Sách Sử Việt Nam Có Gì Mới?

 

 

 

Năm 2011, tác giả bài này cùng với Bác sĩ Đặng Văn Chất hợp tác để cho ra mắt độc giả tiếng Anh cuốn sách "Sử Việt Nam, Chuyện Kể Lại Cho Một Thế Hệ Mới” (Vietnam History, Stories Retold For A New Generation) vì chúng tôi thấy thiếu vắng những sách về Việt Sử bằng tiếng Anh dễ đọc và bao quát, cần cho những thế hệ trẻ hải ngoại có một cái nhìn của người Việt về nguồn gốc của mình và cha mẹ mình, trong lúc quá khứ trước 4/1975 của chúng ta có thể bị viết lại, bóp méo hay xoá bỏ...

 

Sau này, chúng tôi mới biết đến một cuốn sử Việt đã xuất bản năm trước, "A Story of Vietnam" (Outkirts Press, 2010) của giáo sư hồi hưu người Mỹ gốc Việt Trương Bửu Lâm, tiến sĩ sử học Đại Học Louvain (Bỉ), từng là giáo sư tại các đại học ở Việt nam (trước 1975) và Mỹ, ở State University of New York at Stony Brook và cuối cùng là Đại Học Hawaii (Mỹ). Sách dày 370 trang, khổ 5.5”x8.5”, có 45 tranh ảnh.

 

Năm 2015, một cuốn sử Việt khác bằng tiếng Anh đươc Amazon xuất bản: History of Vietnam, The Origin of the Vietnamese People, của tác giả Phạm Trần Anh, từng tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh, phục vụ trong chính quyền và quân đội VNCH và hoạt động tích cực trong cộng đồng hải ngoại.

 

Một cuốn Việt sử khác do người Việt hải ngoại viết là "Descending Dragon, Rising Tiger: A History of Vietnam (Hardcover – January 15, 2015), bìa cứng, hình ảnh rất đẹp của Vũ Hồng Liên và Peter Sharrock. Vũ Hồng Liên sinh tại Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn và gia nhập làng báo quốc tế năm 1970, phụ trách về “chiến tranh Mỹ/Việt”. Hai năm sau bà đi Anh và làm việc cho đài BBC, làm nhà sản xuất cho radio và TV cho đến năm 2001. Bà đi học khoa nghiên cứu về Đông phương và Phi Châu tại School of Oriental and African Studies (SOAS), University of London, tốt nghiệp tiến sĩ năm 2008 và hiện nay viết sách và giảng dạy tại SOAS. Cùng tác giả: "Royal Hue" về nghệ thuật, kiến trúc Huế và "Rice and Baguette: A History of Food in Vietnam" (Foods and Nations) (Hardcover – October 15, 2016) về lịch sử thức ăn Việt.

 

Trong mấy năm gần đây, xuất hiện nhiều cuốn sách của các giáo sư sử học người Mỹ viết về lịch sử Việt Nam, một cách bao quát từ thời tiền sử cho đến hiện nay. Với những tin tức mới lạ, kết quả của những khảo cứu gần đây, cũng như đề cập nhiều đến các vấn đề văn hoá, các sách này xoá bỏ hình ảnh lỗi thời của Việt nam như là chiến trường nơi người Mỹ thất bại và thường được báo chí cũng như trí thức Mỹ (thường là thiên tả) nhìn khá thiên lệch và hời hợt trong thời chiến tranh. Nói chung các sách này trình bày vấn đề nhìn từ nhiều phía, cũng như dưới nhiều khía cạnh, nhiều lãnh vực sinh hoạt xã hội khác nhau, như văn hoá, chính trị, khảo cổ học, ngôn ngữ học, nhân chủng học...

