Bài 7
Rượu và trẻ em
Rượu là một vấn đề rất tệ nhị khó bàn tới. Rượu ảnh hưởng
đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ những loại rượu dùng
trong lễ lạc tôn giáo cho đến các loại rượu bia trong những buổi nhậu
nhẹt giữa bạn bè. Ở Việt Nam, thi văn nhắc đến rượu rất nhiều và
từ cổ văn cho đến thơ mới lắm khi rượu được đề cao và thi vị hóa
trong những áng thơ được dạy cho học sinh trung học thuộc nằm lòng.
Tại Mỹ, rượu gây lắm sôi nổi trong lịch sử, nhất là giai đoạn
"Prohibition" cấm rượu từ năm 1920 đến 1933 là một giai đoạn
gay cấn còn hơn giai đoạn chiến tranh chống xì ke ma túy hiện nay. Ðối
với người không uống rượu nhất là giới bác sĩ, khó mà thông cảm
được với những lý do khiến người khác uống rượu, cho nên dù bác sĩ
có khuyên nhủ đến đâu thường không hiệu quả bằng sự nâng đỡ lẫn
nhau của những người đồng cảnh ngộ trong những Hội như "Alcoholics
Anomymous". Tuy nhiên, như người ta thường nói, "giáo dục là
sự lặp đi lặp lại không ngừng". Cho nên thiết tưởng nên nhắc đi
nhắc lại một lần nữa những cái hại của tật nghiện rượu, trước khi
bàn tới ảnh hưởng của rượu trên trẻ em.
Nghiện rượu (Dependence on Alcohol, Alcoholism) là một chứng tật
kinh niên, tức là kéo dài, trong đó người bệnh dùng một lượng cồn
(alcohol) quá nhiều. Chừng 75% người Mỹ uống rượu ít nhiều và trong
số này 10 người thì có 1 người nghiện rượu thật sự. Rượu chứa
alcohol được hấp thụ vào máu và tác dụng lên hệ thần kinh; ít thì
làm người uống bình thản, thoải mái; nhiều hơn thì làm người uống cử
động phối hợp không bình thường; lên hơn nữa thì người uống cuồng
sảng (delirium) và nặng hơn nữa thì mê man, hôn mê (unconcious).
Người nghiện rượu kinh niên bị alcohol tác hại ở gan (làm xơ
gan, gan bị cứng, liver cirrhosis), đau các sợi dây thần kinh
(neuropathy), tác hại bắp thịt (cơ), tim (cardiomyopathy), tác hại trên
bộ óc, làm suy dinh dưỡng (thiếu vitamin B), v...v...
Ở Mỹ, tác hại kinh khủng nhất và tang tóc nhất của tật uống
rượu là tai nạn chết người gây ra do những người uống rượu say rồi
lái xe (drunk driving). Thanh thiếu niên Mỹ vừa mới lớn, lái xe chưa
vững, lại bị bạn bè lôi cuốn uống bia, uống rượu trong những dịp lễ
lạc, thường bị liên hệ trong những tai nạn loại này.
Rượu và trẻ em, thanh thiếu niên
Ai cũng biết trẻ em không nên uống rượu và luật cấm bán rượu
cho trẻ vị thành niên (minors). Tuy vậy rượu vẫn ảnh hưởng đến trẻ em
rất nhiều và đôi khi trẻ em xài rượu nhiều hơn chúng ta tưởng. Ở
Việt Nam một số bà mẹ nông thôn thường cho em bé uống rượu say bí tỉ
để cháu ngủ yên suốt buổi không quấy rầy cha mẹ và để cha mẹ lo
việc đồng áng. Tại thành thị ở Việt Nam, luật pháp kiểm soát các
loại rượu hoặc bia không chặt chẽ như ở Mỹ, và trẻ con say sưa rất
nhiều. Ngay tại Mỹ, bạn có thể gặp những trẻ em mới mười mấy tuổi
đã nghiện rượu và được gởi tới những nơi cai rượu Detoxication
centers; những em này đôi khi thú nhận đã uống rượu hoặc uống bia từ
lúc còn 6, 7 tuổi, thường là do noi gương xấu của người lớn trong
hoặc ngoài gia đình. Thường vấn đề nghiện rượu còn đi đôi với những
tệ nạn khác như ghiền các chất ma túy, hoặc những bệnh phong tình mà
nay giới y khoa thường gọi là bệnh truyền do tính dục (veneral diseases,
sexually transmitted diseases). Một nguy hiểm quan trọng của rượu đối
với tuổi nên thiếu là ảnh hưởng của rượu trong lúc lái xe như đã
nói ở trên.
