Chương trình Văn Hoá Việt
Đề tài: Biên khảo Lịch sử Việt Nam
Thưa quý thính giả,
Đây là chương trình Văn Hoá Việt do Trường Truyền Thống Việt phụ trách, đến với quý thính giả của Đài Saigon Houston và Dallas, mỗi tháng một lần. Quý Linh xin kính chào quý thính giả của Đài Sàigòn Houston và Dallas.
Thưa quý thính giả,
Tháng 3 năm 2013, chúng tôi đã giới thiệu đến thính giả của đài SGH quyển sách bằng Anh ngữ tựa đề là Vietnam History qua sự phỏng vấn BS. Đặng Văn Chất.
Được BS. Chất cho biết là BS. Hồ Văn Hiền cũng là đồng tác giả với BS. Chất trong việc thực hiện quyển Vietnam History, nên hôm nay chúng tôi xin được hân hạnh mời BS. Hồ Văn Hiền đến với chương trình Văn Hoá Việt.
Xin mời BS. Hồ Văn Hiền lên tiếng chào quý thính giả của đài Saigon Houston.
…
Trước khi bắt đầu chương trình hôm nay, chúng tôi xin phép được giới thiệu về BS. Hồ Văn Hiền.
Thưa quý thính giả, BS. Hồ Văn Hiền tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài-gòn năm 1972. Khi ra trường, BS. Hiền phục vụ ở Quân Y, Quân lực VNCH từ năm 1972 đến năm 1975.
Sau năm 1975, BS. Hiền làm việc tại khoa nhi Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh Viện Nhân dân Gia Định (BV. Nguyễn Văn Học) từ năm 1978 đến năm 1980.
BS. Hiền đã từng là bác sĩ điều trị các bịnh viện ở trại tỵ nạn Pulau Tengah và Sungei Besi 2, Malaysia (1980-1982)
Đặt chân đến Hoa Kỳ, BS. Hiền đi Nội trú và thường trú nhi khoa tại Georgetown University Hospital, Washington DC 1983-1986, sau đó hành nghề Nhi khoa ở Seven Corners Pediatrics Center, Falls Church, Virginia, từ năm 1986. BS. Hiền hiện là Hội viên American Academy of Pediatrics.
BS. Hiền cũng là một người rất hăng say tích cực trong các sinh hoạt cộng đồng.
Ông viết bài về y khoa, y tế, văn hoá , giáo dục, lịch sử đăng trên các báo Việt ngữ từ năm 1986, và thành lập trang báo mạng về nhi khoa tiếng Việt đầu tiên "Nuôi con Việt trên đất Mỹ" (nay là bshien.org)
Ông cũng tham gia ban biên tập các sách SACEI Forum (Saigon Art Culture and Education Institute), và đồng chủ biên các sách sau đây:
The Mayflowers of 1975
Across Shining Seas: The Mayflowers of 1975, Bilingual Edition
Ngoài ra, BS. Hiền cũng là tác giả của các sách:
Nuôi con Việt trên đất Mỹ (2 tập 1999)
Seas and Mulberry Fields (2001)
Vietnam History, Stories Retold for a New Generation (cùng với BS Đặng Văn Chất)
BS. Hiền còn nói chuyện hàng tuần về y khoa trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA, Voatiengviet.com) trong mục Hỏi Đáp Y học.
1. Đọc tiểu sử của Anh, thấy Anh học tại College Francais de Tourane và Lycée Blaise Pascal Đà Nẵng như thế là Anh đã học chương trình Pháp trong thời gian trung học. Sau khi học trung học chương trình Pháp, Anh lại học Y khoa, lại càng không dính líu gì đến môn học về lịch sử Việt Nam. Xin Anh cho biết Anh đã để ý tới môn lịch sử Việt Nam từ lúc nào ? Điều gì đã khiến cho Anh chú ý tới việc đọc và nghiên cứu lịch sử Việt Nam ?
Cám ơn chị hỏi câu này rất hay.
Thật ra tôi chỉ học trường Pháp từ năm tôi 10 tuổi. Tôi sanh ra ở Huế và gia đình tôi là người Huế có lẽ từ thời vua Minh Mạng hoặc trước nữa. Như mọi người đã biết, Huế là một thành phố có lịch sử đi ngược thời gian đến thời chúa Nguyễn nghe lời Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt “Hoành sơn nhất đái” để “vạn đại dung thân” ở vùng Thuận Hoá, là Huế bây giờ.Cho nên từ nhỏ, anh em tôi hầu như được "nhúng " trong các câu chuyện về lịch sử. Ba tôi, là người sinh ra lúc chữ Hán nhường chỗ cho chữ quốc ngữ và thông thạo cả chữ Hán cũng như Pháp ngữ. Ông đi dạy học một thời gian rồi chuyển qua kinh doanh nhưng vẫn thích nói về các câu chuyện lịch sử .
Một ông bạn của ba tôi thời đó đi câu đối mừng tân gia (khoảng 1946-1947) như sau:
Á Châu tân luật thương tiên sĩ
Pháp học tinh thông thiện giảng sư.
Khi tôi lớn lên, ba tôi vẫn còn treo hai câu đối trong phòng khách ở Huế. Đối với tôi, hai câu này có tính cách tiên tri, vì thật sự, trong nửa sau của thế kỷ 20, các nước châu Á ngoài Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đều phát triển nhờ thương mãi và bỏ bớt lối học ít thực dụng hơn của Đông Á hồi trước đây.
1a. Như vậy, thân phụ anh chắc biết nhiều câu chuyện về lịch sử Việt Nam ?
Trở về chuyện ba tôi. Trên bàn ăn, ba tôi thường nhắc đến những chuyện ông nghe từ hồi nhỏ . Như chuyện ông Hổ Oai (hay Hồ Oai) làm cận vệ cho vua Tự Đức. Lúc loạn Chày vôi của anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực dấy lên để phản đối cuộc sống hà khắc của các công nhân bị trưng dụng xây lăng vua, quân nổi loạn đến tận phòng ngủ của Vua. Hổ Oai là người có sức lực phi thường giữ chặt được hai cánh cửa không cho vào được, mặc dù một lát gươm thọc vào khe cửa cắt đứt một vành tai của Hổ Oai. Vua phong chức Ðô Thống, phong tước Nghĩa Dũng Tử, ban tặng cho ông ta một lỗ tai bằng vàng để ghi công cứu mạng. Một nhân vật khác cũng được nhắc tới là Tôn Thất Thuyết. Tôi nhớ mang máng ba tôi kể lại, ông Tôn Thất Thuyết rất ghét những ngưởi đội nón lá đeo quai nón ngược ra sau ót (có lẽ cho đỡ vướng vào miệng và cổ), ai xui xẻo gặp quan lớn đi qua mà đội nón kiểu này thì bị vặn cổ luôn. Ít lắm thì tôi còn nhớ như vậy, có thể nhớ sai hay đây chỉ là một huyển thoại kiểu "urban legend" thời nay.