 

 

Theo thứ tự thời gian, chúng ta có:

 

1)”A History of the Vietnamese” (Cambridge University Press, 2013), đồ sộ và chi tiết hơn (696 trang), của Keith Taylor, giáo sư khoa Á Châu Học tại trường Đại học Cornell, từng nổi tiếng với cuốn sách "Sự Ra Đời Của Việt Nam" (The Birth of Vietnam) năm 1991, nghiên cứu về giai đoạn tiền sử, thời Bắc thuộc cho đến thế kỷ thứ 10 lúc Việt nam độc lập. Trong phần giới thiệu đầu sách, tác giả muốn định nghĩa "lịch sử Việt Nam" như là những gì có thể tìm biết được về một mặt nào đó của quá khứ. “Lý do gọi nó là sử Việt là vì những biến cố đã xảy ra trên phần đất mà hiện nay chúng ta gọi là Việt Nam, và một số phiên bản của nó đã từng được dạy dỗ như là một hồi ức / kỷ niệm chung cho cho nhiều thế hệ người nói tiếng Việt, và do đó gây ra một cảm giác rằng họ làm chủ. Tôi thích thú về quá khứ của Việt Nam không phải vì đấy là của [nước hay người] Việt Nam, mà vì nó giúp tìm hiểu về cách xã hội con người được tổ chức và cai trị như thế nào trong nhiều năm bên cạnh một đế quốc." Nói cách khác, không như người Việt chúng ta tìm hiểu về sử Việt vì những lý do tình cảm hay tự hào dân tộc, và với ý thức dân tộc tương tự như một người tìm hiểu về gia phả, ông bà của mình, đối tượng tác giả nghiên cứu và kể lại là những sinh hoạt trong quá khứ trong khu vực địa lý mà hiện nay được gọi là 'nước' Việt Nam. Theo tác giả , “quá khứ Việt nam không hiển thị một 'logic' nội tại cho sự phát triển dẫn dắt đến ngày hôm nay”. (The Vietnamese past does not display an internal logic leading to the present). Có nghĩa là ở đây chúng ta sẽ không tìm thấy những ý niệm có tính cách dân tộc chủ nghĩa như “Trăm Việt Trên Đường Định Mệnh” (Phạm Việt Châu). Tuy nhiên, Taylor cũng đưa ra 4 giai đoạn lịch sử:

a)      Giai đoạn nhiều thế kỷ lúc miền Bắc nước Việt hiện nay còn là một tỉnh của đế quốc Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ 3 trước TC cho đến thế kỷ thứ 10 (mà sách sử chúng ta thường gọi là thời Bắc thuộc). Theo Taylor, những người sống trong đồng bằng sông Hồng trước và sau giai đoạn chịu ảnh hưởng Hán hoá này "chắc chắn là nhận nhau không ra mà nói với nhau cũng không hiểu" (“surely unrecognizable and unintelligible to each other”) và về điểm này có thể nhiều học giả Việt nam sẽ không đồng ý. Khác với quan điểm của các nhà sử học Việt Nam cho rằng và tìm cách chứng minh rằng văn hoá và ngôn ngữ Việt đã từng tồn tại (hiện hữu) trước khi người Tàu chiếm vùng đồng bằng sông Hồng cuối thế kỷ thứ 3 TCN, lần này, căn cứ trên những kết quả khảo cứu trong 20-30 năm nay, Taylor đã đi ngược lại với những gì ông từng viết năm 1991 trong cuốn The Birth of Vietnam. Lần này, Taylor đi đến kết luận rằng văn hoá Việt được thành hình trong thời gian 10 thế kỷ dưới sự cai trị của người Trung Hoa, và tiếng Việt thành hình lúc những người Trung Hoa nhập cư nhảy sang dùng tiếng nói của người thổ dân địa phương vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên, theo giả thuyết của nhà ngôn ngữ học John Phan.

b)      Đời Lý-Trần  gồm 4 thế kỷ (TK 10-13), giai đoạn mà các vương triều Phật giáo thuộc vùng châu thổ sông Hồng nắm quyền; các vua Lý gốc từ các vùng trung du (upper plains) đông bắc Hà Nội; các nhân vật quyền bính lãnh đạo là những người bà con thân thuộc của mẹ vua, thay vì do sức thu hút cá nhân của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn trước.(Trong giai đoạn sau, mẹ của vua phải là người xuất phát từ trong hoàng tộc để tránh tình trạng trên, và quyền lãnh đạo thuộc về tập thể những  hoàng thân có tài, có thành tích chiến đấu chống quân Mông Cổ và tiếng tăm để đủ sức thu hút sự hưởng ứng của các tầng lớp dân chúng. .

