 

Tan truong.jpg (68794 bytes)

Tới đây người ghi xin có vài lời nhắn riêng với các gents ở hải ngoại. Vốn là bạn mình thắc mắc muốn biết, nên người ghi tình thiệt chỉ đường. Hoàn toàn không có ý khuyến khích bạn mình bắt chước Phạm sư ông sắm tuồng Em Tan Trường Về vì e là mái tóc salt and pepper (chưa kịp nhuộm) cùng với bộ vó Việt kiều của bạn mình có thể vô tình làm ngứa vài cặp mắt của các công tử Tầm Vu đang tập tành trồng cây gần đó. Mà ngứa mắt thì có thể lây lan ra ngứa tay ngứa chưn rất lẹ. Vậy là có thể bạn mình sẽ gặp nhiều chuyện đáng tiếc, vừa phiền phức vừa bực mình. Còn cái chuyện cổ tích quân vương tìm vợ nhỏ thì bạn mình chỉ nên nghe chơi cho vui, không nên khư khư tin là có thiệt, lại càng không nên thử diễn lại. Không tin bạn mình cứ xin phu nhơn cố vấn xem bạn mình có khả năng sắm vai hoàng đế nào của Nguyễn triều hay không. Nhớ đừng quên đội nón an toàn và mặc áo chống đạn trước khi hỏi.

 

THÀNH VIÊN THỨ NĂM TRONG TIỂU TỔ

Tác giả Kim Bông có kể tiểu tổ đi xã Dương Xuân Hội có bốn người. Nhưng thiệt ra còn có tổ viên thứ năm. Có lẽ đây là người mà người ghi còn nhớ rõ nhứt trong chuyến công tác, không kể các bạn cùng lớp.

Lúc tới thị trấn Tân An (tỉnh lỵ Long An), phái đoàn ĐHNN 4 có tiếp xúc với Ban Nông Nghiệp Tỉnh và được tỉnh chi viện cho một cán bộ nông nghiệp. Đó là anh Nguyễn Văn Giàu. Anh Giàu tướng tá cao ráo, nước da ngâm ngâm, tuổi chừng hăm lăm hăm sáu, nói năng nhỏ nhẹ, vui vẻ. Nhiệm vụ của anh Giàu là theo giúp đở tổ đi huyện Tầm Vu trong việc liên hệ với các cấp chánh quyền ở huyện. Trên đường tới huyện, người ghi và anh có trò chuyện, mới biết anh sanh trưởng ở huyện này. Thì ra người ghi đang trò chuyện với thổ công của xứ Tầm Vu. Nói chuyện tào lao một hồi rồi anh hỏi quê quán của người ghi ở đâu, bèn trả lời với anh là quê ngoại ở làng Tân Chánh, nhưng bản thân chào đời ở huyện lỵ Cần Đước và thuở nhỏ đi học ở đây. Nghe vậy anh Giàu mừng lắm, liền nhận nhau là đồng hương. Sau khi đến huyện, lúc chia tiểu tổ đi xuống các xã thì anh Giàu cũng tấp theo tiểu tổ của Kim Bông và trở thành tổ viên thứ năm.

Sau này, khi đã thân thiết anh mới thố lộ với người ghi là anh xuất thân từ trường trung học Nông Lâm Súc mà nếu người ghi nhớ không lầm là trường Long Định. Tốt nghiệp và đi làm cho cơ quan NN tỉnh Long An từ trước 1975 và được lưu dụng sau 1975 đến nay. Người ghi được gặp anh trong chuyến công tác chống rầy nâu cũng có thể nói là bình thủy tương phùng mà đến nay người ghi vẫn còn vài hồi ức rất thú vị.

 

BÁC BẢY SẾT Ở XÃ DƯƠNG XUÂN HỘI

Sau khi họp với Ban NN Huyện, chia tiểu tổ, chọn xã, …, tiểu tổ Kim Bông, có lẽ nhờ sự có mặt của tổ viên thứ năm nên để tiện đi lại liên lạc, đã được Ban NN Huyện điều đi xã Dương Xuân Hội, chính là cái xã nằm ngay huyện lỵ Tầm Vu. Ban NN Huyện cũng thu xếp gởi cả tiểu tổ đến ở nhờ nhà bác Bảy Sết trong suốt thời gian công tác.

Nhà bác Bảy chỉ cách chợ huyện chừng hơn một cây số, nằm ngay trên trục lộ giao thông chánh của huyện. Coi như bước đầu tiên chưn ướt chưn ráo tới đây cả tiểu tổ được vậy cũng đã là may mắn lắm rồi. Bởi vì từ lúc này trở đi mọi sự di chuyển, vì mục đích công tác hay cá nhơn, đều hoàn toàn trông cậy vào cặp lô ca chưn hết ráo. Sau đêm đầu tiên ngủ tạm ở Ban NN Huyện, sáng hôm sau tất cả tiểu tổ đều lên đường đi nhận nhiệm sở. Chỉ độ mười lăm phút sau cả tiểu tổ đã được hướng dẩn viên đưa đến tận cửa nhà bác Bảy Sết.

Đó là một căn nhà rất bề thế, dư dài dư rộng, cột gỏ cả ôm, với đầy đủ những đặc điểm của những căn nhà điền chủ miệt Lục Tỉnh vào thập niên ba mươi. Kiến trúc đối xứng, nền nhà cao ráo được lót gạch tàu sạch sẽ, mái ngói, vách bổ kho, trên nóc nhà có đặt một cặp lưỡng long tranh châu, hàng hiên chạy suốt mặt tiền nhà, sân trước tráng xi măng rộng rãi. Khỏi nói cũng biết gia chủ cho dù hiện tại không còn giàu có đi nữa thì nhứt định gia thế cũng từng có một thời rất bảnh.

Bác Bảy trai độ ngoài bốn mươi, tướng người dong dỏng, tánh tình hiền lành vui vẻ. Còn bác Bảy gái thì tác giả Kim Bông đã tả đầy đủ, tưởng không cần nhắc lại ở đây nữa. Hai bác có bao nhiêu công tử và tiểu thơ, thiệt tình mà nói, đến nay người ghi cũng không sao nhớ nổi. Đại công tử độ hăm ba hăm bốn, vừa có con đầu lòng còn ẵm ngữa. Nhị công tử độ mười tám đang đi hỏi vợ. Rồi một dọc tam tứ ngũ lục … công tử tiểu thơ, đếm không xuể. Cuối cùng (7) dường như là một hài nhi còn bú mẹ, tức cũng cỡ tuổi cháu nội đích tôn !

Bác Bảy Sết năm xưa cũng thuộc lớp tài tử miệt Lục Tỉnh. Sau khi nghe anh Giàu giới thiệu quê ngoại người ghi ở làng Tân Chánh, bác Bảy lập tức liệng bỏ thái độ khách sáo và trở nên rất thân thiện, cứ tự nhiên coi người ghi như con cháu trong nhà ! Còn nhớ những buổi tối rảnh rang không mắc chuyện đi họp, người ghi thường ngồi dưới mái hiên nghe bác Bảy kể chuyện. 

Bác Bảy nằm tòn ten trên cái võng, vừa uống trà, vừa đập muỗi, vừa kể cho người ghi nghe đủ thứ chuyện từ tiền chiến tới hậu chiến. Từ chuyện ăn chơi của hoàng đế Bảo Đại đến những huyền thoại về các anh hùng hảo hớn một thời chọc trời Lục Tỉnh khuấy nước Cửu Long . Những câu chuyện vô cùng hấp dẫn gắn liền với những tên tuổi lừng lẩy thời bấy giờ như Ba Cụt, Năm Lửa, đức thầy Huỳnh Phú Sổ, Cao Đài tướng quân Trình Minh Thế. Nhưng hào hứng nhứt có lẽ là cuộc đấu trí lẫn đấu súng rất gay cấn giữa Việt Minh độc nhỡn tướng quân Nguyễn Bình và Bình Xuyên đại vương Bảy Viễn ở vùng rừng xát (?) (8)

Hết chuyện thời sự, bác Bảy bước qua quay phim những thú ăn chơi miệt lục tỉnh. Nhờ vậy người ghi mới hân hạnh được biết mình đang trò chuyện với một cao thủ chơi gà xứ Tầm Vu. Từ cách coi tướng gà nòi bao gồm coi cựa, vảy, lông, mồng, mỏ, mắt … cho tới các đòn thế hay dỡ, trên dưới, kỵ tướng, kỵ đòn, con nào trong bầy đáng được chấm cho lên núi luyện kung fu, con nào nên sớm cho về hưu cà-ri nị … hết thảy đều được bác Bảy say sưa phân tách tới nơi tới chốn. 

Bay ga.jpg (86687 bytes)

Có đêm cao hứng Bác Bảy đã khoe với người ghi là năm xưa bác từng một người một hông-đa, một tay lái xe, một tay ôm lồng gà, đi khắp các trường gà trong tỉnh cáp độ, có năm xuống tận Mỹ Tho hay Cao Lãnh. Cứ trưa mùng ba sau khi kiếu ông bà, bác liền làm ba hột dằn bụng, xong xuôi là tay ôm lồng gà, thượng hông-đa rồ ga dông thẳng. Năm nào thua độ sạch túi thì bác về sớm. Năm nào thắng lớn thì có khi tới mùng mười hay rằm bác mới trở về. Nói xong bác chắc lưởi thở ra, ngó chiếc hông-đa sáu bảy dựng trong góc nhà đang sầu đời rỉ sét, cặp mắt mơ màng mông lung như đang nhìn suốt thời gian, trở về lại những mùa xuân vàng óng ánh của một thời nào đó đã xa xôi lắm rồi.

Nhắc lại tới đây người ghi thiệt không khỏi than thở tiếc ơi là tiếc ! Những tao ngộ như vậy trong một đời người hỏi là được mấy lần ? Mà người ghi hồi đó nghe đã rồi không chịu ghi chép lại. Đến nay thì đã quên sạch. Phải chi còn nhớ được đầy đủ đầu đuôi thì xuân năm nay người ghi đã có thể tán dóc được một bài thuộc loại Năm Dậu nói chuyện đá gà cho các bạn ta đọc chơi ba ngày Tết.

