HỌC SINH Á CHÂU:
THÀNH CÔNG HỌC ĐƯỜNG VÀ THÍCH ỨNG XÃ HỘI
Điều mà chúng ta muốn chứng kiến là đứa trẻ đeo đuổi kiến thức, chứ không phải kiến thức rượt đuổi đứa trẻ.
George Bernard Shaw.(1)
Học sinh Việt Nam về ngược so với thế giới:
Gần đây , kết quả nghiên cứu của chương trình PISA (2) năm 2012 về trình độ nửa triệu học sinh 15 tuổi trên trong 65 nước và vùng kinh tế trên thế giới về đọc, toán, và khoa học và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo (creative problem solving) cho thấy các nước hay vùng Á châu có điểm số cao nhất. Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông, Đài Bắc (Đài Loan), Đại Hàn (Korea), Macao, Nhật đứng đầu sổ, và rất đáng ngạc nhiên, học sinh Việt Nam đứng thứ 17, theo sát Đức, hơn xa Pháp (thứ 25), Anh (thứ 26), Mỹ (thứ 36). Riêng trong xứ Việt Nam, ngay các giới giáo dục cũng nghi ngờ và bàn cãi nhiều về giá trị thật sự của cuộc đánh giá này. Trong số những lý do đứa ra: có thể Việt Nam cũng như Trung Quốc cố ý "gò" học sinh của mình thật kỹ trước khi chúng được khảo sát, trong lúc học sinh Mỹ chẳng hạn không được chuẩn bị trước. Một yếu tố khác là chỉ hai phần ba học sinh tiểu học ở Việt Nam học lên đến trung học, cho nên phần còn lại là những em thuộc tầng lớp xã hội ưu đãi (thành thị, trung lưu) được đem ra khảo sát. Cũng được nhắc nhở nhiều là các nhà giáo dục châu Á, nhất là người Việt, cần bớt cho học trò thụ động “học vẹt” (rote learning) và chú trọng đến khía cạnh tư duy sáng tạo nhiều hơn. Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một nhà nghiên cứu giáo dục độc lập tại Sài gòn “kết quả mà OECD đưa ra [dựa trên kỳ thi PISA] không phải là sai, nó dựa trên cách đánh giá mà đa số người Việt nam trong giới (giáo dục) cho là một cách đánh giá phiến diện. Cái cách đó tình cờ trùng hợp với Việt nam vì Việt nam nhấn mạnh đến toán. Toán ở trình độ thấp học một một cách máy móc, biết công thức rồi làm.” (RFA) (3)
Tuy nhiên, dù là có những nghi ngại gì đi nữa, chúng ta phải công bằng khen các em đã đạt được một kết quả ngoạn mục.
Hình 2: Học sinh gốc Á Châu bỏ thì giờ làm bài ở nhà (homework) nhiều hơn các nhóm dân khác (Nguồn: Valerie Ramey, giáo sư kinh tế tại DH California, San Diego)
Lý do tại sao học sinh Á châu học giỏi hơn:
Những lý do đưa ra gồm ba nhóm:
● Yếu tố xã hội-kinh tế: người gốc Á có mức sống cao hơn, cha mẹ họ học thức trình độ cao hơn, gia đình họ ổn định hơn ("một vợ một chồng", ít ly dị hơn).
● Học sinh gốc Á có khả năng học hỏi cao hơn ("cognitive ability"), nói giản dị là "thông minh" hơn.
● Họ chú tâm (attentiveness) và ham làm việc (work ethic) nhiều hơn trong học đường, gọi chung là "academic effort" (chúng ta nói "chăm chỉ học hành").
Hai học giả Amy Hsin (Queens College, New York) và Yu Xie (ĐH Michigan- Beijing)(4) vừa công bố một nghiên cứu về vấn đề này. Họ thấy rằng sự vượt trội của nhóm châu Á được giải thích phần lớn bởi sự chăm chỉ, cố gắng của họ nhiều hơn là bởi năng khiếu tự nhiên có thể trắc nghiệm được, hay vì những ưu thế về mặt kinh tế xã hội. Hai yếu tố khác giải thích tại sao trẻ em gốc Á giỏi hơn là:
1) Người gốc Á có khuynh hướng tin rằng học giỏi là do chăm chỉ, rèn luyện nhiều hơn là do thiên phú.