c)      Nhà Lê (hay Hậu Lê) trong suốt 4 thế kỷ, các vì vua gốc từ tỉnh Thanh Hoá, Khổng giáo (Nho giáo) là ý thức hệ của các nhà cầm quyền, người Việt bành trướng xuống miền nam, và có những vương quốc riêng rẻ chiến tranh với nhau trong những  giai đoạn kéo dài.

d)      Thời cận đại, hai thế kỷ trong đó nước Việt nam hiện đại thành hình.Trong thế kỷ thứ 19, triều Nguyễn theo khuôn mẫu về văn hoá và tổ chức chính trị của Trung Hoa. Sau đó,lần đầu tiên trong lịch sử Việt nam, liên hệ với Trung Hoa bị thực dân Pháp cắt đứt. Sau khi rời khỏi đế quốc Pháp, Việt Nam đứng giữa hai thế giới, hai viễn tượng cạnh tranh với nhau ("two competing visions") một bên là cọng sản "công xã và kỷ luật" (communal and disciplined), bên kia là thế giới tư bản, tương đối cá nhân chủ nghĩa và tự do ("individualistic and free"), trong một cuộc chiến dài 20 năm.

Trong phần "Retrospective" cuối sách, Taylor viết:

 

"Công cuộc đi tìm cái Việt nam đích thực (the "real" Vietnam) hay cái "cốt lõi văn hoá" của thế nào là người Việt sẽ thất bại. Có một sự tích luỹ của những khuynh hướng khác nhau về tôn giáo, ý thức hệ, và văn hoá giữa những người nói tiếng Việt. Bất cứ cố gắng nào ưu đãi một khuynh hướng này để thiệt thòi các khuynh hướng kia sẽ chỉ sinh ra những tranh luận mà không có sự giải quyết. Làm người Việt có nhiều hình thức. Đặc tính duy nhất kết hợp lại là sự sử dụng tiếng Việt và sự liên hệ với một nơi chốn cụ thể nào đó trên hành tinh".

 

Tác giả kết luận với nhận xét là từ thế kỷ thứ 15 cho đến ngay bây giờ: "Trong kinh nghiệm của Việt Nam, một nét vẫn bền vững là tương quan thuận thảo (compliant) về căn bản đối với Trung Quốc, được thi hành bởi những chính phủ rập khuôn theo những gì tồn tại bên Trung Quốc. Một khía cạnh của vấn đề này là chính phủ có khuynh hướng giáo huấn người dân và liên hệ yếu ớt đối với những ước muốn của dân chúng"...

 

"Tuy vậy có những dòng nước ngược (countercurrents) về tư tưởng chảy về chỗ khác không phải Trung Quốc và không phải về quá khứ, những dòng này được cộng đồng Việt hải ngoại làm tươi mát. Mặc dù một chế độ độc đoán khuất phục và kìm hảm, và bị tổn thương do một đồng minh vô tín năm 1975, những dòng nước ngược này còn sống trong những giấc mơ về Việt Nam tương lai."

 

Sách chứa đủ mọi chi tiết mà chúng ta muốn tham khảo, tuy nhiên, người đọc trung bình khó có kiên nhẫn và hứng thú đọc từ đầu đến cuối qua các triều đại.

 

2)Việt Nam Tân Sử (Vietnam, A New History, trên 500 trang, Basic Books 2016) của Christopher Goscha, giáo sư ở Đại Học Québec tại Montreal, Canada. Tác giả từng học và nghiên cứu ở Mỹ, Úc, Pháp về lịch sử thời thuộc địa và hậu thuộc địa của vùng Đông Nam Á; từng trải nhiều năm tìm tòi ở Thái Lan, Lào, Việt Nam và học về tiếng Việt ở Đại Học Hà Nội. Luận án tiến sĩ của ông ở Pháp được giáo sư người Việt Nguyễn Thế Anh hướng dẫn ở Đại Học Sorbonne (Paris). Tác giả từng tìm cách nghiên cứu vấn đề Việt Nam vào trong bối cảnh rộng hơn của Á Châu và Đông Nam Á thay vì chỉ giới hạn trong những động cơ dân tộc chủ nghĩa Việt nam hay phong trào chống thực dân Pháp. Trước đó, từ luận án thạc sĩ, năm 1999, Goscha từng xuất bản cuốn Thailand and the Southeast Asian Networks of The Vietnamese Revolution, 1885-1954 , nói về mối liên hệ giữa cộng đồng hàng ngàn người Việt và Hoa ở Thái Lan, với một "đạo quân vô hình gồm những người buôn bán, người tội phạm, mại dâm và thuỷ thủ" và những phong trào cách mạng ở Việt nam từ phong trào Cần Vương đến mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

