TÔI CHẾT TRONG KIẾP LÀM SỎI ĐÁ (I DIED AS A MINERAL)

 

 

I Died as a Mineral

 

I died as a mineral and became a plant,

I died as plant and rose to animal,

I died as animal and I was Man.

Why should I fear? When was I less by dying?

Yet once more I shall die as Man, to soar

With angels blest; but even from angelhood

I must pass on: all except God doth perish.

When I have sacrificed my angel-soul,

I shall become what no mind e'er conceived.

Oh, let me not exist! for Non-existence

Proclaims in organ tones, To Him we shall return.

Rumi

 

("I Died as a Mineral", as translated in The Mystics of Islam (1914) edited by Reynold Alleyne Nicholson, p. 125 (1))

 

Sau đây là bản dịch nghĩa đăng trên Wikipedia tiếng Anh.(2)

 

 

I died to the mineral state and became a plant,

I died to the vegetal state and reached animality,

I died to the animal state and became a man,

Then what should I fear? I have never become less from dying.

At the next charge (forward) I will die to human nature,

So that I may lift up (my) head and wings (and soar) among the angels,

And I must (also) jump from the river of (the state of) the angel,

Everything perishes except His Face,

Once again I will become sacrificed from (the state of) the angel,

I will become that which cannot come into the imagination,

Then I will become non-existent; non-existence says to me (in tones) like an organ,

Truly, to Him is our return.

 

 

Tôi chết trong kiếp sỏi đá

 

Tôi chết trong kiếp sỏi đá và trở thành cây cỏ,

Tôi chết trong kiếp cỏ cây và trở thành con thú,

Tôi chết khỏi kiếp làm con thú và tôi thành người.

Tại sao tôi phải sợ? Có bao giờ chết đi làm tôi thấp kém hơn?

Rồi tôi lại sẽ chết qua kiếp người,

Để ngẫng đầu và tung cánh bay lên cùng với thiên thần;

Nhưng ngay cả kiếp thiên thần

Tôi cũng phải từ bỏ thôi: tất cả đều sẽ chết, chỉ còn Dung Nhan Ngài mà thôi.

Chỉ khi tôi bị hy sinh không còn làm thiên thần nữa,

Tôi sẽ trở thành một cái gì không trí óc nào tưởng tượng nổi.

Lúc đó tôi sẽ không-tồn tại! sự không-tồn tại

Tuyên xưng với tôi như âm điệu đại phong cầm,

Thật như vậy, Với Ngài, chúng ta sẽ trở về.

 

Hồ Văn Hiền dịch

 

Jalāl ad-Dīn Mohammad Rūmī, thường được biết với tên ngắn gọn Rūmī (1207-1273) là một nhà thần bí (mystique) của đạo Hồi và một nhà thơ, phần lớn dùng ngôn ngữ Ba Tư (Persian, Farsi viết bằng mẫu tự Á Rập), nổi tiếng với những bài thơ trữ tình và sử thi có tính cách giáo huấn Mas̄navī-yi Maʿnavī (Spiritual couplets/ “Thơ hai dòng tâm linh”), có ảnh hưởng rộng rãi đến tư tưởng và văn học thần bí trong khắp thế giới Hồi giáo và nhất là trên Hồi giáo Sufi (Sufism). Hiện nay Rumi được cho là thi sĩ được hâm mộ nhất và ‘bán chạy’ (best selling) ở Mỹ, có lẽ một phần do internet các bản dịch của thơ ông được phổ biến rộng rãi hơn trước.(2)

 

Đạo Hồi Sufi (Sufism) là một hình thức thần bí của Hồi giáo (mystical form of Islam), một trường phái nhấn mạnh vào việc hướng vào nội tâm để tìm kiếm Thượng Đế và tránh xa chủ nghĩa vật chất. Sufism đã tạo ra một số tác phẩm văn chương được yêu thích nhất trên thế giới, như những bài thơ của Rumi mà chúng ta giới thiệu ở đây. Hồi giáo Sufi hiện nay cũng chủ trương tách rời khỏi quyền lực chính trị và không có tham vọng trở thành quốc giáo , tập trung vào đời sống tâm linh và bị một số tín đồ cực đoan chống đối và tấn công họ dữ dội. Ví dụ năm 2017, một đền Sufi tại bán đảo Sinai (Ai cập) bị nhóm cực đoan Hồi giáo tấn công làm 305 người chết. (3)

 

Tín đồ Sufi cố gắng đến gần Thượng Đế hơn bằng cách tìm kiếm sự thụ huấn về tâm linh gọi là tariqa, tuy nhiên tariqa còn có nghĩa một dòng tu, một học viện ở đó những người muridin muốn tìm hiểu Thượng Đế và yêu mến Thượng Đế được học hỏi dưới sự hướng dẫn của một murshid.

