Tấu Khúc Nghiệp
Trích bài nói chuyện của ông Phil Hirsch vào ngày 19 tháng 9 năm 2012 tại Phật Điện tại Vạn Phật Thánh Thành
http://www.dharmasite.net/Karma_Sonata.htm
Tôi tên là Phil Hirsch. Tôi là một tình nguyện viên thường trú Vạn Phật Thánh Thành; nhiệm vụ chính của tôi là bảo trì phòng âm thanh. Điều tôi muốn nói tối nay là Sự đầu thai, làm thế nào mà bánh xe nghiệp lực luân chuyển và làm thế nào mà chúng ta cứ mãi mãi duy trì cái nghiệp chướng ấy.
Khi còn rất nhỏ, có lẽ vào khoảng năm hay sáu tuổi gì đó, cha mẹ tôi mua một căn nhà và chúng tôi đi xem căn nhà đó. Ở trong một căn phòng, tôi nhìn thấy có một cây đàn dương cầm (piano). Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy cây đàn dương cầm. Tôi đi tới và khi đặt tay của mình lên những phím đàn, tôi đã thấy điều mà tôi cho rằng đấy là giấc mơ hiển hiện giữa ban ngày. Tôi nhìn thấy đôi tay mình đang chơi trên phím đàn, chồng lên trên đôi tay thật của tôi, như thể là tôi được hoán đổi vậy. Tôi nhìn vào bàn phím và ngay lập tức tôi biết làm thế nào để chơi đàn dương cầm ngay. Cuối ngày đó, tôi viết một bài hát rất ngắn và đã rất hồi hộp khi khám phá lại cây đàn dương cầm.
Suốt thời gian này, mẹ tôi thường hay nóng giận với tôi. Thời gian từ khi tôi sinh ra cho đến tận khi tôi tám hay mười tuổi gì đó, bà luôn luôn quát mắng và đánh tôi. Một ngày nọ, khi tôi khoảng mười tuổi, tôi nói với bà rằng bà không nên làm như thế nữa. Bà nhìn tôi và quay người bỏ đi rất nhanh. Từ ngày đó trở đi, bà không bao giờ đánh tôi nữa. Bà vẫn quát mắng tôi đôi chút, nhưng dừng hẳn việc đánh đập tôi.
Cuộc đời tôi cứ thế tiến triển, tôi vẫn có những ý niệm lờ mờ về quãng đời trong quá khứ đó, đặc biệt là liên quan tới âm nhạc. Bây giờ tôi đã ở tuổi 71 của cuộc đời. Tôi nói chuyện về âm nhạc, chơi nhạc một cách chuyên nghiệp, là nhà sản xuất băng đĩa, là kỹ sư thu âm; và còn dạy phương pháp làm thế nào để sáng tác hay chơi nhạc. Tuy nhiên, cho tới tận hôm nay tôi vẫn không thể đọc hay viết nhạc. Âm nhạc đến với tôi một cách trực giác.
Tôi được giới thiệu về Đạo Phật vào năm 1961 và có lẽ một phần là nhờ thiền, tôi vẫn còn có ký ức về những kiếp khác (của mình). Một lần, khi tôi đang thiền, tôi đã thấy một cảnh tượng. Trong cảnh tượng đó, tôi nhìn thấy một ngôi nhà, tôi ở bên trên ngôi nhà đó, nhìn xuống quang cảnh đường phố Châu Âu cách đây hàng trăm năm. Trời lúc đó về đêm và tuyết rơi; có một người phụ nữ bước về phía ngôi nhà. Ngay khi tôi nhìn thấy người phụ nữ đến gần ngôi nhà, tôi nhìn thấy người ấy đang bồng ẳm một đứa bé. Cô ta gõ cửa và cửa mở. Một người đàn ông lớn tuổi bước ra và ngay lập tức tôi biết rằng người đàn ông lớn tuổi đó là tôi, người phụ nữ ấy là con gái tôi và con gái tôi vừa mới có một đứa con ngoài giá thú.
Trong kiếp đó, mối quan tâm chính của tôi là sự giàu có và danh tiếng của một nhà soạn nhạc và nhạc trưởng, và tôi đã đạt được cả hai. Tôi đã rất bực bội với cô gái đó, đến nỗi mà tôi từ bỏ cô ta và đuổi cô ta ra khỏi nhà cùng với đứa bé, tôi không có chút từ bi hay lòng trắc ẩn gì với cô gái đó cả. Cô ta đã làm nhơ nhuốc tên tuổi và danh tiếng của tôi.
