Hơn ba mươi năm sau tôi mới thực hiện được giấc mơ khi còn trẻ của mình. Giấc mơ để có được một lần đến nhìn Đà Lạt với những đồi thông xanh mướt; để có được một lần tìm thăm thành phố của nhiều mộng mơ… mà tất cả chỉ đến được trong trí tưởng tượng của tuổi học trò thời chinh chiến qua thơ và nhạc. Ngày đó, hình ảnh của Đà Lạt được diễn tả bằng những bài hát thời xa xưa, nhưng đến nay vẫn in dấu mãi trong lòng tôi. Là thành phố của sương mù, tôi hình dung sẽ được thấy tóc em ướt và… mắt em ướt. Là thành phố của tình yêu nên tôi cũng sẽ thấy, từng đôi đi trên phố vắng khi hoàng hôn màu lam tím sương phủ mờ… Thời tuổi trẻ thường hay mơ với mộng của tôi là thế đấy.
Năm đó, cho dầu thời gian thì đã hơn ba mươi năm sau, tôi đã biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng sao nó không giống như trong mộng của ngày nào. Ngày tôi đến đây, phải chăng là quá muộn nên sương mù không còn phủ kín đôi vai. Có phải cũng vì thế mà tóc em không ướt? và mắt em…cũng không ướt? Người Đà Lạt trong tôi có phải đã mòn mỏi đợi chờ ai theo cơn xoáy thời gian, nên bây giờ đôi mắt đã khô; và mái tóc cũng phai màu, đổi sắc theo người phương Tây nên mờ sương không ướt.
Ngày đó, tôi cùng một nhóm người đã tìm đến Đà Lạt. Sau một ngày thăm viếng những địa điểm du lịch của thành phố, chúng tôi được trả về khách sạn sau bửa ăn chiều. Một nhóm nhỏ những du khách thông hiểu tiếng địa phương, quyết định làm một chuyến đi thăm thành phố mà không cần sự có mặt của người dẫn đoàn. Tôi ủng hộ ý định nầy bởi lòng vẫn còn mong được nhìn thấy ‘Đà Lạt Hoàng Hôn’ của ngày xa xưa trước. Thành phố Đà Lạt bé nhỏ(?) chỉ với vài con đường chính xuyên qua chợ; không bao lâu thì chúng tôi cũng đã dạo xong để sắp trở về nơi điểm cũ. Một đứa bé bán vé số dạo trên đường bổng hiện ra, rồi tiến nhanh đến tôi ngỏ lời:
- Ông mua dùm con vé số đi.
Tôi nhìn đứa trẻ trong bộ đồng phục của nhà trường. Tóc bé đen, dài và dày; da bé cũng đen đến độ tôi không thể phân biệt là người Kinh hay Thượng, mà chỉ biết đó là một đứa nhỏ đang lao động phụ gia đình tìm miếng ăn. Tôi nói với nó:
- Chú không mua vé số đâu. Chú chỉ là du khách dừng lại đêm nay rồi mai đi...
Bé không kiên nhẫn chờ nghe tôi dứt lời giải thích thì đã chạy nhanh đến người đang đi đường khác mời mọc. Bé không biết họ cùng đoàn với tôi. Mọi người sau đó cũng đều từ chối trước khi bước vào một tiệm bánh gần đó. Bên ngoài phố vắng cũng chỉ còn lại nó và tôi. Tôi lên tiếng hỏi:
- Con không có đi học à?
- Có chớ! Đi học về mới đi bán.
- Con ăn cơm chưa?
- Chưa. Chút nữa về nhà mới ăn.
Lòng tôi ghi nhận sự hiện diện của một chất chua trong dạ dày đang no sau bữa ăn chiều. Giờ nầy, trong những căn nhà ấm cúng quanh đây, có những trẻ cùng trang lứa với nó đang quây quần trên mâm cơm gia đình, vui cười trò chuyện với người thân; thế mà nơi nầy, có đứa trẻ bán vé số lại đang lần mò trên đường phố vắng cố tìm từng người khách qua đường. Tôi định đưa cho bé chút gì đó nhưng lại nhớ bài học của vài hôm trước ở một thành phố khác.
...Đoàn du lịch của chúng tôi gồm khách từ những nước ngoài cùng đến, nên người dẫn đoàn phải xử dụng ngoại ngữ; nhưng trong nhóm cũng có một số Việt kiều tháp tùng, nên anh trưởng toán cũng cẩn thận dặn dò riêng. Để không bị những người địa phương làm phiền trong việc quảng cáo mua bán, tốt nhất là đàm thoại với nhau bằng ngoại ngữ. Một người trong đoàn lở lời với người nhà bằng tiếng Việt; một đứa trẻ bán sách báo trên đường nghe được nên cứ bám theo nài nỉ mãi. Động lòng, ông ngỏ lời tặng cho nó ít tiền nhưng không mua sách. Đứa trẻ trả lời với ông rồi rời khỏi:
- Dạ! Cháu mời ông mua sách. Cháu không xin tiền ạ!
Chúng tôi nghe và thấy được thì trong lòng ai cũng phải cảm phục chí khí của đứa trẻ nhà nghèo này, để rồi thì cũng quên đi hình ảnh của nhân viên quan thuế nơi phi trường, cũng vài hôm trước đó. Người trong nước đâu hẳn ai cũng đều như ‘hắn ấy’ cả!