2) Tình trạng di dân (immigration status) của trẻ gốc châu Á. Điều đáng ngạc nhiên là "thân phận di dân" còn quan trọng hơn các yếu tố vừa kể. Cha mẹ gốc Á có thể "gò" con cái, theo kỷ luật sắt, không tâng bốc con, bắt chúng học "gạo" và ép chúng vào kỷ luật , theo kiểu tác giả Amy Chua, một giáo sư đại học gốc Hoa dạy con mình và đề xướng trong cuốn sách "Nhạc xuất quân của một bà mẹ Cọp" ("The battle hymn of a Tiger Mom").(5)
Gần đây hơn (tháng 9 năm 2015) một khảo cứu do W. Bradford Wilcox và Nicholas Zill (của nhóm Family Research) cho thấy tỷ số tình trạng thanh thiếu niên (teenagers) còn ở trong gia đình gồm cả cha lẫn mẹ ruột (nghĩa là không ly dị, không bố hay mẹ ghẻ) tuỳ thuộc vào sắc dân: Á châu 65%, Mỹ trắng 54%, gốc Mỹ La Tinh Hispanics 41%, da đen 17% (thấp nhất).(6)
Hình 3: Cách dùng thì giờ các nhóm học sinh trung học: Học sinh Á Châu học (studying), chơi computer. games nhiều hơn, giao tiếp bạn bè (socializing) và đi làm việc (work) ít hơn so với bạn da trắng trung bình.(Source Valerie Ramey)
"Cha Mẹ Cọp" và "biến chứng" của con dao hai lưỡi
Tuy nhiên "kỷ luật sắt" và nuôi con theo "cha mẹ cọp" đối với giới thanh thiếu niên không phải là không có mặt nguy hiểm của nó. Nói chung, đối với học sinh khắp thế giới, tuổi thiếu niên là một lứa tuổi có nguy cơ tự tử hay ý định tự tử cao, và mỗi năm 200,000 teenagers tự tử chết và 4 triệu thanh thiếu niên tìm cách tự sát. 20% học sinh trung học Hàn quốc cảm thấy bị 'quyến rũ' bởi tự tử. Theo CDC, có chừng 16% học sinh Mỹ lớp 9-12 cho biết là họ từng có ý định tự tử thật sự (seriously considering suicide). Giải thích vấn đề thanh thiếu niên tự tử và thanh thiếu niên phạm pháp không đơn giản vì liên hệ đến các yếu tố di truyền, văn hoá, gia đình và xã hội.Tuy nhiên, vai trò học hành thi cử rất quan trọng: một khảo cứu trên 6000 học sinh Anh cho thấy trong 70% các trường hợp, ý nghĩ tự sát liên hệ tới việc học và thi cử. Tác dụng của áp lực học đường trên sức khoẻ tâm thần và ý định tư tử của thanh thiếu niên các nước Á đông cũng từng được chứng minh. (7)
Singapore nổi tiếng là một xã hội gương mẫu, vừa sạch, vừa chăm chỉ và sinh viên học sinh học giỏi. Mới đây, một cô gái thuộc loại "straight A", toàn điểm ưu, lỡ mắc điểm B trên hai môn toán và Anh ngữ. Cô nhảy lầu tự tử, để lại thư tuyệt mệnh cho mẹ, là người "mẹ Cọp" từng ép buộc con gái học thật xuất sắc để vào trường y khoa, mặc dù người cha xót ruột năn nỉ vợ để cho con gái thoải mái hơn. Thư viết: “Mẹ, con xin lỗi làm mẹ thất vọng. Đáng lẽ con phải giỏi hơn". Thư gởi cho cha thân mật hơn: "Ba ơi, con rất tiếc Ba sẽ không có cơ hội dìu con trao cho chồng trong lễ cưới." Ba tháng sau người mẹ tự sát vì hối hận. Người cha phải đi chữa bịnh tâm thần.(8)
Năm 2013, tại Santa Ana, California một thanh niên Mỹ gốc Việt bóp cỗ mẹ già 70 tuổi chết trong lúc quẩn trí vì bị mẹ ép buộc phải học y khoa ở ngoại quốc trong lúc anh ta muốn trở thành dược sĩ vì chỉ còn một năm nữa là xong học trình. Người con lãnh án 6 năm tù.(9)