Sau đó tôi đã nhận ra rằng mẹ tôi trong kiếp này đã từng là con gái của tôi trong kiếp trước đó. Một lần tôi hỏi mẹ tôi rằng bà có còn nhớ việc đánh đập tôi khi tôi còn nhỏ không. Bà nhìn tôi với đôi mắt đầm đìa nước mắt và nói rằng có nhớ, “Không một ngày nào trôi qua mà mẹ không nhớ những ngày đó”. Rồi bà nói “Mẹ không biết tại sao mà mẹ đánh con khủng khiếp như thế!” Mẹ tôi đã xin tôi tha thứ và tôi đã tha thứ cho bà.
Chúng tôi nói thêm chút nữa về chuyện đó và tôi nghĩ chuyện đã qua. Vào lúc trò chuyện này, tôi đã không biết về nghiệp quá khứ của chúng tôi; về sau này mới được biết trong lúc thiền tập. Nhưng sau khi thấy cảnh giới đó, tôi nhận ra lý do mà bà đánh tôi là bởi vì những gì mà tôi đã làm với con gái tôi và con của cô ta trong kiếp trước; và tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Sau đó, tôi lập nguyện để chấm dứt sự lộn xộn trong gia đình tôi: Lòng tham, sân hận và ngu si của chúng tôi.
Mẹ tôi đã mất cách đây mấy năm vào tuổi 96. Từ thập niên 1970 cho đến khi bà mất, chúng tôi đã trở nên rất gần gũi. Lúc bà lâm chung trên giường hai năm về trước, tôi đã cầm lấy tay bà khi bà nhìn tôi và nói, “Làm sao con vẫn có thể yêu thương mẹ dù những gì mẹ đã làm với con khi con còn rất nhỏ?” Qua những năm tháng dài mà điều đó vẫn còn trong tâm trí của bà. Cả 96 năm, bà đã sống với ký ức đó; tôi đã không biết làm thế nào để nói với bà rằng đó là lỗi của tôi. Tôi chính là lý do khiến bà đánh tôi. Vì thế tôi đã phát nguyện chấm dứt những gì mà tôi cho rằng là sự lộn xộn trong gia đình của cá nhân tôi.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ Mạt Pháp, nơi mà lòng tham lam, sân hận và ngu si là những tiêu chuẩn. Thật khó để tu hành trong thế giới bên ngoài nơi mà ai ai cũng đồng ý rằng sân hận thì không sao và nơi mà ai ai cũng đồng ý rằng tham lam là chấp nhận được. Một lần tôi đến Vạn Phật Thánh Thành khoảng bốn năm về trước; một điều mà tôi đã không có được ở thế giới bên ngoài nhưng ở đây tôi lại có là những vị thiện tri thức và những bản Kinh thật tuyệt vời để đọc. Qua việc đọc Kinh điển, cuối cùng tôi hiểu được làm thế nào để rối loạn trở thành điều hòa. Điều này trước đó suốt cuộc đời tôi, tôi đã không hiểu ra được, cho dù tôi có thiền tập.
Mặc dù Đức Phật đã dạy suốt bao nhiêu năm và thuyết bao nhiêu Kinh Điển, tôi tìm thấy rằng ở một mức độ nào đó, Kinh Điển thực sự rất đơn giản. Đó là sự hiểu biết rằng nó là đơn giản. Tuy nhiên, việc tu hành và thực hành sự hiểu biết đó lại rất khó khăn. Làm thế nào mà tôi từ sân hận chuyển thành không sân hận đây? Tôi thực hành kiên nhẫn. Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn. Khi tôi cảm thấy sự sân hận của mình đang dâng lên, tôi hít thở một hơi sâu và thực hành kiên nhẫn. Thật vô cùng kỳ diệu rằng chỉ mất vài phút để làm tiêu tan đi sự sân hận đó khi tôi áp dụng tính kiên nhẫn. Nếu tôi nhận thấy rằng mình tham lam và nghĩ quá nhiều về bản thân mình, tôi thực hành lòng bao dung. Điều này thật đơn giản. Khi tôi khởi phiền não, và tôi biết điều đó bằng cách cảm nhận, tôi tìm ra mặt đối lập và thực hành đối trị. Sợ hãi đối trị bằng can đảm, tức giận đối trị bằng kiên nhẫn, tham lam đối trị bằng bao dung và ngu si đối trị bằng trí tuệ.
Ông Phil Hirsch