Hỏi tuổi ông thuyền trưởng
và trả lời lạc đề
Nhân đọc báo Việt nam, thấy dư luận xôn xao về câu hỏi trong một kỳ thi toán cho trẻ 8 tuổi: “Trên tàu thuỷ có 45 con cừu. 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”
(image source: nguyenvantuan.org)
Tất nhiên là chúng ta không thể suy diễn tuổi ông thuyền trưởng từ chuyện tàu ông ta mất 5 con cừu. Ngay môt giáo sư y khoa gốc Việt ở Úc cũng bỉnh luận về câu hỏi này, mà ông chứng minh là “phi logic” không thể trả lời được.(1) Cũng giống như chúng ta không thể kết luận là ông tổng thống Kennedy có giỏi hay không căn cứ trên những tin tức về sự giàu có của gia đình ông, hay sắc đẹp và cách ăn diện của bà Jacqueline vợ ông. Câu hỏi thi này, do các nhà Tây học chuyên môn về giáo dục trong nước đặt ra, nhằm “nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài”. Câu hỏi có thể xuất phát từ nhà văn Pháp Gustave Flaubert (1821-1880), nhà văn “cầu toàn” luôn luôn đi tìm "le mot juste" (từ chính xác) cho câu văn của mình, và là tác giả của tiểu thuyết hiện thực nổi tiếng Madame Bovary, mà nhân vật là một người đàn bà ngoại tình.
Trong một bức thư gởi cho em gái tên Caroline, được khen học giỏi toán, ông thử tài cô em bằng cách nêu câu hỏi:
“Bởi em đang học hình học và phép lượng giác, anh sẽ cho em một bài toán: Một chiếc tàu đi biển, xuất phát từ Boston, chở đầy bông gòn, nặng 200 tấn. Tàu xuôi buồm về phía le Havre, cột buồm chính bị gẫy, có một người phụ tá thuỷ thủ trên lầu trước của sàn tàu, số khách trên tàu là 12 người, gió thổi Đông-Bắc-Đông, đồng hổ chỉ 3 giờ 15 chiều, lúc đó tháng 5.
Câu hỏi cho bài toán là ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”
(Puisque tu fais de la géométrie et de la trigonométrie, je vais te donner un problème : Un navire est en mer, il est parti de Boston chargé de coton, il jauge 200 tonneaux. Il fait voile vers le Havre, le grand mât est cassé, il y a un mousse sur le gaillard d’avant, les passagers sont au nombre de douze, le vent souffle N.-E.-E., l’horloge marque 3 heures un quart d’après-midi, on est au mois de mai… On demande l’âge du capitaine ?)(Correspondence)
Đây là một chuyện ngụ ngôn nhắc chúng ta đừng dùng khả năng suy luận, tính toán (có thể rất giỏi ) của mình để đi đến những kết luận không có cơ sở, khi những dữ kiện, số liệu được dùng không dính líu gì đến câu chuyện đang bàn cả. Tuy nhiên, hỏi các em 8 tuổi câu hỏi này không biết có hơi "ác" hay không?
Đa số trẻ em tiểu học Pháp trả lời bằng cách dùng các con số cho trong bài toán và cọng, trừ, nhân, chia để đi đến câu trả lời (sai) về tuổi người thuyển trưởng.
(1) http://nguyenvantuan.org/tin-tuc/bai-toan-con-cuu-va-ong-thuyen-truong.aspx#.U72StfldWSo
Cổ Nguyệt
Lạc đề
Học sinh nước Việt Nam ta,
Đi thi được hỏi câu mà khó thay:
"Thuyền trưởng tai nạn chẳng may,
Cừu bốn lăm mạng, năm bay khỏi tàu.”
Hỏi rằng câu hỏi cao sâu:
"Thuyền trưởng mấy tuổi?"; một câu "xanh rờn"!
Nghĩ hoài mới thấy thâm sâu
Hỏi trẻ tám tuổi một câu bí liền!
(Nghĩ thân mình cũng thật hên,
Nếu thi lần nữa chắc điên cái đầu.)
Có đáp xin đáp xin đáp như sau:
Thầy hỏi em vậy lòng sâu "ý gì"?
Em đã tìm hiểu chi li,
Lên mạng tra cứu mới truy như vầy:
Flaubert ổng viết như ri,
Chọc cô em gái toán thì rất thông:
"Ông thuyền trưởng từ Boston
Lái tàu qua Pháp gặp giông tố này,
Thuyền bông gòn chất chở đầy,
Gió bao nhiêu gút, gãy cây cột buồm,
Tin tức một dọc cho tuông,
Bao nhiêu chi tiết ghi luôn đính kèm;.
Cuối cùng ông mới hỏi xem
"Thuyền trưởng mấy tuổi?" làm em sững sờ.
Xem ra người hỏi đâu khờ;
Thông văn học sử tuy hơi... mơ màng:
Vấn đề đặt đúng y chang
Chúng ta suy luận lang bang quá chừng.
Những chuyện đâu có liên quan,
Kết luận cái rụp chằng màng suy tư.
Số liệu trên mạng thừa dư
Kết luận như chớp như là thần thông:
-“Ồng kia dạo phố mấy vòng
Tóc nhuộm áo mới... chắc lòng đổi thay!
Bồ bịch chắc chắn rồi đây,
Còn cười chúm chím... chắc tay ngoại tình.”
-”Nhà kia bà chủ xinh xinh,
Nhà cửa khách khứa...tình hình khả nghi,
Lại còn người đến kẻ đi,
Chắc là làm phải nghề gì rất xưa".
Chính trị chẳng khác khi xưa,
Nghe vài tin tức phán bừa thật nhanh,
Rằng chỗ này sắp chiến tranh,
Chỗ kia đảo chánh quyển hành đổi ngôi,
Ai cũng lý luận sục sôi,
Chỉ không để ý mình ngồi nói suông,
Thông tin chưa đủ tỏ tường,
Cơ chế phức tạp đường nào mò ra?
Mới hay nhà giáo nước ta,
Bây giờ cũng biết nói xa nói gần,
Số liệu minh chứng lung tung,
Nhưng xem kỹ lại cuối cùng... huề thôi.
Cổ Nguyệt
Ngày 9 tháng 7 năm 2014