1b. Chắc các anh em trong gia đình của anh cũng là những người thích môn lịch sử ?
Nói về ý thức lịch sử và quốc gia dân tộc của thế hệ trên tôi hồi đó, tôi còn nhớ một bài thơ mà tác giả ký tên là Thanh Thanh. Anh lớn của tôi, sanh năm 1930, cũng tốt nghiệp trường Tây Lycée Yersin, Đà Lạt, đang học luật tại Sài-gòn thích bài này đến nỗi anh đi mua một tờ giấy hoa tiên thật đẹp, nắn nót viết tay chép lại và gởi về tặng các em ở Huế. Tôi còn nhớ vài đoạn của bài thơ này, mà tôi xem như một trong những bài thơ hay nhất, hoặc ít ra có ý nghĩa nhất thời thơ ấu của mình:
"Tiếng Loa mơ
Đêm đã khuya mà tôi còn gắng thức,
Đọc cho xong trang sử Việt ngàn xưa
Tâm hồn tôi như bị lôi cuốn say sưa
Vào vang bóng của một thời oanh liệt
Cuốn phim sống của giống nòi bất diệt
Quay quay quay và phô diễn muôn đời
Và hôm nay lần nữa với riêng tôi
Trong giây phút thiêng liêng huyền bí...
Đây Trưng Triệu yếm khăn mà dũng lược
Trải nghìn thu gương sáng để soi chung
Nợ giang sơn không nệ gái hay trai
Là dân nước phải lo đền cho trọn...
Đây Bộ Lĩnh đau lòng cơn nước loạn
Khắp quê nhà người một giống tương tranh
Đã đứng lên xây dựng lại thanh bình
Cho trăm họ âu ca thời thạnh trị...
Đây Quốc Tuấn đã bền gan vững chí
Thà đầu rơi đánh mãi quyết không hàng...."
1c. Khi đi học thì môn lịch sử ảnh hưởng đến anh như thế nào ?
Đó là nói về bối cảnh gia đình thời thơ ấu. Kế đến là bối cảnh học đường. Trước khi vào trường Pháp ở Đà Nẵng, tôi học 4 năm tiểu học từ lớp tư đến lớp nhất ở một trường Việt, Trường Tiểu học Thanh Long, nằm bên bờ sông Hàng Bè, ngay bên ngoài của hoàng thành Huế. Ngày nào tôi cũng đi học đi bộ qua cửa Trài, Mang Cá, là nơi xảy ra các biến cố nổi dậy chống Pháp (1885) và bắt đầu phong trào Cần Vương.
Trong trường, tôi còn nhớ học sách môn sử của Trần Đinh, là một nhà giáo có tiếng tại Huế. Mỗi bài học bắt đầu bằng một tranh vẽ nhân vật lịch sử liên hệ, hình như của hoạ sĩ Phi Hùng. Ví dụ tôi còn nhớ hình vua Quang Trung cỡi voi tấn công đồn Hà Hồi và Ngọc Hồi. Ngoài ra tôi còn nhớ hình vua Tự Đức đội mũ cao, không có tai chuồn, với chòm râu sơ sài.
Mỗi buổi sáng, trước khi vào lớp chúng tôi phải chào cờ vàng ba sọc đỏ, hát bài quốc ca "Tiếng gọi Thanh niên": "Này thanh niên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng...", sau đổi là "Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi..". Ngoài ra còn phải đồng ca "Suy tôn Ngô Thủ tướng", sau đó đổi thành "Suy tôn Ngô Tổng Thống": "Ai bao năm từng lê bước nơi quê người, cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do...". Cho nên, sống và lớn lên ở Huế thời đó, một đứa trẻ cũng được/hoặc bị trường học trang bị khá nhiều ý niệm chính trị.
1d. Những trường học ở Việt Nam theo chương trình Pháp có dạy lịch sử Việt Nam, phải không?
Sau đó thì tôi vào trường Tây. Chúng ta thường nghe kể các cụ ngày xưa được tây dạy là " Tổ tiên chúng ta là người Gaulois"(Nos ancêtres sont des Gaulois).
Thật ra vào thập niên 1950, lúc chúng tôi học ở trường Trung Học Pháp Đà Nẵng, miền Nam chúng ta đã là một nước độc lập, và chính phủ VNCH cho phép chính phủ Pháp mở một trường ở Đà Nẵng để thay thế trường Lycée Francais de Hue với điều kiện mỗi tuần có một số giờ dạy văn chương Việt Nam và Việt sử. Chúng tôi may mắn được 2 thầy rất giỏi là giáo sư Hồ Huyến và giáo sư Bạch thái Hà (cả hai vị đã qua đời). Hồi đó chúng tôi dùng sách giáo khoa của Phạm Văn Sơn, một đại tá của VNCH, điều rất buồn là tác giả sau này mất bi thảm trong nhà tù cải tạo. Đặc biệt giáo sư Hồ Huyến là người bên kháng chiến chống Pháp trở vể, dạy chúng tôi về lịch sử và cổ văn rất hay, cũng như kim văn và danh từ khoa học.
1e. Anh có còn nhớ những bài học của lịch sử Việt Nam mà anh đã học hồi xưa không ?
Vài chi tiết đáng ghi nhớ như bài Văn tế tướng sĩ trận vong của Nguyễn văn Thành sau khi Gia Long thắng Tây sơn,
Than ôi! Trời Đông Phố vận ra Sóc Cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay; nước Lô hà chảy xuống Lương giang, nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ, cho hay sinh là ký mà tử là quy; mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ.
Cũng như bài tế Võ Tánh và Ngô tùng Châu của Đặng Đức Siêu:
Sửa mũ áo lạy về bắc-khuyết, ngọn quang-minh hun mát tấm trung-can;
Chỉ non sông giã với cô-thành, chén tân-khổ nhắp ngon mùi chính-khí.
Hay câu đối giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm:
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần gian ai dễ biết ai?
Thế Chiến quốc , thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế!
1f. Anh có nghĩ là môn lịch sử học từ khi còn trẻ giúp được gì cho cuộc sống sau này của anh không ?
Những khái niệm rất căn bản tuy chỉ vài giờ mỗi tuần, giúp cho tôi hứng thú tìm hiểu về văn hoá gắn liền với lịch sử nước nhà sau này, nhất là sau khi bớt bận rộn về những bước đầu trong sự nghiệp y khoa và sau khi bước chân đến Mỹ, nhớ về quê nhà.