Ga.jpg (28572 bytes)

Có một đêm cạn đề tài, hai bác cháu cứ đụng đâu bàn đó. Nói một hồi rồi bắt qua nói về nhà cửa. Người ghi tình thiệt khen căn nhà của bác rất xưa và rất quí, hàng cột gỏ cả ôm ngày nay thiệt không còn biết tìm đâu ra được nữa ? Bác Bảy nghe nói trúng ý, khoái chí cười khà khà. Rồi câu chuyện tiếp tục xoay quanh về đề tài nhà xưa. Mà thiệt khéo sao cứ chuyện này bắt qua chuyện nọ, cuối cùng hai bác cháu cùng nhận ra là tổ tiên hai nhà cũng có quan hệ họ hàng ! Chẳng là cụ thân sanh của của bác Bảy gọi bà cố trước của người ghi bằng cô. Tới đây xin cống hiến các bạn ta một puzzle game về quan hệ họ hàng của người Việt. Mời các bạn ta thử giải thích coi bác Bảy và người ghi có quan hệ họ hàng gì ? Rồi bác Bảy nôn nóng hỏi thăm các ông Bảy, bà Tám và ông Chín, con dòng trước, bây giờ còn mạnh giỏi không ? Đêm đó bác Bảy hỏi thăm đủ chuyện, hai bác cháu nói chuyện tới khuya. Trước khi đi ngủ, bác Bảy còn ân cần dặn dò người ghi từ nay muốn câu cá cứ ra cái đìa sau nhà, dễ câu hơn mà khỏi lặn lội đi xa.

 

ÔNG CHỦ TỊCH BAN NN HUYỆN KHOÁI HỘI HOA ĐĂNG

Sau khi các tiểu tổ đều đã ổn định nơi ăn chốn ở, một buổi họp mở rộng giữa Ban NN Huyện và phái đoàn K16 được tổ chức ngay tại văn phòng Ban NN Huyện, mục đích là đề xuất và thống nhứt một phương án chống rầy tối ưu. Tiếng là họp với Ban NN Huyện nhưng thiệt ra hôm đó chỉ có ông Chủ Tịch Ban NN và cô thơ ký. Sau khi phái đoàn K16 vắn tắt báo cáo lý do vì sao có mặt ở huyện Tầm Vu, rồi thì tới phiên ông Chủ Tịch phát biểu. Nhắc tới ông Chủ Tịch này, người ghi tới bây giờ vẫn còn phục ông lăn cù xuống mương. Đáng tiếc là ngày nay người ghi đã quên tên ông tuốt luốt. Quả nhiên con người đã được Cách Mạng trui rèn thì làm việc phải công nhận có hiệu quả khác thường. Chỉ một mình ông và không đầy hai phút là ông đã đề xuất ngay cho phái đoàn K16 ta biện pháp chống rầy tối ưu.

- Thôi khỏi cần bàn chuyện xịt thuốc trừ sâu làm gì (?), cứ vận động bà con nông dân tham gia hội hoa đăng đi. Đốt đèn liên tục ngoài ruộng hai tuần là bắt hết rầy chớ gì ! Năm ngoái bà con trong xã đã từng làm rồi. Mỗi ngọn đèn một đêm bắt được cả thúng rầy cho vịt ăn. Vui hết biết ! .

Quả nhiên là biện pháp tối ưu. Vừa diệt rầy, vừa kết hợp với nuôi vịt, lại không có tác động xấu tới môi sinh, rõ ràng tối ưu ! Ông Chủ Tịch tiếp tục ca ngợi thành quả rực rỡ của hội hoa đăng năm ngoái một hồi nữa rồi lấy ý kiến chung:

- Các đồng chí có nhứt trí hội hoa đăng không ?

- Nhứt trí ! Nhứt trí !

Ông Chủ Tịch tỏ vẻ vô cùng hài lòng, rồi hứa sẽ cho chạy giấy liền xuống các xã và hẹn hai ngày sau các tiểu tổ sẽ cử người xuống tận từng thôn họp với quần chúng nông dân, vận động nhà nhà tham gia hội hoa đăng, sau đó mổi đêm phe ta sẽ lội ruộng đôn đốc kiểm tra việc đốt đèn. Sau khi chúc phái đoàn ta hoàn thành công tác xuất sắc, ông Chủ Tịch tuyên bố tan họp.

Nhưng người ghi trong bụng còn có chút vướng mắc và cảm thấy buổi họp hôm nay vẫn còn một chuyện rất quan trọng, mà có lẽ ông Chủ Tịch vì quá say sưa với ý kiến hội hoa đăng nên quên chưa bàn tới. Định giơ tay hỏi thì ông Chủ Tịch đã mất tăm, còn phái đoàn K16 ta thì đã ra tới đường lộ. Trên đường về người ghi có băn khoăn nói nhỏ với anh Giàu là chỉ đốt đèn hai tuần thôi thì coi bộ không chắc sẽ trừ hết rầy. Mà đâu phải huyện không có thuốc. Ngay hôm đầu tiên tới huyện, không phải mọi người đều rõ ràng thấy nguyên một xe tải đang xuống thuốc trừ sâu đem vô kho của huyện sao ? Vậy sao huyện không xuất kho bán thuốc cho nông dân, rồi kết hợp đêm đốt đèn ngày xịt thuốc ? Còn nữa, ông Chủ Tịch chỉ thị mình đi vận động bà con tham gia hội hoa đăng mà không thấy ông Chủ Tịch nhắc tới sẽ phân phối dầu thắp đèn ! Ngày mốt xuống thôn hô hào rủi bà con cắc cớ hỏi tới vậy chớ dầu đâu thắp đèn thì mình phải trả lời làm sao đây ? Anh Giàu nghe người ghi hỏi một hơi, coi bộ hơi ngạc nhiên ngó người ghi một hồi rồi hỏi lại:

- Ông thiệt tình không hiểu ý ông Chủ Tịch hay sao ? Thôi để lát nữa về tới nhà tui sẽ nói cho ông nghe ?

Đêm đó sau khi mọi người đã đi ngủ, anh Giàu liền kéo người ghi ra ngồi trước hiên nhà rồi kể cho người ghi nghe một câu chuyện cũng thuộc loại … ngoài biên bản về hội hoa đăng. Đại khái anh nói ngay hồi còn ở trên Ban NN Tỉnh anh vốn đã biết xuống đây trước sau gì thì cũng lại là … hội hoa đăng mà thôi ! Người ghi bèn lấy làm ngạc nhiên hỏi:

- Bộ anh biết phép bấm độn Gia Cát hay sao mà đang ngồi trên tỉnh lại biết được chuyện sắp xảy ra dưới huyện Tầm Vu này vậy ?

Anh Giàu cười hề hề:

- Phải chi tui mà biết phép bấm độn thì đỡ biết bao nhiêu ! Giờ này đâu có ngồi đây với ông đập muỗi. Có gì đâu mà lạ ! Năm ngoái mấy ổng cũng la làng dịch sâu rầy rùm beng, rồi trên trung ương cũng chi viện mấy xe thuốc trừ sâu, rồi trên tỉnh cũng điều tui xuống đây mấy tuần. Thì cũng hô hào hội hoa đăng ! Tui xuống đây mấy tuần đi ăn nhậu đã rồi về. Bây giờ ông đã hiểu chưa ?

Tức nhiên anh đã nói tới đây mà người ghi vẫn còn chưa hiểu thì trí thông minh của người ghi thiệt đáng phải liệt vào loại cần-phải-bị-đá-văng-ra-khỏi-trường-càng-sớm-càng-tốt ! Nhưng vẫn cố tình chọc cho anh kể luôn đoạn cuối của hội hoa đăng:

- Cũng chưa ! Bị vì còn mấy xe thuốc trừ sâu thì sao ?

- Cái này thì dễ khẹt vậy mà ông không đoán ra sao ? Thì mấy ổng cũng mở kho bán cho bà con. Nhưng ai muốn mua phải xin xã giấy chứng nhận ruộng bị sâu rầy nghiêm trọng, cần phải xịt thuốc, rồi huyện mới duyệt bán cho mổi hộ hai chai thuốc. Mà kho thuốc huyện sáng mở cửa 8 giờ, bán tới 10 giờ là đóng. Bà con muốn mua phải sắp hàng từ sáng sớm. Bán được vài bữa là mấy ổng tuyên bố hết thuốc. Ai chậm tay chậm chưn ráng chịu.

Người ghi bèn ủi tới luôn:

- "Ráng chịu" là sao ?

- Còn là sao nữa ? Là ráng chịu khó ra chợ trời ngoài Tân An mua chớ sao !

- Tui vẫn chưa hiểu !

- Chưa hiểu cái gì ?

- Đang lúc sâu rầy hoành hành dử dằn như vậy, thuốc trừ sâu thì không đủ cung cấp cho bà con nông dân, mà ngoài chợ trời thì bày bán la liệt. Bộ anh muốn nói Ban NN Tỉnh với Công An Tỉnh đều bị đui hết rồi sao chớ ?

- Tui đâu có nói mấy ổng đui hồi nào ? Chỉ tại mấy ổng quá bận rộn chở vợ đi sắm vàng nên không có thì giờ ra chợ trời coi thôi. Tui nói trắng ra hết ráo như vậy rồi, vậy chớ ông còn chổ nào chưa hiểu không ?

- Hiểu hết rồi, nhưng mà còn lo.

- Lo cái gì ?

- Ngày mốt xuống thôn họp với bà con nông dân, tui phải trả lời làm sao vụ dầu thắp đèn đây ?

Anh Giàu cười khà khà trấn an người ghi:

- Bảo đảm với ông không ai hưởn mà hỏi. Bà con dư biết rồi. Mà không chừng ông chưa xuống tới thôn là bà con đã biết ông sắp nói gì nữa cà !

