Công dân thế giới

 

 

“Tôi đi giữa trời bồi hồi

Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa

Mong sao nước Việt đời đời

Anh dũng oai hùng chen chân thế giới “

 

Nguyễn văn Đông

(Hải Ngoại Thương Ca)

 

Gần đây có một bảng xếp hạng các nước gây nhiều chú ý trong cộng đồng người Việt. Bảng này, The Good Country Index, do một người Anh, người cố vấn về chính sách độc lập tên Simon Anholt lập ra, căn cứ trên 35 nhóm dữ kiện đáng tin cậy ("reliable datasets") không được tác giả phổ biến. Ví dụ, để xếp hạng xem các nước khác nhau đóng góp cho trật tự thế giới như thế nào, tác giả xem số tiền góp cho từ thiện thế giới, số dân tỵ nạn mà mình giúp đở, cho định cư, số người tỵ nạn mà mình đẩy ra nước ngoài cho người khác lo, và những hiệp ước do Liên Hiệp Quốc mà mình tham gia để góp phần vào sự bình yên của thế giới. Nước đứng đầu sổ là Ireland, một nước nhỏ hơn nước ta, diện tích 84.400 km2 và dân số chỉ có 6.378.000 người. Lợi tức đầu người là 46.000 đô la/ người. Chín nước khác trong 10 nước đứng đầu cũng chỉ là nước nhỏ hay trung bình, không có Mỹ và Nga hay Trung Quốc. Có nghĩa là không cần "to con" và giàu có mới được sắp hạng cao. Tuy mười nước đầu đều là nước Tây Âu với lợi tức đầu người cao thuộc loại cao nhứt thế giới, Kenya, quê hương của bên nội tổng thống Obama, được xếp trong 30 nước cọng tác với cộng đồng thế giới được thế giới ngưỡng mộ nhất. Mỹ đứng thứ 21, Trung Quốc với các thập niên vừa qua chỉ chăm lo làm giàu nhiều hơn là đóng vai trò với trách nhiệm trong cộng đồng thế giới, đứng thứ 107.(1)(2)

 

1. Ireland

2. Finland

3. Switzerland

4. Netherlands

5. New Zealand

6. Sweden

7. United Kingdom

8. Norway

9. Denmark

10. Belgium

 

Việt Nam đứng áp cuối (124), sau Cambodia, Lào, Indonesia, ngang Iraq, trước Libya, nước châu Phi rộng 1.759.000 km2, dân số chỉ trên 6 triệu người, và là quê hương của Muammar Gaddafi, nhà độc tài bị lật đổ và giết chết năm 2011,

 

116. Yemen

117. Venezuela

118. Benin

119. Indonesia

120. Zimbabwe

121. Angola

122. Azerbaijan

123. Iraq

124. Vietnam

125. Libya

 

Anholt có một đề nghị thú vị. Theo quan điểm của ông, những chính phủ của chúng ta bầu lên hay ủng hộ đều muốn thực hiện cho chúng ta những gì chúng ta muốn. Mà theo ông, và điều này cần thay đổi, có những chính phủ mắc chứng " bịnh tâm thần về văn hoá" (cultural psychopath), những người nhìn chung quanh mình chỉ thấy quyền lợi chính mình, của nhóm mình, mà "không có khả năng thật sự đồng cảm với người khác. Khi nhìn chung quanh mình, họ không thấy những con người với cuộc sống cá nhân có chiều sâu, phong phú và 3 chiều (tridimensional), với mục tiêu và tham vọng của họ. Họ chỉ thấy những hình nộm cắt ra từ giấy carton cứng, và điều này thật buồn, thật cô đơn". Và ông đòi hỏi chúng ta nên chọn những người đại diện cho mình thế nào để chính phủ của mỗi nước phải ý thức về trách nhiệm của mình trong cộng đổng thế giới.

 

Và Anholt đề nghị, lúc bầu ra những người đại diện cho mình, chúng ta nên tự hỏi nhưng người đó có mắc bịnh "tâm thần văn hoá" hay không. Họ có giúp cho xứ sở của mình trở thành một "xứ sở tốt" được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ hay không? Mình đi ra thế giới có thể ngẫng đầu lên cao lên mà tự nhủ "Phải rồi, tôi hãnh diện đến từ một xừ sở tốt"; và ai ai cũng hân hoan chào đón mình, và 15 giây trước khi đi ngủ người ta sẽ gật gù nghĩ bụng "Cám ơn Trời Phật, có được một xứ như xứ của anh ta trên thế giới thật là một điều đáng mừng".(3)

 