Tuy nhiên, lý do chính làm tôi tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử Việt Nam là sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta đột nhiên thành những người lưu vong. Chúng ta đứng ở giữa hai xã hội, hai nền văn hoá, hai nếp sống. Một bên là quá khứ không biết sẽ còn giữ được bao nhiêu và giữ cái gì cho chính mình và con cái mình. Bên kia còn mù mịt hơn vì lúc mới ra khỏi Việt Nam chúng ta chưa biết gì về Mỹ cả, ngoài vốn liếng sơ sài tiếng Mỹ. Như một người Nhật trẻ nhận xét: trước đây lớn lên ở Nhật, tôi chưa hiểu thế nào là người Nhật, nay qua Mỹ chừng một tháng tôi bắt đầu hiểu thế nào là làm người Nhật. Do đó, ra khỏi quê hương lại đọc sử về Việt Nam để hiểu mình hơn, để đối thoại với con cái, với người Mỹ. Nói đến đây làm tôi nghĩ đến khái niệm “liminality”, là khái niệm về vị trí một con người ở ngưỡng cửa của hai thế giới, hai phạm trù khác nhau. Trong thế đó, chúng ta có cái nhìn tách rời ('détaché ") hơn về cả hai phía.
2. Xin Anh chia sẻ với thính giả của đài SGH tiến trình về việc học hỏi lịch sử Việt Nam của Anh như thế nào ? Anh đã chọn đọc các sách sử Việt Nam nào ? trong thời gian bao nhiêu lâu ?
Ba tôi thường để một cuốn Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim dưới giường, và các anh tôi (lớn hơn tôi từ 19 đến 6 tuổi) đều được tuần tự giao nhiệm vụ đọc sách cho ba tôi nghe.
Tôi có người anh kế hơn tôi 6 tuổi, rất có khiếu về sử địa. Trí nhớ của anh rất tốt và mặc dù là bác sĩ, anh nhớ vanh vách ngày tháng các sự việc lịch sử. Hồi đó chúng tôi có, ngoài Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, rất nhiều sách bằng tiếng Pháp như tự điển Larousse, báo lịch sử Historia chuyên đăng những bài ngắn rất hào hứng về những đề tài lịch sử thế giới, cũng như báo Paris Match rất thịnh hành vào thập niên 1950 ở Huế, với rất nhiều hình ảnh và tài liệu về các biến chuyển đương thời. Ngoài ra tôi còn nhớ những sách nhỏ và mỏng, chừng 20-30 trang làm cho tôi say mê, viết bằng tiếng Việt và kể về những để tài yêu nước như chuyện các liệt sĩ Nguyễn Thái Học và Cô Giang khởi nghĩa ờ Yên Báy (1930).Một cuốn khác tôi có nhớ nói về chuyện sau khi vua Tự Đức mất ngày 17 tháng 7 năm 1883, có thời "tứ nguyệt tam vương" ở Huế, lúc triều đình dưới quyền chi phối của hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
2a. Anh còn nhớ những sách sử anh vừa kể do ai viết và xuất bản không ?
Những sách này tôi không nhớ rõ do ai viết và xuất bản, có lẽ khoảng thập niên 1940, vì hồi đó xem cũng đã cũ và vàng úa, và tinh thần có vẻ chống chính phủ thuộc địa Pháp trước 1954. Một trong những tựa đề tôi còn nhớ là "Anh Dũng, mau lại cứu cây súng" không biết có phải là chuyện của Quốc Dân đảng hay không. Ngoài ra, hồi đó cũng có những sách hoạt hoạ trình bày rất đẹp, khổ lớn, như cuốn Ngô Quyền do hoạ sĩ Lê Trung minh hoạ, kể chuyện Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng. Vì hồi đó sách vở ít, nên đọc say mê, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Những bài hát cũng vậy, như "Bạch Đằng Giang", “Trần Bình Trọng” (Đời nhà Trần nước ta có tướng Trần Bình Trọng, một vị hùng anh thác với hồn trắng trong...) chúng tôi cũng say mê hát theo trong sách in chứ không được nghe nhìn như trẻ con bây giờ. Ngoài ra tôi còn nhớ sau này đọc cuốn như Hoàng Lê Nhất Thống chí cũng như những tiểu thuyết lịch sử của Doãn Quốc Sĩ (Dòng sông định mệnh).
2b. Khi lên đại học, anh có thì giờ đọc sách sử không ?
Chuyện học ở trung học Pháp thì tôi vừa kể qua. Lên đại học Y khoa, chúng ta ai cũng biết thì giờ rất bận rộn. Tuy nhiên vì tình hình chính trị rối ren lúc bấy giờ, đã là thanh niên thì ai cũng cố gắng tìm hiểu xem mình đang ở đâu, từ đâu đến và đi về đâu. Và cách giản dị nhất là đọc về lịch sử nước mình, nhất là về tình hình chính trị thì các sách tiếng Việt không phải sách tuyên truyền rất hiếm, ví dụ: Hồi ký của Trần Trọng Kim "Một cơn gió bụi", Cao Văn Luận, "Làm thế nào để giết một tổng thống" (Cao Thế Dung, 1971)... Hồi đó tôi ở cư xá Đắc Lộ đường Yên Đổ nên sách vở báo chí khá dồi dào. Tôi nhớ những cuốn như Le Viet Minh, Street Without Joy (Con đường buồn thiu) của Bernard Fall (1926-1967), The Smaller Dragon của Joseph Buttinger, Histoire du Vietnam của André Mason (rất sơ lược). Hồi đó sách sử bằng tiếng Việt không nhiều ngoài sách của Trần Trọng Kim (viết từ đầu thế kỷ) và Phạm Văn Sơn (đang phụ trách quân sử cho quân lực VNCH). Ngoài ra tôi nhớ còn có Tập san sử địa. Tạp chí Pháp thì có Historia.
2c. Khi sang Mỹ rồi ra hành nghề, anh có còn để ý đến việc tìm hiểu sử Việt nữa không ?
Lúc đến Mỹ, trước hết là tìm hiểu về cộng đồng Việt ở hải ngoại như thế nào. Dần dần có thì giờ và có ít tiền mua sách thì gặp những sách của miền Nam được in lại thì mua ngay để tham khảo mà cũng để làm kỷ niệm một thời đã mất.
Gặp những sách mới ra hồi đó như Việt nam Huyết Lệ Sử của Cao Thế Dung, Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng, cũng mừng lắm. Sách Mỹ thì có nhiều, tuy phần đông chỉ nói về chiến tranh mà họ gọi là The Vietnam War, hoặc phân tích văn hoá chúng ta nhìn từ bên ngoài, tác giả phần lớn không biết tiếng Việt nhiều. Hồi đó chưa có internet nên tôi thường đến tiệm sách Barnes and Noble , có sách nào mới ra về Việt nam thì mua liền, dù đa số khá đắt. Tuy nhiên, thường tôi ít đọc từ đầu tới đuôi, vì thường là sách rất dày. Tôi chỉ dùng để tham khảo , tra cứu lúc cần hiểu thêm một vấn đề gì. Ví dụ tôi thắc mắc về sách vở ở thế kỷ thứ 18-19 ở Việt Nam từ đâu đến thì tôi đi tìm tòi ở những nơi khác nhau có thể giúp tôi giải đáp câu hỏi. Cách làm việc này có lẽ giống như cách làm việc của tôi trong y khoa. Ngay từ hồi còn ở trường Y khoa, thường tôi tập trung cố gắng để giải quyết một bài toán hơn là đọc các chương sách bịnh lý, cơ thể từ đầu tới cuối, trừ lúc đi thi theo kiểu xưa, thầy bắt trả lời thuộc lòng. Tuy nhiên tôi không có trí nhớ chụp ảnh và không thích cũng như không có khả năng nhớ các chi tiết.
