Cùng một năm mà nắm được trong tay hai mảnh bằng tú tài. Cộng vào đó, những năm trung học đọc được vài quyển truyện con nít viết bằng chữ Anh mượn của thư viện Hoa-Kỳ, và thư viện chùa Miên ở thành phố. Còn nữa, thêm được cái việc viết trên trang ‘Lưu Bút’ cho một người chị của Phước Hậu bằng Anh ngữ, (cũng chẳng biết có đúng văn phạm hay là sai chính tả gì không nữa)… chỉ có chừng đấy thôi mà bổng dưng nó cảm thấy tự tin nhiều lắm. Nhất là, sau khi biết Quốc Cường, một người bạn trong lớp, được xuất ngoại đi học ở Gia-Nã-Đại, thì cái tự tin trong lòng lại nhiều thêm, đến nổi mà giấc mơ để xin được đi du học của nó cũng phải phừng phừng phát hỏa.
Người anh của nó, năm đó phải thuyên chuyển ra miền trung. Trước khi rời khỏi nhà cũng mách nước cho nó biết; nếu cần thì nó có thể tìm đến căn nhà của một người bạn của anh, đang du học ở Tây Đức mà hỏi thăm chi tiết. Đã đôi lần đi qua ngôi biệt thự kín cổng cao tường ấy, trông thấy cái bảng cảnh cáo ‘coi chừng chó dữ’ to tổ bố ở trước cổng sắt thì nó lại mất hết đi những can đảm, để rồi thì ngón tay cũng không còn đủ sức bấm chuông.
Cô bạn gái có hai người anh đang du học ở nước ngoài cũng đã từng ngỏ ý giúp đở cho nó:
-“Nếu L. có ý muốn xin đi du học ở nước ngoài thì T. sẽ giới thiệu L. đến gặp mặt ba của mình để được ông hướng dẫn.”
Nó nói dối ngay với người bạn gái của mình, và cũng đã tự dối với lòng cũng bởi vì sợ diện kiến với cấp trên:
-“Không có đâu T. ơi! Mình đâu có ý định đó.”
Thật ra thì nó ngây thơ, khờ dại, chớ không phải thuộc hàng nói láo; bởi vì sau đó thì Liêm Mập cũng biết được giấc mơ trong lòng của nó nên đã đánh tiếng chỉ dẫn:
-“Mầy muốn xin đi du học thì phải lên Sài Gòn. Đi tới Nha Học Bổng và Du Học ở đó mà dò la tin tức. Còn nếu như mầy không biết đường để đi đến đó, thì lên Sài Gòn gặp tao. Tao sẽ dẫn mầy đi.”
Thằng bạn trung học, biệt danh Liêm Mập nầy, quả thật là tài tình đến độ còn biết luôn ‘tham vọng’ trong lòng của nó nữa. Nhà dì Tư của nó ở bên kia bờ kinh Xóm Củi, dưới cầu Chà-Và; là một địa điểm duy nhất để nó có thể xác nhận với mọi người rằng mình cũng đã từng có mặt ở SàiGòn. Đối với nó, được theo mẹ đi thăm gia đình của dì Tư, có nghĩa là nó sẽ được đi đến đô thành. Chỉ cần thấy được bóng dáng của chiếc xe tắc-xi, hay là ngửi được mùi khói xăng-nhớt của chiếc xích-lô máy, thì nó cũng đủ hảnh diện với bạn bè vì đang có mặt ở Hòn Ngọc Viễn Đông nỗi tiếng.
Công viên hay sở thú của SàiGòn nó còn chưa được biết, thì nói gì đến cái nha học bổng và du học nào đó ở đâu. Tay chơi Liêm Mập quả là người ‘cứu tinh’ của nó vào lúc đó; cho nên sau khi đến nhà dì Tư đêm trước thì sáng ngày sau nó đã vội vả đi tìm ngay bạn hiền. Liêm Mập chở nó ngồi ở phiá sau chiếc xe HonDa hai bánh chạy lòng vòng quanh thành phố, rồi tới một địa điểm mà nó phải tự mình đi vô đó để dò la’ tin tức. Thằng bạn của nó còn cẩn thận căn dặn:
-“Mầy đi vô trong đó mà hỏi người ta. Tao phải chạy xe vòng đi chỗ khác một hồi rồi mới quay lại. Đậu xe ở đây thì phải coi chừng cảnh sát tới hỏi giấy tờ, rồi cũng bị kéo xe đi mất. Nhớ là đứng ở đây chờ tao.”