Trong một cuộc phỏng vấn thú vị trên đài BBC về vấn đề Việt Nam đóng góp được gì cho thế giới, những người tham dự, gồm người Việt trong nước du học, Việt Kiều cũng như học giả nước ngoài chuyên về Việt Nam, cũng không nêu được lãnh vực nào mà Việt Nam đóng góp đáng kể cho thế giới. Những người tham dự chỉ cố gắng đưa ra một số "điểm vớt " mà thôi, có thể cho “viên thuốc đắng” này bớt đắng hơn. Ví dụ Việt Nam không được thế giới biết đến nhiều, trẻ con gốc Việt ở Tiệp Khắc chăm học và học giỏi, người Mỹ góc Việt tham gia vào văn hoá "payback" để trả ơn cho xã hội mình đang sống, người Việt "hướng nội", "khép kín" quá nên chưa nghĩ gì đến việc đóng góp cho thế giới. Tuy nhiên, đáng chú ý là người được phỏng vấn từ trong nước ra, TS Nguyễn Quang A, thẳng thắn công nhận xếp hạng như vậy là đúng vì nước chưa phát triển và cơ chế xã hội gò bó quá, không cho phép để người Việt đóng góp gì đáng kể trên bình diện quốc gia, mặc dù có một ít đóng góp với tư cách cá nhân.

 

Nói chung , kết quả xếp hạng này chỉ có gia trị cho tình hình nước ta hiện nay, và không phải là một phán xét chung cho đất nước trong suốt quá trình lịch sử. Lúc mà Việt nam, vẫn còn rất nhiều ngần ngại và nghi ngờ, mới tập tểnh vào con đường hội nhập thế giới. Nói gì đến chuyện chơi thân giúp đở "bạn bè năm châu" mà phần đông vẫn nhìn chúng ta với cái nhìn ái ngại.

 

Riêng những người xa xứ đã có cơ hội so sánh xứ sở gốc gác chúng ta với một số nơi trên thế giới. Phần đông chúng ta vẫn dành một chỗ tốt đẹp cho quê hương đã mất trong tâm tư của mình. Vậy, nhìn xa hơn hiện tại , chúng ta có thể có những nhận xét sau đây:

 

1) Tuy Việt Nam cũng là một “nước” như Hoa Kỳ hay Nga, những nước này là những liên bang, Trung quốc gần như một đế quốc. Nếu chúng ta hỏi một tiểu bang như West Virginia (62.000 km2, dân số 1,8 Triệu) hay một tỉnh như Vân Nam (394.000km2, dân số 46 triệu) có đóng góp gì cho thế giới, chưa chắc đã hơn gì Việt nam.

 

2) Việt Nam ít được thế giới biết đến, mà có biết cũng chỉ biết như là tên của một cuộc chiến tranh đẩm máu. (“Vietnam War”) Như một số người Mỹ nay nhận xét, chúng ta là một "xứ sở", không phải một cuộc chiến (A country, not a war).

 

3) Tài liệu về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh rất hiếm. Dù do người Việt Nam viết để nâng cao ý thức thế giới về nước mình, phần lớn chú trọng nhiều đến "quá khứ anh hùng, chống ngoại xâm", năng khiếu đánh giặc, làm người ngoài nghĩ đến thái độ của chúng ta nghi ngờ văn hoá , tôn giáo, ảnh hưởng "ngoại lai", hơn là nêu rõ chúng ta đóng góp những gì cho thế giới.

 

4) Chúng ta sợ bị đô hộ, và từ đó sợ luôn chuyện lệ thuộc người khác. Trong khi đó, tương quan các nước hiện hay trong một thế giới phẳng là quan hệ hổ tương, nước này không ít thì nhiều cũng lệ thuộc vào nước khác, không thể đơn độc, 100% độc lập được, muốn làm gì thì làm, dù là trong biên giới của mình. Ví dụ con gà bị dịch cúm chết ở Hồng Kông cũng có thể làm thế giới lo ngại. “Interdependence” đã thay thế “independence” trong bàn cờ toàn cầu hoá (nói theo từ ngữ của tướng de Lattre de Tassigny trong một bài diễn văn đọc trước thanh niên Việt Nam [1951])(4).

 

Quan niệm độc lập (tiếng Pháp: independance) cần được thay thế bằng quan niệm dựa vào nhau mà sống, phụ thuộc lẫn nhau ("interdependance" hay "dependance mutuelle", tạm dịch là "phụ thuộc hổ tương". Sự tương tác này được thể hiện trong tổ chức liên bang của Hoa Kỳ, Khối Thịnh Vượng Chung Anh (British Commonwealth), hay sau này trong Liên Minh Châu Âu (European Union dùng chung đồng Euro).

