Bài 6
Lúc trẻ em khò khè
Những ngày lành
lạnh của tháng 12 đem đến phòng mạch bác sĩ nhi khoa những âm thanh
đặc biệt của mùa đông. Ðây là những lúc mà phần định bệnh dựa nhiều
trên hình dạng của những âm thanh, có những trẻ suyễn (asthma) có
thể nhận ra khi mới bước vào phòng khám, có những trẻ sưng phần
trên yết hầu (epiglottitis) với tiếng sủa và giọng nói khàn và gần
như tắt nghẹn cần được định bệnh nhanh và nhẹ nhàng để cho vào phòng
cấp cứu ngay.
Thường cha mẹ bệnh
nhân than phiền cháu "khò khè" ban đêm. Ðối với bác sĩ "khò khè" có
lẽ là một trong những tiếng khó giải nghĩa, khó dịch nhất trong ngôn
ngữ của chúng ta. Dù muốn dù không chúng ta vẫn đang ở trong mọi
lãnh vực chính thức, nếu bác sĩ phòng cấp cứu không biết tiếng Việt
bạn phải dịch chữ "khò khè" ra tiếng Anh cho người ta hiểu, nếu bác
sĩ nói tiếng Việt thì bác sĩ cũng phải dịch chữ "khò khè" ra tiếng
Anh để ghi vào hồ sơ của bệnh nhân. Tất nhiên, ai cũng biết rằng
dịch là phản, và trong điều kiện lý tưởng người cha mẹ sẽ quan sát
con mình và suy nghĩ cũng như diễn tả bằng Anh ngữ cho người bác sĩ
biết. Mục đích câu chuyện ở đây là giúp cho các bậc cha mẹ hiểu
thêm về những tiếng phát ra từ đường hô hấp của con mình lúc cháu
bệnh và do đó góp phần nào vào việc chẩn đoán bệnh của cháu,
tường thuật những nhận xét của mình trong bất cứ ngôn ngữ nào.
Thế nào là "khò khè"?
Lúc cha mẹ cho biết
con mình hay "khò khè" ban đêm, phần đông nói cháu bị nghẹt mũi; niêm
mạc mũi sưng (do cảm hay dị ứng hay nhiễm trùng gì đó) làm cháu không
thở bằng mũi được nên há miệng ra để thở. Cùng lúc hơi thở đi qua
những đàm nhớt trong mũi và miệng tạo nên một âm thanh nhịp nhàng
đều đặn theo nhịp thở của cháu. Phần đông cha mẹ nghe cháu thở thắc
mắc không biết con mình có bị suyễn hay không và thường lúc bác sĩ
nghe phổi cháu bằng ống nghe sẽ phân biệt được giữa những âm thanh
phát xuất từ mũi và họng với những âm thanh phát xuất từ lồng
phổi trong bệnh suyễn.
Bác sĩ của cháu
cần phân biệt tiếng "khò khè" do nghẹt mũi với tiếng khò khè của
bệnh suyễn vì hai bệnh khác nhau và cách chữa trị cũng khác
nhau. Tầm
quan trọng cũng khác nhau vì bệnh suyễn nếu không kiểm soát kịp thời
và để nặng thêm lên có thể có những hậu quả trầm trọng như suy hô
hấp (bệnh nhân không đủ sức thở được nữa) và cần những biện pháp
trị liệu phức tạp ở phòng săn sóc đặc biệt.
Bệnh suyễn (Asthma)
Bệnh suyễn có
nhiều nguyên nhân gây ra và cùng một bệnh nhân có thể có nhiều yếu tố khác nhau góp lại để gây bệnh
suyễn, tưởng nên nhắc lại những số khái niệm về cơ cấu của hệ hô
hấp. Khi chúng ta thở vào, không khí đi vào mũi hoặc miệng, qua ống
khí quản (trachea) là cái ống cưng cứng, nằm chính giữa cổ, mà ta có
thể sờ được một cách dễ dàng, sau đó không khí được phân phối khắp
các vùng trong phổi nhờ những nhánh ống càng ngày càng nhỏ hơn, tủa
ra như hình những rễ cây. Những ống này gọi là phế quản (bronchi)
đem không khí đến những túi nhỏ ở tận cùng gọi là phế nan (alveoli).
