Cuối năm nói chuyện câu đối
Nguyễn Sơ Đông
孔 孟 綱 常 須 刻 骨
西 歐 科 學 要 銘 心"Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm"
Tui học trường Tây mấy năm, giờ trả lại cho Thầy Tây hết rồi. Viết một câu tiếng Pháp cũng không "nên thân". Tiếng Mỹ thì chả biết gì...Thôi thì bám lấy tiếng mẹ đẻ.
Lục lọi tìm được mấy câu đối, viết trình làng xem cho vui. Câu đối - suy nghĩ cho kỹ, rất khó, vì tiếng Việt dùng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.
1/ Người đầu tiên phải nhắc đến: Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Bà đã để lại cho văn chương Việt Nam bản dịch kiệt tác Chinh Phụ Ngâm. Tài sắc vẹn toàn, hồng nhan bạc phận. Bà mất lúc mới có 41 tuổi (1705-1746), một mất mát lớn lao cho nền văn học Việt Nam.
Một hôm, ông anh Bà xuống ao rửa chân, thấy em đang trang điểm trước gương, bèn ra câu đối.
"Đối kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm" (Soi gương kẽ lông mày, một nét hoá ra hai nét).
Điểm lại là tên của Bà. Bà đối lại: "Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân" (Tới ao ngắm trăng, một vầng hoá ra hai vầng).
Luân lại là tên anh Bà.
Bao nhiêu danh sĩ cùng thời, nhứt là Cống Quỳnh, "xum xoe" quanh Bà. Bà tuyên bố chỉ làm thân với vị nào có thực tài.
Một hôm, Quỳnh và Bà cùng ngồi trong nhà, trước bức vách là hai cửa sổ. Bà ra câu đối:
"Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song".
Quỳnh chịu, không đối được.
Một lần, Quỳnh đi chợ Sơn Tây về, Bà ra câu đối:
“Lên phố mía, gặp Cô hàng mật, cầm tay kéo lại hỏi thăm đường".
Toàn là ngọt. Quỳnh chịu thua.
Bấy giờ, kinh đô có bốn danh sĩ được gọi là:"Tràng An Tứ Hổ" rủ nhau đến nhà Bà Điểm để thử tài. Bà ra câu đối:"Đình tiền, thiếu nữ khuyến tân lang".
Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu. Tân lang là trầu cau, lại đồng âm (Hán) với tân lang là chàng rể mới.
Tràng An Tứ Hổ cũng bái phục thôi.
Một lần khác, Bà đang tắm, Cống Quỳnh gõ cửa đòi vào. Bà ra câu đối, bảo đối được thì sẽ mở cửa
“ Da trắng vỗ bì bạch”
Làm sao mà đối được. Quỳnh tưởng tượng đến "bì bạch" ... gần phát điên luôn ... nhưng cũng phải chịu thua.
Giờ (2013) nghĩ lại, tổ tiên ta...cũng tếu dữ ha!
2/ Ông Ông Ích Khiêm (1840-1890)
Lúc trẻ đã "văn hay chữ tốt,văn võ song toàn". Một hôm Ông ngồi trong quán, Quan Huyện sở tại đi ngang: có lính che lộng (2 lộng trước, 2 lộng sau, quan ngồi trên võng do lính khiêng). Ai nấy đều ra đường quỳ mọp để cung kính quan huyện, trừ Ông Ích Khiêm. Ông lấy một chiếc giày của ai bỏ đó, cố ý xỏ hai chân vào. Quan huyện cho lính gọi ra, hỏi làm nghề chi.
- Dạ bẩm: học trò
- Học trò thì ta ra một vế, mi đối không được, ta cho lính căng nọc ra mà đánh đòn:
"Cắc cớ thay, hai cẳng xỏ một giày"
Ông đối lại: "Sung sướng mấy, một đầu che bốn lộng"
Câu đối rất chỉnh, nhưng lấy đầu của Quan Huyện mà đối với hai cẳng của mình thì quá lắm.
Sau khi vua Tự Đức băng hà, nước ta rất "loạn". Trong bốn tháng, thay ba vua (Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc), quyền hành trong triều đều do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm giữ. Lại thêm quân Pháp chia luôn "Empire d'Anam". Bờ Bắc của sông Hương, thành nội, thuộc triều đình Huế. Bờ Nam Pháp chiếm.