 

5) Nói chung chúng ta có vẻ "defensive”,"thủ thế", như chúng ta thường nói, là "thái độ mặc cảm".: "Đừng khinh thường chúng tôi , chúng tôi không sợ ai, không để ai bắt nạt chúng tôi đâu!"

 

Chỉ mới đây thôi, để thu hút du khách, có những cố gắng yếu ớt để quảng bá hình ảnh "duyên dáng Việt Nam" ("The Hidden Charm") để giới thiệu một đất nước "hiền hoà”. Tuy nhiên ngoài những cố gắng để Liên Hiệp Quốc công nhận vài nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi hay một số di sản văn hoá thế giới, một người Việt ra xứ ngoài cũng khó làm gì hơn là cố gắng cho người khác thấy "tôi cũng có nền văn hoá lịch sử riêng, đừng coi thường tôi".

 

6) Đành rằng chúng ta nổi tiếng với làn sóng thuyền nhân (“boat people”), làm "rúng động lương tâm thế giới", và trong bảng sắp hạng của Anholt, chuyện một xứ nào đó tung ra thật nhiều người tỵ nạn là một điểm yếu làm bị trừ điểm, có thể nhìn làn sóng tỵ nạn này dưới một góc cạnh tích cực hơn: Nó chứng tỏ chúng ta là một dân tộc có thể hy sinh mạng sống của mình cho lý tưởng tự do, điều mà không phải ai cũng làm được.

 

7) Tuy chúng ta chưa ra tay cứu giúp gì nhiều cho người khác, phải công nhận là nước Việt cũng chưa gây ra thảm họa nào ghê gớm cho thế giới. Chỉ cần nhắc đến thành tích holocaust của nước Đức, hay thảm sát người Trung Hoa do quân phiệt Nhật còn gây thù hận cho đến bây giờ.

 

8) Có thể nhận xét dân tộc chúng ta cũng "hiền" thôi, ít nhất là đối với người ngoài, nếu chúng ta bỏ qua những chuyện "có qua có lại" tương đối nhỏ giữa người Việt và người Chàm hay Campuchia. Chuyện tàn ác thì cũng có, nhưng trong nước thôi, người Việt chúng ta có vẻ chỉ thích bắt nạt nhau.

 

9) Ngay đến chuyện nước ta mở rộng bờ cỏi trong quá khứ, phần lớn cũng bằng "quyền lực mềm" (soft power), qua ngoại giao, gả bán Công chúa Huyền Trân nhà Trần để đổi lấy Châu Ô, Châu Lý của người Chàm (1306), hay Công nữ Ngọc Vạn với vua Chân lạp Chey Chetta thời Chúa Nguyễn (1620) để dựng nên thành phố Sài gòn sau này từ làng đánh cá Prey Nokor của Miên và xây dựng nên vựa lúa đồng bằng trù phú Sông Cửu Long tận đến mũi Cà Mâu, mặc dù hiện nay một số người gốc Miên vẫn còn tranh cãi vấn đề này...

 

10) Cách đây mấy năm, có cuốn phim tựa đề: "Hãy tưởng tượng một ngày không có người Mễ" (Imagine a day without a Mexican). Chúng ta thử bắt chước xem kịch bản một ngày thế giới không có người Việt như thế nào:

   Phụ nữ khắp nơi trên thế giới sẽ không được nghe nhắc tới hai bà Trưng của một xứ Á Châu, gần 2000 năm trước cầm quân đánh giặc, đối đầu với danh tướng Mã Viện của Trung Hoa, làm gương cho giới tranh đấu nữ quyền (women’s rights) hiện nay.

Sẽ không nghe văng vẳng lời của Bà Triệu (sinh 226):

"Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!"

  Lúc nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, Thái tử Lý Long Tường của Việt Nam "vượt biên" qua Triều Tiên (1226), hai lần giúp vua Cao Ly đẩy lui quân Nguyên Mông và được lưu danh trong sử Hàn Quốc dưới danh hiệu Bạch Mã Tướng Quân, vua Cao Ly phong danh hiệu Hoa Sơn Tướng quân.

  Ngày 6 tháng 11 năm 1958, trong dịp viếng thăm Việt Nam Cộng hòa, Lý Thừa Vãn, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường.

  Nếu không có Lý Thừa Vãn,"người hùng" (strong man) và là tổng thống đầu tiên của Hàn quốc lãnh đạo xứ này trong thời chiến tranh Triều Tiên, có thể Hàn quốc không có địa vị trên thế giới như hiện nay.

  Quân Mông Cổ, không nhờ Trần Hưng Đạo ngăn chặn, sẽ tràn xuống chiếm luôn vùng Đông Nam Á, và có lẽ đến nay toàn bộ Đông Nam Á kể cả Thái Lan, Indonesia, Cambodia đều là quận huyện của Trung Quốc.