Hội chứng rượu ở thai nhi
Tuy nhiên chỉ mới gần đây người ta mới khám phá ra một tác
hại còn sâu đậm hơn nữa của rượu đối với đời sống trẻ em.
Ở Mỹ hiện nay cứ 1,000 em bé ra đời sẽ có chừng 4-5 em bé bị
những tật bẩm sinh (nghĩa là những thương tật có sẵn lúc mới sanh,
congenital anomalies) gây ra bởi vì người mẹ nghiện rượu trong lúc có
thai. Hiện tượng này xảy ra rất thường ở những trung tâm đô thị
nghèo khó và ở những người đàn bà thiểu số nghèo, và nhất là ở
những người mẹ còn tuổi vị thành niên không chồng.
Người mẹ uống càng nhiều rượu trong lúc có thai thì nguy cơ sanh
ra em bé bất bình thường càng cao. Những người mẹ nghiện rượu nặng,
có thể đến 30-40% con cái sẽ bị tật bẩm sinh.
Những trẻ con của những người đàn bà nghiện rượu trong lúc có
bầu mang một số đặc điểm gọi chung là "hội chứng rượu ở thai
nhi", tạm dịch chữ "Fetal Alcohol Syndrome". Những trẻ ngày
sinh ra èo uột, thường nhỏ con hơn những trẻ sơ sinh khác. Mặt chúng
có những điểm khác thường: Ðầu nhỏ, mắt ti hí, cằm lẹm, môi trên
mỏng và nhân trung ngắn. Ngay những trẻ gốc da trắng cũng như gốc da
đen nếu mắc phải chứng này cũng có những nét tương tự làm cho chúng
nổi bật hẳn lên khác với những đứa trẻ khác. Những trẻ sơ sinh này
ngay từ những ngày tháng đầu của cuộc đời đã có vẻ bệnh hoạn,
cháu bé bứt rứt, bú kém, đôi khi còn mang những chứng tật rắc rối
hơn như bệnh tim, bệnh tắc ruột, bộ phận sinh dục không bình thường,
v...v... Một số người mẹ nghiện rượu trong lúc có bầu sẽ bị sẩy thai
(miscarriage) liên miên.
Những trẻ không may nói trên bị tác dụng của rượu người mẹ
uống phải trong lúc có thai. Whiskey, rượu ngọt, champagne, rượu bia
đều chứa chất "ethanol" ở nồng độ khác nhau, nhiều nhất là
whiskey (86 proof) chứa đến 43% ethanol, rượu bia chứa 5% ethanol. Ethanol
đi vào máu người uống và ở người đàn bà có thai đi thẳng vào máu
của em bé trong bụng.
Ðiều nên để ý là mức rượu trong máu em bé còn cao hơn cả mức
rượu trong máu người mẹ. Cho nên tuy người mẹ uống rượu, thai nhi
trong bụng lại còn say sưa hơn cả chính người mẹ nữa.
Rượu làm em bé không tượng hình bình thường vì ảnh hưởng đến
sự phát triển của các tế bào và làm cho các bộ phận có hình dạng
bất bình thường. Cháu bé ra đời với mùi rượu trong hơi thở, và những
ngày sau đó có những triệu chứng của một người lớn nghiện rượu bị
cai như run rẩy, co giật một hai hôm rồi lờ đờ, ngái ngủ một hai hôm
trước khi tỉnh táo hoàn toàn. Khi lớn lên chúng còn gặp rất nhiều khó
khăn: ngoài những dị dạng bẩm sinh, chúng thường không ít thì nhiều
chậm phát triển về thể chất cũng như trí thông minh, cũng như phần
lớn không thích ứng được với đời sống xã hội, hoặc sống lẻ loi
hoặc có những hành động chống xã hội (anti-social).