- Nhưng mà bà con vẫn phải có dầu mới đốt đèn được chớ !

- Dễ khẹt ! Thì bà con cứ mua dầu chợ đen mà đốt ! Bộ ông tưởng mấy năm nay không có dầu rồi bà con trở lại thời xưa thắp đèn mù u hả ?

Trả lời quá hay !

Không thể không khâm phục tài bấm độn của anh Giàu. Quả nhiên chuyện đã xảy ra y như vậy (9)! Đêm đó ở nhà ông thôn trưởng, người ghi đối diện với mấy chục bà con nông dân, kẻ đứng người ngồi, từ trong nhà ra tới ngoài sân. Người ghi đã tự giới thiệu với ông thôn trưởng mình là sanh viên (10) của trường ĐHNN 4, nhưng ông ta cứ tỉnh bơ giới thiệu với bà con người ghi là cán bộ từ trung ương (11) gởi xuống ! Nghe nói tới cái gì trung ương thì lập tức có ép phê liền, bà con im phăng phắt để nghe người ghi ba xạo hô hào đốt đèn (12). Cuối cùng bà con rất hồ hởi giơ tay nhứt trí. Nhưng có một điểm người ghi thấy rất rõ; mặc dù dưới ánh đèn măng-xông mà người ghi thì bốn mắt; là ánh mắt của bà con không bộc lộ một chút hí hửng nào, vừa thờ ơ vừa khi dễ (13). Thiệt tình không ăn khớp với mấy chục cánh tay đang giơ cao với tiếng hô nhứt trí vang dội. Cuối cùng, bà con không có thắc mắc hay hỏi han gì ráo. Vậy là tan họp và người ghi cũng dông lẹ. Trên con đường ruộng trở về nhà, người ghi đã nghiệm ra và hiểu rất sâu sắc tại sao bữa trước ông Chủ Tịch Ban NN Huyện tan họp cũng chém vè (14) mau vậy.

Đêm hôm sau người ghi lôi anh Giàu cùng nhau lội ruộng một vòng kiểm tra bà con đốt đèn. Hơi thất vọng, nhưng hoàn toàn không có gì ngạc nhiên, toàn cánh đồng của thôn người ghi đi vận động chỉ lưa thưa không tới một chục ngọn đèn. Anh Giàu cười tũm tĩm hỏi móc họng:

- Sao ? Kiểm tra xong rồi. Bây giờ ông có muốn tới thôn đôn đốc bà con đốt thêm đèn hôn ?

- Đi ! Phải đi chớ ! Nhưng là anh đi một mình, còn tui phải về báo cáo với tổ trưởng là bà con không có hăng hái tham gia thắp đèn.

Rồi hai tên cười khà khà quay về. Tức nhiên còn lâu hai tên mới dám xuống thôn nhắc nhở bà con, trừ phi ông Chủ Tịch xuất cho hai tên một can dầu để đội cho ấm đầu thì may ra ! 

Trên đường về người ghi cảm thấy coi bộ cái chuyện chống rầy nâu; không biết ở các xã khác thì sao, nhưng ít ra là tại cái xã Dương Xuân Hội này; đang là chuyện đầu con voi còn đuôi tuy không đến nổi chút xíu như đuôi con chuột, nhưng chắc cũng không bự hơn cái đuôi con chồn khô trong bồ lúa nhà bác Bảy ! 

dongque.jpg (11787 bytes)

Đáng buồn là người ghi và các bạn K16 ta đang bị lôi ra làm kiểng, làm phiền bà con cưu mang thì nhiều còn giúp đỡ bà con chống rầy nâu thì chẳng được bao nhiêu.

 

TỪ CẢI THIỆN BỮA ĂN …

Phe ta trước khi lên đường ai cũng được phát khẩu phần lương thực, còn nhớ đâu cũng cỡ cho một tháng (15). Và tức nhiên vào năm đó thì còn gì khác hơn là gạo mì hay còn được gọi bằng một tên sai nhưng rất phổ biến vào thời đó là bo bo (16). Tiểu tổ Kim Bông sau khi tiếp nhận nhiệm sở, ổn định chốn ở xong thì đụng ngay vấn đề ẩm thực.

Cũng không phải là chuyện lớn lao gì, vì hai sư tỉ muội Kim Bông và Bích Lan đã hăng hái tình nguyện lo chuyện đi chợ nấu … bo bo (17). Cả tiểu tổ chỉ việc giao hết mấy túi lương thực và góp tiền đưa cho hai chị là xong. Nồi niêu xoong chảo đã được gia chủ cho mượn. Củi lửa lại càng không phải lo. Chung quanh nhà bác Bảy tàu dừa khô rụng thiếu gì, bạn già Xuân Tảo chỉ đi quơ một vòng là đủ xài mấy ngày. Có một chuyện làm bốn tên K16 hơi ngạc nhiên là anh Giàu, đường đường là một cán bộ NN Tỉnh Long An, mà túi lương thực của anh lúc chị Kim Bông mở ra xem cũng thấy y chang mười sáu ký lô bo bo !

Bữa ăn đầu tiên của tiểu tổ tức nhiên vẫn là bo bo luộc, còn thức ăn xin miễn bàn. Phe ta thì quen quá rồi, nhưng tổ viên thứ năm thì rõ ràng đang vận nội công, mồ hôi đầm đìa, cố đẩy cái đám bo bo xuống bao tử. Mình biết ngay mặc dù anh Giàu cũng tiêu chuẩn mười sáu ký bo bo như ai, nhưng ngày thường có lẽ không mấy khi anh có dịp thưởng thức món bo bo luộc này. Cũng tội nghiệp anh chắc ăn bo bo chưa quen. Nên người ghi tự nghĩ phải kiếm cách đổi qua ăn cơm. Dù sao mình cũng đang ở tỉnh nhà, từng ăn gạo Nàng Thơm Chợ Đào (18) mà lớn lên, ngay cả cái thứ Nanh Chồn (19) đã tuyệt chủng từ lâu cũng không phải xa lạ gì. Nay đang ở tại xứ Tầm Vu mà cả đám ngồi nhai bo bo thì coi bộ không phải đạo (20). Nhưng cách nào đây ?

Câu hỏi còn lững lơ trong đầu người ghi chưa biết làm sao trả lời thì chỉ mấy ngày sau bổng nhiên trở nên không còn cần thiết phải trả lời nữa, bởi vì hai sư tỉ muội chị nuôi đã trả lời giùm người ghi rồi ! 

Số là ruộng nhà của gia chủ đang tới mùa gặt, bà chủ nhà hằng ngày phải nấu cơm đem ra ruộng cho cả chục thợ gặt ăn. Mà thợ gặt ăn cơm thì khỏi cần nói, nồi lớn nồi nhỏ khiêng ra ruộng không kịp. Vốn tánh hơi … tiết kiệm nên thấy đám chống rầy ăn cái thứ gạo gì nấu chín xong thì nở ra gấp mấy lần, bà chủ liền nghĩ ngay nếu đem thứ này cho thợ gặt ăn thì nhứt định có lợi hơn nhiều. Bèn dụ khị hai chị nuôi của tổ chống rầy đổi bo bo lấy gạo, cứ một đổi một cho dễ tính. Mèn đét ơi ! Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, hai sư tỉ muội chị nuôi bèn lôi mấy bao bo bo ra đong liền, chỉ sợ chậm tay chút xíu bà chủ nhà đổi ý thì trớt quớt !

Kết quả là từ đó tiểu tổ được ăn cơm trắng, anh Giàu thôi luyện nội công vào giờ ăn, bà chủ nhà vui vẻ thỏa mãn vì mục đích yêu cầu đều đạt được, chỉ có giàn thợ gặt là lảnh đủ. Nghe nhị công tử mấy bữa sau méc lại là cả giàn thợ gặt đang bừng bừng khí thế "như hổ" khi không sọc dưa biến thành "như miêu" hết ráo, vừa nuốt vừa trợn trắng !

 

… ĐẾN HẢO HIỀN ĐỆ XÀ LỎN ĐẦU TRỌC ĐEN THUI

Như tác giả Kim Bông đã kể, tiểu tổ góp tiền chợ rất là khiêm nhường, nên bữa ăn tức nhiên cũng không thể nào muôn màu muôn vẻ được. Bạn già Xuân Tảo bèn tranh thủ đi bắt còng, người ghi thì thì đi hái bông so đủa. Cái gì chớ so đủa quanh nhà bác Bảy cũng năm bảy cây, gia chủ không thèm ăn, để mặc tình bông rụng. Bước đầu trên mâm cơm phe ta có thêm tô canh còng nấu bông so đủa khiến cả tổ cũng đở nóng ruột một chút.

Kế tới người ghi nghĩ tới chuyện câu cá. Cá lóc, cá trê thôi cho qua, nhưng mấy con nhép cá rô cá sặc lẻ tẻ chắc cũng kiếm được ít con cho hai chị nuôi kho mặn chớ ! Nhưng đồ nghề câu cá làm sao đây ? Lại cũng chưa kịp trả lời thì khi không nhảy ra một người bạn nhỏ trả lời giùm cho người ghi liền !

Hảo hiền đệ lúc đó đâu chừng chín mười tuổi, luôn luôn xà lỏn, cởi trần, đen thui và mạnh cùi cụi. Tên gì thì anh Hai thiệt là bậy bạ, bây giờ quên mất tiêu. 

