Còn đang mơ màng nhưng lại phải thức giấc để tiếp nhận một cú điện thoại “bất ngờ”, cho nên bây giờ hắn lại mang phải vào người một căn bệnh… hình như là mất ngủ.
Thường thì bên đấy cũng chẳng có ai rảnh tay để gọi điện sang đây tìm thăm hắn vào giây phút nầy. Chỉ ở nơi nầy, độ một đôi tuần hoặc vài tháng, nếu trong lòng có chợt nhớ đến ai thì tự hắn sẽ bốc máy lên, bấm liên tục vào đó một loạt những con số in trên thẻ, rồi đến số điện thoại ở bên kia, xong thì hắn mới được phép cho nói chuyện với những thân nhân bên ấy trong một thời gian cho phép.
Thật tình thì hắn cũng biết mình không phải là một người có duyên ăn nói chút nào. Nghĩ lại thì cũng thấy tội nghiệp thay cho những ai phải tiếp chuyện với hắn ở đầu bên kia đường dây điện thoại. Mỗi khi họ phải ngồi yên nơi đó, để máy bên tai mặc kệ cho hắn nói, chợt nghe được tiếng của hắn có nhắc đến tên của một người nào khác trong gia đình, thì họ đã nhanh miệng gọi ngay người ấy đến, để rồi thì cũng nhanh tay trao lại máy cho nạn nhân kế tiếp nắm giữ.
Hắn cũng biết cái khuyết điểm ‘vô duyên’ của mình, nhưng vẫn không sao bỏ đi cho được. Trong đầu óc của hắn thì nghĩ đó cũng chỉ là những câu thăm hỏi thông thường, nhưng không hiểu tại sao đối với anh chị em của hắn ở bên kia, khi họ nghe được ở bên tai, thì nó lại biến ra thành những câu nói nhiều mệnh lệnh, hay tra tấn:
- “Năm nay, chị có đến bác sĩ để kiểm tra lại sức khỏe của mình chưa?”
- “Anh không nên hút nhiều thuốc lá nữa! Nếu có thể được thì nên bỏ hẳn đi.”
- “Còn chú nó thì cũng nên cai nghiện rượu đi nha!”…
So ra thì anh chị em của hắn cũng còn may mắn hơn đám cháu ở chung trong nhà. Đứa nhỏ nào mà bị hắn vớ được, thì số phận của nó cũng không khác chi đứa học trò trong lớp bị thầy, hay cô giáo điểm sổ gọi tên lên bảng đen trả bài:
-“Khóa nầy thì việc học hành của cháu như thế nào rồi?”
-“Tại sao lại bảo là học không khá? Thế thì cháu phải bỏ bớt giờ lên mạng mỗi ngày của mình đi nha!”
-“Tại sao nói là làm bài không tốt? Có phải cháu đã xem truyền hình mỗi đêm nhiều quá, phải không? Như vậy thì từ nay không được xem truyền hình nữa!”
Chúng nó “Vâng! Vâng! Dạ ! Dạ!” với hắn cho thật nhanh, hy vọng còn có thể rời khỏi bảng đen cho thật sớm để mà tiếp tục giờ lên mạng, hay là cũng sẽ không bị mất đi nhiều quá một đoạn phim hấp dẫn nào đó đang trình chiếu trên đài.
Hắn như một ông cụ đồ của thời đại cổ điển như thế thì làm sao có người ‘ưa’; cho nên cú điện thoại bất ngờ từ bên kia bờ đại dương gọi đến, thì làm sao mà hắn không thể mang bệnh mất ngủ vào thân sau đó cho được. Nằm trằn trọc lại trên giường mà đôi mắt vẫn cứ trao tráo mở to nhìn bóng đêm trong phòng, hắn nhớ lại từng câu của cuộc điện đàm ban nãy.
-“Hello…Ai đấy?
-“A lô! Con là Phượng đây cậu ạ! Cậu sao thế? Cậu có khoẻ không?”
Bởi khi ấy, chưa được tỉnh giấc cho nên giọng nói của hắn hơi khàn nên khó nghe chứ có bệnh hoạn gì đâu. Hắn chỉ hơi bực mình một ít vì bị phá giấc ngủ:
-“Cám ơn cháu! Cậu vẫn khỏe. Cháu là Phượng, con của cô Dung đó à?”
-“Dạ thưa cậu đúng ạ!”