Bây giờ, với phương tiện internet, sự tra cứu và kiểm nghiệm các kết quả tra cứu tiện và dễ hơn nhiều. Chúng ta có thể xem google book để tìm các sách xưa và hiếm, cũng như thư viện điện tử và ảo của các trường đại học. Sách cần mua trên amazon.com cũng dễ dàng, kể cả sách xuất bản ở Việt Nam. Một số sách sử gởi mua ở Việt Nam. Hiện nay , ở vùng Washington DC, không thấy bày bán sách nghiên cứu tiếng Việt, nên lúc nào đi Cali hay Texas cũng tìm xem các nhà sách có gì lạ, nhưng thường đắt hơn ở Việt nam nhiều.
Trong cuốn Vietnam History, Stories Retold for a New Generation, tất cả các nguồn đều được dẫn chứng cuối trang, và trong cuộc nói chuyện của BS. Đặng Văn Chất, BS. Chất đã đưa ra danh mục chi tiết các sách và tài liệu tham khảo cho cuốn sách chúng tôi, thiết tưởng không cần lập lại ở đây.
3. Có những người thích đọc nhưng không viết bao giờ. Xin Anh cho biết lý do nào đã thúc đẩy Anh viết về lịch sử Việt Nam.
Ngay từ hồi xong chương tình huấn luyện nhi ở Georgetown năm 1986, tôi đã bắt đầu viết cho các báo Việt ngữ về các vấn đề y khoa và giáo dục, văn hoá. Lý do chính là tôi thấy mình thật cần học hỏi nhiểu thứ để sống kịp với người ta trong xã hội Mỹ này. Mà cách học hay nhất là tự mình tìm hiểu chuyện mỉnh chưa biết rõ và viết ra trên giấy trắng mực đen. Hình như ông Nguyễn Hiến Lê cũng từng khuyên như vậy.
Nicolas Boileau (1636-1711) nói :
"Avant donc que d'écrire, apprenez à penser."
"Ce que l'on conçoit bien s'énonce clairement,
Et les mots pour le dire arrivent aisément."
dịch tạm như sau:
Trước khi viết, phải học suy nghĩ.
Hiểu tường tận thì phát biểu rõ ràng,
Và tìm ra từ nói điều đó dễ dàng.
Cho nên đối với tôi trước hết viết là để sắp xếp tư tưởng mình cho có thứ tự. Dần dần, trong lúc tìm hiểu các vấn đề mình thắc mắc, hoặc chưa chắc chắn, tôi thấy hình như ít có tài liệu tiếng Việt bàn đến những vấn đề mình tìm hiểu, nên tôi cho đăng báo và sau đó in thành một cuốn sách tặng bạn bè và phụ huynh các bịnh nhân. Sau đó có ông anh và cháu gái giỏi tin học giúp tôi thực hiện website đầu tiên riêng vể nhi khoa bằng tiếng Việt lấy tên là "Nuôi con Việt trên đất Mỹ" (khoảng 2001). Có người gợi ý tôi đăng thêm những đề tài về văn hoá, sử ký giúp cho các cha mẹ nói chuyện với các cháu cho website vui hơn, và tôi bắt đầu thu thập tài liệu viết về lịch sử Việt Nam, như các huyền thoại Lạc Long Quân, Âu Cơ, chuyện các trẻ em trong lịch sử VN như Phù Đổng Thiên vương, Trần Quốc Toản..Dần dần, internet phát triển, nhiều người xin đăng bài tôi hoặc đăng lại không xin phép nhưng cũng là điều khích lệ.
Sau này, Bác sĩ Võ Minh Nghĩa và Bác sĩ Đặng Văn Chất rủ tôi tham gia SACEI (Saigon Art Culture and Education Institute). Chúng tôi viết vể các đề tài nghệ thuật, văn hoá và giáo dục để giới thiệu lịch sử và văn hoá Việt Nam đến với những người không dùng tiếng Việt, theo nhãn quan của người Việt hải ngoại tự do, và có thể khác với cách nhìn của truyền thông trong nước do "bên thắng cuộc" kiểm soát.
Từ thói quen viết để học và học để viết trong nhiều năm, và những bài viết đó chúng tôi, BS. Chất và tôi, muốn tạo nên một nguồn tham khảo đáng tin cậy cho những người Việt trẻ không đọc được tiếng Việt, đồng thời cũng là một nguồn tham khảo dễ đọc, ngắn và gọn về lịch sử Việt Nam cho độc giả tiếng Anh. Dù sao thì, lúc sách chúng tôi ra đời lần đầu tiên năm 2011, sách tiếng Anh bao quát hết bề dày lịch sử Việt Nam cũng rất khó tìm.
4. Theo Anh, tại sao chúng ta nên học lịch sử nói chung ?
Theo tôi nghĩ, nếu nói chúng ta nên học lịch sử nói chung thì chưa chắc đã hoàn toàn đúng. Gần đây, ở Việt Nam có nhiều nhà giáo than phiền rằng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bị điểm số không nhiều quá. Có người cãi lại rằng, như vậy chưa chắc đã là xấu, vì những người này cho rằng nếu nội dung các bài học không đúng với sự thật thì thà đừng "biết" còn hơn.Chúng ta vừa qua một giai đoạn lịch sử cực kỳ sôi động, những biến cố đảo lộn cuộc sống hàng triệu người, với hậu quả trái ngược với nhau cho mỗi nhóm người, thì tất nhiên mỗi nhóm có cái "narrative", "chuyện kể" khác nhau, xung đột với nhau.
Bên Mỹ, năm 2008, người ta nghiên cứu kiến thức các teenagers về sử Mỹ, và người ta khám phá các em "dốt sử Mỹ kinh khủng" (“stunning ignorance”): chưa đến 1/2 biết nội chiến Mỹ xảy ra lúc nào và 1/4 nghĩ rằng Columbus khám phá châu Mỹ năm 1750 thay vì 1492.
Có người cho rằng không cần bảo đảm cho giới trẻ có một "cốt lõi kiến thức chung " (common core). Nếu cần thì người lớn chưa thành công mấy. Một nghiên cứu ở Canada (1997) cho thấy người từ 18-24 tuổi chỉ trả lời đúng 1/3 các câu hỏi căn bản về sử Canada.
Người Pháp có môn học gọi là "connaissance generale" bao gồm luôn môn sử và trước đây bắt phải thi qua khi thi vào một số trường, nhưng nay đã bỏ, và nhiều người phản đối.
5. Với lịch sử Việt Nam, thế hệ trẻ ở hải ngoại như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, v.v… có cần biết đến không ?
