Bài 9
Lúc trẻ đi du lịch vùng nhiệt đới
Năm
1993, nguồn nước cung cấp cho một vùng rộng lớn ở chung quanh
Washington. DC bị vẩn đục. Do nỗi lo sợ nguồn nước này bị một loại ký
sinh trùng đường ruột tên Crytosporidium nhiễm độc, người ta phải cấm
dân chúng uống nước máy trong nhiều ngày và tạo nên một nỗi lo sợ
đáng kể trong quần chúng.
Ký
sinh trùng này thường cùng lắm chỉ gây ra một bệnh tiêu chảy ói mửa
nhẹ ở người bình thường; chúng chỉ gây bệnh nặng ở người mang những
bệnh làm sức đề kháng (resistance) của cơ thể yếu đi như bệnh liệt
kháng (Aids).
Mặt
khác cơ may để một dịch của bệnh này có thể xảy ra cũng rất thấp.
Thế mà sau khi cân nhắc lợi hại kỹ càng các cơ quan thẩm quyền về
sức khỏe đại chúng (public health) vẫn quyết định bắt buộc quần chúng
ngưng dùng nước có thể bị nhiễm độc. Cuối cùng các thử nghiệm phức
tạp cho thấy nước máy vẫn an toàn, xài được.
Trường
hợp trên cho thấy chúng ta và con cái chúng ta đang sống trong một
môi trường hoàn toàn khác hẳn với những nơi kém phát triển hơn về
kinh tế (nói chung là thế giới thứ ba trong ngôn ngữ của thời chiến
tranh lạnh)
Thật
vậy, những vi trùng lởn vởn trong không khí
(như vi trùng bệnh lao,
tuberculosis), lởn vởn trong nước uống, trong nước đá lạnh, trong cây
cà rem (như vi trùng thương hàn, typhoid fever, dịch tả, cholera), những
ký sinh trùng như sán lãi, sán sơ mít thường gặp ở Việt Nam, v...v...
những món này đều là những thứ rất xa lạ đối với cơ thể của các
em lớn lên ở đây và xa lạ luôn đối với những bác sĩ hành nghề tại
xứ này.
Kết
quả là gì? Trước hết, trừ những bệnh trẻ đã được chích ngừa chống
một bệnh trong chương trình chích ngừa phổ cập ở Mỹ
(như bệnh yết
hầu, ho gà, uốn ván, sốt tê liệt), trẻ con sinh ra và lớn lên tại Mỹ
hầu như chưa bao giờ tiếp xúc với những bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam
và thường không được miễn nhiễm (immunity) đối với những bệnh đó.
Ví
dụ bệnh sốt rét, tiếng Anh gọi là Malaria. Nếu bạn đi du lịch ở Ðông
Nam Á châu, Nam Mỹ hoặc Phi châu và bạn đi ra khỏi các vùng đô thị
lớn thì bạn có thể mắc bệnh này vì những vùng đó có con muỗi tên
là muỗi Anopheles. Muỗi này đốt người và truyền cho chúng ta những
con ký sinh trùng nhỏ li ti, phải quan sát bằng kính hiển vi
(microscope), gọi là Plasmodium.
Ký
sinh trùng này sinh sản ở trong gan của bệnh nhân rồi vào máu xâm
chiếm các hồng cầu (red blood cells) và phá vỡ các hồng cầu.
Một
cho tới ba tuần sau khi bị muỗi cắn, người bệnh sẽ phát bệnh: Nóng
sốt, lạnh run, ói mửa, v...v... Nếu là một người từ nhỏ lớn lên
trong địa phương có sốt rét, bạn lần lần đã quen dần với bệnh sốt
rét vì có thể bạn đã thực hiện một mức đề kháng (immunity) nào đó
chống lại ký sinh trùng sốt rét, và do đó dù có mắc bệnh ít khi
bệnh sốt rét làm con bệnh chết. Ðương nhiên, những đứa trẻ sinh tại
địa phương đó mà chịu không nổi cơn bệnh thì các trẻ đó đã ngã gục lúc
còn thật nhỏ tuổi rồi; đây là một sự chọn lọc tự nhiên để sống
còn.
Bây
giờ nếu bạn dắt con đã năm mười tuổi đi du lịch về Việt Nam đến
những vùng tương đối xa xôi thăm ông nội ông ngoại, con của bạn mặc
dù cao lớn hơn, bảnh trai hơn các cháu lối xóm, sức đề kháng của
chúng đối với bệnh sốt rét sẽ không thể nào so sánh với sức đề
kháng của các trẻ địa phương được. Nếu cháu bé bị muỗi sốt rét đốt
và mang bệnh, bệnh có thể nặng và nguy hiểm tánh mạng hơn là đối
với một đứa trẻ đồng tuổi trong vùng. Thêm nữa, như trên đã nói,
mấy tuần sau bệnh mới phát và lúc đó có thể là bạn không còn ở
vùng đó nữa và không còn nhớ đến các con muỗi Anopheles nữa lúc
bạn trở về Mỹ.