Khi ta thở ra, không khí được đẩy ngược trở ra từ các phế nan và
thoát ra ngoài ở miệng hoặc mũi. Ðường kính của những phế quản nói
trên được điều chỉnh ở mức tối hảo để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Nói một cách giản dị, các phế quản phải được mở rộng vừa đủ để không
khí đi ra đi vào. Yếu tố này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố kiểm
soát, một số yếu tố làm nở cuống phổi, yếu tố khác ngược lại có
khuynh hướng làm co cuốn phổi lại. Ví dụ khi ta sợ sệt trước một tai
họa nào đó khiến ta phải "tranh đấu hoặc trốn chạy", tuyến thượng
thận tiết ra chất adrenaline nhiều trong máu để giúp ta đối phó với
các "stress" đó (fight or flight), một trong những tác dụng của chất
adrenaline là làm cho cuống phổi nở ra để chúng ta lấy hơi.
Trong trường hợp
người bị suyễn, cuống phổi nhạy cảm một cách bất bình thường và dễ
co thắt lại. Nếu cháu bé ngửi phải một chất làm cuống phổi khó
chịu, hoặc bị một bệnh siêu vi trùng (virus) nào đó hoặc ra không khí
lạnh làm nhiệt độ trong cuống phổi thay đổi đột ngột, các cuống
phổi sẽ thắt lại. Cộng thêm vào đó, những chất nhờn được tiết ra
nhiều và niêm mạc trong lồng cuống phổi sưng lên. Các biến cố này
làm cho lòng cuống phổi nhỏ lại rất nhiều và không khí đi qua một
cách khó khăn tạo nên một tiếng vi vu như tiếng sáo diều nếu áp tai
vào ngực bệnh nhân để nghe. Nếu suyễn nặng ta có thể nghe được mà
không cần dùng ống nghe, đó là tiếng khò khè mô tả ở trên (tiếng
Anh gọi là "wheezing").
Nếu cha mẹ bệnh
nhân hiểu được những nguyên tắc căn bản trên, sự quan sát bệnh
nhân sẽ dễ dàng hơn và người cha mẹ vì hiểu được tình hình có thể
tường trình với bác sĩ một cách trung thực hơn về hiện trạng con mình
(nhất là lúc liên lạc điện thoại) và hiểu được những nguyên tắc
điều trị thuốc men cho cơn suyễn.
Chữa bệnh suyễn
Nói chung nguyên
tắc điều trị bệnh suyễn là làm sao cho các phế quản (bronchi) đừng
hoặc bớt thắt lại và làm giảm bớt các chất nhớt làm nghẹt cuống
phổi. Thuốc thường được dùng nhất trước đây là theophylline, một
chất lấy từ trà mà ra. Những thuốc uống mang tên thương mại như
Theodur, Slobid thường được dùng cho trẻ em hiện nay vì dễ uống. Thuốc
này đắng nên người ta bào chế chúng dưới dạng những hạt nhỏ li ti
như những hạt đường cát đựng trong những viên nhộng (capsule) có thể
mở ra rưới lên món ăn sệt như ice cream, chè, apply sauce, v.v. Các
cháu ăn vào không thấy mùi vị gì khác thường cả. Trong những năm
gần đây, theophylline ít được dùng hơn trước nhiều vì có những phương
pháp mới an toàn và hữu hiệu hơn.
Một số thuốc khác
có tác dụng làm nở cuống phổi như Albuterol càng ngày càng được
dùng nhiều hơn (Ventolin, còn có tên là Proventil). Nếu con bạn dùng
các thuốc suyễn này bạn nên theo đúng liều lượng được bác sĩ quy
định rất chặt chẽ. Nếu bạn cho không đều đặn, sẽ có những lúc cơ
thể cháu không đủ thuốc và cháu có thể khò khè trở lại; nếu bạn
cho không đúng liều (như xài muỗng quá nhỏ) bệnh có thể không bớt.