"Nhứt giang, lưỡng quốc nan phân thuyết" (Tôn Thất Thuyết)
Một sông, hai nước, không làm sao thương lượng chi hết.
"Tử nguyệt, tam vương, triệu bất Tường" (Nguyễn Văn Tường)
Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành
Cha Ông mất sớm. Lúc Ông đang cầm quân dẹp loạn, mẹ mất. Không thể bỏ quân sĩ mà về chịu tang mẹ, Ông làm câu đối:
"Mạc hiềm trần thế Khiêm vô mẫu
Ưng tiếu tuyền đài phụ hữu thê"
Trần thế đừng hiềm Khiêm mất mẹ
Tuyền đài có vợ, hãy mừng cha.
(Cha chết xuống suối vàng trước, giờ mẹ cũng xuống theo...Vợ chồng sum hợp, mừng cho Cha.)
3) Năm 1933, Ông Phạm Quỳnh từ ghế chủ bút báo Nam Phong, nhảy lên ghế Thương Thư:
“Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy
Bỗng chốc nên quan, đã sướng chưa.”
4) 1946. Tản cư. Một nhà văn đồng bằng (Bắc Việt) chạy lên mạn ngược, bị sốt rét (ngã nước). Trong lúc sốt lên cao, tay chân run rẩy, rên hừ hừ, còn nghĩ ra câu đối tức cảnh
"Vì nước phải lên nguồn, đánh mãi nước nguồn, đâm ngã nước,
Se tơ nên chọn kén, quay hoài, tơ kén vẫn vướng tơ"
5) Trời mưa, đất thịt (không phải đất cát) trơn như mỡ. Hồ Xuân Hương trợt té, đám đàn ông chưa kịp cười, Bà đã ra câu đối:
"Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài"
Cống Quỳnh cũng bị "chụp ếch", mấy cô cười hô hố
Quỳnh ra câu đối:
"Đất đâu nghĩ cũng lạ đời
Bấm thì không chịu, nằm cùng thì cho"
(Mấy cô cũng vậy thôi)
Bấm: đi đường trơn, mình phải cố bấm hai ngón chân cái cố bám vào đất.
Từ lúc thiếu thời, Quỳnh đã tỏ ra lanh lợi. Mùa hè nóng, Quỳnh xuống ao tắm.Quan Huyện đi ngang, không thèm lên hầu. Quan cho lính bắt trói. Quan nhìn xuống ao, thấy cá lớn ăn thịt cá con, ra câu đối.
"Nước trong leo lẻo, cá đớp cá"
Quỳnh đối: "Trời nắng chang chang, người trói người"
Đối chỉnh quá, Quan tha.
6) Nguyễn Công Trứ (1778-1859)
Một hôm đang đi chơi, gặp mưa, vào trú trong quán nước bên đường. Mưa lâu quá, thêm gió lạnh, ông bèn nằm vào ổ rơm của quán, lấy chiếu đắp lên, ngủ ngon.
Thình lình, đại binh của tả quân Lê Văn Duyệt đi diễn tập về qua, ông vẫn ngủ mê. Lính vào đánh thức ông dậy, vừa kịp Tả quân cưỡi ngựa đến. Tả quân không bắt lỗi gì, chỉ buộc vịnh cảnh nằm ổ rơm đắp chiếu. Ông ứng khẩu:
"Tám vạn anh hùng đè xuống dưới (anh hùng rơm)
Chín tầng thiên tử đội lên trên"
(Chiếu chỉ của Vua đồng thời cũng là chiếc chiếu)
7) Cao Ba Quát (1800-1850)
Học giỏi nhưng có tính tự phụ, thường nói:"Tất cả có bốn bồ chữ thì tôi giữ hai bồ, anh tôi một bồ, còn một bồ đem chia cho cả thiên hạ"
Sau, làm loạn chống Triều đình Huế, bị bắt. Nằm trong ngục, Cao Bá Quát không hề sợ sệt, tự nhạo cái mộng đế vương của mình;
"Một chiếc cùm lim chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương"
Trước khi thọ hình, ông còn bình tĩnh ứng khẩu:
"Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa đ...mẹ thời"
Thời là thời thế mà cũng là tên của Vua Tự Đức
8) Ngô Thời Nhiệm (1747-1803)
Đổ tiến sĩ năm 1775, được Chúa Trịnh Sâm trọng dụng. Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân Nam ra Bắc "diệt Trịnh, phò Lê". Ông lại đươc Nguyễn Huệ tin dùng. Lúc bấy giờ, Đặng Trần Thường đến xin một chân nho sĩ. Nhiệm thấy Đặng Trần Thường có thái độ quá khúm núm, không đáng gọi là nhà nho, nên từ chối một cách cứng rắng. Đặng Trần Thường bỏ vào Nam, đầu chúa Nguyễn.
Sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá Quân Thanh, Ngô Thời Nhiệm phụng mạng vua, dùng ngoại giao để đối phó với Trung Hoa. Ông được triều đình Mãn Thanh kính nể, tránh được việc binh đao.
Chẳng may, vua Quang Trung sớm băng hà, cơ nghiệp mất vào tay nhà Nguyễn. Nhiệm bị bắt giải ra Bắc. Thường cũng theo vua Gia Long ra Bắc. Nhiệm bị trói đánh trước văn miếu.
Đặng Trần Thường ra 1 vế đối
"Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai"
Ngô Thời Nhiệm đối lại:
"Thế chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế".
Câu đối nầy, năm 1955, thủ lãnh luật tư đoàn VNCH, LS Vương Quang Nhường có nhắc lại khi biện hộ cho Tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt).
9) Lý Công Uẩn (vua Lý Thái Tổ sau nầy) lúc trẻ theo học thiền sư Vạn Hạnh. Một hôm, một hôm không thuộc bài bị Thiền sư Vạn hạnh trói hai cẳng co lại, đặt trước Phật đài. Ông tự vịnh
“ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Vì ngại sơn hà xã tắc xiêu.”
Đúng là khẩu khí của một vị đế vương.
10) Ông Nguyễn An Cư (chú của nhà Cách Mạng Nguyễn An Ninh), thầy thuốc đông y ở Hóc Môn.
"Đau tiếc thân, lành tiếc của, thói ở bạc đã quen. Mất lòng trước, được lòng sau, ai có tiền thì hốt" (hốt thuốc).
Nói vậy chớ Ông luôn giúp đỡ người nghèo cho đến trước 4/75 dân Hóc Môn còn nhớ nhắc tên Ông.
11) Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) (1842-1915) đề hai câu thơ ở cửa một quán cơm.
"Mạc vị quán trung vô phiếu mẫu
Chỉ hiềm lộ thương thiểu vương tôn"
ý nói quán nầy sẳn lòng làm như Bà Phiếu mẩu khi xưa đem cơm cho Hàn Tín, lúc Hàn Tín chưa làm nên sự nghiệp, nhưng e rằng khách bây giờ, ít ai tài giỏi như Hàn Tín để mà được nuôi cơm.
12) Một quan thị (eunuque) đọc vế đối chế nhạo một quan võ:
"Vũ cậy mạnh, vũ ra vũ múa, vũ gặp mưa, vũ ướt cả lông"
Chữ Hán: Vũ có nghĩa mạnh,múa, mưa, lông
Quan võ đối lại:
"Thị vào chầu, thị đứng thị trông, thị cũng muốn, thị không có ấy"
Chữ Hán: Thị có nghĩa chầu, trông, muốn. Còn "ấy" là bị thiến rồi.
13) Ông Đoàn Hy vừa làm thợ rèn, vừa chăm chỉ học, đổ thủ khoa thi Hương trường Nam Định. Quan chủ khảo biết nghề nghiệp vị tân khoa, ra câu đối
"Than bỏ vào lò, sắt bỏ vào lò, bể thổi phì phò, đúc ra miếng bạc"
Ông đối lại.
"Mực nằm trong túi, bút nằm trong túi, người viết lủi hủi, tên chiếm bảng vàng"
14) Đời vua Tự Đức: Pháp càng ngày càng tham, hết đòi quyền lợi này, đến muốn chiếm đất khác. Triều đình nhu nhược, thiếu người tài, vua than:
"Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu
Văn thần thoái lổ cánh vô thi"
(Quan võ chỉ biết mượn rượu để quên sầu,
Quan văn làm thơ đuổi giặc, cũng không làm được)
15) Vua Duy Tân ra câu đối
"Bán mãi, cửa quan, sợ cụ
(bán: mãi, quan: cửa, cụ: sợ)
Ông Nguyễn Hữu Bài đối:
"Không vô trong nội nhớ hoài"
(vô:không, nội:trong, hoài:nhớ)
16) Thế chiến 14-18 chấm dứt,Pháp thắng Đức.