Nó hớn hở với những bước chân như người đang đi vào ‘cổng thiên thai’ sau bậc tam cấp trước cửa. Căn phòng bên trong trông rất vắng vẻ nhưng sang trọng hơn nhiều so với phòng giám học, hay phòng hiệu trưởng của trường chúng nó. Một cô thơ ký đang bận đọc báo gì đó ở bàn giấy, nó chấp tay khẻ gật đầu chào nhưng không thấy một phản ứng nào đáp lại. Đứng nhìn quanh, trông thấy một bảng to dán tin đối diện với bàn giấy, nó đi đến tìm đọc. Có một vài mảnh giấy in nho nhỏ giới thiệu một vài học bổng của nước Đài Loan, dành cho những ai có ý muốn xin đi du học bộ môn trồng mía ở nơi đó. Nó nghĩ là mình cũng chẳng biết một chữ Hoa nào, nên lướt qua mà cũng chẳng nhìn thấy những quảng cáo nào khác nữa. Cuối cùng thì nó cũng đến bên bàn giấy lên tiếng:
-“Dạ thưa cô!”,
Nó hỏi chuyện với người thơ ký đó rất lễ phép.
-“Nơi nầy có học bổng để xin đi du học ở những nước nào khác nữa không vậy?”
Cô thư ký bấy giờ mới chịu ngẩng mặt lên nhìn nó với nụ cười vừa hé môi:
-“Hai ngày, mới có đơn.”
Ngưỡng mộ quá người SàiGòn nơi đây nói gọn gàng, dễ hiểu, còn cười thì cũng rất tươi, nó mạnh dạn lên tiếng hỏi cô lại cho rõ:
-“Dạ! Cô nói hai ngày nữa mới có đơn xin đi du học?”
-“Ừa!”
Nụ cười được nở to lên một ít để nó còn nhìn thấy răng; cô thơ ký của bàn giấy nơi đó lập lại câu trả lời với nó:
-“Hai ngày, mới có đơn.”
-“Dạ! Cám ơn cô. Hai ngày nữa em sẽ đến đây tìm cô xin đơn.”
Mừng rỡ cúi đầu chào cô thơ ký xong là nó chạy nhanh ra cửa để báo tin với bạn, nhưng Liêm Mập chưa xuất hiện. Nó quay lại nhìn cái cổng vừa bước ra. Nơi đó quả đúng như nó đã nghĩ: “Sau ‘cổng thiên đàng’ nầy là một tiên nữ giáng trần đang hiện ra để cứu nhân độ thế.”
Hai ngày đứng ngồi không yên để chờ đợi tuy có hơi lâu, nhưng thoáng chốc thì cũng đã đến hẹn. Không muốn làm phiền bạn, sáng sớm thì nó đã có mặt ở bến chờ đò đưa qua kinh Xóm Củi; sau đó lội bộ đến bến ‘lambretta’ để ngồi xe từ Chợ Lớn ra Sài Gòn. Từ bến đổ nơi đó nó lại phải cuốc bộ một hơi để được đến ‘cổng thiên đàng’. Chiếc áo sơ mi ngắn tay mặc trên người ướt đẩm mồ hôi từ lưng sau ra trước ngực, và hai bên tay áo cũng chẳng được khô vì nó đã dùng đó làm khăn lau cho trán. Hớn hở vui mừng mở ‘cổng thiên đàng’ để vào được bên trong tìm cô tiên nữ; nó trông thấy cô thơ ký của ngày đó vẫn hiện ra ở nơi kia. Hôm trước cô mặc áo dài màu xanh hoa cúc trắng trông đã xinh, hôm nay cô lại khoác áo màu hồng trông càng giống tiên nương nhiều hơn nữa. Nó khẻ gật đầu chào cô:
-“Dạ thưa cô! Em đến để xin cô cho đơn ghi danh du học.”
Vẫn với môt nụ cười duyên dáng như ngày trước cô đã tặng cho nó:
-“Hai ngày, mới có đơn.”
Không thể đã nghe sai, nó cố giãi thích:
-“Dạ! Đã hai ngày rồi đó cô. Hai ngày trước em có đến đây hỏi, cô nói là hai ngày nữa trở lại mới có đơn mà.”
Nó lại dùng tay áo để lau mồ hôi trán. Cô thơ ký bổng nghiêm mặt lên nói với nó:
-“Tôi nói rồi! Hai…ngày…mới… có… đơn. Nghe rõ chưa?”