Gần đây một tin động trời xảy ra trong giới Việt Kiều ở Toronto, Canada. Jennifer P., một phụ nữ trẻ gốc Việt 28 tuổi bị và lãnh án tù chung thân vì tổ chức cho bạn trai và hai tay giết mướn vào chính nhà mình để giết cha mẹ (người cha bị thương nhưng sống sót), trong lúc cô ta đóng vai nạn nhân giả mạo và gọi cảnh sát để chặn một vụ tấn công gia cư. Chuyện này được bàn tán nhiều trong giới giáo dục Mỹ cũng như cộng đồng phụ huynh Á Đông. Nó liên hệ đến thái độ cứng rắn của cha mẹ Á Châu trong việc dạy dỗ con cái, đòi hỏi con mình đền đáp sự hy sinh của cha mẹ bằng các thành công trong đường học vấn bằng mọi giá. Cha mẹ từng phấn đấu bao năm để con có chân đứng vững chắc trong xã hội: cho học trường tốt, học đàn piano, võ thuật, bơi lội, và figure skating tới mức hy vọng tham dự thế vận hội. Có nghĩa là chuẩn bị về mọi mặt, để trở thành valedictorian và có thể đủ tiêu chuẩn xin vào đại học danh giá. Tuy nhiên, cô ta không thành công như mong muốn. Đầu gối bị đứt gân nên cô ta bỏ giấc mông thế vận hội. Mộng làm valedictorian lúc tốt nghiệp cũng không thành. Jennifer không dám thổ lộ với ai. Tuy bắt đầu lấy dao tự cắt vào cổ tay, cô vẫn giữ vẻ mặt hạnh phúc (“happy face”) với người đời, suốt mấy năm giả đóng vai sinh viên dược học, rồi dối cha mẹ rằng mình tốt nghiệp đại học đi làm cho một bịnh viện. Để rồi, cha mẹ thất vọng ê chề khám phá rằng mình bị con đánh lừa, và có những biện pháp cấm đoán trừng phạt (cấm dùng cell phone, cấm laptop, cấm bạn trai) không còn áp dụng dược nữa cho một phụ nữ nay đã trưởng thành. Và sau đó thì thảm cảnh xảy ra.(10) Một khía cạnh đáng chú ý trong câu chuyện này là số bình luận đông đảo rất cảm động của độc giả cùng lứa tuổi, tâm sự rất dài và chi tiết, bày tỏ sự "cảm thông" của đa số về số phận của Jennifer, tuy không ai đồng tình với hành động tội ác của cô ta. Chứng tỏ giáo dục khắc khe theo lối truyền thống là một đề tài lớn phổ biến trong giới trẻ di dân mới, Á Châu hay là không.
Công bằng mà nói, người cha mẹ di dân, hay tỵ nạn, đã từng hy sinh bản thân và họ cũng có lý do để mong đợi và ép buộc con mình phấn đấu và hy sinh để tiếp tục con đường đi đến thành công cho chính nó. Tham vọng của họ có thể chính đáng nếu xét đến toàn bộ hành trình nhiều năm tháng từ lúc chính họ liều mạng bỏ nước ra đi , đến lúc xây dựng sự nghiệp từ số không trên vùng đất lạ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên cảnh giác với thái độ "Cha Mẹ Cọp". Chúng ta thường nói "dây căng thì dây đứt", đây là một tiếng kêu bi thương có thể thức tỉnh một số phụ huynh chúng ta bị quyến rũ vào con đường dùng kỷ luật sắt quá xa để bắt con cái thực hiện những giấc mơ không thành của chính mình. Chúng ta nên nhớ rằng trách nhiệm của cha mẹ hiện nay không phải chì là tạo điều kiện thuận tiện cho con mình đạt được bằng cấp, địa vị và lợi tức, mà ngoài ra còn phải giúp cho người trẻ học được khả năng đối phó với những khó khăn mà họ, không chóng thì chầy, sẽ gặp phải. Nói một cách khác, chúng ta giúp họ thành công nhưng chúng ta cũng phải giúp họ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời trong mọi khía cạnh của nó, vượt qua hay chấp nhận thất bại lúc cần.
