Nhìn Cho Đở Nhớ...

 

 

 

Như thường lệ, vợ chồng của chú thím Tư đã về đến nhà, và trong lúc họ đang dọn ra để ăn bửa cơm tối trong bếp, thì bà Hai cũng đã xong phần cơm nước buổi chiều của mình, và đang ngồi ngoài phòng khách để xem truyền hình. Khoảng thời gian gần đây, nơi nầy lại xuất hiện nhiều đài việt ngữ cùng song song phát sóng mỗi ngày với nhiều chương trình khá hấp dẫn, khiến bà cũng phải bận rộn theo dõi. Buổi sáng thì bà Hai thường thức sớm, nhưng vợ chồng của đứa con gái, thím Tư, thì lại dậy trễ hơn. Sau khi chú thím Tư rời khỏi nhà để đi làm, thì bà Hai cũng bắt đầu bửa ăn sáng cho mình để rồi chuẩn bị ngồi xem tiếp tập kế của bộ phim dài của Hàn Quốc, đã chuyển âm sang tiếng Việt từ một đài truyền hình thứ nhất, sau đó thì bà cũng kịp đổi đài để theo dõi tập phim tiếp theo của Trung Quốc cũng đã dịch ra tiếng Việt của một đài truyền hình phát sóng thứ hai. Chỉ cần đeo theo vài tập phim ngắn của những đài nầy, thì cũng chẳng mấy chốc lại đến giờ cơm trưa. Xong bữa ăn trưa, bà Hai có thể đánh một giấc ngủ ngắn trong phòng, rồi trở ra thì cũng kịp lúc để xem một đoạn phim cải lương, xem khúc phim ca nhạc, hay phim nhiều tập khác của ViệtNam…cho đến khi mặt trời sắp xế bóng, thì lại đến giờ bà Hai phải đi vo gạo, nấu cơm để chuẩn bị bửa ăn tối cho cả nhà; phần thức ăn cho gia đình thì thím Tư cũng đã chuẩn bị sẳn từ những đêm trước.

 

*

*          *

 

Chương trình của những phim tập truyện dài Việt Nam vào mỗi buổi tối; trong thời gian gần đây lại không mấy hấp dẫn chi cho lắm. Bà Hai cảm thấy người ta đã không còn giữ được những đạo đúc như thời xưa nữa. Nào là phim nầy thì lại dựng lên cảnh vợ chồng gian dối lẫn nhau, còn phim kia thì lại dàn cảnh con cái lường gạt cha mẹ…Xem phải thì bà lại cảm thấy lo sợ cho những lối sống mới trong phim, có phải nó cũng phản ảnh những cuộc sống đang thật sự xãy ra ngoài đời, nơi đó hay không. Thường thì nỗi lo trong lòng của bà cũng được an ủi khi nghe đứa con rễ giãi thích

 

“Đó chỉ là chuyện viết ra để đóng phim cho hấp dẫn mà lôi cuốn khách thôi, Má có xem thì cũng chỉ để giãi trí qua ngày. Má đừng để trong lòng.”

 

Tuy nghe chú Tư nói là như vậy, nhưng mà bà Hai cũng không muốn ngồi xem mấy bộ phim đó cho mất thời giờ của mình, bà tiếp tục bấm nút đổi đài. Một đài truyền hình khác đang có chương trình bàn luận về tình hình của đất nước hiện thời, bà Hai lắng tai nghe được một chút thì dường như là đã chợp mắt ngủ gật trong giây phút rồi chợt tĩnh. Người ta đang nói về thảm họa mất nước gì đó…bà lại chăm chú lắng tai nghe. Chợt có tiếng của chú Tư đang bước ra hỏi:

 

“Má cũng đang coi chương trình bình luận, chớ không thèm xem phim nữa à?”

 

“Ừa! Má đang nghe bọn họ nói đến cái chuyện mất nước gì đó ở trên đài truyền hình nầy nè. Khi nãy nghe họ nói mà Má nghĩ cũng thấy tức cười, định gọi điện thoại vô đó hỏi họ, coi là ‘nước’ nào của họ lại sắp mất nữa vậy???”

 

“Má à! Má nhớ lại chuyện cũ nữa rồi phải không?”