Hình như nó đã nói sai, làm sót điều gì để khiến cô tiên nữ bổng dưng phải phật lòng, nên mồ hôi trên người của nó càng đổ ra như tắm. Nó lại nhanh tay đưa áo lên lau và lấp bấp trong miệng:
-“Dạ! Nghe rõ rồi. Hai ngày nữa cô mới có đơn để phát cho. Em cám ơn cô.”
Nhanh chân tháo chạy ra cửa với nỗi ngạc nhiên không ít trong lòng, nó quảnh lại nhìn nơi đây lần cuối. “Hình như ‘cổng thiên đàng’ nơi kia nay đã biến thành cửa ngục; và bên sau ‘địa ngục môn’ nầy, cô tiên nữ của hai ngày trước đã bị đày xuống thế gian làm kẻ phàm trần.”
Chiều ngày đó, nó đi tìm Liêm Mập từ giã về quê để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển đại học Cần Thơ, chỉ còn cách vài hôm nữa. Nhìn bộ mặc như ‘đưa đám’ của nó, Liêm Mập cũng thấy tội nên dẫn đi uống bia ở một quán “cóc ken” bên lề đường. Người chiêu đải với chiếc áo thun bó sát người, cùng quần đùi ngắn ra chào khách:
-“Hai anh uống bia có cần em ngồi tiếp hay không vậy?”
Nó còn đang ngơ ngẩn chưa biết cùng người ‘chị’ nầy trả lời như thế nào cho đúng, tức thời Liêm Mập cũng nhanh miệng nói vào cứu nó:
-“Không cần đâu! Thằng nầy không biết uống bia. Chị cho nó một chai Lave thì cũng đủ để nó say quắt cần câu rồi.
Nó gật đầu đồng ý với thằng bạn nhiều kinh nghiệm nầy, bởi một chai Lave nơi đó đã đủ dập tắt ngọn lửa đang cháy trong lòng. Sáng ngày sau, phải đưa nó ra xa cảng miền Tây để mua vé xe đò trả nó về nhà; chị Liên, con của dì Tư lại dẫn nó đi xem bói trước. Từ hồi nào đến giờ nó chưa từng biết bói toán là gì, nhưng sau khi nghe lời thầy mách quẻ:
-“Số của cậu muốn đi du học năm nay chưa được đâu. Quẻ nói với tôi là cậu phải chờ đến năm sau mới có hy vọng”.
Ngọn lửa trong lòng nó lại bổng dưng nhen nhúm trở lại. Vài ngày sau kỳ thi tuyển ở đại học Cần Thơ, bộ mặt như đưa đám của nó lại hiện ra khi biết tin mình bị đánh rớt, để rồi ngọn lửa trong lòng lại tàn dần. Một tháng sau có điện tín từ Gia Định báo tin, Ngọc Thành cho biết là nó được trúng tuyển ở đại học Sài Gòn, nó mừng vui trở lại mà ngọn lửa lòng cũng đã tắt luôn.
Tuy là giấc mơ du học trong lòng chết đi sống lại bao lần, rồi chết luôn sau đó, nhưng mà ngày đó nó vui thật nhiều để báo tin với mẹ:
-“Má! Cuối cùng thì con vẫn được đi du học từ Cần Thơ đến… Sài Gòn rồi đó!
Viết tại California, ngày 11 tháng 10 năm 2012
TL12
Vài lời cuối,
Năm đó, Thanh Lùn, người bạn học ở lớp kế bên, cũng có xin xuất ngoại để du học nhưng không thành công. Cũng may nhờ người bạn giải thích sau nầy, nên nó mới biết rằng khi đấy mình chỉ là một thằng khờ. Tiếng mẹ đẻ hiểu chưa thông lại còn mộng đi học ở xứ người. Bởi ngày đó quá khờ nên nó đã không biết được tiếng tiên huyền diệu của người thơ ký đô thành nơi đấy.
-“Thằng L. khờ ơi! Người ta nhắc khéo mà mầy cũng không hiểu. Hai ngày, mới có đơn là ám hiệu, cho mầy biết phải đưa hai ngàn ra thì người ta mới cho mầy một lá đơn đó, biết chưa? Nhưng mà sẳn đây thì tao cũng nói cho mầy biết luôn. Con đường xin đi du học còn dài và rất chăm, mà đó chỉ mới là ngưỡng cửa thứ nhất để mầy đi qua.