Nền văn hoá thuận tiện hơn cho việc học như văn hoá Khổng học, hay rộng hơn, "những giá trị Á Châu" (nói theo cựu (cố) thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu ) là những yếu tố quan trọng giúp trẻ học giỏi hơn. Tuy nhiên chúng ta nên để ý vì con cháu chúng ta có thể cô đơn hơn, ít thì giờ chơi với bạn hơn, và có thể thấy ít gần gũi với cha mẹ hơn là trẻ em Mỹ trắng. Chúng ta có thể nhìn Singapore như là hiện thân của những gì người gốc châu Á có thể đạt được nhờ cố gắng và kỷ luật, cùng với những giá trị chọn lọc mang theo; cũng như cái giá họ phải trả để đạt những thành công đó. Chỉ có khác với Singapore, là chúng ta, và nhất là con cái, sống trong hoàn cảnh xã hội và các giá trị phóng túng của các nước phương tây, con cái chúng ta được hưởng tự do và sự tôn trọng con người nhiều hơn, do đó chuyện dạy dỗ chúng một cách thuyết phục mà không dùng đến các biện pháp độc tài sẽ khó khăn gấp bội. Những mong đơi quá cao, những tham vọng khoa bảng không thành của chính mình mà nay phụ huynh đặt trên đôi vai của thế hệ di dân thứ hai, những biện pháp giáo dục quá cứng rắn không hợp với xã hội hậu kỹ nghệ có thể góp phần đưa đến những thảm kịch bi đát. Tuy nhiên, nếu được, thành công nuôi dưỡng chúng nên người sẽ là niềm hãnh diện xứng đáng nhất cho giới làm cha mẹ.
Bài này tiếp nối bài trước đây:Tại sao học sinh gốc Á học giỏi hơn?
Tham khảo:
1) “What we want to see is the child in pursuit of knowledge, and not knowledge in pursuit of the child.” George Bernard Shaw (1856-1950)
2) PISA: Programme for International Student Assessment thuộc vế OECD (Organization for Economic Cooperation and Development [Tổ Chức Cộng tác Kinh Tế và Phát Triền] thoát thai từ OEEC do một người Pháp sáng lập [1948] để phát triển châu Âu sau thế chiến thứ 2)
http://www.oecd.org/pisa/keyfindings/pisa-2012-results-overview.pdf
3) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-edu-high-rank-05192015120157.html
4) Amy Hsin and Yu Xie: Explaining Asian American Asians’ academic advantage over whites.
(Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America)
http://www.pnas.org/content/111/23/8416.full
5) http://time.com/88125/the-tiger-mom-effect-is-real-says-large-study/
6) Forget red states-blue states: Asian families are most stable.
http://www.washingtontimes.com/news/2015/jul/2/race-and-ethnicity-one-factor-for-stable-families-/ (accessed 9/7/2015)
7) Anna Barchetti Durisch, Education and Suicide
http://www.globaleducationmagazine.com/education-suicide/
8) Straight A student commits suicide over O-level results, Mom takes her own life months later.
9) http://www.ocregister.com/articles/son-232212-mother-nuong.html
10) Karen K. Ho: Jennifer Pan’s Revenge: the inside story of a golden child, the killers she hired, and the parents she wanted dead
http://www.torontolife.com/informer/features/2015/07/22/jennifer-pan-revenge/
Bác sĩ Hồ văn Hiền
Ngày 27 tháng 3 năm 2015
Ngày 9 tháng 9 năm 2015