 

Phần nói về lịch sử Việt Nam trước thời cận đại chỉ chiếm một phần nhỏ trong cuốn sách, trong chương đầu "Northern Configurations" gồm 32 trang . Những trận đánh của Trần Hưng Đạo chống quân Mông Cổ chẳng hạn ít được đề cập. Tác giả nhắc đến sự đe doạ đường bộ cũng như đường biển của quân Mông Cổ đối với Đại việt cũng như đối với vương quốc Chăm vào thế kỷ thứ 13 và nói người Chăm cùng với người Việt cùng nhau ngăn chặn quân Mông Cổ ở trên sông Hồng.. "Do đó họ (người Việt] phải kết hợp với những người cạnh tranh với họ ở vùng duyên hải (người Chàm, nguyên văn: "they had then to join their coastal competitors") để đẩy lui những tấn công còn mạnh hơn nữa của người Mông Cổ"...Người Chăm và người Việt chặn được chúng ở trên sông Hồng trong lúc người Nhật và người Java thực hiện việc này về phía biển.” Trong lúc đó, các diễn biến văn hoá và chính trị thời Pháp thuộc cũng như thời hậu thuộc địa được đề cập rất chi tiết.

 

Tác giả không muốn trình bày sử Việt Nam qua một quá khứ bị trị, bị thực dân đô hộ, như là một chuỗi chiến tranh ở một mảnh đất có vị trí chiến lược, địa chính trị, luôn luôn bị thèm muốn, trong đó Việt Nam thụ động như là một nạn nhân, theo như ‘narrative’ [chuyện kể] của các thế lực lớn (theo kiểu "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây" -Trịnh Công Sơn). Ngược lại, tác giả muốn trình bày Việt Nam như là một "diễn viên" (actor) tích cực trong sự nhào nặn ra lịch sử của chính mình. Một khía cạnh khác, trong quá khứ đã hiện hữu không chỉ một nước Việt Nam, mà nhiều nước Việt nam khác nhau, như Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam hình chữ S của thời Gia Long thống nhất sơn hà, Việt Nam đế quốc thời Minh Mạng, hai nước Việt Nam Cọng Hoà và VN Dân Chủ Cọng Hoà phía nam và bắc của vĩ tuyến thứ 17...

 

Tác giả nhấn mạnh Việt Nam chính mình đã từng là một đế quốc (đối với Miên, Lào) và từng bành trướng từ thung lũng sông Hồng lan đến tận mũi Cà Mâu. Tác giả phân biệt từ ngữ "Viet" để chỉ người kinh [đa số], tương tự như người Hán để chỉ người Tàu đa số, và từ ngữ "Vietnamese" để bao gồm tất cả sắc tộc, sắc dân đa số hay thiểu số [như Chăm, người gốc Hoa, gốc Khmer] sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Trong lúc đó, các diễn biến văn hoá và chính trị thời Pháp thuộc cũng như thời hậu thuộc địa được đề cập rất chi tiết.

 

Với thời cận đại của mấy chục năm gần đây mà chúng ta bản thân đã sống qua và theo dõi trên báo chí không ít thì nhiều, người Việt hải ngoại có thể thú vị lúc thấy tác giả cũng đi đến một số kết luận và cảm nhận giống như mình vẫn có từ lâu, điều mà chúng ta ít mong đợi nơi các học giả Mỹ, thường là phe tả. Ví dụ, trong đoạn "Sự thất bại của chủ nghĩa cọng sản" (trang 398), sau khi duyệt qua những thành quả sau thời kỳ "đổi mới" theo chiều hướng tư bản chủ nghĩa, tác giả viết: "Đương nhiên, điều mỉa mai là khuôn mẫu kinh tế có xu hướng tư bản lại chính là cái khuôn mẫu mà Việt Nam Cọng Hoà đã khai phá lần đầu tiên, cũng như ở Đài Loan và Đại Hàn. Người CS Việt Nam, cũng như người đối tác Trung Quốc, trên thực tế đã bỏ rơi bản lộ đồ cọng sản để theo con đường kinh tế thị trường. Việc này đã là [một hành động] cách mạng. “