  Nếu không có Việt Nam, có lẽ miền Trung VN hiện nay đã trở nên một vương quốc Chàm Hồi giáo, phía bắc tiếp giáp với Trung quốc lúc đó sẽ bành trướng xuống tận vùng Thanh Hoá hiện nay. Phía nam tiếp giáp với Thái Lan, trong đó Sài Gòn sẽ là một hải cảng của Thái, vì nếu không có Việt Nam, Thái Lan có thể đã nuốt trọn vương quốc Khmer.

  Thế kỷ thứ 17, nếu không qua Việt Nam, giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes sẽ tiếp tục cố gắng đi truyền đạo bên Nhật.Thay vì đặt nền tảng cho chữ quốc ngữ của Việt Nam, ông sẽ phiên âm tiếng Nhật qua mẫu tự La-mã, và biết đâu người Nhật sẽ dùng phổ biến lối viết tương tự như chữ Romaji (dùng mẫu tự la tinh), giống như tiếng Việt hiện nay, thay vì dùng Hiragana để ký âm các từ gốc Nhật và Kanji cho các từ gốc Hán.

  Nếu Pháp không thất bại đau đớn ở Việt Nam năm 1954, có lẽ những thuộc địa khác như Tunisie, Algerie , Maroc sẽ không nổi giậy đòi độc lập, đế quốc Pháp có thể sẽ còn tồn tại, và bộ mặt châu Phi cũng như thế giơi hồi giáo sẽ khác tình hình hiện nay.

  Nếu Mỹ không bị dính líu tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam, "cuộc chiến tranh trên Ti Vi" sẽ không xảy ra, nước Mỹ có thể chưa mất "tính ngây thơ" (“lost its innocence”) của họ trong một cuộc chiến gây chia rẽ dân Mỹ, tạo nên phong trào phản chiến và hippy dùng các thuốc cần sa, psychedelic drugs thời thập niên 1960; nói cách khác có thể dân Mỹ sẽ “hồn nhiên” hơn.

  Thế cờ domino ở vùng Đông Nam Á hồi chiến tranh lạnh sẽ khác đi, và biết đâu kết quả cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Thế giới Tự do do Mỹ lãnh đạo sẽ khác hiện nay.

  Và chắc chắn là không có Little Saigon (California), Eden Center (Falls Church, Virginia), nước mắm, bánh mì thịt Ba Lẹ, phở, chả giò, tương ớt, bún bò, bún riêu, và cộng đồng trên 3 triệu người Việt Nam trên mấy chục xứ trên thế giới.

 

Nói tóm lại, đúng là với tư cách của thành viên cộng đồng thế giới, Việt Nam là một thành viên chưa có thành tích gì lớn lắm trong việc đóng góp cho tiến bộ sống chung hoà bình và an sinh của nhân loại.

 

Tuy nhiên, nếu tạm thời không xét đến lịch sử trong nửa thế kỷ qua, giai đoạn trong đó người Việt lỡ dại đi học lóm phương tây và thực hành mù quáng một số lý thuyết viễn vông thiếu cơ sở thực tế, dân Việt trước đây là một dân tộc khá hiền, không bắt nạt ai, không mang tiếng như quân Mông Cổ, như các conquistador ở Nam Mỹ, người Anh ở Án Độ, hay quân Pháp ở Algérie. Đóng góp của chúng ta cho thế giới là một lối sống đạm bạc, trọng chữ nghĩa, tri túc, ít phá hại môi trường, không tham của ai mà cũng không muốn ai tham của mình. Như vậy cũng đã khá lắm thay!

 

Hy vọng thế hệ kế tiếp không còn phải đóng vai "nạn nhân" đi xin xỏ mà sẽ cố gắng nhìn thế giới bên ngoài tự tin hơn, ít mặc cảm hơn và đóng góp nhiều hơn, không riêng gì cho "đồng bào" chúng ta, mà cho năm bảy tỷ người khác trên hành tinh nhỏ bé và chật chội này..

 

 

Bs Hồ Văn Hiền , ngày 23 tháng 7 năm 2014

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

(1) Goodcountry.org

(2) Trong video này, Anholt giải thích rõ ràng về mục tiêu của bảng xếp hạng của ông:

https://www.ted.com/talks/simon_anholt_which_country_does_the_most_good_for_the_world

(3)Transcript: https://www.ted.com/talks/simon_anholt_which_country_does_the_most_good_for_the_world/transcript

(4) Theo tài liệu của BS Nguyễn Sơ Đông.