Hiện nay, chúng ta biết rằng một phần khá đông trong giới [ tạm gọi là] "trí thức" có khuynh hướng suy nghĩ thiên về một trong ba cách sau:
(1) Visual thinkers ("đầu óc thị giác"): nghĩ bằng hình ảnh, thiên về hoặc ưa chuộng các nghệ thuật, hoạt động tạo hình, hội hoạ điêu khác, xây dựng, kiến trúc, máy móc
(2) Music and math thinkers: "đầu óc âm nhạc và toán"), thiên về các patterns, giỏi toán, đánh cờ, máy vi tính
(3) Verbal logic thinkers:" Đầu óc logic [lý luận] bằng ngôn ngữ": những người này lại thích lịch sử, các ngoại ngữ, các báo cáo về chứng khoán (stock market reports)
(Temple Gradin trong "Thinking in Pictures”)
Trong nền kinh tế và khoa học kỹ thuật hiện nay, tôi nghĩ từ keyword là "personalization", dùng các phương tiện kỹ thuật để "chiều" sở thích của mỗi cá nhân. Chúng ta muốn khuyến khích các em tìm hiểu sử, hay bất cứ môn gì khác, thì chúng ta phải làm sao nội dung và cách trình bày hợp với sở thích của chúng.
Nói một cách khác, người trẻ-cũng như chúng ta- có nhiều cách suy nghĩ khác nhau; ngoài ra họ bận rộn hơn và cần thì giờ cho nhiều chuyện bức thiết hơn và quyến rũ hơn. Sử ký có nhiều loại sử ký, do ai viết và với mục đích gì. Và trình bày dưới hình thức nào (không cần phải đọc, có thể xem video, nghe người khác kể, đi du lịch) và sở thích tùy người, tùy lứa tuổi.
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đừng vội chê các em dốt sử Việt Nam , hay nghĩ rằng không biết sử sẽ tai hại ghê gớm lắm.
Theo tôi nghĩ, dùng óc tìm tòi về khoa học, nhân văn nói chung là tốt.
Tìm hiểu, với óc phê phán, lịch sử của dân tộc mình là tốt cho sức khoẻ tinh thần (vd: giải đáp một số câu hỏi về căn cước/identity) và có thể thú vị (fun). Nếu chúng ta mong con cái nói tiếng Mỹ chúng ta "còn một chút gì để nhớ để thương" về quê hương đã mất, thì chúng ta phải khéo léo trình bày sử Việt và văn hoá Việt một các phù hợp với thị hiếu của chúng. Theo tôi nghĩ không nên áp dụng lại lối học từ chương và khô khan mấy chục năm trước,vì chúng ta còn nhớ là học sử theo kiểu đó chán và không kết quả mấy. Có lúc còn gây thêm khoảng cách văn hoá và thế hệ trong gia đình.
6. Đó có phải là lý do để Anh và BS. Chất cùng biên soạn quyển Vietnam History không ?
Và đó là mục đích của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này. Trong bài nói đầu, chúng tôi ghi rõ là cuốn sách bắt đầu bằng những cố gắng của tác giả để tìm câu giải đáp cho những câu hỏi của chính mình. Chúng tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, thế hệ sau chúng tôi cũng sẽ tự hỏi những câu như vậy, hoặc con cháu họ sẽ hỏi họ những câu như vậy. Ví dụ người Da Đỏ từ châu Á qua châu Mỹ cách đây cả chục ngàn năm, người Châu Âu đến trên chiếc tàu Mayflower, vậy người Việt có mặt ở Mỹ lúc nào và như thế nào, trước đó họ sinh sống ra sao, văn hoá họ thế nào, họ có luôn khổ sở như lúc họ bỏ nước ra đi hay không? Nếu chúng ta không cố gắng trả lời, thì người khác sẽ trả lời cho chúng ta, theo quan điểm có thể không trung thành với chuyện thực sự xảy ra, nhưng vì được lưu trong sách vở nên có thể sẽ có vẻ đáng tin cậy.Vì theo như ở Mỹ bây giờ, chuyện gì không văn bản ("documented") thì xem như không xảy ra.
7. Thưa quý thính giả, sau đây chúng tôi xin đọc những đề tựa các bài viết của BS. Hồ Văn Hiền trong quyển Vietnam History…
(1) Bà Triệu và thời đại của Bà
(2) Marco Polo và nghệ thuật xâm mình. Việt nam vào thế kỷ thứ 13.
(3) Nguyễn Trãi: kẻ sĩ tuyệt vời.
(4) Alexandre de Rhodes và tiếng Việt
(5) Thiên văn học thế kỷ thứ 17, từ Châu Âu đến Đại Việt
(6) Lê Quý Đôn (1726-1784), nền học vấn bách khoa trong một giai đoạn sôi động.
(7) Ông Hoàng Việt Nam, Thomas Jefferson và ba cuộc cách mạng
(8) "Cuộc hành trình của Bác sĩ Morice ờ Nam Hà (Cochinchine) năm 1872" dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh và chú giải.
(9) Sự sụp đổ của Đế quốc Đại nam : Ngày hôm sau của Trận hải chiến Thuận An
(10) Cao Thắng, một thần đồng quân sự và võ khí thuốc nổ trong quân đội Việt Nam trước thế kỷ thứ 20
(11) Petrus Trương Vĩnh Ký: một học giả quốc tế trong một thời đại biến đổi
(12) Kỳ Đồng và Gauguin, đứa trẻ kỳ diệu và chàng hoạ sĩ
(13) Vua Duy Tân và những lựa chọn của Ngài
(14) Nguyễn Công Trứ: tham vọng tuổi trẻ và hưởng lạc tuổi hưu
(15) Sự thích ứng nhanh chóng của người Việt vào cuộc sống ở Mỹ
8. Xin Anh cho thính giả biết qua về nội dung của những bài viết của Anh trong quyển Vietnam History.
Tôi xin giới thiệu qua nội dung:
(1) Bà Triệu và thời đại của Bà
Giới thiệu với độc giả một nhân vật thường được các nhà tranh đấu cho nữ quyền trích dẫn câu nói bất hủ: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!", lúc bà mới 19 tuổi. Đáng chú ý là một số nhân vật chính trị ở Malaysia lấy cớ quan niệm nữ quyền là một sản phẩm của tư tưởng phương Tây, không thích hợp với Á châu, một học giả Malaysia đã đưa Bà Trưng, Bà Triệu như là bằng chứng từ ngàn năm trước phụ nữ Á Châu cũng chẳng chịu kém ai! Bởi vậy tôi đề tựa bài này là Lady Triệu and her time để nhấn mạnh tính cách tiên phong trong thái độ và hành động của Bà.
(2) Marco Polo và nghệ thuật xâm mình. Việt nam vào thế kỷ thứ 13.