 

Thím Tư cũng vừa bước ra, nghe được thì lên tiếng để ngăn lời của mẹ, còn chú Tư thì cũng cười trừ góp ý:

 

“Má có gọi điện thoại vô hỏi chuyện đó thì cũng đúng thôi, nhưng mà…bỏ qua cho họ đi Má.”

 

Cả nhà đều ngồi yên trên bộ ghế để lắng nghe những người đang xuất hiện trên màn ảnh phát biểu ý kiến, nhưng mà trong đầu óc của bà Hai vào giây phút nầy, thì hình ảnh một người đàn bà quê mùa của ngày nào lại chợt trở về với ký ức …Trước ngày ông Hai qua đời vì bị sốt rét rừng mà không có thuốc chữa, có nhắn lại với bà Hai:

 

“Má nó hãy giữ kỹ món đồ này! Không nên bán cho ai! Chắc chắn rồi sẽ có ngày nó giúp được hai má con của mình thay đổi được cuộc đời khốn khổ nầy.”

 

Ông Hai từ giã cõi trần ra đi nhưng đã để lại kỷ vật cũ kỹ đó là cái la bàn. Cho dầu nó không đáng giá là bao vào thời gian trước, nhưng mà đến lúc cao điểm thì thật sự không ngờ, nó cũng đã đánh đổi cho mẹ con của bà có được hai chỗ ngồi trên một chuyến tàu định mệnh. Nhờ Trời Phật phù hộ, mọi người trên đó đều được bình yên đổ bến vào trong một trại tị nạn. Một năm sau, hai mẹ con lại được đi định cư ở một nơi thật xa lạ. Nhớ lại những ngày đầu trên vùng đất mới, gặp được những người có dóc dáng như người mình, tóc đen, da vàng, mũi xẹp…tưởng là đồng hương thì bà Hai mừng rỡ biết bao. Bà lăn xăng hỏi thăm chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình với họ, cho đến khi người ta chỉ biết nhìn bà cười và lắc đầu tỏ ý không hiểu thì bà mới chịu bỏ cuộc, rồi đính chính với con:

 

“Má tưởng…họ cũng là người cùng xứ sở với mình.”

 

Một thời gian sau, được người quen giới thiệu, chú Tư từ nơi nầy sang tìm thăm bà Hai, rồi sau đó lập gia đình cùng với thím. Bà Hai được dời chỗ ở về bên này thì bà vui mừng biết mấy. Cái hạnh phúc quí nhất cho bà vào thời gian đó, là bà được gặp mặt nhiều người đồng hương thật sự của mình để tha hồ tâm sự. Một hôm nọ, trong một ngôi chợ cũng của đồng hương duy nhất nơi đây, bà Hai mừng rỡ khi gặp được một người, không những chỉ là đồng hương mà còn là người cùng quê, cùng làng với bà khi trước. Gặp mặt thì có biết bao chuyện để thăm hỏi nhau ngay nơi cái chốn công cộng đông người này vào những ngày cuối tuần. Được tin ông Hai đã qua đời, người láng giềng đang lắng nghe lời của bà Hai tâm sự:

 

“Sau cái ngày…không bao lâu thì ông nhà tôi qua đời…”

 

Một cặp vợ chồng đồng hương khác, với dáng điệu sang trọng qua bộ đồ mặc trên người, họ đang đi ngang qua hai người đàn bà quê mùa lại chợt nghe được lời thố lộ trên; tức thì, bà Hai nghe được tiếng “Xí!” thật to, cùng cái liếc mắt nhìn đầy khinh bỉ của người vợ; còn ông chồng kia thì lại cau mài lôi vợ của mình đi ra một hướng khác, như là để tránh cho thật xa hai người tị nạn mới đến nầy. Bà Hai ngạc nhiên nhìn họ mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bà chỉ còn biết lên tiếng phân bua cùng với người láng giềng:

 

“Tui…tui đã nói sai điều gì với họ hả Dì Năm?”

 

“Chị Hai ơi! Ở đây…Người ta không thích nghe tụi mình nói những câu, những chữ của thời sau này. Đối với họ thì cái ngày… hồi nãy chị nói, thì họ phải gọi đó là ngày họ mất nước. Mình nói chuyện với nhau ở chốn đông người như thế nầy thì phải cẩn thận. Có khi họ còn phân loại những người mới qua sau nầy là khác với họ. Họ cho tụi mình chỉ là đám tị nạn kinh tế mà thôi.”