 

Chương cuối mang tựa đề: Chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa cộng hoà và thay đổi chính trị (Authorianism, Republicanism and political changes). Có vẻ như tác giả dùng từ ngữ "chủ nghĩa cọng hoà" ["republicanism"] để chỉ những phong trào mà trong báo chí hải ngoại thường gọi là "dân chủ", "đa nguyên" (pluralism), bao gồm những nhân vật từ gần trăm năm trước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thế Truyền, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học cũng như những người đương thời như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, nữ văn sĩ Dương Thu Hương và nhóm nhân sĩ ký tên vào bản kiến nghị gởi cho Đảng Cọng Sản Việt Nam trước ngày họp đại hội năm 2016. Câu hỏi cuối sách là không biết những nhóm bảo vệ xã hội dân sự này sẽ vẫn chỉ là những tiếng nói rời rạc, hỗn độn (cacophony) hay họ sẽ hoà hợp với nhau để làm mới nước Việt nam hay để tạo nên thêm một nước Việt Nam khác nữa ("to remake Vietnam or to make yet another Vietnam").

 

3)”Việt Nam, Một Sử Ký Từ Thời Sớm Nhất Cho Đến Hiện Nay” (Việt Nam, A History From Earliest Times To The Present); Oxford University Press, 2017. Có những trang thú vị về ngôn ngữ Việt Nam, các nhóm thiểu số miền Cao Nguyên và tương quan giữa VN với các nước Đông Nam Á. Tác giả là Ben Kiernan, Giáo sư Sử học và Các Môn học Quốc tế và Vùng tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong những giai đoạn khác của lịch sử loài người.

 

Tác giả đề ra 3 yếu tố liên tục dài hạn (themes of long-term continuity, perennial themes) của lịch sử Việt Nam:

 

1) Môi Trường: vai trò rất quan trọng của 'văn hoá nước', gồm biển, sông , hồ,... đời sống chung quanh đồng lúa nước, giao thông trên sông rạch, con trâu trầm mình dưới nước..

 

2) Tiếng Việt từ thời Pro-Vietic trên 2000 năm trước cho đến tiếng Việt thời hiện đại, cũng như Tiếng Chăm và Khmer vẫn được sử dụng trong một số cộng đồng ở Việt Nam.

 

3) Huyết thống: trung thành với gia đình, dòng họ, theo tác giả còn mạnh hơn ở Trung Hoa.

 

Ngoài ra , tác giả đưa ra 7 yếu tố lịch sử có tính cách biến đổi gọi là "seven transformative historical forces":

 

1) Sự đô hộ của Tàu trong thiên niên kỷ đầu tiên

 

2) Thay đổi khí hậu: Nước Đại Việt, sau khi tách rời khỏi Đế Quốc Trung Hoa vào thế kỷ thứ 10, được hưởng cái gọi là "Giai đoạn Ấm thời Trung Cổ" (Medieval Warm Period); trong nhiều thế kỷ mưa nhiều hơn làm thu hoạch lúa cao hơn trong nước cũng như ở các nước lân cận, và tạo cơ hội cho những quốc gia nông nghiệp (agrarian states) thành hình. Đến đổi, dù thời kỳ ấm này đã chấm dứt, Đại Việt đã tích luỹ đủ sức mạnh để chống đỡ được các cuộc xâm lăng của Tàu (Nhà Minh) và Chàm, không những thế còn mở rộng bờ cõi của mình về phía nam.

 

3) Di dân từ vùng này qua vùng khác. Từ cuối thế kỷ thứ 15, các nhóm quân sự cũng như dân sự tiếp tục định cư các vùng đất Chàm. Ngược lại, những cộng đồng Chàm bị ép buộc di dời vào vùng đất người Việt; ví dụ 3 làng người Chàm bị ép buộc di dời vào Nghệ An những năm 1250, và 7 thế kỷ sau, một 'ốc đảo" chàm vẫn còn được một học giả người Pháp nhận diện ra. Mặc dù họ đã đổi qua nói tiếng Việt, vẫn còn những nét văn hoá Ấn giáo tồn tại trong nếp sống của họ. Hay vào thế kỷ thứ 18-19, những người từ bắc vào định cư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hấp thụ các phong tục, tín ngưỡng cũng như kỹ thuật cày cấy của người Khmer.