Triều đình Huế làm lễ mừng thọ ngũ tuần cho me vua Khải Định, cùng lúc công sứ (chủ tỉnh) Ninh Bình ra lệnh mỗi xã góp ba chục (30) đồng để mua cờ Pháp (tam sắc). Đồng bạc lúc ấy lớn lắm. Tiệc hay cờ gì, dân cũng phải chịu.
"Tiệc thọ năm mươi mừng mẹ nước
Lá cờ ba chục chết cha dân"
17) Linh tinh
- Một "thầy đồ" dạy học:
Ngày ngày, mổ bụng con nhét chữ
Tháng tháng bổ đầu bố lầy tiền
- Vợ cả, vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả
Con nuôi, con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi
- Con ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu
Cái kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò
- Vũ vô kiềm toả năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân
(ngày nay thì mưa đâu có cầm khách được vì xe vào tận garage khô queo, nhưng sắc vẫn nhận chìm bao đấng anh tài)
- Tám giờ xe lửa huýt (huit)
Hai cẳng nằm ngay đơ (deux)
- Thúy Kiều đi qua cầu, nhác thấy chàng Kim, lòng đã trọng (Kiều=cầu, Kim Trọng)
Trọng Thuỷ dòm xuống nước, thoáng nhìn nàng Mỵ, mắt rơi châu (Thuỷ=nước, Mỵ Châu)
- Hoa hổ, hoạ bì, nan hoạ cốt
(không có XR thấy xương đâu mà vẽ)
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm
- Đất chẳng là chồng, đem gởi thịt xương sao lợi
Trời mà chết vợ, thử coi gan ruột mần răng
(một ông đồ Nghệ Tĩnh khóc vợ mới mất)
18) Câu đối Tết
- Thịt mỡ,dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
(hai câu này có tự ngàn xưa)
- Bà Hồ Xuân Hương
"Tối ba mươi, khép cánh càng khôn, ních chặt lại,kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hoá, mở toác ra cho thiếu nữ rước xuân vào
- Bà Huyện Thanh Quan
"Duyên với văn chương nên dán chữ
Nợ gì trời đất phải trồng rêu"
- Ông Nguyễn Công Trứ
"Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thẳng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý huý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà
- Tú Xương
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi
(tục lệ xưa, Tết đến người ta dùng vôi vẽ cung tên, sơn trắng cốt ý trừ ma quỷ)
19) Những câu đối chưa ai đối được, có lẽ chẳng bao giờ đối được.
- Da trắng vỗ bì bạch (bì bạch là da trắng, cùng lúc là "âm thanh" nữa (onomatopée)
- Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử (hồi hương=về quê, phụ tử=cha con)
[cùng lúc "hồi hương" và "phụ tử" là hai vị thuốc đông y].
- Con gái Nghi xuân, đi chợ Hạ, mua cá thu về, chợ hãy còn đông.
- Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa
- Sau 1954, nhóm Tự lực Văn Đoàn vào Saigon, xuất bản tạp chí Ngày nay, in bởi một nhà in mà TLVD vừa mới mua(nhà in nhà, khỏi phải đem đi mướn in)
Vế đối: Ngày nay ngày nay in nhà in nhà
- Uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn, không say không dìa.
20) Những câu đối tôi thích nhứt (ý mỗi người mỗi khác)
a) Cuối đời nhà Lê, Ông Phùng Khắc Khoan, đi sứ sang Tàu,Tàu ra câu đối
Đồng trụ chí kim đài dỉ lục
(Cốt ý nhắc lại câu của Mã viện: đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt. Chết là đổ, là sập xuống. Trụ đồng muốn bị ngã, phải bị oxyde hoá) Oxyde de Cuivre màu xanh. Chưa xanh lục, thì trụ đồng còn hoài, nghĩa là Giao chỉ vẫn bị Tàu đô hộ hoài.)
Ông P.K Khoan đối lại.
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Xưa nay, nước sông Bạch Đằng đỏ vì máu của giặc Tàu: lần thứ nhứt, Ông Ngô Quyền diệt quân Nam Hán, lần thứ hai, Đức Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên
b) Da trắng vỗ bì bạch
c) "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm"
của cụ Ưng Thiều, đắp chữ lên trên cổng Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (LPK) vang bóng một thời
18 Novembre 2013
BS Nguyễn Sơ Đông