 

Cho dầu ông Hai không phải vào trại cải tạo dài hạn, nhưng mà gia đình còn lại của ông, sau đó cũng phải học tập hàng ngày cùng với bao nhiêu gia đình khác chung quanh suốt mấy năm qua, ít nhiều gì thì trong đầu họ cũng phải có… Bà Hai lộ vẻ thất vọng trên gương mặt, đứng yên lặng thở dài rồi nhẹ nhàng nói đôi lời từ giã:

 

“Phải chi…họ có ở lại để sống như trong hoàn cảnh của tụi mình.”…

 

Câu chuyện của ngày đó vẫn còn trong đầu óc của mình cho đến bây giờ hay sao? bà Hai đang tự hỏi lại với lòng. Từ ngày hôm đó, bà Hai cũng biết mình đã trở thành một người rất yên lặng; ngày ngày chỉ còn biết cặm cụi trên cái máy vắt sổ cho một hãng công nghiệp may mặc ở nơi nầy. Cho đến một hôm, người ta đồng loạt dọn những hãng may ra nước ngoài để sản xuất, thì bà cũng phải chịu cảnh về hưu sớm hơn. Có những lúc bà nghĩ lại thì họ nói thế cũng đúng thôi. Bây giờ thì chính thân phận của mình; chính bà cũng đã bỏ mồ mã của Cha Mẹ, của Ông Bà và của người chồng thương yêu mà ra đi với con không biết ngày trở lại. Thế thì quê hương hay đất nước gì đó của bà ngày trước, thì nay cũng đã mất rồi.

 

“Má à!”,

 

Thím Tư chợt lên tiếng hỏi mẹ:

 

“Má vẫn còn nhớ đến chuyện của thời ba mươi năm trước nữa sao? Con tưởng là Má đã quên hết đi rồi.”

 

Bà Hai hướng mắt nhìn đứa con gái. Hồi đó, tuổi của nó chỉ mới mười bảy mà đã mất cha. Hai mẹ con phải vất vả như thế nào để được sống qua những tháng ngày cơ cực sau đó, khi mà trước đấy chồng bà cũng chỉ làm nhiệm vụ công dân của thời VNCH. Đứa con gái ngày đó đang ngồi trước mặt của bà, bây giờ đã là một thiếu phụ trung niên rồi. Tội cho chúng nó cực khổ làm lụng cực nhọc mỗi ngày, mà cũng không có được một mụn con nào để nối dõi. Bà Hai nói:

 

“Con tưởng là Má vẫn còn nhớ những chuyện đau lòng đó, để mà bây giờ mang ra trách bọn họ nữa hay sao? Tới từng tuổi nầy rồi, nếu thật sự có chuyện ở trong lòng, thì chỉ là chuyện Má lo, Má buồn cho cả số phận của một dân tộc. Cho dầu có phải bị phiêu bạt xa xôi đến tận một chân trời góc biển nào, người mình không phải lúc nào cũng dễ dàng để cùng một lòng làm chuyện gì với nhau. Người trong nước thì phân Nam, chia Bắc; người ngoài nước thì cũng họp phe, kết đảng đối chọi lẫn nhau. Nếu đã biết là thảm họa mất nước sắp đến, thì cũng nên suy nghĩ để biết phải làm gì. Ông bà mình khi xưa vẫn thường có dạy: ‘Giặc đến nhà, đàn bà còn phải đánh’; cho nên nếu ai cũng cùng một lòng với nhiệm vụ của mình thì làm sao có cái chuyện mất nước cho được.”

 

“Đúng đó Má. Mình đâu cần phải về bên đó mới làm công việc này. Ngay ở bên đây thì mình cũng có thể góp tay, góp sức thì cũng làm được. Cái khó là ở chỗ mọi người có đủ kiên nhẫn, có chịu hi sinh hay là không mà thôi.”