Nếu sài quá liều có thể rất nguy hiểm vì nói chung những thuốc
suyễn hay gây ói mửa hoặc kích thích đứa trẻ quá độ. Một số thuốc
được xài dưới dạng xịt (dùng metered dose inhaler, hoặc nebulizer) đem
thuốc trực tiếp tới đường hô hấp của bệnh nhân nên tác dụng nhanh
và ít gây tác dụng phụ càng ngày càng trở nên thịnh hành, tuy
nhiên một lần nữa phải cẩn thận dùng đúng cách, dùng quá mức có
thể nguy hiểm.
Nói chung nếu bệnh
không thuyên giảm nên dùng điện thoại cho bác sĩ biết sớm để tính
toán lại liều lượng, hoặc đổi thuốc khác, hoặc đổi "chiến thuật"
trị liệu (như cho đi nằm nhà thương để truyền thuốc vào tĩnh mạch hoặc
vào săn sóc đặc biệt nếu bệnh nặng). Gần đây khuynh hướng dùng
những chất corticoid tăng dần và có vẻ như giúp cho bệnh nhân tránh
khỏi nhập viện trong lắm trường hợp. Những thuốc này cần phải được
bác sĩ theo dõi kỹ lưỡng lúc xài vì tác dụng phụ (side effects)
nhiều, và cha mẹ chỉ nên dùng đúng theo lời chỉ dẫn, đừng bao giờ tự
tiện xài theo thói quen.
Tuy nhiên cha mẹ
nên yêu cầu bác sĩ cho biết những bước tuần tự phải làm như cho
uống thuốc gì, xịt thuốc gì, bao lâu một lần nếu cháu đột ngột lên
cơn suyễn.
Croup: Tiếng ho như chó sủa
Trong một số trường
hợp, tiếng "khò khè" của em bé là một tiếng báo động cho cha mẹ bé
phải coi chừng. Trường hợp thường gặp trong mùa này là bệnh "croup".
Cháu bé thường chừng vài ba tháng đến 4-5 tuổi, ho một vài hôm, khan
tiếng và dần dần tiếng ho trở nên giống tiếng sủa của chó con
("barking cough"). Mỗi lần cháu thở vào sẽ nghe tiếng "cót, cót"
tiếng Anh goi là "stridor" phát ra từ họng của cháu. Phần lớn bệnh
này, do virus gây ra và trị liệu chủ yếu là cho cháu xông nước nóng
ở nhà. Tuy nhiên, nếu cháu nặng, còn nhỏ (bé năm sáu tháng) hoặc
khó thở, tiếng kêu "cót, cót" liên tục thường phải uống thuốc giảm
sưng hoặc cho vào nhà thương theo dõi và trị bệnh.
Một số cháu bị
"croup" nhưng sốt cao, bệnh tình trầm trọng gấp rút do nhiễm trùng vi
trùng Hemophilus influenza (H.flu) làm sưng một bộ phận trong họng và
nghẽn đường hô hấp. Bệnh này gọi là epiglottitis, nghĩa là viêm
epiglottitis, là một trong những trường hợp khẩn cấp trong nhi khoa, cha
mẹ cần phải đối phó nhanh, đừng chần chờ đợi đến phiên hẹn với
bác sĩ mới đem đi khám. Thường các cháu bị epiglottitis tương đối đã
được 3-7 tuổi. Nếu cháu được chủng ngừa lúc 15 tháng tuổi chống H.
flu thì nguy cơ bị bệnh này giảm đi rất nhiều. Cũng nên nhớ nhờ chích
DPT nên bệnh sưng yết hầu (diphteria) rất hiếm ở xứ này.
Nói tóm lại, "khò khè" ở trẻ con là một tiếng bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau, từ tiếng "khụt khịt" của bé nghẹt mũi, tiếng vi vu (wheezing) của cháu bị suyễn đến tiếng "cót cót" của cháu bị sưng thanh quản (dây nói, vocal cords) trong bệnh croup. Mỗi bệnh tình có mức khẩn cấp khác nhau. Nếu cha mẹ tập tìm hiểu và "thưởng thức" được các âm thanh khác nhau này lắm khi giúp cho cháu bé chữa trị đúng mức và kịp thời. Ða số các cháu sẽ thoát khỏi những vấn đề này lúc lớn lên và không bị những biến chứng lâu dài về sau.
BS HỒ VĂN HIỀN Falls Church, Virginia. 5 tháng 12, 1996
&