Bữa đó đâu khoảng trưa trưa, tiểu tổ vừa đi đếm rầy nâu ngoài ruộng về. Trời nắng chang chang, người ghi đang ngồi trên cây dừa giữa mương, vừa rửa chưn vừa ngâm chưn cho mát. Bổng đâu xuất hiện một chú nhỏ đen thui đứng bên kia bờ mương ngó người ghi đăm đăm. 

cau_khi.jpg (23652 bytes)

Thấy chú nhỏ dạn dĩ, coi cũng giống đám bạn của người ghi hồi nhỏ, bèn ngoắc chú lại làm quen. Sau khi mời chú ăn một cục kẹo đậu phọng, chú nhỏ trở nên tự nhiên, thân thiện, xưng tên và chỉ luôn nhà chú bên kia bờ mương. Chú nhỏ cứ gọi người ghi là ông. Người ghi bèn nói chú cứ kêu anh Hai được rồi, nhưng không biết vì sao chú nhỏ cứ nhứt định là ông Hai hoặc ông trống không ? Chú nhỏ vừa ngậm kẹo vừa phỏng vấn anh Hai. Hỏi đã một hồi rồi rủ anh Hai ăn cơm xong đi câu cá. Thiệt đúng là tiểu huynh đệ trời ban, đoán trúng phóc ý anh Hai ! Bèn ngoéo ngón tay y hẹn, không quên dặn chú đem thêm một cái thùng bắt còng luôn.

Trưa bữa đó hai anh em lội ruộng đi bắt được mấy chục con còng. Nói là hai anh em bắt còng cho bảnh chớ chỉ có tiểu huynh đệ quan sát cửa hang, nhận định hang nào là hang còng, rồi thò tay vô hang lôi con còng ra thôi. Anh Hai chỉ đưa thùng ra cho tiểu huynh đệ bỏ vô ! Xong rồi tới câu cá. Tiểu huynh đệ thiệt giỏi, mương nào nhiều cá, mương nào ít cá tiểu huynh đệ thuộc lòng sáu câu. Hai anh em mổi người chọn một gốc dừa rồi thả câu. Trong khi anh Hai rất hưởn, lâu lâu mới giựt được một con, tiểu huynh đệ thì giựt không nghỉ tay. Chỉ một lát trong giỏ đã có hơn hai chục con cá rô.

Đến xế chiều hai anh em thắng lợi hí hửng trở về. Mà tiểu huynh đệ của người ghi coi còn nhỏ vậy chớ tánh tình thiệt là hào sãng lắm đó nghe. Còng thì do chú bắt, anh Hai chỉ có việc xách thùng. Cần câu chú cho mượn, trùng do chú đào, cá thì chú câu năm con anh Hai mới câu được một con. Vậy mà về tới nhà cái gì chú cũng nhứt định đòi chia đôi với anh Hai, khiến anh Hai vừa quê vừa nhớ tới những người bạn đầu trọc đen thui hồi nhỏ cũng tự nhiên sãng khoái như vậy, cảm động muốn rớt nước mắt ! Nên không thể không nhận tấm lòng thành của chú. Chia cá chia còng xong anh Hai tặng chú một đồng ăn bánh. Chú ngần ngừ không lấy nên anh Hai phải nhét tiền vô túi quần của chú. Tiểu huynh đệ hai mắt chớp chớp, chào ông Hai tui dìa, rồi hai tay xách lủng củng nào thùng nào giỏ nào cần câu chạy cái vù qua cây cầu dừa sang bên kia mương về nhà. Người ghi vừa nhìn theo vừa nghĩ trong bụng phải chi tỉ muội Bích Lan và Kim Bông mà nhìn thấy tiểu huynh đệ vừa chạy qua cầu dừa chắc phải hết hồn !

Từ đó hể buổi trưa nào rảnh muốn đi câu cá thì người ghi cứ đứng bên bờ mương hú một tiếng, lát sau thế nào tiểu huynh đệ cũng xách đồ nghề tới. Đến khoảng gần cuối thời gian công tác thì người ghi cũng gần hết tiền tặng tiểu huynh đệ ăn bánh nên mới thôi không rủ tiểu huynh đệ đi câu nữa. Chuyện này người ghi chưa bao giờ cảm thấy cần phải kể rõ cho cả tổ nghe, nên có lẽ vì vậy mới có chuyện tác giả Kim Bông hiểu lầm là người ghi mua cá của mấy đứa nhỏ. Thiệt ra không hẳn vậy.

Lần câu cá cuối cùng xảy ra vào buổi chiều trước ngày về. Cũng là chuyện khiến người ghi sau này mổi lần nhớ lại không khỏi cảm thấy tự trách mình. Hôm đó thầy Thạch xuống mang theo lịnh rút quân. Mổi lần thầy xuống đều ở chung với tiểu tổ Kim Bông, tức nhà bác Bảy Sết. Trưa hôm đó người ghi có việc đi ngoài ruộng về, khá đừ nên nằm nghỉ. Mới nằm được một chút thì chị Kim Bông tới nhờ người ghi đi câu cá để hai chị nuôi làm bữa cơm chiều cuối cùng đãi thầy. Đang mệt nên người ghi không chịu đi, khiến chị Kim Bông phải ngồi năn nỉ ỉ ôi một hồi, cuối cùng chịu hết nổi người ghi mới bước ra hú tiểu huynh đệ đi câu. Sau này nhớ lại chuyện này người ghi không khỏi cảm thấy áy náy vì đã để bạn phải năn nỉ mới chịu làm, mà lẽ ra chính mình phải biết tự giác đi làm không nên đợi người khác nhắc . Thiệt là tầm bậy tầm bạ. Nên nhơn dịp này xin được phép công khai đấm ngực nhìn nhận lổi tại tui, lổi tại tui mọi đàng. Mong rằng tác giả Kim Bông không còn để trong lòng.

Chiều hôm đó hai anh em trở về với rất nhiều còng và cá rô. Anh Hai cũng tặng cho chú nhỏ đồng bạc kế chót. Và cũng là lần chót anh Hai nhìn chú biểu diễn công phu hai tay xách thùng xách giỏ xách cần câu chạy qua cây cầu dừa cái vù. Bữa cơm chiều hôm đó khỏi nói là rất vui, đủ mặt tổ viên và khách quí - Thầy Thạch. Thầy vừa ăn vừa tấm tắc khen tài nấu nướng của hai chị nuôi, vừa tuyên dương nghề xoay xở của người ghi. Thú thiệt nghe thầy ca hai chị nuôi thì quá đúng, còn ca người ghi thì chỉ khiến người ghi quê gần chết, cứ nhớ tới chuyện hồi trưa chị Kim Bông ngồi nhỏ nhẹ năn nỉ …

Ngày cuối cùng ở Tầm Vu, ngoài chuyện người ghi tự quê thầm, chỉ có một tai nạn nhỏ là chị nuôi Bích Lan giã còng đến bể cái cối bằng nón sắt của chủ nhà (21). Hình như cả tổ sau đó đã hùn tiền đền lại cái cối đó cho bà chủ nhà (22).

 

TỪ CÔ CÁN BỘ NN HUYỆN …

Ban NN Huyện Tầm Vu ngoài ông Chủ Tịch ra, còn có một số cán bộ khác, trong đó người ghi thỉnh thoảng có tiếp xúc với cô "Hay Nhỉ". Lại phải xin lỗi các bạn ta là người ghi cũng không nhớ tên cô cán bộ này. Chỉ biết đại khái vợ chồng cô tốt nghiệp từ một trường ĐHNN nào đó ở miền bắc và cùng vào nam làm việc không lâu. Trông cô áng chừng hăm ba hăm bốn, chồng cô cỡ xấp xỉ ba mươi. Hai vợ chồng cô chưa có con và ăn ở ngay tại căn nhà lá dùng làm chổ làm việc của cán bộ NN Huyện. Nghĩa là lúc đóng cửa thì là nhà ở, khi mở cửa là văn phòng.

Không rõ chức vụ của hai vợ chồng cô, nhưng thường thấy cô đạp xe ngược xuôi trên con đường giao thông duy nhứt của huyện, còn tướng công của cô thường ở lại văn phòng. Tiếp xúc với cô mấy lần, thấy cô cũng vui vẻ, cởi mở. Cô hay hỏi người ghi đủ thứ chuyện ở miền nam trước đây. Thí dụ như:

- Có phải con giai ở Sài Gòn rất hay nịnh con gái, hay mua hoa tặng người yêu ?

- Nịnh con gái thì quả là có nịnh, còn có hay tặng bông cho người yêu hay không thì tùy ?

- Tùy cái chi ?

- Tuỳ người yêu thích bông hay thích hột xoàn !

- Hạt xoàn là hạt gì ? Ăn có ngon không ?

Bèn không dám cười và nghiêm chỉnh giải thích:

- Thưa cán bộ, hột xoàn là cái thứ giống như thủy tinh, trong suốt, không màu, chiếu sáng, không ăn được, rất được phụ nữ ưa chuộng làm đồ trang sức. Là cái thứ mà đờn bà con gái càng nhìn càng sáng con mắt, còn đờn ông con trai càng ngó càng tối con mắt. Còn có tên gọi khác là kim cương.

 

Cô cán bộ cười tít mắt:

- Gớm ! Đồng chí nói chuyện hay nhỉ !

- Bộ con trai Hà Nội không biết nịnh con gái hay tặng bông cho bạn gái hay sao ?

- Tặng hoa cho người yêu chứ ai lại tặng bạn gái ?

- Ở miền nam bạn gái còn có nghĩa là người yêu.

- Hay nhỉ ! Sao không gọi là người yêu mà gọi là bạn gái ?

- Người yêu hay bạn gái thì tùy người ta thích gọi sao thì gọi. Nhưng người ngoài khi nói chuyện với một trong hai người mà nhắc đến người kia nếu dùng chữ bạn trai hay bạn gái thì nghe lịch sự hơn. Hơn nữa, có thể tránh làm người ta mắc cỡ.

- Hay nhỉ ! Thế sau khi đã hứa hẹn tuyên bố thì gọi là gì ?

- Là vợ sắp cưới hay vị hôn thê, hoặc chồng sắp cưới tức vị hôn phu.

Cô suýt xoa:

- Miền nam có nhiều tiếng gọi hay nhỉ !

- Vậy thì ở miền bắc trường hợp này gọi là gì ?

- Thì vẫn gọi là người yêu thôi.