 

Chú chợt tỏ ra hăng hái nhìn sang thím Tư nói tiếp:

 

“Cho dù mình không làm được gì ở bên đó, nhưng mà ở đây, chuyến nầy thì mình cũng phải tiến hành vào việc tẩy chay hàng hóa của họ mới được. Trước đây, tui vốn cũng đọc được nhiều tin tức nói về thực phẩm chế biến của họ lại có chứa nhiều chất độc hại đến sức khỏe của người dùng. Ngay cả trẻ con, mà chính họ là những người cùng sống chung trong nước, mà cũng không ngần ngại xuống tay; cho nên trong lòng tui thì có lo, nên cũng đã có những ý định nầy rồi, sẳn đây thì mình cũng nên ủng hộ phong trào, Má và mình nghĩ thế nào?”

 

Bà Hai quay sang nhìn đứa con rể của mình. Bà nghĩ lại cũng tội nghiệp cho chú, cả gia đình của chú cũng đã bị thất lạc nhau từ những ngày chạy loạn, di tản rồi mất hết tung tích. Bà nói với thím:

 

“Chồng con nói đúng đó. Má cũng đã có nghĩ đến chuyện nầy. Tụi con cũng đừng lo cho Má nhiều quá. Sống nay chết mai, Má cũng không biết là khi nào. Cho nên đừng lo nhiều đến cái ăn uống của Má nữa. Các con tính thế nào, dầu giá cả có hơi mắc mõ đôi chút, thì mình sống tiết kiệm lại; miễn sao là không hại cho sức khỏe, và dễ dàng thực hiện cho cả nhà là được rồi.”

 

*

*          *

 

Những ngày trước đây, thím Tư vẫn còn điên đầu vì tìm chưa ra một thực đơn nào thật là vừa ý cho cả nhà trong những ngày tháng sắp đến. Công việc nấu ăn thật ra không có gì là khó khăn cho thím cả. Trong gia đình chỉ có ba người, mẹ của thím mỗi ngày ăn uống có là bao; chồng của thím cũng không cầu kỳ trong vấn đề ẩm thực, còn thím thì cũng chẳng phải đòi hỏi cao lương mỹ vị gì. Thế mà đêm qua, bổng dưng thím nghĩ ra được một biện pháp để giãi quyết. Đem ra trình ý kiến với mẹ thì đã được một phiếu ủng hộ; mà thím cũng không ngờ là chú Tư cũng không phản đối.

Theo danh sách đã in ra từ trên các trang mạng, chú Tư liệt kê được những loại sản phẩm có chứa nhiều chất độc hại đang xuất hiện ở các ngôi chợ khắp nơi trên thị trường; cũng không hẳn phải là có nguồn gốc xuất phát chỉ từ ở nơi đó, mà còn ở những nơi khác nữa.  Công việc dọn dẹp cũng nhờ thế mà đã dễ dàng đến cho thím. Nhìn đứa con gái của mình đang chất dọn ra những lon, lọ, chai, hộp linh tinh từ trong tủ lạnh, từ những ngăn kéo, bà Hai đi quanh quan sát:

 

“Đúng rồi, những thứ nầy mình không cần nữa, con đem ra bỏ hết đi. Má nghe chồng con nói, không biết chừng trong đó còn có chứa những chất độc gì khác hay không nữa. Với lại từ đây về sau, cả nhà mình đều ăn chay hết thì cũng đâu cần đến những thứ gia vị này làm chi nữa.”

 

Bước chân của bà Hai chợt dừng lại. Tay bà cằm lên mà nhìn chăm chú vào một cái chai có chứa chất dung dịch, màu rất quen thuộc, hãy còn mới:

 

“Con à! Con giữ lại cái này cho Má.”

 

Thím Tư ngạc nhiên nhìn mẹ hỏi:

 

“Má nói cả nhà sẽ ăn chay thì còn giữ lại chay nước mắm này làm gì? Với lại chai nầy, cho dầu cũng mang cùng một tên là nước mắm Phú Quốc, nhưng nhản hiệu phía sau thì lại có ghi rõ nơi sản xuất là từ một nơi khác…”

 

Tiếng bà Hai bổng dưng như nghẹn lời nói với con:

 

“Thì…tạm thời con giữ lại cho Má. Ăn chay thì Má sẽ ăn cùng với tụi con. Nhưng mà… Má chỉ muốn giữ lại chai nước mắm nầy để thỉnh thoảng… Má có thể… chỉ muốn nhìn cho đở nhớ.”

 

 

 

Viết tại California, tháng 04 năm 2012.

TL12