Bài 4
Chất sắt và bệnh thiếu máu
Tục truyền đời
Hùng Vương thứ 6, giặc Ân bên Tàu sang đánh phá nước ta, thế giặc
rất mạnh, không ai chống lại nổi. Làng Phù Ðổng có một cậu bé đã sáu
tuổi vẫn chưa biết đi biết nói, nghe lời sứ nhà vua rao tìm người
giúp nước bèn nói được và xin nhà vua một con ngựa sắt cùng với
một cây gậy sắt. Cậu bé ăn một bữa cơm thịnh soạn, vươn vai thành
người? khổng lồ và cỡi ngựa cầm
roi đi dẹp giặc.
Chuyện Thánh Gióng
làng Phù Ðổng có thể là một chuyện ngụ ngôn xét về phương diện y
khoa. Nói một cách khác, đây là một cậu bé chậm phát triển về thể
chất cũng như về tâm lý (physical and psycholosical delay) không đi
được, không nói được, bỗng nhiên nhờ tác dụng của chắt sắt trở
nên mạnh mẽ, thông minh và trở thành một con người giúp ích cho xã
hội.
Thật ra đối với
người bình thường, chúng ta không cần phải có nhiều sắt như vậy.
Trong cơ thể của một người trưởng thành có chừng 3500 milligram sắt,
nghĩa là tương đương với lượng sắt trong một cây đinh tuy nhiên lượng
sắt đó rất quan trọng, và ảnh hưởng đến hầu như mọi mặt của sinh
lý (physiology) của chúng ta.
Sắt nhiều nhất ở
trong máu. Như chúng ta đã biết, máu chúng ta có nhiệm vụ đem các
chất dinh dưỡng cũng như đem dưỡng khí (oxygen) đến các bộ phận trong
cơ thể, nếu máu không đến một bộ phận nào thì bộ phận đó sẽ không
làm việc được và chết; nếu máu đến không đủ thì bộ phận sẽ làm
việc kém đi. Ðặc biệt bộ óc chúng ta dùng rất nhiều chất dinh dưỡng
và dưỡng khí (oxygen) để làm việc như suy nghĩ, học hành, điều khiển
các bộ phận khác của cơ thể, vân vân . Sở dĩ máu chuyên chở được
oxygen là nhờ những hồng cầu (red blood cells) là những tế bào hình
dĩa, tương tự như những chiếc thuyền chở oxygen xuôi ngược trong dòng máu
của chúng ta đem oxygen phân phối khắp nơi trong cơ thể. Cơ thể cần
phải có sắt thì mới tạo nên được các hồng cầu (red cell) đó. Nếu
thiếu sắt, các hồng cầu đó sẽ bé nhỏ hơn bình thường, nhợt nhạt hơn
bình thường và làm việc kém hơn, số lượng chúng cũng sẽ kém đi: lúc
đó ta thường gọi bệnh nhân bị "thiếu máu", nói theo danh từ khoa học
là bệnh bần huyết (bần = nghèo; huyết = máu; anemia).
Có nhiều nguyên do
gây bệnh thiếu máu, nhưng thiếu máu do thiếu sắt là thường gặp
nhất. Người Việt chúng ta ngoài ra lại thường mắc một số bệnh làm
hồng cầu rất dễ vỡ, nên đôi khi bệnh thiếu máu lại càng nặng hơn.
Ở Việt Nam, một số ký sinh trùng như sán móc (ancylostoma) làm mất
máu kinh niên và có thể thiếu rất nhiều sắt, bệnh nhân thiếu máu
nặng.
Trẻ con ở xứ ta
thiếu sắt trong thực phẩm vì lắm khi chúng không được ăn uống đầy
đủ. Nếu ăn uống đầy đủ về lượng thì đôi khi thiếu về phẩm. Hầu
hết trẻ con hiện nay không có đủ sữa mẹ để bú, phần lớn được nuôi
bằng sữa đặc có đường, đôi khi bằng nước cháo. Những cháu này sẽ
bị thiếu sắt trầm trọng mặc dù trong ba bốn tháng đầu cháu có vẻ mạnh
giỏi vì cháu còn dự trữ một số sắt do người mẹ truyền qua. Cho nên
ở Việt Nam thiếu máu do thiếu chất sắt đi kèm theo những triệu chứng
khác của bệnh suy dinh dưỡng do thiếu ăn. (suy dinh dưỡng tổng quát).