 

4) Việt Nam càng bành trướng về phía nam thì vai trò của biển trong nên kinh tế càng phát triển. Sau khi chiếm được phần lớn lãnh thổ Chàm, người Việt đi từ một thế giới trên sông [Hồng] (riverine world) qua một thế giới mở rộng ra vào một trong những đường hàng hải quốc tế trên đại dương thuộc loại lớn nhất thế giới, là nơi trung chuyển hàng hoá từ Nhật, Trung Hoa, Đông Nam Á, Án Độ và Trung Đông.

 

5) Càng "Nam Tiến", các khác biệt giữa 3 miền sẽ có những điểm khác biệt rõ nét hơn. Ví dụ những phương ngữ của tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng vì dân ở 3 miền trước đó từng nói 3 thứ tiếng khác nhau: Việt ở miền Bắc, Chàm ở miền Trung và Khmer ở miền nam.

 

6) Vẫn có sự dị biệt dai dẳng về lịch sử và chính trị giữa người Việt ('ethnic Vietnamese'): Đàng Trong Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh TK 17-18; Miền Nam là thuộc địa Pháp trong lúc Miền Trung và Bắc chỉ là vùng bảo hộ vẫn dưới sự cai trị của triều đình Huế; hai chế độ cọng sản và tự do thời 1945-1975. Những dị biệt này chối bỏ ý niệm của một "quá khứ đơn độc cho Việt Nam" ("Many voices that undermine a single Vietnamese past"- Taylor).

 

7) Hiện tượng toàn cầu hoá của kinh tế, văn hoá và chính trị Việt Nam, ví dụ ảnh hưởng của tư tưởng, kỹ thuật và chữ viết từ Tây phương, nhất là trong thế kỷ thứ 20 và 21.

 

Nói chung, đối với một độc giả không chuyên môn, các tác phẩm này cô đọng những kiến thức mới nhất trong ngành sử về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam, kể cả những biến cố hiện đại nhất, bằng tiếng Anh và theo lề lối khoa bảng, dưới cái nhìn của người không phải là người Việt. Cách tiếp cận khác với lối viết sử quen thuộc mà chúng ta học ở trường trước đây. Việt nam nói chung được trình bày như là kết quả của một quá trình phát triển từ nhiều nguồn dân tộc, văn hoá và văn minh, chứ không phải là một cuộc Nam Tiến có tính cách định mệnh của người Âu Lạc, "Con Rồng Cháu Tiên"; lịch sử không giới hạn trong thành tựu hay thất bại của những ông vua, những triều đại kết tiếp nhau mà học trò chúng ta phải nhớ nằm lòng lúc đi thi. Các tác giả mới thường có khuynh hướng "deconstruct", tháo ra thành từng mảnh, mổ xẻ những khái niệm về biên giới, bản sắc, về dân tộc, quốc gia mà họ cho rằng chỉ mới thành hình mới đây, mà chúng ta vẩn đinh ninh là đã hiện hữu từ nhiều ngàn năm nay.

 

Không biết có phải do một sự trùng hợp hay không, hay có phải để chuẩn bị dư luận cho một thay đổi đường lối của chính quyền, hay để thích ứng với trào lưu trên thế giới đang cố gắng làm giảm các ảnh hưởng dân tộc cực đoan, ở Việt Nam cũng vừa xuất hiện một bộ sử mới, hình như hoàn toàn khác với các bộ sử chính thức trước đây. Theo báo Tuổi trẻ “Bộ Lịch sử Việt Nam” được chuẩn bị gần 10 năm nay trước khi ra trình làng, gồm 15 tập với hơn 10.000 trang được xem là “bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam”. Những điểm thay đổi đáng chú ý bao gồm:

 

1) Văn hoá Việt nam từ nhiều nguồn gốc. Việt nam hiện đại phát xuất từ ba nền văn minh: Âu lạc, Chàm và Phù Nam chứ không phải chỉ từ 100 trứng của Bà Âu Cơ. Cũng tương tự như Hoa Kỳ không chỉ là đất nước của người da trắng Anglo-Saxon và tin lành thanh giáo (WASP/White Anglo Saxon Protestant) mà là một thực thể đa nguyên do người Da Đỏ (Native Americans hay "Indians"), người gốc Châu Âu, gốc Phi, gốc Á tạo nên.