Cô có chiếc xe đạp mới tinh, đi đâu cũng kè kè bên mình, không đạp thì dắt, đến đâu dựng xe xong luôn luôn khóa lại cẩn thận. Cả huyện Tầm Vu, bất kể đường lớn đường nhỏ, nếu không bụi mù trời thì cũng sình lầy nhão nhoẹt, nhưng chiếc xe đạp của cô lúc nào cũng láng coóng. Có thể nói đối với cô, sau cục cưng tướng công chính là cục cưng xe đạp này.

Có bữa sáng cùng với anh Giàu đi ngang ngân hàng huyện, tình cờ gặp cô đang lúi húi khóa xe trước ngân hàng, bèn lên tiếng chào cô cán bộ. Cô cười rất tươi:

- Chào hai ông tướng ! Hai ông tướng đi đâu mà nhàn nhả thế nhỉ ?

Người ghi bèn lên giọng khách sạn Hà Nội trả lời:

- Cán bộ nói đùa hay nhỉ ! Bọn này làm gì được nhàn nhả như cán bộ.

Nghe người ghi nhái giọng Hà Nội cô khoái ý cười khúc khích rồi mời hai ông tướng vào ngân hàng nghỉ chưn. Hai tên ngồi chơi trên chiếc đi-văng trong khi cô cán bộ Hay Nhỉ bàn giao sổ sách với nhơn viên ngân hàng. Lát sau cô trở ra ngồi xuống trò chuyện. Cô hỏi thăm lòng vòng một hồi, từ chuyện chống rầy nâu tới chuyện ăn ở của các tổ, chuyện quan hệ với bà con nông dân … Rồi thình lình cô đề nghị:

- Mấy thuở các đồng chí xuống đây, sao không nhân dịp này tổ chức thuyết trình với bà con nông dân trong huyện ?

Hơi ngạc nhiên, người ghi bèn hỏi lại:

- Chống rầy thì đã vận động bà con đốt đèn. Không biết cán bộ thấy còn chuyện gì cần thuyết trình với bà con nữa ?

- Thì mình nói chuyện thả bèo hoa dâu (!) thay thế phân đạm, bà con nhất định rất hồ hởi ủng hộ.

Rồi cô cán bộ Hay Nhỉ lên lớp cho cán bộ NN Tỉnh và người ghi nghe một bài về sáu lợi ích của bèo hoa dâu. Hai ông tướng nhơn nhơn không chút cảnh giác, bị lọt ngay ổ phục kích của cô cán bộ, còn biết chạy đâu, nên đành ở lại đưa bốn cái lổ tai ra hứng đạn bèo hoa dâu của cô ! Không biết anh Giàu nghĩ gì, nhưng người ghi thì tự hỏi không biết cô cán bộ Hay Nhỉ này đang toan tính chuyện gì đây ? Mặt trận chống rầy đang lúc sôi sục, bà con nông dân đang chạy toát mồ hôi tìm thuốc trừ sâu, kiếm dầu thắp đèn, đang mếu máo nắm áo sanh viên giữa chợ (23), mà cán bộ chống rầy từ "trung ương" gởi xuống lại khơi khơi tập họp bà con tới để quảng cáo … bèo hoa dâu ! Có thiệt không vậy ? Dù biết rằng cà chua trứng thúi thời nay đã trở thành những mặt hàng quí hiếm, nhưng phân bò phân trâu thì bà con nông dân vẫn còn thiếu gì. Dù sao, đã nói đi thì cũng phải nói lại. Phe ta lúc đó đã có ai biết mặt mũi bèo hoa dâu tròn méo thế nào chưa vậy cà ?

Đợi cô cán bộ lên lớp xong, người ghi bèn thú thiệt mình chưa được hân hạnh biết mặt mũi bèo hoa dâu thế nào, ở trường cũng chưa dạy. Cô thất vọng thấy rõ:

- Tiếc nhỉ !

Không rõ cô Hay Nhỉ tiếc cho các cán bộ từ trung ương gởi xuống bị mất một cơ hội lên lớp với bà con nông dân huyện Tầm Vu hay tiếc công trình của cô trả bài thuộc lòng sáu lợi ích của bèo hoa dâu không thiếu một dấu chấm dấu phết ?

Có bữa kia bạn già Xuân Tảo kéo người ghi ra ngoài sân của văn phòng NN Huyện rồi hỏi nhỏ kiểu đố vui để chọc:

- Đố ông biết tình hình nam nữ bình đẳng ở miền bắc sau hai mươi năm xây dựng con người mới XHCN như thế nào không ?

Người ghi hơi ngạc nhiên không hiểu tại sao bạn già Xuân Tảo lại đặt câu hỏi nghe hoàn toàn trớt quớt như vậy, nhứt là trong bối cảnh phe ta đang chống rầy nâu ở xứ Tầm Vu. Nhưng cũng cứ trả lời:

- Chắc cũng bình đẳng lắm rồi, tui đoán là nếu chưa được hoàn toàn thì cũng được bảy tám chục phần trăm. Tỉ như ngày nay mình nhìn thấy cô cán bộ đạp xe chạy ngược chạy xuôi dưới trời nắng chang chang, còn ông cán bộ thì thong thả ngồi ở văn phòng uống trà đậm, rít thuốc lào.

Bạn già Xuân Tảo cười khà khà đắc ý, rồi tuyên bố như đinh đóng cột:

- Như vậy thì đã nhằm nhè gì, tui chắc còn bình đẳng gấp mấy lần như vậy kìa !

Lần này thì người ghi hơi chưng hững:

- Sao ông dám nói chắc quá vậy ? Bộ ông có bằng chứng gì hả ?

- Ông còn phải hỏi ? Thì ngay trước mắt ông nè !

- Tui bốn mắt ! Ngay trước mắt cũng không nhứt định phải thấy đâu nghe.

- Thì chính là vợ chồng cô cán bộ Hay Nhỉ đây chớ đâu.

- Vợ chồng cô thì có mắc mớ gì chớ ?

- Mắc mớ bạo đi chớ ! Trưa hôm qua tui đứng bên này văn phòng ông Chủ Tịch tình cờ nhìn qua cửa sổ bên kia thấy cô Hay Nhỉ đang đấm bóp ông chồng rồi còn ngồi quạt mát cho ông chồng ngủ trưa nữa ! Có phải là đã "bình đẳng" ít nhứt là hai trăm phần trăm chưa ?

Nhứt thời người ghi không thể trả lời bạn già Xuân Tảo được. Không phải người ghi nghi ngờ tánh cách có thiệt của câu chuyện do bạn già Xuân Tảo vừa kể lại, nhưng chuyện khó tin như vậy làm sao lại có thiệt được cà ? Nếu quả vậy thì thành quả hai mươi năm xây dựng tinh thần nam nữ bình đẳng ở miền bắc quả nhiên đã vượt chỉ tiêu, ít ra là vượt một trăm phần trăm. Mà mèn ơi ! người ghi phải lột nón nghiêng mình bày tỏ lòng ngưỡng mộ tướng công của cô Hay Nhỉ. Ông quả nhiên là một thiên tài dạy vợ từ thuở bơ vơ mới … tuyên bố ! Đáng tiếc là trời sanh mặt mũi ông cán bộ này lúc nào cũng như người đang cần uống thuốc xổ và cái miệng có gắn thêm mái tây hiên của ông hầu như lúc nào cũng như sợ có người khác cạy ra (24), nên dù có lòng muốn thĩnh giáo ông vài chiêu làm vốn mà mổi lần nhìn thấy ông là người ghi đã nản lòng không muốn hỏi nữa.

 

… ĐẾN ÔNG THANH TRA TRUNG ƯƠNG

Chống rầy đâu được chừng mươi bữa thì một buổi chiều về ngang văn phòng Ban NN Huyện phe ta bắt gặp một chiếc Jeep lùn đang đậu trước sân. Ghé vào thì gặp ngay một hảo hớn tuổi trạc hăm lăm hăm sáu, đen đen, lùn lùn đang nói chuyện với ông Chủ Tịch Ban NN Huyện. Thấy phe ta đi vào, hảo hớn bèn tươi cười chào hỏi:

- Chào các đồng chí sinh viên. Nom các đồng chí thực đúng là cán bộ đi công tác quần chúng đấy nhé !

Ông Chủ Tịch bèn giới thiệu với tất cả mọi người đây là đồng chí Đàm Trụ, thanh tra từ trung ương xuống kiểm tra tình hình chống rầy nâu ở các tỉnh phía nam. Chiều hôm đó Đàm thanh tra rất hào phóng lấy Jeep lùn đưa phe ta về tận nhà.

Tiếp xúc với ông thanh tra vài lần mới biết ông thanh tra từng du học ở Húng-Gà-Ri hay Bún-Cà-Ri gì đó. Phe ta có vài lần tò mò hỏi thăm tình hình ở xứ đó và nghiên cứu sanh Việt Nam qua đó sống ra sao … Nhưng ông thanh tra hình như không muốn nói, chỉ trả lời chung chung cho qua chuyện. Ngoài việc ông thanh tra không thích nhắc tới Bún-Cà-Ri ra, những chuyện khác ông thanh tra rất cởi mở, biết nói đùa và phong cách lịch sự. Có thể nói cũng là một loại công tử Hà Nội vào thời kỳ "Quá Đã Tới Luôn".

Đàm thanh tra trước sau ghé qua huyện Tầm Vu hai lần, mổi lần chừng hai ngày. Người ghi và anh Giàu lúc đó cũng có lần nói riêng với Đàm thanh tra về tình hình dân số rầy nâu trên ruộng rất cao và những khó khăn rất thực tế của nông dân về thuốc trừ sâu và dầu thắp đèn. Đàm thanh tra cũng ừ hử hứa sẽ ghi nhận và báo cáo lên trên. Rồi Đàm thanh tra biến mất và cho đến ngày phe ta rút quân thì tình hình chống rầy cũng cứ ừ hử y như vậy !