Hướng về thế hệ trẻ hội nhập thế giới, tôi muốn tìm hiểu về những liên lạc đầu tiên của chúng ta với thế giới phương Tây, ở đây qua một người trẻ tuổi,17 tuổi lúc rời nước Ý, băng qua Mông Cổ để làm việc một thời gian cho Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), lúc ở Việt nam vua Trần Thánh Tông đang trị vì. Marco Polo có thể đã đến một số địa phương ở Việt nam (có thể là đã đến nơi mà ông gọi là Giao Chỉ và chắc chắn hơn từng đến đất Chàm, mà hiện nay thuộc Việt Nam). Tôi mượn chuyện này để nói về ý nghĩa con rồng, tục lệ xâm mình là những yếu tố quan trọng của truyền thống của dân tộc Đông Nam Á, cũng như nhắc đến thành tích Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Mông Cổ do Thoát Hoan và Toa Đô điều khiển.
(3) Nguyễn Trãi: kẻ sĩ tuyệt vời.
Nguyễn Trãi, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà chính trị, nhà thiết kế nghi lễ trong triều, nhà văn tiên phong của chữ nôm, hình ảnh của kẻ sĩ, với tất cả những biểu hiện đó như là "kẻ sĩ toàn bích"( the ultimate ke si), và so sánh chân dung ngài với bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ. Đồng thời kể lại sự tích Thị Lộ và con rắn, cũng như bàn về sự đi lên của nền tân Khổng học trong giai đoạn đầu thế kỷ thứ 15, lúc mà Phật học và Đạo học bắt đầu yếu đi .
(4) Alexandre de Rhodes và tiếng Việt: Với các con gió chính trị đổi chiều, Alexandre de Rhodes từng được đề cao như người sáng lập ra chữ quốc ngữ, đã trở thành "bad guy", làm cò mồi cho thực dân xâm chiếm Việt nam, và gần đây hơn lại được người trong nước xét công tội với nhiều điều kiện giảm khinh. Trong bài này, tôi đã cố gắng có một cái nhìn khách quan về một nhân vật đã có công lớn trong việc thành hình chữ quốc ngữ vào thế kỷ thứ 17. Cũng là một dịp tìm hiểu về đời sống dưới hai Chúa Trịnh (Đàng Ngoài, miền bắc) và Nguyễn (Đàng Trong, miền nam); về những ngày đầu tiên Thiên Chúa Giáo, một tôn giáo độc thần (monotheisme) du nhập vào cuộc sống người Việt; người Việt tiếp xúc với khoa học Tây phương [ ví dụ Chúa Trịnh Tráng thất trận trở về (1627) được Alexandre de Rhodes tặng một cuốn sách về hình học Euclid viết bằng chữ Hán do các tu sĩ truyền giáo xuất bản, một đồng hồ cơ giới và một đồng hồ chạy bằng cát]; và về một số nét của ngôn ngữ Việt thời đó.
(5) Thiên văn học thế kỷ thứ 17, từ Châu Âu đến Đại Việt: Nguyên tác của nhà khảo cứu Việt ở Pháp Nguyễn tấn Hưng, do tôi dịch qua Anh Ngữ, gồm một tổng quan về thiên văn học thế giới và , đáng ngạc nhiên hơn cả trình độ của các nhà thiên văn học của chúng ta nơi Đàng Trong (Nam Hà), qua hồi ức của cá linh mục truyền giáo thế kỷ thứ 17 như Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes.
(6) Lê Quý Đôn (1726-1784), nền học vấn bách khoa trong một giai đoạn sôi động.
Trái với các nhà nho trước đây, Lê quý Đôn có một bộ óc bách khoa và ông là nhà bác học nghiên cứu những đề tài của Việt nam. Ông lo ngại cho trình độ học thuật và tình trạng thiếu sách vở của chúng ta thời đó. Có lẽ vì có dịp sang Bắc kinh và tiếp xúc với các tinh hoa Trung quốc cũng như Triều tiên, Nhật, ông ý thức được sự lạc hậu của nước nhà. Phủ biên tạp lục (1776) bàn đến chuyện chúa Nguyễn cho người khai thác các quần đảo Hoàng sa và Trường sa hàng năm. Cuốn này được trích dẫn trên 60 lần trong khảo cứu của Li Tana về Nam Hà : "Nguyễn Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and the Eighteenth Centuries", một nghiên cứu về vùng đất mới trong cuộc nam tiến, với cuộc sống đặc thù không gò bó, đầy sáng tạo, nơi "biên thùy mới" ("new frontier").
"Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn được học giả Mỹ Alexander B. Woodside xem như là " một phân tích và lịch sử loại bậc thầy của văn chương, định chế, và những thực hành tôn giáo cả ở Việt Nam cũng như trong thế giới Khổng giáo cổ điển" .Ngoài ra , dịch bài thơ "Rắn đầu biếng học" ra Anh ngữ cũng là một công việc khó khăn nhưng thú vị trong lúc viết bài này về Lê Quý Đôn.
(7) Ông Hoàng Việt Nam, Thomas Jefferson và ba cuộc cách mạng:
Bài này nói về chuyện Nguyễn Ánh (Vua Gia Long sau này) bị Tây sơn đuổi, lưu vong trong Vịnh Thái Lan, gặp Giám mục Pigneau, được Pigneau giúp đỡ. Nguyễn Ánh nhờ Pigneau đem Hoàng tử Cảnh, lúc đó 4 tuổi qua Pháp cầu viện. Ở Paris, Hoàng tử Cảnh được bà Marỉe Antoinette rất cưng, diện rất đẹp và hoạ sĩ cung đình Mauperin hoạ bức chân dung nổi tiếng. Thời Tây sơn nổi lên làm cách mạng (1773) cũng là thời của Cách mạng Hoa Kỳ (1776) và Cách mạng Pháp (1789). Câu chuyện xoay vần chung quanh 3 cuộc cách mạng đó, diễn ra ở Mỹ, ở Pháp và ở Việt Nam. Chi tiết đáng chú ý: trong lúc Pierre L'Enfant được George Washington giao trách nhiệm thiết kế Washington, DC (The District of Columbia) thì ở Gia Định, người Pháp Theodore Le Brun cũng có tham vọng xây dựng Sài Gòn thành một thủ đô hiện đại, với những đại lộ rộng 15-20 mét, thẳng góc với nhau. Tuy nhiên, mộng không thành vì Le Brun bất mãn, bỏ cuộc.
(8) "Cuộc hành trình của Bác sĩ Morice ở Nam Hà (Cochinchine) năm 1872" dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh và chú giải.
Nhiều hình ảnh sống động về cảnh và người Sài gòn lúc bấy giờ. Những nhận xét tinh tế và linh động về đất miền nam lúc mới bị Pháp đô hộ, qua cái nhìn của một nhà tự nhiên học Pháp (naturaliste), tuy còn nặng mùi kỳ thị chủng tộc, vẫn là một chứng nhân lịch sử độc đáo của buổi giao thời.
(9) Sự sụp đổ của Đế quốc Đại nam : Ngày hôm sau của Trận hải chiến Thuận An:
Bài này giới thiệu Pierre Loti (1850-1923), là một nhà văn Pháp, có mặt trên chiến thuyền L'Atalante, tấn công Huế ở Thuận An vào ngày 18-21 tháng 8 năm 1883. Sau đó ông viết bài báo "Ba ngày chiến tranh ở Annam" đăng trên báo Le Figaro, gây chấn động dư luận Pháp.