 

Theo TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, tổng chủ biên bộ sách "Lịch Sử Việt Nam”, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi trẻ: (1)

"Đất nước VN chúng ta hình thành trên cơ sở sự phát triển của ba nền văn hoá tương ứng với ba vương quốc cổ đại là: văn hoá Đông Sơn với vương quốc Âu Lạc, văn hóa Sa Huỳnh với nhà nước Chăm Pa, văn hóa Óc Eo với vương quốc Phù Nam.

Chúng tôi đã tránh được điều mà nhiều nhà sử học trước đây mắc phải là viết lịch sử VN nhưng chủ yếu là lịch sử của người Việt gắn với vương quốc Âu Lạc."

 

2) Thái độ đối với nhà Mạc. Theo Đặng Văn Chất (2), Mạc Đăng Dung bị học giả Trần Trọng Kim kết án nặng nề hồi đầu thế kỷ thứ 20 lúc VN còn dưới chế độ quân chủ, nhưng lại được sử gia Phạm Văn Sơn thời Việt Nam Cọng Hoà cũng như tác giả Việt Kiều Nguyễn Gia Kiển binh vực.

 

Theo Trần Đức Cường: “Với vương triều nhà Mạc, rõ ràng chúng ta cần đi đến kết luận nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử VN.

Dù chỉ tồn tại khoảng thời gian không dài nhưng đã giải quyết được một số khủng hoảng về kinh tế, xã hội cuối thời Lê. Chúng tôi đã bước đầu, đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về vấn đề này.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, là lúc nhà Lê đã rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội rất rõ chứ không còn như thời kỳ Lê Lợi, Lê Thánh Tông nữa. Để giải quyết vấn đề này, Mạc Đăng Dung mới làm cuộc chính biến, giành lấy chính quyền.

Không chỉ ổn định kinh tế, xã hội mà nhà Mạc còn phát triển văn hoá, giáo dục với nhiều khoa thi được mở, tìm được nhiều nhân tài cho đất nước”

 

3) Ghi công thay vì phê phán nhà Nguyễn; công nhận vua Gia Long là người thống nhất Việt Nam (trước đây sử dòng chính Việt Nam chỉ ghi công vua Quang Trung "áo vải", thuộc gia cấp nông dân là người thống nhất Việt Nam) tuy vẫn nêu tội của Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm để chống Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn sau này không chịu canh tân để đất nước phải bị rơi vào tay thực dân Pháp. :

 

Theo Trần Đức Cường: “Câu chuyện về các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng phải đánh giá cho đúng. Chúng ta phải ghi nhận các chúa Nguyễn đã có công tổ chức cho người Việt khai phá vùng đất Nam Bộ bây giờ.

Sau khi lên ngôi, thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước - sự nghiệp mà nhà Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện.

Vua Gia Long lên ngôi đã góp phần hoàn thiện vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Thứ hai, nhà Nguyễn củng cố bộ máy cai trị toàn quốc, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Cùng với đó, phải ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn trong việc xác định chủ quyền của đất nước với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

 

4) Thái độ với Chính phủ Miền Nam trước đây:

Theo Trần Đức Cường: “- Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia VN. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống.

Việt Nam Cộng hoà là nối tiếp của Quốc gia VN. Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì? Đó là một thực thể trên lãnh thổ quốc gia VN.

Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn.

Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận.”

 

Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, một vị tướng của VN đòi đốt cuốn sách sử nói trên. Trần Đức Cường lại nói với báo chí rằng mặc dù dùng các từ ngữ có "tính trung tính" hơn trong sách của ông, ông vẫn lên án VNCH là một "tay sai do Mỹ dựng lên" và quân đội VNCH là 'đánh thuê ‘ vì được Mỹ trang bị vũ khí và nuôi sống. Chuyện này làm nhiều người nhắc nhở đến thực tế là chính phía miền Bắc VN được Trung Quốc và Liên Sô giúp đỡ mạnh mẽ trong cuộc chiến.

