Ánh nắng mùa hè
đang tỏa ấm đất Canada, nơi tôi tạm dung. Cây cối đâm chồi nẩy lộc, vài
con chim lạ, màu lông sặc sỡ nhẹ nhàng đậu trên cành, hót tiếng rất đặc
biệt. Ngồi ngắm cảnh rồi ngẫm nghĩ, tôi thấy chung quanh gần đây cũng có
nhiều chuyện lạ.
Chẳng hạn vào
ngày 16 tháng 5, 2012, một con gấu đen nặng khoảng 180 ký, "quởn" không
có gì làm nên lang thang trong công viên Burlington, tiến về khu dân cư
với dấu hiệu nguy hiểm. Cảnh sát phải đành phải bắn chết chú gấu này.
Cuối tháng Năm, một con cá sấu dài 1 mét bất ngờ xuất hiện tại vườn sau
một nhà ở Brampton, chú bị bắt trao cho Sở Thú Scarborough - gần nhà
tôi. Không ai rõ xuất xứ của chàng cá sấu này, có thể là một con “pet”
nuôi làm kiểng của một “đại gia” nào chăng? Hay ai đó muốn vỗ béo lấy
thịt, vì nghe nói thịt cá sấu hơi "bị" ngon (Văn phạm lối mới - Rõ
khổ!!)
Lạ hơn nữa là sự
xuất hiện của con ma ăn thịt người (Zombie-like Attack) tại Miami, xứ Mỹ
láng giềng. Sau 18 phút trần truồng tấn công, cắn nát mặt một người đàn
ông vô gia cư ngay trên đường phố, Rudy Eugene cũng đã bị cảnh sát bắn
chết. Rudy, 31 tuổi - được mẹ tả là một đứa con tốt, thích đọc Kinh
Thánh. Bạn gái của anh cũng bật khóc khi xem khúc phim anh ăn thịt
người, vì hình ảnh đó hoàn toàn khác với người bạn trai ngày thường của
cô. Theo điều tra, Rudy Eugene đã dùng quá liều một loại “cocaine
substitutes" hay "synthetic LSD” - tiếng lóng là "bath salts". Khi dùng
thuốc này, người sẽ thấy nóng phừng phừng, phải cởi bỏ quần áo, miệng
muốn cắn xé, tinh thần bị sai khiến bởi một ma lực quái đản. Poppo,
người đàn ông 65 tuổi đã bị Rudy tàn phá 75% khuôn mặt, mất trán, mũi,
đang ở tình trạng nguy kịch và sẽ tốn nhiều tiền, nhiều công sức của Bác
Sĩ để tái tạo phần mặt đã bị nhai mất.
Cô bạn người
Canada làm chung sở nói với tôi: Thứ thuốc bath salts này rất nguy hiểm,
ai trách người cảnh sát vội vã bắn chết Rudy Eugene, chứ tao thì không.
Những thứ ghiền làm hại người khác, hại xã hội thì phải có biện pháp
thích đáng! Câu nói của người bạn làm tôi hơi nhột, vì chính tôi cũng có
khi ghiền – dù ở mức độ nhẹ hơn - hoặc đã có những biểu hiện làm buồn
lòng người khác. Tôi phải suy nghĩ và điều trị bệnh ghiền, thói quen xấu
của mình như thế nào? Ảnh hưởng tiêu cực của tôi với gia đình, chung
quanh ra sao?
Có thời kỳ tôi
ghiền coke. Thứ nước uống ngọt ngào, đậm đà này luôn có trong nhà. Tôi
không uống nước lạnh, khát thì chỉ có café và coca-cola. Phải khó khăn
lắm tôi mới bớt được coke. Bớt thôi chứ không bỏ hẳn được, dù tôi biết
coke không tốt cho sức khỏe. Khoảng 25 năm trước, khi bắt đầu có phim
Tàu, tôi cũng mê mải xem phim bộ. Chúng tôi “re-wind” sẵn mấy chục cuốn,
xếp thứ tự như “xếp hàng vào trận”, xem xong cuốn này là có ngay cuốn
khác thế vào. Hồi ấy còn nghèo lắm, ở share chung nhà, người chắt chiu
mua được cái TV, kẻ mua đầu máy chiếu phim, góp gạo nấu cơm chung. Có
bữa phim đang gay cấn mà anh bạn lại sợ máy hư, nên ra lệnh tắt không
cho coi nữa. Trời ơi! Máy nóng nhưng lòng chúng tôi còn nóng biết kết
cuộc hơn mà. Cơm nước, nhà cửa bê bối, chưa kể thiếu ngủ sáng hôm sau đi
làm mệt mỏi, vào phòng vệ sinh định rửa mặt cho tỉnh táo mà lao đao vấp
té. Bỏ được phim bộ rồi thì bây giờ tới ghiền computer. Một ngày đi xa
không có điều kiện xem email, không “ôm” computer là đã thấy … nhớ!