Bài
học rút tỉa từ kinh nghiệm trên là chúng ta nên nhớ con cái chúng ta
sinh trưởng ở Mỹ chưa được tiếp xúc nhiều với các bệnh nhiễm trùng
(infectious diseases) miền nhiệt đới, và chúng ta phải rất cẩn thận
trong các biện pháp phòng ngừa bệnh, đừng để bệnh xảy
ra. Như trường
hợp bệnh sốt rét trên đây chúng ta có thể ngừa bằng cách tránh đi
đến những vùng mà ta biết có muỗi sốt rét. Nếu phải đi có thể cho
các cháu uống thuốc ngừa bệnh đúng cách
(nếu không đúng cách có
thể ngừa không hiệu quả hoặc bị thuốc hành độc), cẩn thận dùng
mùng màn chống muỗi, thuốc kỵ muỗi (repellant), v...v...
Ðối
với những bệnh truyền nhiễm khác ta có thể chích ngừa cho các cháu
trước khi đi như chích ngừa hoặc uống chủng ngừa thương hàn (typhoid
fever), và bảo đảm rằng các liều chích ngừa căn bản của chúng đã
được thực hiện đầy đủ, nhất là bệnh uốn ván (tetanus), ho gà
(whooping cough), bệnh yết hầu (diphtheria), viêm gan loại B (hepatitis
B).
Riêng
về bệnh viêm gan, nên để ý một loại khác nữa là viêm gan loại A.
Bệnh viêm gan loại A (HAV, Hepatitis A) có thể thường gặp ở một số
nơi có mức vệ sinh thấp, thường do thức ăn nước uống bị nhiễm virus
qua phân của một người khác (oral fecal route) hoặc có khi do ăn các
đồ sò hến không nấu chín có nhiễm vi trùng của bệnh này. Trẻ nhỏ
có thể bị nhiễm trùng mà không có triệu chứng gì cả. Tuy nhiên thanh
thiếu niên, người lớn hơn có thể bị vàng
da, mệt mỏi, nóng sốt, sưng gan, v...v... nếu bị nhiễm trùng. Những người mắc bệnh có thải virus
bệnh trong phân và nếu không giữ vệ sinh
(rửa tay sau khi đi cầu, lúc
nấu nướng) có thể truyền bệnh sang người khác. Bạn có thể ngừa
được bệnh này bằng cách chích thuốc ngừa chống viêm gan loại A trước
khi đi (HAVRIX).
Ðiểm
thứ hai chúng ta cần chú ý lúc đem các cháu theo du lịch ở các nước
đang phát triển là một số thái độ trị liệu hợp lý ở môi trường
sạch sẽ, gần như vô trùng (sterile) ở Mỹ không còn hợp lý nữa. Ví
dụ, ở Mỹ nếu con bạn nóng, bạn điện thoại cho bác sĩ và thường bác
sĩ nghĩ cháu bị siêu vi trùng (virus) gì đó, uống Tylenol cho đỡ nóng
vài hôm sẽ khỏi. Việc này hợp lý ở Mỹ vì thứ nhất phần đông bệnh
nóng ở đây thật sự do virus gây ra, không chữa cũng khỏi, chỉ cần
giữ cho cháu đừng mệt quá, xuống dốc là được, gọi là trị liệu hỗ
trợ, tạm dịch chữ "supportive therapy". Nếu chẳng may con bạn
bị bệnh vi trùng gì đó nặng hơn, đêm hôm bạn vẫn có thể kêu bác sĩ
dậy và cho con bạn nhập viện vào một bệnh viện trang bị đầy đủ
nhất.
Nếu
bạn ở Việt Nam, thiển nghĩ bạn phải "đề cao cảnh giác" hơn
nhiều, vì một cơn sốt cao với vài đốm lấm tấm đỏ ở da dễ dàng có
thể tiến triển thành một bi kịch như chơi với những "hung
thần" trong giới gây bệnh cho trẻ con như: Bệnh sưng màng óc
(meningitis) có thể làm trẻ chết nhanh chóng trong vòng vài giờ, bệnh
sốt xuất huyết (dengue hemorrhagic fever) làm cháu kích xúc (shock) mê
man nhanh chóng, v...v... Ngoài ra, lúc cần đến sẽ khó tìm được điện
thoại, cuốn "yellow pages" để tìm ông bác sĩ nhi khoa, hoặc tìm
cho ra được chai nước biển và cái ống dây chuyền nước còn mới cho
con mình. Cho nên, bạn nên cẩn thận thăm hỏi trước và nếu cần tìm
thầy chữa chạy sớm, đừng quen thái độ từ tốn như lúc ở Mỹ. (Ngược
lại lúc ở Mỹ có lẽ không nên lúc nào cũng sợ cháu "ra
ban", sưng màng óc, sốt xuất huyết như lúc còn ở Việt Nam).