 

Theo một bài báo khác đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, Nguyễn Nhã, nhà sử học của Miền Nam trước 1975, cho rằng sự thay đổi thái độ này có lợi cho công cuộc VN dành lại chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vì Việt Nam Cọng Hoà là thực thể hợp pháp nắm chủ quyền của các đảo nói trên đứng trước công pháp quốc tế:

 

 "Như tôi đã nhiều lần phát biểu trong đó có hội thảo xây dựng bộ lịch sử trên, rằng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa mà pháp lý quốc tế hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi Trung Quốc bắt đầu tranh chấp chủ quyền năm 1909 cho Paracels (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa là đất vô chủ - res -nullius) thì sự chiếm hữu phải mang tính thật sự, nhà nước, liên tục và hòa bình.

Từ năm 1954 - 1975 chỉ có chính quyền ở miền Nam Việt Nam mới có quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này ở vị trí dưới vĩ tuyến 17, cũng đã từng được rất nhiều nước thừa nhận, nên chính quyền Việt Nam cộng hòa phải được chính thức thừa nhận mới bảo đảm tính pháp lý quốc tế liên tục".

 “... Thừa nhận Việt Nam cộng hòa, Việt Nam chúng ta hiện nay có thể chính thức thừa hưởng gia tài rất quý báu về văn hóa giáo dục, kinh tế với cơ chế mà gần như cả thế giới hiện nay đang thực hiện. Đặc biệt như tôi đã phát biểu trong Đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học lịch sử Việt Nam rằng giới sử học ở miền Nam trước đây không bị ảnh hưởng về chính trị, hay quan điểm. Bất cứ nước nào tôn trọng giới học thuật, khoa học, nghiên cứu, nước ấy sẽ phát triển và ngược lại rất khó phát triển”.

 

5)Chiến tranh Việt Nam và Trung Quốc năm 1979:

Theo TS Trần Đức Cường: “Trong bộ sử này, chúng tôi nói rõ rằng Trung Quốc đã huy động 600 nghìn quân cùng xe tăng, đại bác... Chúng tôi gọi rõ đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ VN.

Trung Quốc cho quân tiến vào lãnh thổ VN mấy chục cây số như vậy thì không thể nói rằng đó không phải là cuộc chiến tranh xâm lược.

Và trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của VN không chỉ gói gọn trong tháng 2-1979 mà còn kéo rất dài. Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải hi sinh rất nhiều xương máu. Đến năm 1988 mới thực sự tương đối có hoà bình ở vùng biên giới phía Bắc.”(2)

 

Tóm lại, hơn bốn chục năm sau khi người Mỹ rời khỏi Việt Nam, các nhà sử học Mỹ đã có một cái nhìn toàn diện hơn về con người và đất nước chúng ta. Thay vì xem đất nước Việt Nam như một chiến trường, một kinh nghiệm đau thương, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm sử học phong phú, quy mô, khoa học và khách quan về sự thành hình của nước Việt và con người Việt ngày hôm nay, với sự đa dạng, đa nguồn gốc của nên văn minh Việt Nam (A country, not a war). Sử học trong nước cũng đang chuyển mình và hy vọng sẽ dần dần xích lại gần hơn với quan điểm sử học của thế giới.

 

 

 

Hồ Văn Hiền

(tác giả cuốn “Vietnam History, Stories Retold For A New Generation”)

Ngày 26 tháng 9 năm 2017

9/29/17

 

Tham khảo:

1)(http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20170820/thua-nhan-viet-nam-cong-hoa-la-buoc-tien-quan-trong/1372210.html) (accessed 8-21-17)

2)Hien V Ho and Chat Van Dang: “Vietnam History, Stories Retold For A New Generation

3)(http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170818/tu-bo-cach-goi-nguy-quan-nguy-quyen-sai-gon/1371412.html) (accessed 8-21-17)

4)https://www.voatiengviet.com/a/tram-viet-tren-vung-dinh-menh-bon-muoi-nam-sau/2941123.html

5)Liam C. Kelley: Review of Keith Taylor's "A History of the Vietnamese"

http://www.academia.edu/7868567/Review_of_Keith_Taylors_A_History_of_the_Vietnamese_