Ở Mỹ, hiện tượng
thiếu ăn ít khi xảy ra, tuy nhiên vẫn rất nhiều trẻ thiếu máu vì
những thức ăn của chúng không chứa đủ chất sắt. Một số lớn trẻ
con sau khi đổi qua uống sữa bò lúc cháu được một tuổi trở nên bạc
nhược, chậm chạp, dễ mệt mỏi, biếng ăn. Phần đông trẻ con thiếu
máu nhẹ không có triệu chứng rõ rệt, chỉ chậm lên cân và hơi có
vẻ xanh xao. Nói chung sắc diện xanh xao là một dấu hiệu của bệnh
thiếu máu; nhiều khi cha mẹ bệnh nhân để ý thấy con mình không được
hồng hào như trước và cho cháu đi khám và giúp cho bác sĩ phát hiện
ra bệnh. Tuy nhiên nhận xét của cha mẹ cũng như của bác sĩ dựa trên
màu da của cháu đôi khi cũng không chính xác; định bệnh chính xác cần
phải dựa trên thí nghiệm (test) đo số lượng hemoglobin hoặc lượng hồng
cầu (red cells) trong máu em bé. Với những máy móc tân tiến hiện nay,
thí nghiệm này chỉ cần lấy một giọt máu từ đầu ngón tay hoặc gót chân
và sau ba phút đã biết kết quả.
Cũng như trong hầu
hết trường hợp trong y khoa, phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh. Trong
ba tháng đầu, như trên đã nói, em bé còn dự trữ sắt từ máu người
mẹ truyền qua lúc còn trong bụng mẹ, cho nên trong khoảng thời gian
này, bé không cần thêm sắt trong thức ăn uống, trừ trường hợp
những cháu sinh thiếu tháng. Sau đó, cháu cần thêm chất sắt cho nên
tốt hơn hết là cho cháu bú những formula có thêm sắt (iron fortified
formula). Sữa mẹ chứa ít sắt hơn các formula, tuy vậy sắt trong sữa mẹ
rất tốt và rất dễ hấp thụ vào máu của em bé cho nên bé bú sữa
mẹ được cung cấp đầy đủ chất sắt, với điều kiện người cho con bú
được ăn uống đầy đủ và có lượng sắt cần thiết trong cơ thể mình.
Cho nên người mẹ phải ăn những chất có nhiều sắt như thịt, gan sẽ
bàn tới về sau này.
Khi bé được chừng
sáu tháng và bắt đầu ăn bột (cereal), các cereal trên thị trường
thường được thêm nhiều chất sắt.Trước đây ở Mỹ người ta cho các
cháu bé ăn lòng đỏ trứng gà tương đối sớm vì tròng đỏ trứng gà
chứa nhiều chất sắt, tuy nhiên gần đây người ta thấy rằng sắt trong
trứng gà hấp thụ kém (nghĩa là khó đi vào máu đứa trẻ) và hột gà
lại chứa nhiều cholesterol cho nên nên cho bé ăn trứng chậm hơn
trước, khoảng 8-9 tháng và không quá 3 trứng một tuần.
Khi cháu thôi nôi,
qua một tuổi, thường ngưng không bú formula nữa và tại Mỹ các cháu
bú sữa bò nhiều và ăn những thức ăn của người lớn. Sữa bò mua
từng gallon ở các chợ thực phẩm chứa rất ít sắt. Những cháu ăn ít
bú nhiều cơ thể bị thiếu máu vì cơ thể không đủ sắt. Nếu cháu không
ăn thịt, gan, trứng nên xem cháu có bị thiếu máu hay không và nên
hỏi bác sĩ cháu xem cần cho cháu uống thêm sắt hay không.
Lứa tuổi dậy thì
(puberty) là một giai đoạn cần thêm nhiều sắt. Người thiếu niên lớn
vọt hẳn lên, nhu cầu về sắt gia tăng. Riêng người thiếu nữ bắt đầu
có kinh nguyệt (periods) và mất một số máu đều đặn hàng tháng, nghĩa
là mất một lượng sắt cần đền bù bằng thực phẩm có chứa sắt. Nếu
các cô các cậu kém ăn hoặc muốn "diet", có thể bị thiếu máu dễ
dàng.
Tóm lại, cơ thể chúng ta rất cần sắt, nhất là ở trẻ con đang lớn và ở tuổi dậy thì. Thực phẩm có sắt như thịt, gan, trứng mang lại chất sắt cần thiết. Một số mễ cốc, rau cải cũng có nhiều sắt nhưng ruột khó hấp thụ sắt từ cây cỏ (thực vật) hơn. Thuốc chứa chất sắt rẻ và mua dễ dàng không cần toa. Ngừa bệnh thiếu máu vì thiếu sắt tương đối ít tốn kém và đơn giản, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải ý thức được vấn đề để phòng ngừa. Các cháu sẽ tăng trưởng tốt hơn, trí tuệ phát triển bình thường, và ít bệnh tật hơn nếu chúng ta để ý tới chứng bệnh suy dinh dưỡng này, vẫn còn rất thường gặp tại Mỹ.