Một
ví dụ khác là bệnh đi tiêu chảy ở trẻ con. Ở Mỹ phần lớn bệnh đi
tiêu chảy của trẻ con là do siêu vi trùng (virus) gây ra. Phần lớn
những bệnh do siêu vi trùng này thường sẽ tự giới hạn (self limited),
có nghĩa là sau một thời gian nào đó, thường là vài ngày, cơ thể
của đứa trẻ sẽ tự mình thanh toán được con virus đó và lành bệnh.
Người bác sĩ nhi khoa thường chỉ có việc theo dõi em bé và hướng dẫn
cha mẹ cháu cho cháu uống nước, ăn thức ăn nhẹ sao cho vượt qua khỏi
lúc cấp kỳ đó một cách yên thắm. Cháu được cho uống nước Pedialyte,
uống nước trái cây, v...v... và phần đông không dùng những thuốc
"cầm ỉa" phổ biến ở Việt Nam hoặc các thuốc trụ sinh (chống
vi trùng).
Nếu
bạn bị chứng tiêu chảy lúc đang ở Việt Nam, có thể bệnh nguy hiểm
hơn là bạn thường tưởng như lúc ở Mỹ. Cháu có thể bị những vi trùng
ít gặp ở Mỹ như vi trùng kiết lỵ (dysentery), ký sinh trùng a-míp, bị
ngộ độc vì nước bị nhiễm độc. Mới đây ở New Delhi, Ấn độ, nhiều trẻ
em chết nhanh chóng chỉ vì ống nước máy và ống cống (sewage) dẫn nước
dơ bẩn phế thải được xây dựng song song với nhau (cũng như những
thành phố như Saigon được người Pháp xây) lúc ống hư hỏng thì nước dơ
bẩn dồn vào ống nước máy.
Cuối
cùng, lúc bạn đã trở về tới Mỹ rồi chưa chắc tất cả mọi việc đã
êm xuôi. Một số bệnh chỉ phát triệu chứng một thời gian khá dài sau
khi con vi trùng vào người bệnh nhân. Những vi trùng như kiết lỵ do vi
trùng có thể sẽ làm cho bạn có những triệu chứng tiêu chảy đau
bụng vài ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm vi trùng đó. Ngược lại
bệnh ghẻ từ ngày con ký sinh trùng ghẻ xâm nhập người bạn đến ngày
bạn bắt đầu ngứa ngáy lở lói cũng phải mất đến từ hai đến sáu
tuần. Bệnh sốt rét cũng vậy, mất vài tuần lễ trước khi bệnh phát
ra.
Thời
gian chờ đợi này gọi là thời gian ủ bệnh (incubation period), hoặc
thời kỳ tiềm ẩn, lúc chưa có triệu chứng mà mầm bệnh đã ở trong
người mình. Thành ra lúc phát bệnh có thể bạn đang đứng trước một
bác sĩ từ trước đến nay hành nghề ở Mỹ và chưa bao giờ thấy các
loại bệnh kiểu "hương xa" (exotic) này và không khéo sẽ định
bệnh lầm bạn bị bệnh khác nếu bạn không nhắc cho người chữa bệnh
biết rằng bạn vừa ở xứ nào đó xa xôi về và lúc đó bác sĩ sẽ đề
cao cảnh giác hơn và nghĩ đến những chuyện chỉ thường gặp ở y khoa
nhiệt đới (tropical medicine).
Ðôi
khi chuyện xảy ra hàng năm trước cũng còn quan trọng. Thời kỳ tiềm
ẩn có thể kéo dài cả năm đối với bệnh dại; bệnh nhân có thể đã
quên rằng mình bị con dơi, con chó dại cắn cả năm trước. Những bệnh
như sốt rét có thể là nguyên do của một cơn sốt run lạnh cả năm sau
chuyến đi chơi ở vùng có bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium
malaria, cả mấy chục năm có khi bệnh còn trở lại được (relapse, tái
phát).
Tóm
lại, chúng ta cần chuẩn bị cẩn thận trước khi đem con cái theo lúc du
lịch hoặc thăm nhà ở những xã hội kém phát triển, chúng thường có
đề kháng tự nhiêm kém đối với những bệnh tật nhất là bệnh nhiễm
trùng tại các vùng này. Chủng ngừa đầy đủ trước khi đi, cẩn thận
tối đa đối với thức ăn uống, tránh những nguồn bệnh như kim chích
không khử trùng đúng mức, muỗi mòng, kiểm soát các hoạt động tình
dục bừa bãi của thanh thiếu niên, chữa chạy do những giới y khoa có
thẩm quyền và khả năng ở địa phương, và cho bác sĩ cháu biết rõ chi
tiết về các hoàn cảnh sống trong chuyến đi nếu bệnh phát ra sau khi
đã trở về. Ða số người đi về đều khỏe mạnh, ước mong những hướng
dẫn trên đây sẽ giúp tránh hoặc giảm thiểu những điều đáng tiếc
có thể xảy ra.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 19 tháng 8, 1996.