Loti , một sĩ quan hải quân Pháp, mô tả cảnh các lính Pháp bắn xả vào người Việt như là đang đi săn bắn. Loti bị hăm ngưng chức vì vụ này. Các nước khác tố cáo chính sách thuộc địa của Thủ Tướng Jules Ferry là xấu xa, dã man, trong lúc các phe thân chính phủ cộng hoà Pháp thì lại cho là Loti bêu xấu các thanh niên đang hy sinh cho quyền lợi nước Pháp.
Loti cũng đáng chú ý đối với chúng ta vì năm 1887 ông viết Madame Chrysantheme tạo nên stereotype về người đàn bà đông phương trong văn chương tây phương, từ đó nảy sinh ra nhân vật Madame Butterfly trong opera của Puccini, và lại từ đó mà có vở nhạc kịch Miss Saigon, nổi tiếng khắp thế giới một thời, kể chuyện người con gái bán bar Việt hy sinh cho con mình được thoát ngày 30 tháng tư trên chiếc trực thăng đáp trên sân khấu Broadway.
Tôi dịch và chú giải đoạn cuối của bài báo, nói về những biến cố sau trận đánh đã ngã ngũ. Đoạn này mô tả về tâm lý các lính Pháp bị mê hoặc bởi sự thần bí của thủ đô Huế, trước một nền văn minh mà những người trước đó là dân thợ thuyền nghèo ở Paris không hiểu gì cả. Thái độ của họ đứng trước sự tàn phá, nổi đau khổ và tang tóc và họ vừa gây ra, và trong lòng những người lính trẻ, lòng nhân đạo còn đâu đó cũng loé lên trước cảnh thương tâm của một bé gái mồ côi. Đoạn này cũng cho ta nhìn thấy một khía cạnh của triều đình Huế trong cơn hoạn nạn,lúc vua Tự Đức chỉ mới băng hà được đúng 1 tháng. Sau đó là gia đoạn mà lúc còn nhỏ, tôi đã từng biết qua 2 câu thơ:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường.
Ba vua trong 4 tháng sau khi Tự Đức mất là Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc. Hai chữ “Thuyết” và “ Tường” ở cuối câu chỉ hai phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, người sau này cầm đầu phong trào Cần Vương (1885)
(10) Cao Thắng, một thần đồng quân sự và võ khí thuốc nổ trong quân đội Việt Nam trước thế kỷ thứ 20.
Vào cuối thế kỷ thứ 19, Pháp chiếm Việt Nam với một lực lượng quân sự rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu ta nhìn ngược về những thế kỷ trước, thì có nhiều lúc, Việt nam có một quân đội hùng hậu và trang bị võ khí không kém gì các cường quốc đương thời. Ví dụ gần đây, có giả thuyết cho rằng, người Việt đã trao đổi, và có thể truyền nghề lại cho người Minh Trung quốc một số kỹ thuật về thuốc súng và súng đạn, và năm 1414 người Việt đã có súng ca nông đầu tiên. Thế kỷ 17-18 là những giai đoạn cao điểm về kỹ thuật quân sự. Linh mục Alexandre de Rhodes từng nhận xét vào thế kỷ thứ 17 là hải quân Việt ngoài bắc hà (Chúa Trịnh) có hoả lực rất nhanh và đủ sức khuất phục các chiến hạm Âu châu hay qua lại vùng bờ biển Trung hoa.
Riêng về Cao Thắng, tên ông được đặt cho nhiều trường kỹ thuật trước 1975. Mới 10 tuổi đã gia nhập giặc Cờ Vàng, vào tù ra khám, có lúc làm ăn cướp rồi cuối cùng theo phong trào Văn Thân của Phan Đình Phùng.Chúng ta thấy vào cuối thế kỷ thứ 19, một nhóm nông dân và thợ rèn ở Hà Tĩnh, mà sản xuất được bản sao của súng dài kiểu mới nhất (1874) của Pháp, là một chuyện khó khăn như thế nào. Ngoài ra còn phải buôn lậu thuốc súng từ Lào và Thái lan qua để chế tạo đạn bắn. Rất tiếc ông chết sớm, lúc mới 29 tuổi.
(11) Petrus Trương Vĩnh Ký: một học giả quốc tế trong một thời đại biến đổi.
Petrus Ký được miền nam tôn sùng và đặt tên cho một ngôi trường trung học lớn ở Sài-gòn. Sau 1975 thì ông không còn được ái mộ nữa, có khi kết án nặng nề. Tuy nhiên tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta dùng những tiêu chuẩn ngày nay mà phê phán người xưa thì chưa chắc công bằng. Tôi chỉ giới thiệu nhân vật như một người tài hoa, có danh không những trong nước mà còn trên trường quốc tế. Ông cũng tiên phong trong ngành báo chí nước nhà, dùng và phát triển chữ quốc ngũ, đi trước rất lâu báo chí và sáng tác quốc ngữ ngoài Bắc. Những lựa chọn chính trị của ông cũng là những điểm thú vị, thật là khó khăn, tấn thối lưỡng nan đối với một người sanh ra trong gia đình công giáo, một tôn giáo đang bị nhà vua ở Huế đàn áp tàn nhẫn, đi xa nhà qua Cao miên và Mã Lai tu học từ lúc mới 14 tuổi, ngay trước khi người Pháp chiếm Nam kỳ, sau phải trở vể để tang mẹ, lúc chuyện cấm đạo còn dữ dội hơn nữa.
(12) Kỳ Đồng và Gauguin, đứa trẻ kỳ diệu và chàng hoạ sĩ.
Năm 2009 tôi có dịp viếng phòng triển lãm tranh Gauguin ở một đại học ở Cleveland, nhớ mang máng chuyện Gauguin có gặp Kỳ Đồng trong lúc Kỳ Đồng bị đày ở đảo Marquesas ở giữa biển Thái Bình bao la.Tác giả Hà Vũ Trọng có viết về cuộc gặp gỡ này và công bố trên internet và nhờ đó tôi có nhiều tư liệu để kể lại cuộc kỳ ngộ giữa nhà cách mạng lỡ thời và nhà hội hoạ bịnh tật lúc cuối đời. Tôi viết chương này trong bối cảnh bao quát hơn để nhân tiện, qua những biến chuyển trong cuộc đời sóng gió của nhân vật, giới thiệu với độc giả Anh ngữ biết về các hoạt động chống Pháp, những người đương thời mà Kỳ Đồng được gặp hoặc cộng tác, như vua Hàm Nghi hồi ấy đang lưu vong ở Algerie, Hoàng Hoa Thám (Hùm Yên Thế) mà Kỳ Đồng hoạt động giúp đỡ một thời gian trước khi tự mình lập nên phong trào chống Pháp và bị bắt.