-“Có chuyện gì mà cháu gọi điện đến tìm cậu vào đêm vậy?”
-“Ồ chết rồi! Con xin lỗi vì đã đánh thức cậu dậy. Thôi để hôm khác con sẽ gọi điện đến thăm cậu.”
-“Không sao đâu! Dầu sao thì cậu cũng đã thức giấc rồi. Có việc gì thế hở?”
-“Dạ! Con có việc nầy muốn nhờ cậu. Con muốn xin phép cậu. Xin cậu bảo lãnh cho con đi sang bên đó du học, có được không cậu?”
Quả thật là cú điện thoại nầy đã đi từ ‘bất ngờ’ bây giờ lại đến ‘đột ngột’; nhưng không sao, hắn vẫn còn giữ được bình tĩnh trong lòng:
-“Thế thì…Chẳng phải là cháu đang chờ kết quả của kỳ thi đại học vừa qua hay sao?”
-“Dạ! Kết quả đã có rồi. Con lại bị đánh rớt lần nữa rồi cậu ạ!”
-“Đã là lần đi thi thứ ba rồi mà cháu vẫn bị đánh rớt nữa à?...”
Chợt muốn tăng thêm cường độ âm thanh để trở thành câu tra vấn nhưng hắn lại dằn được trong lòng vì đêm cũng đã vào khuya. Hắn nhẹ giọng nói của mình.
-“Năm nay… cháu xin thi vào phân khoa nào mà lại bị đánh rớt nữa vậy?
-“Dạ! Con cũng xin thi vào trường đại học Y-Khoa ở thành phố.”
Hình như là hắn đã bắt đầu hết kiên nhẫn để dằn cơn tức giận ở trong lòng. Đã hơn hai năm nay, từ lúc biết đứa cháu nầy thi rớt trường y khoa từ năm đầu tiên, thì sau đó hắn vẫn cứ khuyên nó hãy chọn lựa lại môn học khác của mình cho cẩn thận. Bởi vì theo kinh nghiệm đời từ đám bạn với hắn ở cái thời của hơn ba mươi năm trước; khi mà những cái trường đại học Nha-Y-Dược nầy loan báo tuyển sinh cho mỗi năm, thì một nửa sinh viên đã có giấy giới thiệu gởi đến ban giám hiệu của nhà trường nhờ đặc biệt chăm sóc. Một phần tư thí sinh khác thì cũng có bì thư hồng, đặc biệt từ cha mẹ của chúng gởi đến, kính tặng các ngài giám khảo để họ bồi dưỡng sức khỏe mà làm tròn nhiệm vụ liêm chính chấm thi cho con cái của mình. Số còn lại của tụi chúng nó, sau đó mới được phép cho đấu đá với nhau để giành những chiếc ghế còn lại của nhà trường. Hắn đã từng nghe nói thế cho nên cố thuyết phục ba mẹ của đứa cháu, nhưng mà người em rễ cũng chẳng để vào tai, còn cười chê bai hắn:
-“Sao mà anh Tư lại còn lạc hậu đến như vậy. Bây giờ cả nước là do chế độ mới cai quản rồi, làm sao anh có thể so bì lại với thời trước của các anh được nữa chớ!”
Còn đứa cháu thì lúc nào cũng khoe với hắn:
-“Cậu đừng lo. Dầu sao ba của con cũng là công nhân mà.”
Có lúc, hắn cũng muốn hỏi ngược lại đứa cháu có biết nguồn gốc của gia đình hắn khi trước đã được phân vào ‘nhóm’ gì chưa; nhưng rồi thì hắn cũng không muốn khơi động lại quá khứ trong lòng của đứa trẻ ngây thơ. Hắn cũng biết là mình lại bổng dưng nóng giận trong lòng một cách vô lý quá. Im lặng một thoáng hắn lên tiếng hỏi tiếp:
-“Nhưng mà kỳ thi nầy cháu vẫn còn nguyện vọng khác phải không? Thế thì nguyện vọng thứ hai của cháu là muốn học trường nào? Đã có kết quả chưa?”
-“Dạ! Nguyện vọng hai của con là xin vào trường thú-y ạ!”