 

CHÚ THIẾM NĂM TẦM VU VÀ TÂM SỰ “NÓI KHÔNG ĐƯỢC” CỦA ANH GIÀU

Đã định đến đây chấm hết là vừa. Nhưng sau khi tham dự Hội Nghị K16 Liên Lục Địa đầu năm 2005, người ghi bị phe ta ở Vùng Vịnh San Francisco quay tơi bời về chuyện hai tiểu thơ ở Tầm Vu. Coi bộ câu chuyện hơi thiếu đầu thiếu đuôi của tác giả Kim Bông đã khiến các bạn ta trúng độc nặng. Nên trân trọng xin phép anh Giàu (vắng mặt) cho người ghi được kể rõ đầu đuôi câu chuyện này. Nếu như có dịp may nào đó mà anh Giàu xem được những dòng này, người ghi mong anh xính xái bỏ qua, không trách người ghi thèo lẻo.

Gọi là chú thiếm Năm Tầm Vu thì cũng chẳng qua là vì cái hard disk cũ mèm của người ghi đã làm mất tên chú thiếm ! Nên xin tạm gọi chú thiếm như vậy. Nếu như chú thiếm còn mạnh giỏi chắc cũng không đến nỗi trách móc người ghi.

Bữa đó vào khoảng xế chiều, anh Giàu và người ghi đang từ trong thôn lội ruộng về. Lúc ra gần tới đường lộ thì gặp hai chú thiếm đang lui cui nhổ cỏ trên ruộng dưa hấu (25). Anh Giàu từ xa đã nhìn ra người quen (26) liền bước tới chào. Chú thiếm ngó lên thấy thổ công Tầm Vu liền đứng dậy rồi chú Năm lăng xăng hỏi thăm:

- Chú Giàu về hồi nào vậy ? Đang lội đi đâu đây ?

Vừa hỏi chú Năm vừa đi lại bờ ruộng. Sau khi anh Giàu giới thiệu người ghi với chú thiếm, tức nhiên không quên nói rõ người ghi cũng gốc gác dân Long An, lập tức cái nhìn dè dặt của chú thiếm dành cho người ghi biến mất. Rồi chú Năm vồn vã mời hai tên ngồi xuống … đất nói chuyện. Bốn người vừa an tọa trên bờ ruộng là chú thiếm Năm phát pháo phỏng vấn liền. Khỏi nói anh Giàu trả lời mệt nghỉ. Đủ thứ chuyện từ nắng mưa, sâu rầy … cho tới bà con làng xóm cưới gả, giỗ chạp. Cho tới lúc mặt trời đã rớt xuống ngọn tre người ghi mới thúc cùi chỏ anh Giàu rồi hai tên đứng dậy xin kiếu. Chú Năm ân cần mời mọc:

- Thôi hai chú về tắm rửa cho khoẻ đi ! Tối nay qua mời hai chú tới nhà qua rồi mình lai rai vài ly tâm sự tiếp nghe !

Cũng tức nhiên là khỏi tới phiên người ghi trả lời, anh Giàu rất tự nhiên coi như tối nay người ghi đương nhiên rảnh, khỏi có họp hành gì ráo và hứa với chú thiếm Năm đúng bảy giờ hai tên sẽ có mặt.

Về tới nhà tắm rửa cơm nước xong, bèn hỏi tổ trưởng Kim Bông tối nay có họp hành gì không, tổ trưởng trả lời tối nay không có chuyện gì họp, để tối mai. Vậy là anh Giàu xin phép tối nay đưa người ghi đi công tác “quan hệ quần chúng”. Rồi hai anh em dông tuốt.

Trên đường đi anh Giàu kể sơ sơ về gia cảnh chú thiếm Năm. Nhà chú thiếm cách nhà bác Bảy Sết chừng hai cây số, nhưng không nằm ngay đường lộ, mà phải lội đường ruộng vô chừng hơn cây số. Chú thiếm độ chừng xấp xỉ bốn mươi. Gia cảnh cũng thuộc loại khá giả, nhà ngói bánh ích, có ruộng có vườn. Chú thiếm Năm chỉ làm ruộng mổi năm một mùa. Năm nào làm xong mùa lúa rồi chú thiếm cũng quay sang trồng dưa hấu bán Tết. Năm xưa anh Giàu từng giúp đở chú thiếm về chuyện phân bón, thuốc trừ sâu … trong việc trồng dưa hấu nên chú thiếm xưa rày rất quí anh. Rồi anh Giàu nhìn người ghi, cặp mắt nheo nheo, cái miệng cười cười, nói nhỏ:

- Chú thiếm cũng kể là hiếm hoi, tớí giờ đầu đuôi chỉ có hai cô con gái đang học trường trung học huyện. Coi có duyên lắm nghe.

Vậy hả ? Nhưng hình như không thấy có mắc mớ gì tới mình, bèn hỏi lại:

- Hổng thấy có mắc mớ gì tới tui, nhưng chắc có mắc mớ tới ông, phải hôn ?

Anh Giàu cười hì hì nhưng không trả lời.

Mới tới trưóc cổng đã thấy ánh đèn măng-xông nhà chú Năm sáng trưng. Anh Giàu quả nhiên là khách quí của chú Năm đó nghe. Vừa vô tới cửa đã thấy chú Năm cười hà hà bước ra đón. Bước vô nhà thì thấy thiếm Năm đang ngồi trên bộ ván ăn trầu. Chủ khách chào hỏi nhau xong, chú Năm liền mời hai tên an tọa. Rồi thiếm Năm tằng hắng gọi:

- Con Hai, con Ba à ! Có anh Giàu, anh Dũng tới chơi nè !

Nghe có tiếng con gái dạ nho nhỏ đằng sau rồi hai tiểu thơ của chú thiếm Năm khoát màn bước ra. Đại tiểu thơ thì trắng trẻo giống mẹ, tuổi chừng mười tám. Nhị tiểu thơ thì nước da bánh mật giống cha, tuổi chừng mười sáu. Quả nhiên cả hai tiểu thơ đều rất duyên dáng mặn mà, mổi người một vẻ mười phân … vô một chỉ, đúng như anh Giàu đã quảng cáo. Hai tên chào hỏi hai tiểu thơ xong thì đại tiểu thơ bước lại bàn ngồi học, còn nhị tiểu thơ thì đi xuống nhà sau.

Chi Em.jpg (58393 bytes)

Chủ khách ngồi uống trà một lát thì nhị tiểu thơ mang gỏi gà xé phay lên và màn hai “lai rai tâm sự” bắt đầu. Lúc đầu thì chú thiếm Năm hỏi chuyện anh Giàu, người ghi chỉ vừa góp chuyện cầm chừng vừa châm rượu cho chú Năm và anh Giàu. Một lát sau thì thiếm Năm quay qua phỏng vấn người ghi. Bắt đầu từ quê quán gốc gác, rồi tới cha mẹ anh em, hộ khẩu thường trú, nghề nghiệp, đang học năm thứ mấy … Và dĩ nhiên sau cùng là phần quan trọng nhứt không thể không hỏi là đã có mấy vợ mấy con rồi. Tới đây tức nhiên người ghi đã rõ mình đang bị sưu tra lý lịch ba đời. Kiểm điểm lại từ đầu thì sau khi chào hỏi cả nhà xong, người ghi ngồi xuống, ngó xéo anh Giàu, đối diện chú Năm ngay trước mặt và thiếm Năm đang ngồi trên bộ ván sau lưng chú Năm, đưa lưng về phía đại tiểu thơ đang ngồi học. Nói có ngọn đèn măng-xông làm chứng là thiệt tình người ghi không hề có ngó ngang liếc dọc hay đá lông nheo với tiểu thơ nào hết, mặc dù nhị tiểu thơ cứ thỉnh thoảng bước lên đem thêm gỏi gà hoặc múc thêm đầy tô cháo. Trước sau người ghi chỉ có nhìn nhiều nhứt là chú Năm mà thôi ! Mà chỉ ngó chú Năm thôi sao khi không lại bị sưu tra lý lịch vậy cà ?

Độ chừng gần cạn một chai, thình lình chú Năm hơi nhừa nhựa hỏi người ghi một câu như tác giả Kim Bông đã kể (nên xin miễn nhắc lại), khiến người ghi chưng hửng, xém chút đứng tim té lăn đùng xuống đất. Lập tức những người có mặt lúc đó đều có phản ứng. Đại tiểu thơ é một tiếng tía kỳ quá hà, rồi đi thẳng xuống nhà sau (27)

Thiếm Năm chỉ tũm tĩm cười tiếp tục nhai trầu (28). Nhưng coi bộ anh Giàu thì có vấn đề. Hình như cặp mắt anh đỏ hơn và da mặt anh đen hơn. Anh chẳng nói chẳng rằng cạn ly ngọt xớt. Còn người ghi thôi khỏi cần nói ! Không biết cái mặt mình lúc đó xanh hay đỏ nhưng mồ hôi thì rớt lộp độp (29). Mèn đét ơi ! Tui phải trả lời làm sao đây ? Đang vừa rút khăn tay lau mồ hôi trán, vừa châm đầy ly cho anh Giàu (30)thì chú Năm lại ủi thêm cái nữa. Sắc mặt anh Giàu càng đen hơn. Thiếm Năm bấy giờ mới nhổ cổ trầu, hứ chú Năm một cái:

- Cái ông già quỷ này ! Người ta con trai nheo nhẻo mà ông hỏi vậy không sợ người ta mắc cở hay sao ?(31)

Chú Năm cười khà khà rung rinh ngọn đèn măng-xông. Người ghi tới lúc đó không thể giả bộ không nghe được nữa, đành mượn đở kế giả dại qua ải:

- Chú Năm thiệt vui tánh ! Nhưng chú có thương thì xin tha cho cháu đi ! Cháu nhà nghèo, em đông, còn đi học, thiệt hổng dám trèo đèo nghĩ ngợi chuyện xa xôi.