(13) Vua Duy Tân và những lựa chọn của Ngài
Vua Duy Tân lên ngôi lúc 7 tuổi và tham gia khởi nghĩa chống Pháp lúc mới 17 tuổi. Đó là lựa chọn thứ nhất biến ông thành một anh hùng dân tộc.Trong thế chiến thứ hai, lúc ông đang bị lưu đày ở Đảo Reunion, ông tham gia vào hải quân của phe kháng chiến Pháp chống Đức quốc xã, dù nước Pháp là kẻ trước đây đày đoạ cha con ông, là kẻ thù của dân tộc mình. Đấy là những lựa chọn mà tôi cho là can đảm và đầy kịch tính, khác hẳn cuộc đời của Phổ Nghi (Pu Yi), hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh.
(14) Nguyễn Công Trứ: tham vọng tuổi trẻ và hưởng lạc tuổi hưu.
Giới thiệu về quan niệm kẻ sĩ theo kiểu Việt Nam (Chí làm trai) và tư tưởng xuất thế, xa phồn hoa đô hội lúc già (Thoát vòng danh lợi, Cây thông), qua những bài thơ đa dạng của Nguyễn Công Trứ, một người vào quan trường lúc đã 42 tuổi, và trải qua nhiều vinh nhục. Thái độ quân tử: làm tướng không lấy làm vinh, thì làm lính không lấy làm nhục.
(15) Sự thích ứng nhanh chóng của người Việt vào cuộc sống ở Mỹ.
Bài này tôi viết chung với một người con tôi sinh tại Mỹ là BS. Stephen Hồ Văn Huy. Một người lớn lên giữa hai dòng văn hoá: gia đình còn nhiều "hành lý" từ Việt Nam và xã hội, học đường dòng chính, suy nghĩ và tìm hiểu về lịch sử cộng đồng Việt tỵ nạn, những yếu tố giúp cho người trẻ gốc Việt thành công trong xã hội Mỹ đồng thời tạo nên cho mình một căn cước lành mạnh và thích hợp.
9. Xin Anh cho biết đề tài tâm đắc nhất của Anh trong số những bài viết về lịch sử Việt Nam là gì.
Tôi thích nhất đề tài về Hoàng tử Cảnh và giai đọan lịch sử cuối thế kỷ thứ 18. Cuộc đời ông hoàng bé, tuy ngắn ngủi nhưng nhiều thi vị, ít lắm là qua nhãn quan của một người từng sống qua nhiều nền văn hóa như bản thân tôi. Thử nghĩ Hoàng tử Cảnh lớn lên trong lúc gia đình bôn ba, trốn chạy Tây sơn, rồi lại được giao cho một giám mục Pháp, được dạy dỗ theo Thiên Chúa giáo, được bước vào hoàng cung của vua Louis XVI và được bà hoàng hậu Marie Antoinette cưng, cho ăn mặc như một ông hoàng Ấn độ, tiếp xúc với tinh hoa thế giới hồi đó, kể cả Thomas Jefferson, xong lại trở về ngỡ ngàng trong đất nước loạn ly, dày vò giữa hai nền văn hoá, hai tôn giáo thờ ông bà và Thiên chúa giáo. Rồi theo cha đi đánh giặc,và ngay trước khi cha mình thành công thống nhất sơn hà lên ngôi thiên tử thì người thanh niên 21 tuổi đó bị một bịnh tầm thường, có lẽ là đậu mùa, giết đi. Vợ con sau đó bị sát hại bi thảm. Nếu tôi là một nhà văn, có lẽ tôi sẽ viết một thiên tiểu thuyết về nhân vật bi đát này, như một biểu tượng của "liminality", thế đứng giữa [hoặc phải thích ứng], đi băng qua nhiều nền văn hoá, nhiều cuộc sống, nhiều ngôn ngữ, tôn giáo. Tương tự như trường hợp chúng ta, đi từ lũy tre xanh, từ bức màn tre, đến bức màn sắt, ra thế giới hậu hiện đại, toàn cầu hoá, thế giới ảo của internet chỉ trong vòng một đời người. Ngoài ra, nhân vật Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, và ở mức thấp hơn Giám mục Pigneau cũng là những người tôi muốn nghiên cứu thêm, dù công hay tội, những con người phi thường, đa tài, đa diện ("colorful"), bôn ba, vùng vẫy suốt một thời không những ở Việt Nam mà luôn trên trường quốc tế.
10. Anh có gặp khó khăn trong việc đi tìm tài liệu về lịch sử Việt Nam không ?
Tôi không phải là sử gia chuyên nghiệp. Như đã nói tôi chỉ cố gắng thu thập dữ liệu để viết nên những "câu chuyện"(stories) theo cách hiểu biết của mình và trung thực đến mức có thể trong tình trạng thông tin bùng nổ, có khi trái chiều hiện nay. Cho nên, tìm ra được gì hay, mới, thì tôi cân nhắc rồi lồng trong câu chuyện. Tôi không tham vọng dứt khoát giải quyết những vấn đề còn tranh luận. Nói như Khổng tử "thuật nhi bất tác", kể lại, không phải là viết ra chuyện gì mới. Cho nên tôi bằng lòng với các tài liệu tìm được, một phần lớn qua internet. Chúng tôi (BS. Chất và tôi) biết ơn bao nhiêu người đã hăng say đóng góp công bố những tài liệu, hình ảnh mà, dù ngồi ngay giữa Washington, DC thủ đô nước Mỹ, tôi cũng không tài nào tự mình tiếp cận hay lục lọi ra được.
11. Theo kinh nghiệm của Anh, biên khảo một bài về lịch sử Việt Nam chẳng hạn có những khác biệt gì hay những điểm giống nhau như thế nào với việc biên khảo một bài về y khoa.
Tôi hơi khác Bác sĩ Đặng văn Chất vì BS. Chất là một giáo sư y khoa, nên kinh nghiệm hàn lâm nhiều hơn tôi. Tôi viết về y khoa có tính cách báo chí và phổ thông hơn, nên về y cũng như về sử tôi thiên về vấn đề văn hoá cũng như khía cạnh con người, riêng tư của nhân vật lịch sử.Tuy nhiên, như câu nói của Lê Quý Đôn mà tôi trích dẫn trên đầu sách, mọi dữ kiện nhỏ lớn cần được thu thập để người đọc có thể thấy được sự việc như là nếu họ được tự mình mắt thấy tai nghe. Y khoa cũng vậy, lý tưởng là tìm ra sự thật của thực tế bất trắc lừa dối (Hippocrate). Tuy nhiên, nói chung, đối với tôi làm nghề tay trái thì lúc nào cũng “vui” hơn.
Chúng tôi xin cảm ơn BS. Hồ Văn Hiền đã dành thì giờ quý báu đến với quý thính giả của đài SG Houston và Dallas. Xin mời BS. Hiền chào tạm biệt thính giả của đài. …
Chúng tôi xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình hôm nay.
Xin kính chào quý thính giả và xin hẹn với quý vị trong lần phát thanh tới.