Cũng may tôi
không ghiền bia rượu, thuốc lá. Của đáng tội tôi cũng đã uống thử mấy
lần. Mùa hè nóng nực nhìn ly bia vàng óng, mát lạnh rất ngon, nhưng uống
vào thấy đắng, chứ cũng chẳng tử tế gì! Riêng bạn tôi ghiền bia khá
nặng, mỗi ngày hơn chục chai, uống vào thì lừng khừng, nói năng lung
tung. Con đưa Report của nhà trường, anh hạ bút mà chẳng biết học vấn,
yêu cầu của nhà trường ra sao. Khi hết say nhìn lại Report, anh hỏi ai
ký kỳ cục vậy! Anh bạn khác uống say mà lái xe nhiều lần, bị treo bằng
lái và bỏ tù. Ngày thường anh đi làm, cuối tuần vào tù ở, chừng nào hết
giờ ông Tòa phạt tù mới được tự do. Bên Việt Nam thì tệ hơn, say xỉn là
thường, suốt ngày la cà ở quán nhậu, tốn tiền hại bạc, ói mửa làm phiền
vợ con. Hai mẹ con Leanne và Brittany Mahingen cùng uống say, rồi
Brittany đã ngộ sát chính mẹ mình. Phiên tòa tại Calgary, Canada hôm
cuối tháng 5 đã kết án Brittany 5 năm tù ở tuổi 20. Ghiền cờ bạc thì còn
“bác thằng Bần” hơn nữa, biết bao người đã tán gia bại sản, bỏ bê trách
nhiệm vì mê xì phé, casino, hoặc cao cấp hơn, mê stock.
Tôi cũng có mấy
người bạn khổ sở vì con trai mê chơi games. Anh đập nát computer, cell
phone của con, gia đình rối ren, con cái học hành không tới đâu. Tại
Việt Nam cháu xin tiền ông nội để đi chơi games không được, đã nổi nóng
đánh ông trọng thương. Nhiều thiếu niên đã gục ngay tại máy vi tính vì
chơi games mấy ngày liên tục không màng đến chuyện ngủ nghỉ, ăn uống.
Có
người ghiền hát Karaoke, líu lo quên bổn phận. Bạn tôi ghiền câu cá,
cuối tuần nào cũng xách thuyền đi mất tiêu, có khi về trễ không chở vợ
con đi nhà thờ được. Vợ anh tức quá bảo khi anh chết, chị sẽ bỏ cái cần
câu vào quan tài! Có người ghiền ăn, lên cân khủng khiếp, không bị
zombie tấn công nhưng 75% thân hình, ngoại diện bị tàn phá, ảnh hưởng
tới sức khỏe. Có người ghiền nhảy đầm, thay vì chỉ như thể dục vui chơi,
lại mua vui thâu đêm suốt sáng tại các vũ trường, nhiều cháu trẻ la cà ở
các club, học đòi sa đoạ. Hoặc tệ hơn, ghiền xì-ke ma túy làm khổ chính
mình và biết bao nhiêu người. Nhiều trường hợp mê “chat”, mê internet
tới nỗi phương hại gia đình, làm gương xấu cho con cái. Lại cũng có
trường hợp ngộ nghĩnh hơn: ghiền làm việc. Không cần thiết mà vẫn cày 2,
3 jobs, để rồi khi nhìn lại sức khỏe và gia đình mình thì hỡi ơi! Người
quen tôi bỏ hai con dại một mình ban đêm đi làm, vợ chồng sắm được nhà
đẹp, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra cho con, làm sao bù đắp được? Cũng
không ít người nghiện tình dục, chuyện Vua đánh Golf Tiger Woods chắc ai
cũng còn nhớ. Thân bại danh liệt, mất vợ con, Tiger phải gặp chuyên viên
để điều trị bệnh ghiền sex này.
Lại có người
ghiền danh vọng tiền tài, không kể tới danh dự, dân tộc, như những người
cướp đất của dân, bán nước cầu vinh, trực tiếp hoặc gián tiếp hại bao
thế hệ. Hai mẹ con ở Cần Thơ không còn vũ khí nào để tự vệ, phải khỏa
thân mong bảo vệ mảnh đất của mình, nhưng vẫn không thoát khỏi sự đàn áp
bạo tàn. Một bài viết bình luận: Hai mẹ con này phải trần trụi nhưng
không đáng xấu hổ, người phải xấu hổ là những công an mặc quân phục
chỉnh tề ra tay hà hiếp dân lành kìa. Biết bao người dân đã phải bán sức
lao động, bị “xuất khẩu” ra nước ngoài làm công để bị bóc lột tả tơi.