Tôi bước xa ra để chụp cho bé tấm ảnh. Một người đàn ông trong tiệm bánh đi ra lên tiếng đuổi nó:
- Thằng nhỏ kia! Mi đi chỗ khác bán. Đừng có đứng trước cửa tiệm mà cản khách.
Đứa bé bước vội qua một bên nhìn quanh, đường vẫn vắng khách đi ngang, nó đưa mắt nhìn những người khách còn lại bên trong tiệm. Qua khung cửa kíếng to đèn chiếu sáng rực, nó bị thôi miên. Tôi chăm chú nhìn đứa trẻ bán vé số, chợt nhớ đến một câu chuyện ngắn mà mình đã đọc được:
(Chị mua giùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó:
• Nếu cô trúng số, con chịu cô mua cho con cái gì?
Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói:
• Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa.
Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng:
• Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học.
Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón. )
Và dĩ nhiên là tôi đây cũng không thể trúng số để cho bé nầy được gì, bởi đã từ chối lời mời mọc của nó ban nãy. Đứa trẻ đang hiện diện trước mặt kia, đôi chân đang có một đôi dép. Nó hãy còn nhỏ chắc chưa biết đạp xe; và nó chỉ đi bán sau giờ tan học… Lòng tôi chắc là bé cũng không mong có được những thứ như đứa trẻ đồng nghiệp bên trên. Tôi đến gần bên nó gợi chuyện:
- Nầy con! Con biết tiệm nầy có bánh gì ngon không? Chú muốn mua để ăn, nhưng không biết. Con có thể chỉ cho chú không?
Đôi mắt chăm chú của bé vẫn không rời khỏi khung cửa kiếng, nhưng nó vẫn chịu gật đầu rồi đưa tay ra dấu chỉ tôi xem:
- Chắc bánh đó ngon lắm đó.
Tôi vẫn cố tình như không trông thấy:
- Nhiều loại bánh trong đó quá, chú không biết con chỉ cho chú thứ nào. Hay là… Con dẫn chú vào đó rồi chỉ cho chú mua.
Bây giờ thì nó mới chịu quay đầu lại nhìn tôi trả lời:
- Bánh đó… ở chỗ đó kìa, chú vô mua một mình đi. Ông giữ cửa kia không cho con đi vô trong đó đâu.
- Không sao. Chú sẽ xin phép ông ta cho con đi vào cùng với chú.
Chưa hẳn đã tin lời tôi nói, nó rụt rè từng bước, và dĩ nhiên người gác cửa cũng đang lườm to đôi mắt nhìn, tôi lên tiếng giải thích:
- Cháu nó dẫn tôi đi vào mua bánh. Không sao đâu anh.
Gương mặt lộ nét mừng vui, bé hớn hở chỉ ngay cho tôi loại bánh ngon nhất mà nó biết trong một tủ kiếng của tiệm:
- Nè! Bánh đó ở đây nè, thấy chưa? Chú mua đi.
Tôi phải lên tiếng hỏi lại bé cho rõ, vì bởi những người trong nhóm của tôi thì vẫn còn xa phía trong kia đang nếm thử những thứ bánh gì đó:
- Con chắc là bánh nầy ngon nhất ở đây phải không?
Bé mạnh dạn gật đầu quả quyết với tôi, và đôi mắt của nó vẫn dán chặt nhìn vào những túi bánh rẻ tiền được trưng bày trong tủ kiếng ngay cửa ra vào. Tôi ra dấu khẻ gọi người trong tiệm:
- Cô cho tôi mua hai túi bánh nầy.
Trả tiền xong là bé dẫn tôi quày ngay ra ngoài. Bây giờ thì nó đã hoàn toàn quên hẳn sự hiện diện của người gác cửa vẫn đang còn đứng nơi đó. Trông gương mặt đắc ý cùng với những bước chân hân hoan của nó, cũng khiến lòng tôi vui theo. Như đã thỏa mãn để không còn nhìn vào khung cửa kiếng của ban nãy, bé đang định hướng tiếp tục đến đoạn cuối của con đường. Tôi vội nói ngay với nó:
- Nầy con! Chú cám ơn con đã chỉ cho chú mua được bánh ngon nhất của tiệm nầy. Đây là phần thưởng của con.
Tôi đưa cho nó một túi bánh vừa mua, bé ngạc nhiên nhìn, tôi tiếp tục nói:
- Nhờ con nên chú mới có được bánh ngon để ăn tối nay. Nhưng mà chú chỉ ăn được một túi thì no, cho nên túi đó tặng con để cám ơn con mà thôi.
Nó nắm chặt túi bánh trong tay, khẻ gật đầu đồng ý rồi quay lưng trở bước. Cuối đường nơi kia bé đang vội vã những bước chân chạy đến, ánh mặt trời cũng đang chìm xuống nhanh. Vợ tôi cùng những người khách trong tiệm đã trở ra; nàng tiếp tục nắm tay tôi trong từng bước đi sau đó. Tôi thấy hoàng hôn nơi đây cũng có một màu lam tím.
Viết tại California, ngày 28 tháng 10 năm 2012
TL12