-“Hở!”…
Há mồm và trợn to đôi mắt đầy kinh ngạc, hắn suýt làm rơi chiếc điện thoại đang giữ trong tay. Hắn thắc mắc trong đầu là khi các quán nhậu của cả nước từ Bắc vào Nam, còn không có đủ lượng thực phẩm cung cấp cho khách, khiến cho họ còn phải đi săn cả thú rừng…thế thì làm sao còn dư được con vật nào dành cho các bác sĩ thú y nầy chăm sóc nữa. Nhưng rồi hắn cũng lại chợt nhớ ra rằng, trong nước bây giờ cũng có rất nhiều đại gia giàu có lắm, thế nào mà chẳng có được vài thiếu gia, vài cô chủ … cũng thích nuôi mèo và chó ở trong nhà. Hắn khẻ thở ra rồi trở về câu chuyện.
-“Dạ! Kết quả chưa có… nhưng mà con thì thật sự cũng không thích học môn nầy lắm, cậu ạ! Ra trường thì cũng chưa chắc đã có được việc làm.”
-“Ồ không! Cậu không có chê bai ngành nghề nầy đâu cháu ạ. Ở nơi nầy người ta cũng rất quí trọng ngành nghề nầy; và chính cá nhân họ cũng làm ăn phát đạt lắm.”
-“Dạ, con biết ở những nước bên ngoài thì khác hơn nhiều lắm so với trong nước mình. Bởi thế con muốn nhờ cậu giúp cho con có được cơ hội.”
Hắn cảm nhận có một triệu chứng chua xót nào đó đang xảy ra trong dạ dày không được tốt của mình.
-“Nhưng mà… Tại sao cháu đột ngột lại có ý định như vậy?”
-“Dạ! Cậu cũng biết là con đã hết sức cố gắng trong suốt ba năm qua mà vẫn thất bại; nhưng không biết sao giấc mơ của con thì vẫn còn sống mãi trong lòng. Nếu có được cơ hội ra nước ngoài để thực hiện được giấc mơ của mình với nhiều sự hy sinh và tốn kém, nhưng con vẫn hứa với lòng sau nầy cũng sẽ trở về quê hương phục vụ lại cho xã hội.
Trong lòng của hắn bổng dưng rung động nhiều quá. Đứa cháu gái nho nhỏ của ngày trước đang điện đàm với hắn, quả thật là hôm nay nó đã bổng trở thành một người chững chạc và trưởng thành. Cố cầm lại lòng không cho xúc động, hắn nói với đứa cháu gái của mình:
-“Thôi thì…định ý với nhau là như thế nầy vậy. Cậu sẽ thăm hỏi xem thủ tục nơi đây phải tiến hành như thế nào. Phần của cháu thì cũng nên đi tìm hiểu cho rõ thêm việc hành chánh, giấy tờ ở bên đấy.
-“Dạ! Con cám ơn cậu thật nhiều. Cậu ơi!Mẹ của con cũng từng nói với chúng con, khi trước, giấc mơ xin đi du học của cậu cũng rất mạnh mẻ lắm, phải không cậu?”
-“À…đó là chuyện ngày xưa của cậu. Con đường đi để thực hiện được giấc mơ của cậu ngày đó nhiều gian nan lắm mà cháu chưa biết đâu. Nhưng mà thôi…Có một điều mà cậu muốn nhắc nhở với cháu rằng, trước đây thì ba của cháu rất phản đối những việc làm như thế nầy.
-“Dạ! Ba của con khi trước chắc là ngại vì con còn nhỏ, với lại con là con gái nữa. Nhưng mà Ba của con bây giờ thì… yên lặng hơn trước nhiều lắm cậu ạ!”
-“Thế…còn mẹ của cháu thì nghĩ sao?”
-“Dạ! Mẹ rất thông cảm với hoàn cảnh của con cho nên người cũng không phản đối. Mẹ vẫn thường kể lại cho chúng con nghe về cuộc đời của cha mình ngày trước. Những tháng ngày cuối cùng còn lại của cuộc đời mà ông Ngoại vẫn hảnh diện để nói với mẹ: ‘Gia đình của mình đã vượt qua bao nhiêu nỗi thăng trầm do thay đổi của xã hội, nhưng mà ba của chúng con đây vẫn không có đổi thay. Cho nên, con phải nhớ mà nhắc với các con, các cháu của ba luôn tự hào vì cha, ông của chúng đã là một vị lương y’.”
Vì mãi nhìn bóng đêm trong phòng nên bây giờ đôi mắt đã mõi và cay, hắn phải nhắm lại nhưng vẫn thấy một màn đen che phủ.
Viết tại California, ngày 10 tháng 10 năm 2012
TL12