Chỉ một số ít học hành bình thường như những đứa trẻ khác. Mặt
khác vì phần đông sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh xã hội
không thuận tiện (nghèo khó, trình độ người mẹ thấp, thiếu vắng vai
trò dạy dỗ của người cha) và vì gương xấu nghiện ngập của chính
người mẹ sinh ra chúng, những đứa bé này dễ đi vào vòng lẩn quẩn,
bản thân chúng cũng dễ bị rượu chè cám dỗ.
Con của những người cha nghiện rượu
Trên đây chúng ta đã bàn về ảnh hưởng của sự say sưa của
người mẹ trên thai nhi, mà người mẹ đang mang trong bụng mình. Một câu
hỏi có thể được đặt ra: Nếu chỉ người cha nhậu nhẹt thôi, hoặc nếu
người mẹ chỉ uống trong lúc không có thai, con cái có bị ảnh hưởng
hay không?
Có những nghiên cứu cho thấy những trẻ con của cha mẹ nghiện
rượu thua kém những trẻ khác về tâm lý cũng như về khả năng học
hỏi, nhận thức ( psychological and cognitive deficits).
Một cuộc nghiên cứu gần đây đăng trong báo American Journal of
Psychiatry so sánh 64 trẻ em từ nhiều gia đình nghiện rượu với 80 trẻ
xuất phát từ những gia đình bình thường cho thấy khả năng nhận thức
(cognitive ability and performance) của nhóm gia đình nghiện rượu thua kém
nhóm kia và về phương diện tình cảm nhóm này cũng gặp nhiều khó
khăn hơn mặc dù người ta không tìm thấy được những rối loạn trầm
trọng về cảm xúc.
Một cuộc thí nghiệm khác đăng trong báo Scientific American tháng
2 năm 1990 kể về những thí nghiệm trên chuột của Cicero và Wosniak
tại trường Y khoa thuộc đại học Washington. Hai nhà y học này cho
chuột ăn thức ăn có rượu làm chúng luôn luôn say bí tỉ trong 39
ngày, xong chúng được ngừng uống rượu trong hai tuần rồi cho "làm
tình" với những cô chuột cái hoàn toàn không bao giờ uống rượu.
Sau đó người ta nghiên cứu những chú chuột được sinh ra từ những cuộc
gặp gỡ này. Các chú chuột con này cũng mở mắt, lớn nhanh bằng
những chú chuột khác, chỉ có một điều nếu cho chúng học để tìm
đường đi kiếm thức ăn, chúng chậm hơn những chuột khác, khả năng
định hướng của chúng kém hơn. Những nghiên cứu trên người cũng hầu
như xác nhận điểm này : Con trai của những người cha nghiện rượu dễ
bị rối loạn về kích thích tố (hormonal imbalances) và đi học kém hơn chị
hoặc em gái của chúng hoặc kém hơn những đứa trẻ của những gia đình
không nghiện rượu. Có những giả thiết hiện nay cho rằng rượu có thể
tác dụng gây đột biến (mutagenic) nghĩa là tạo nên một thay đổi đột
ngột trên di thể (gene) trên các tinh trùng.
Phòng ngừa tai nạn
Người Á đông cũng
như người Da Ðỏ ở châu Mỹ nói chung nhạy cảm với rượu hơn là các
sắc dân khác, do một đặc điểm sinh lý trong phần đông chúng ta: Sau
khi uống rượu cơ thể chúng ta biến dưỡng nhanh chóng ethanol thành một
chất khác (acetaldehyde) gây bức rứt, khó chịu, đỏ mặt mày và một
số phản ứng mạnh hơn. Ðây cũng là một điểm trời cho ngăn cản chúng
ta không uống rượu nhiều như một số sắc dân khác. Tuy nhiên, tệ nạn
này xứ nào cũng có và trong một xã hội cạnh tranh, nhiều
"stress" như xã hội Mỹ rượu vẫn là một lối giải quyết rẻ
tiền cho mọi lo âu. Chúng ta nên ý thức về những tác hại về lâu
dài nêu trên đối với con cháu chúng ta và cần thận trọng hơn nữa
khi "nhắm mắt đưa chân".
Trong những ngày hè
sắp tới, các thanh thiếu niên sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào các vụ say
sưa trong lúc lái xe, cha mẹ cần nhắc nhở kỹ lưỡng các cháu và lắm
lúc phải rất cứng rắn áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn
xảy ra.