Chú Năm liền trợn mắt lên lớp ngay một bài trai lớn lấy vợ gái lớn gả chồng, đúng bài bản, đầy đủ lớp lang trước sau, khiến người ghi hết đường hó hé.

Cũng may là nhờ anh Giàu cứ tì tì trăm phần trăm nên chỉ một lát sau thì chai rượu cũng cạn và người ghi lén lén khều chưn anh Giàu. Rồi hai tên xin phép kiếu từ. Tức nhiên chú thiếm chưa cho, nhưng anh Giàu kiếm cớ sáng mai phải về tỉnh sớm. Trước khi ra về chú thiếm Năm còn ân cần dặn đi dặn lại là hai tên tới gần Tết nhớ xuống nhà chú thiếm lấy vài cặp dưa hấu về ăn Tết (32). Hai tên bước ra tới cổng còn ngoái đầu lại dạ dạ không ngừng.

Trên đường về thấy anh Giàu nín thinh, thiệt không giống anh Giàu mọi ngày, bèn hỏi nhỏ anh:

- Hỏi thiệt nghe ! Anh đang trồng cây cô lớn hay cô nhỏ vậy ?

Im lặng một chút anh mới nói nhỏ:

- Cô lớn.

Quả nhiên cũng không phải khó đoán lắm. Bèn trấn an anh:

- Cũng không cần dấu anh, hai tiểu thơ của chú thiếm Năm cô nào cũng duyên dáng xinh xắn cả, chỉ là tui chưa hề có ý định trồng cây ở đâu hết. Nên tấm lòng thương mến của chú thiếm, kiếp này tui chỉ còn biết để bụng, còn dưa hấu của chú thiếm thì tui nhứt định không dám nhận. Vậy Tết này anh có xuống thăm chú thiếm thì cho tui gởi lời thăm, luôn tiện xin lổi chú thiếm tui đã hứa lèo. Sẳn dịp chú thiếm có dũa tui thì cũng nhờ anh nghe giùm luôn. Đồng ý ?

Lúc này anh Giàu mới thở ra cái khì như vừa trút được tảng đá thiệt bự trong lồng ngực. Anh cười hì hì quay qua hỏi:

- Ông nói thiệt hả ?

- Tui mà nói dóc lát nữa qua cầu khỉ cho tui té mương … với anh ! Mà anh trồng cây được bao lâu rồi ? Đã thử dọ ý tiểu thơ và chú thiếm Năm chưa ?

- Cũng có hai năm rồi. Tui biết cô Hai cũng có cảm tình với tui nhưng tui chưa dám thưa chuyện với chú thiếm.

- Sao vậy ? Anh cũng đâu phải còn nhỏ, lại chẳng vướng bận chuyện gì, cô Hai tuy là mới mười tám, nhưng ở xứ mình cỡ tuổi này thiếu gì cô đã có con, như bác Bảy Sết sắp cưới con dâu mới mười lăm đó. Anh còn chần chờ, bộ tính để người khác rước hả ?

Anh chắc lưỡi thở ra:

- Tui cũng biết vậy, ngặt cái nghèo quá, một mình lo còn chưa xong. Có hỏi chú thiếm chắc cũng hổng gả.

Sự thiệt của vấn đề đầu tiên là tiền đâu quả nhiên luôn luôn tàn bạo lạnh lùng.

 

KẾT

Chia tay với anh Giàu lần đó đến nay kể cũng có hăm bảy hăm tám năm. Biết bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu, đã trôi trong cống rãnh. Những mái tóc xanh năm nào giờ đã lai rai đi nhuộm. Mà người ghi thì chưa bao giờ có dịp gặp lại anh nên tức nhiên không biết mối tình thầm lặng của anh cuối cùng đã kết thúc như thế nào ? Nhưng ai cấm mình tưởng tượng chớ ? Vậy xin phép các bạn ta cho người ghi viết thêm phần đoạn kết tưởng tượng này nghe.

Cứ tưởng tượng đại tiểu thơ một lòng chung tình với anh, cho dù chú thiếm Năm có ép dầu ép mỡ cỡ nào tiểu thơ cũng hạ quyết tâm nhứt định đợi Giàu ca ca và chỉ có Giàu ca ca mà thôi. Nếu không phải là Giàu ca ca thì tiểu thơ thà cạo đầu đi tu chớ nhứt định không ưng bất kỳ công tử của chủ tịch xã, chủ tịch huyện nào hết. Rồi ít năm sau, phong trào xổ số vốn đã bị liệng vô thùng rác lịch sử từ sau tháng tư năm bảy lăm bổng dưng lại được nhà nước moi ra rửa sạch xài lại. 

Phong trào lại trúng mùa, trăm hoa đua nở, tỉnh nào cũng có, ngày nào cũng xổ. Với tài bấm độn thần sầu quỷ khốc của anh thế nào anh cũng ẵm sơ sơ vài lô độc đắc, giải quyết cái rụp vấn đề đầu tiên. Vậy là hai người hữu tình cuối cùng thơ thới hân hoan kết tóc se duyên, con đàn cháu đống.

Dam Cuoi Nha Que.jpg (48067 bytes)

Tới đây coi bộ chấm hết cũng được quá rồi, nhưng đang sẳn trớn tưởng tượng sao mình không tới thêm chút nữa ? Hảy tưởng tượng cỡ này thì ruộng dưa hấu của chú thiếm ba Giàu đã bán sạch cho đám lái dưa. Chú thiếm đang rảnh rang vừa đếm tiền vừa tính coi năm nay ăn Tết mần sao đây. Nè ! Cái gánh thằng Ba năm nào cũng về sớm nhứt ngày hăm lăm, còn vợ chồng thằng Tư mần việc cho nhà nước, phải đến chiều ba mươi mới về tới. Vợ chồng con Hai đầu năm mắc lo cúng kiến bên anh chị sui, chắc phải qua mùng hai mới đưa xấp nhỏ qua. Cả đám cháu nội cháu ngoại lủ khủ, mà Tết năm nay gà vịt gì cũng hổng dám rớ, cả trứng vịt trứng gà cũng lơ luôn, coi bộ phải mần luôn hai con heo mới đủ ăn. Ờ ! Sẳn đây mới nhớ, ngày mơi phải kêu con Út ra chợ Tầm Vu dặn chú Kía chạp phô đem vô chục giạ Nàng Thơm Chợ Đào để dành ăn ba ngày Tết, còn dư ra giêng cho vợ chồng thằng Tư đem về thành phố. Tội nghiệp vợ chồng son cùng mần việc ở thành phố, mãn năm hổng được ăn gạo ngon.

Và tại sao lịch sử lại không thể tái diễn lần nữa cà ? Tức nhiên bây giờ đã là thế kỷ hăm mốt, chi tiết phải có thay đổi chút đỉnh mới hạp thời chớ ! Chẳng hạn như đèn măng-xông đã được thay bằng đèn điện, gỏi gà được thay bằng đầu cá lóc hấp cuốn bánh tráng, còn tên sanh viên chống rầy (nghèo rớt mùng tơi) năm xưa bây giờ được thay bằng một công tử Việt Kiều rất bảnh từ xứ Công-Gô Phi Châu (tiền đô đầy túi) về quê hương ăn Tết. Nhắc tới thằng nhỏ Việt Kiều Công-Gô này chú thiếm ba cứ đắc chí tũm tĩm cười hoài. Thằng nhỏ này hồi hè rồi theo tía má nó về thăm quê nội ở xứ Tầm Vu. Trời xui đất khiến gặp lúc trường trung học huyện lỵ Tầm Vu bãi trường, có tổ chức hội diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Ông chủ tịch xã được tía má nó tặng cho một chai Cà-Nhắc XO quí lắm mới nhơn dịp này mời cả nhà nó đi coi văn nghệ. Nhờ vậy thằng nhỏ mới có dịp coi tiểu thơ út chót của chú thiếm Ba sắm vai cô dâu con trong màn biểu diễn điệu múa Đám Cưới Nhà Quê. Nhìn thấy cô dâu trên sân khấu xinh xắn mặn mà, tay chưn dịu nhiểu, thằng nhỏ đâm ra mê mẩn ngó thiếu điều muốn rớt mắt kiếng. Dứt màn múa, nó là người vổ tay lớn nhứt, còn đút hai ngón tay vô miệng thổi hoét hoét nữa ! Vậy rồi suốt mấy tuần sau đó nó cứ tò tò đi theo làm quen con Út. Sau khi về xứ Công-Gô mới mấy tháng nó đã một mình trở qua Việt Nam ăn Tết. Sáng hôm qua nó gặp chú Ba ngoài chợ Tầm Vu, nó nói có chút quà Tết mang từ xứ Công-Gô sang, hẹn tối nay sẽ tới tặng cho chú thiếm và cô Út. 

Mấy bữa nay chú thiếm cứ thấy cô Út săm soi tấm kiếng chải đầu hoài, còn cười chúm chím với bóng mình nữa chớ ! Tối hôm qua thiếm Ba có nói nhỏ với chú Ba là hai đứa nó ngó kỷ thiệt cũng xứng đôi vừa lứa. Thằng nhỏ vừa đôi mươi, con Út vừa mười tám. Thằng nhỏ ở xứ Công-Gô làn da ngâm ngâm, tướng tá bậm trợn. Con Út thì nước da bánh mật giống tía, vóc người tròn trịa, tướng đi khoan thai dịu dàng. Thiệt là càng nhìn càng thấy rõ ràng trời sanh một cặp kim đồng ngọc nữ ! Soi guong chai toc.jpg (45130 bytes)

Trời mới chạng vạng mà nhà của chú thiếm Ba từ đằng trước tới đằng sau đã mở đèn sáng trưng, đúng là tối nay nhà chú thiếm đang có khách quý ! Ở cái bàn trên nhà trước chú ba Giàu đang ngồi đối diện với thằng hai Công-Gô, chén chú chén cháu rất là tương đắc. Thiếm Ba ngồi tréo ngoảy trên bộ ván vừa nhai trầu vừa góp chuyện. Cô Út thì thỉnh thoảng chạy lên chạy xuống, khi thì lấy thêm rau, lúc thì hâm lại tô cháo. Chai rượu đế Gò Đen để trên bàn đã cạn hơn phân nửa. Thình lình chú Ba lè nhè nói:

- Thằng Hai nè ! Qua nói thiệt là qua chịu thằng Hai mầy lắm đó nghe. Thằng Hai mầy sanh đẻ ở tận bên xứ Cống-Gổ Phi Châu mà về Việt Nam cũng biết dô rượu đế chăm phần chăm như vầy thiệt là bảnh hổng thua ai nghe. Nói tới nói lui hổng qua nói thiệt. Nhà qua chỉ còn một đứa con gái út, năm nay vừa tròn mười tám, mặt mày cũng dễ coi. Thằng Hai mầy mà chịu con Út của qua là qua gả liền. Vậy chớ thằng Hai mầy có chịu hôn ?