Biết bao cô dâu Đài Loan, Đại Hàn - những Thúy Kiều thời đại vì nghèo mà
phải bán thân, cực nhục để “chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê Mẹ
ruột đau chín chiều”. Biết bao nhiêu người bị đe dọa, bắt bớ đã phải
trốn tỵ nạn. Tại Thái Lan, họ sống chui nhũi tại đường rầy xe lửa, các
xó xỉnh tối tăm, vẫn bị ruồng bắt, đói khổ, tương lai mịt mờ. Những
người cầm quyền này không chỉ là con ma nhai nát 75% mặt người, nhưng đã
ăn tươi, nuốt sống biết bao sinh linh, bao niềm hy vọng. Đất nước và con
người Việt Nam sẽ đi về đâu? Một thiếu nữ trẻ đã cúi xuống hôn ghế ngồi
của thần tượng Đại Hàn khi anh qua Việt Nam trình diễn. Đây là thời đại
gì, sản phẩm của ai?
Gần đây thời sự
cũng nhắc nhiều tới chuyện cháu Trần Diane, ở Texas - đã bị tù 24 tiếng
và nộp phạt $100 vì bỏ học hoặc đi trễ nhiều ngày. Ông Tòa vì không tìm
hiểu kỹ, đã phạt Diane để làm gương cho những đứa trẻ trốn học đi chơi.
Nhưng thật sự, Diane là tấm gương dũng cảm, tự lập. Dù mới 17 tuổi cũng
đã đi làm nuôi anh, nuôi em, ba má ly dị mà vẫn là học sinh giỏi. Cũng
may với hơn 250 000 chữ ký khắp nơi, ông Tòa đã rút lại bản án. Những
người hảo tâm cũng quyên góp hơn $100 000 đô Mỹ để giúp Diane, nhưng cô
từ chối, muốn dành số tiền đó cho những trẻ em nghèo khổ hơn. Diane thật
đáng phục. Tôi chợt nghĩ tới các trẻ em kém may mắn sinh ra và lớn lên
thời Cộng Sản, lang thang bán vé số, bán hàng rong, đánh giày… ngoài
trời nắng cháy. Có được tới trường thì hệ thống giáo dục cũng chẳng ra
sao, họ chủ trương nhồi nhét dạy dỗ học sinh những điều không thật. Thầy
cô giáo cũng phải chịu áp lực, không thể làm tròn thiên chức. Tôi cũng
nhận ra chính mình từng là người quan tòa bất công, khi chưa tìm hiểu kỹ
đã xét đoán, kết tội người khác, chê khen vô tội vạ! Hoặc khi thấy mình
nói sai, hiểu sai, tôi có đủ can đảm để nhận lỗi và sửa đổi?
Càng lớn tuổi
tôi càng trở lại giống hồi xưa, nghĩa là mau nước mắt. Khi kể cho con
nghe chuyện hàng ngàn người Việt đang bị áp bức phải trốn sang Thái Lan,
tôi rưng rưng nước mắt. Con trai tôi cười trêu chọc: Mẹ cải lương quá
(Cháu coi vậy mà giỏi tiếng Việt gớm, biết dùng chữ “cải lương”!) Nhưng
tôi biết khóc sẽ không giải quyết được chuyện gì, mà phải có hành động
cụ thể. Tôi cũng là một người tị nạn, may mắn được giúp đỡ cho tới hôm
nay, tôi có thể làm gì? Tôi thầm cám ơn chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã lên
tiếng, cô Luật Sư trẻ An Phong đã dấn thân giúp những người tị nạn này
về pháp lý. Tôi tự hỏi trong hoàn cảnh riêng, mình có thể làm được gì
cho quê hương, cho nhân quyền, cho những người kém may mắn hơn? Nhiều
khi tôi cũng nản lắm - chán chính mình, buồn khi nhìn thực tế xảy ra
chung quanh, nhưng tôi cố nhủ lòng: Một cố gắng dù nhỏ bé bao nhiêu, một
đốm lửa dù le lói yếu ớt, nhưng với hết con tim, hết mọi người cùng đoàn
kết thì sẽ có một kết quả nào đó.
Mong rằng chính
tôi sẽ mạnh dạn hơn chiến đấu với những cơn ghiền, sự ngại khó của mình
mà góp tay cùng mọi người làm đẹp cuộc đời, lên tiếng tranh đấu cho quê
hương …
Nguyễn
Ngọc Duy Hân