 

Theo triết lý của Rūmī, cuộc sống phải là một cuộc hành trình để kết hợp với một Thượng Đế chân chính duy nhất, đạt được bằng cách thực hành tình yêu thương — bằng cách từ bỏ việc coi mình như một thực thể độc lập và hướng về chân lý là biết Thượng đế như là thực thể duy nhất . Được sự trợ giúp của những người hướng dẫn tâm linh, một người sống — yêu —đi vào chân lý đó, dần dần đạt đến kiến thức đầy đủ về sự hiện diện thiêng liêng duy nhất, sau đó hướng dẫn những người khác. Trải nghiệm về tình yêu, những khao khát và mất mát cá nhân đã khiến ông chuyển sang thi ca, viết những bản tình ca thần bí cho người thầy về thần bí Shams al-Dīn mà ông coi như mặt trời soi đường cho mình , nhà tiên tri Muhammad và Thượng Đế.(4)

 

Rumi tin tưởng cuồng nhiệt vào việc sử dụng âm nhạc, thơ ca và khiêu vũ như một con đường để đến với Thượng Đế. Đối với Rumi, âm nhạc giúp những người sùng đạo tập trung toàn bộ con người của họ vào cỏi thiêng liêng và họ làm điều này mãnh liệt đến mức linh hồn vừa bị hủy diệt vừa được hồi sinh. Từ đó, tục múa xoay vòng của những Dervish đã phát triển thành một hình thức nghi lễ. Những lời dạy của ông đã trở thành cơ sở cho dòng Mevlevi do con trai ông là Sultan Walad thành lập. Rumi khuyến khích Sama (hay sema) là vừa nghe nhạc vừa xoay người hoặc thực hiện điệu nhảy thiêng liêng. Trong truyền thống Mevlevi, sama biểu hiện cho một cuộc hành trình thần bí qua đó thông qua tâm trí và tình yêu con người được nâng cao về tâm linh và đến với Đấng Hoàn Hảo. Sau đó, người tìm kiếm trở về từ cuộc hành trình tâm linh này, trưởng thành hơn, để yêu và phục vụ toàn thể tạo vật mà không phân biệt đối xử về tín ngưỡng, chủng tộc, giai cấp và quốc gia. (2) Năm 2008, UNESCO đã xác nhận "Nghi lễ Mevlevi Sama" của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

 

Thiền của Nhật phát xuất vào thế kỷ thứ 13 cùng thời với Rumi, tuy trong hai truyền thống tôn giáo khác nhau. Có người đã so sánh ‘thiền’ hay ‘tọa thiền’ với chủ nghĩa thần bí (mysticism). Trong thiền, không thấy nhắc đến thượng đế và việc hợp nhất với thượng đế. (5) Tuy nhiên, về mặt tâm linh chúng ta có thể thấy trong thơ của Rumi hay trong đạo Sufi một số âm hưởng của thiền, như trong bài thơ trên đây mà thường chúng ta chỉ thây trích 4 câu đầu tiên không có màu sắc tôn giáo:

 

Tôi chết trong kiếp sỏi đá và trở thành cây cỏ,

Tôi chết trong kiếp cỏ cây và trở thành con thú,

Tôi chết khỏi kiếp làm con thú và tôi thành người.

Tại sao tôi phải sợ? Có bao giờ chết đi làm tôi thấp kém hơn?

 

Cũng như câu thơ sau đây của Rumi:

 

“Sit, be still, and listen, listen because you are drunk and we are at the edge of the roof”

“Hãy ngồi xuống, ngồi yên và lắng nghe, lắng nghe, vì anh đang say và chúng ta đang ngồi tại mé của mái nhà.”

 

Ở đây, ‘ngồi xuống’ và ‘nghe’ là những hành vi thiền, tình trạng “say” ở đây có thể dùng để chỉ sự mê muội vướng mắc của tư tưởng, và thế ngồi tại mé của mái nhà có thể áp dụng cho tính vô thường. (6) Cũng như trong bài thơ trên, ý niệm ‘không-tồn tại’ (non-existence) cũng làm chúng ta nhớ đến thấp thoáng đâu đây bài giảng về Pháp Vô Niệm.(7)

 

Có lẽ vì vậy mà đọc bài thơ này chúng ta thấy quen quen chăng?

 

 

Tham khảo:

1) https://libquotes.com/rumi/quote/lby9t7y

2) https://en.wikipedia.org/wiki/Rumi

3) https://www.nytimes.com/2017/11/24/world/middleeast/sufi-muslim-explainer.html

4) https://www.britannica.com/biography/Rumi

5) https://oxford.universitypressscholarship.com/view/10.1093/acprof:oso/9780195300383.001.0001/acprof-9780195300383-chapter-9

6) https://www.patheos.com/blogs/monkeymind/2020/05/listen-listen-or-rumi-as-a-zen-master.html

7) Nguyễn Tuấn Khoáng: Vô Niệm; https://cdhanqk.com/index.php/menu-phatphap-khac/360-voniem-20170408

 

 

Hồ Văn Hiền

Ngày 15 tháng 10 năm 2021