Cô Út vừa đặt tô cháo cá xuống bàn liền é một tiếng tía kỳ quá hà ! Rồi chạy tuốt xuống nhà sau. Thiếm Ba cười tũm tĩm chẳng nói gì. Còn công tử Công-Gô thì trợn mắt há miệng ngồi chết trân. Miếng thịt cá lóc khi không nằm lững lơ trong miệng công tử, vô hổng vô, ra hổng ra. Cái quạt trần đang quay vù vù trên đầu mà mồ hôi công tử rơi lộp độp. Quả thiệt công tử đang á khẩu ! Nhưng xin thưa cùng các bạn ta là cái lý do công tử thình lình bị á khẩu tuyệt nhiên không có mắc mớ gì tới câu hỏi đứng tim của chú Ba, mà tại vì cái xương cá mắc toi đang vướng trong cổ họng của công tử !

Viết xong vào ngày hai mươi tháng chạp năm Giáp Thân

 

Miệt Dưới Dũng Trần

 

Ghi chú:

1. Không phải người viết cố tình hạ giá phụ nữ Tầm Vu đâu nghe. Vợ lớn tức Chánh Cung Hoàng Hậu thì nhứt định phải là tiểu thơ thiên kim ở đất Phú Xuân, cho nên các tiểu thơ bách kim xứ Tầm Vu cùng lắm cũng chỉ được quân vương tuyển làm vợ nhỏ mà thôi.

2. Bây giờ nhắc lại mới nhớ là bà bóng nào cũng đội một mâm nếu không phải cam, quít thì cũng là mận, xoài. Sao hổng thấy bà bóng nào đội mâm mít hay mâm sầu riêng vậy cà ?

3. Thú thiệt là tới nay người ghi cũng không biết tên cái kèn đó. Chỉ thấy là trong giàn nhạc của các bà bóng và giàn nhạc đám ma thì cây kèn này không bao giờ vắng mặt.

4. Nhưng tuyệt nhiên không có ngoáy ngoáy cái mông như các kiểu múa thời nay.

5. Ở Lục Tỉnh nói một người đờn bà coi lịch sự lịch sàng là có ý khen nhan sắc xinh đẹp.

6. Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã-Lai của dân tộc Việt-Nam, NXB Lá Bối, in lần thứ nhứt, 1971.

7. Tức là tính tới thời điểm đó. Sau đó còn có Út thêm, Út nữa, Út me, Út mít … gì nữa không thì người ghi chịu thua không sao biết được.

8. Lâu nay vẫn thấy viết là rừng sát, nhưng hình như là cụ Vương Hồng Sển có giải thích là nên viết rừng xát mới đúng. Người ghi rất mong được chỉ giáo.

9. Thời đó nhà nước CHXNCN Việt-Nam vẫn chưa cho xổ số. Nếu không, người ghi thế nào cũng xin anh Giàu vài con số.

10. Tép riêu !

11. Một loại ông kẹ !

12. Loại không cần dầu !

13. Hay là bà con chưa ăn cơm, đang đói bụng ?

14. Chữ nghĩa của ông Chủ Tịch hay dùng, có nghĩa là dông, bỏ chạy.

15. Vác mệt nghỉ !

16. Bo bo mà nhà nước CHXHCN giới thiệu cho dân miền nam ăn từ sau 75 đến thập niên 80 đúng ra là gạo mì (wheat), còn bo bo thứ thiệt (sorghum) hay còn gọi là lúa miến là mấy cái hột tròn tròn, nhỏ nhỏ luôn luôn có mặt trong món chè xám bổ lượng.

17. Tạ ơn trời đất ! Trước đã được ở ngay huyện lỵ, sau lại còn có tỉ muội chị nuôi chăm lo miếng ăn. Ba tên tổ viên này nhứt định tên nào cũng đã tu chín kiếp !

18. Làng Chợ Đào thuộc huyện Cần Đước, nổi tiếng với đặc sản gạo Nàng Thơm. Từ thời xa xưa đã có nhiều nông dân thử lấy giống Nàng Thơm ở đây đem trồng ở các xã khác thì gạo lại không được thơm như trồng ở Chợ Đào. Làng Chợ Đào cũng là quê nội của người ghi. Theo bà nội lúc sanh tiền kể lại thì Nàng Thơm Chợ Đào là một trong vài loại gạo của miệt Lục Tỉnh được đức Tả Quân chọn để tiến vua. Đến đời hoàng đế Khải Định vẫn còn lệ này. Hiện nay làng Chợ Đào vẫn còn sản xuất loại gạo này và người ghi gần đây cũng có dịp đuợc tái ngộ Nàng Thơm Chợ Đào. Tuy nhiên, không biết vì đã ăn gạo thơm Thái Lan quá lâu hay giống Nàng Thơm ngày nay đã bị lai với các giống lúa khác, nên mặc dù vẫn còn thơm mà người ghi không còn cảm giác được mùi thơm rất nồng nàn "Chợ Đào" của nồi cơm vừa chín năm xưa nữa ?

19. Đây là một giống lúa quí, cũng thuộc hạng tiến vua. Tên Nanh Chồn theo ông bà kể lại là do hình dạng hột gạo "thon dài và nhỏ rức như nanh chồn" . Tương tợ như Nàng Thơm, Nanh Chồn cũng thuộc nhóm lúa có thời gian sanh trưởng dài (sáu tháng), nhưng lại cho năng suất cực thấp. Trung bình chỉ đạt chừng phân nửa năng suất của Nàng Thơm, mà Nàng Thơm vốn đã là thứ lúa cho năng suất thấp. Vì vậy, mặc dù có thể được trồng ở nhiều vùng khác nhau khắp miệt Lục Tỉnh, mà rất ít nông dân chịu trồng thứ này khiến gạo Nanh Chồn hầu như thời nào cũng hiếm. Các chủ điền thời trước nhiều người muốn ăn gạo Nanh Chồn, nhưng bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không mua được, nên thường phải giao cho tá điền một miếng ruộng để trồng riêng thứ này. Vào khoảng thập niên 60, người ghi có dịp đọc một chuyện ngắn đăng trên báo xuân (không nhớ rõ tác giả là cụ Vương Hồng Sển hay Sơn Nam hoặc Bình Nguyên Lộc). Chuyện kể một ông chủ điền thèm ăn cơm Nanh Chồn quá cỡ, mấy lần tới nhà một anh tá điền nài mua lại chục lít đem về ăn đỡ thèm mà anh tá điền cứ nhứt định chối không có. Đến bữa nọ nhịn hết nổi, ông chủ điền bèn canh me tới thăm anh tá điền vào giờ cơm chỉ để có dịp ăn chực cơm Nanh Chồn với mắm sặc ! Đến thời Người Cày Có Ruộng thì gạo Nanh Chồn hoàn toàn biến mất, kể như đã tuyệt chủng. Một mất mát lớn đối với Ngân Hàng Giống Lúa Gạo Việt Nam.

20. Chữ nghĩa của Đinh sư muội. Bạn mình nếu có thắc mắc là đạo gì xin cứ gởi thẳng câu hỏi tới Đinh sư muội xin thỉnh giáo. Cam đoan sẽ được giảng giải rành mạch.

21. Có lẽ người ghi chiều hôm đó đem về quá nhiều còng chăng ? Hay cánh tay của chị nuôi Bích Lan vốn không phải yếu ớt như phe ta tưởng tượng ?

22. Bộ dám im re chém vè sao ?

23. Không phải đang hành văn thậm xưng gan ruồi mỡ muỗi, càng không phải cố tình bi thảm hóa tình hình, tên sanh viên bị nắm áo đó chính là người ghi, hai lần giữa chợ Tầm Vu bị hai bà cụ mếu máo nắm áo kêu khóc "Cán bộ chống rầy ơi ! Làm ơn giúp tui. Rầy ăn hết lúa tui rồi”.

24. Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc là không thể diễn tả rõ ràng hơn, nên mạn phép yêu cầu bạn đọc vận dụng một chút trí tưởng tượng của mình.

25. Lúc này đã gần cuối năm, nhiều nông dân đã quay sang trồng dưa hấu bán Tết.

26. Mà ở cái xứ Tầm Vu này có ai mà anh Giàu không quen vậy cà ?

27. Chuyện nhỏ !

28. Không thành vấn đề !

29. Cũng may ở Việt Nam lúc nào người ta cũng có thể đổ thừa tại trời nóng !

30. Câu giờ để kiếm kế !

31. Tiểu thơ hơ hớ đang ngồi đó mà chú Năm còn hổng ke, mấy thằng đực rựa này thì nhằm nhè gì !

32. Anh Giàu thì một chục cặp cũng chẳng nhằm nhè gì, nhưng người ghi dù cái miệng dạ lia vậy chớ còn lâu mới dám trở lại nhận dưa hấu. Bạn đọc nếu cảm thấy muốn cười người ghi chicken, xin mời tự nhiên, vì chuyện này quả nhiên người ghi absolutely chicken không chối chổ nào được.