Bài 1
1986
- 1996
MỘT THẬP NIÊN VIẾT VỀ NHI KHOA
Cách đây gần mười
năm, tôi bắt đầu viết những bài bàn về cách săn sóc, nuôi dạy
trẻ em và bàn về những điểm đặc biệt của nền y tế Hoa Kỳ. Mục đích
của những bài báo này là để giúp cho những người cha mẹ người Việt
chúng ta thông hiểu về những vấn đề chúng ta thường gặp phải lúc
nuôi con ở Hoa Kỳ, những khác biệt về hai nền văn hóa có thể can
thiệp vào công cuộc nuôi và dạy trẻ. Một số những bài báo cũng
có mục đích hướng dẫn đọc giả tìm hiểu về những vấn đề y học mới
được phát hiện như bệnh AIDS ở trẻ em, hoặc những vấn đề đang được
tranh luận, thay đổi do những tiến bộ mới, kiến thức mới trong y khoa.
AIDS
Có
lẽ vấn đề được chú ý nhiều nhất trong vòng mười năm nay là sự
xuất hiện của bệnh AIDS. AIDS viết tắt "Accquired Immuno-deficiency
syndrome" có nghĩa là hội chứng do mắc phải tình trạng thiếu miễn
dịch. Tiếng Anh gọi là AIDS, tiếng Pháp hoặc Spanish gọi là SIDA
(syndrome immuno-deficitaire acquis), có lẽ nghe dễ hiểu hơn là dịch ra
tiếng Việt. Nói sơ lược, AIDS là một bệnh mắc phải, do siêu vi trùng
HIV gây ra, làm cho hệ thống miễn dịch (có nghĩa là hệ thống phòng
thủ) của cơ thể ta yếu hẳn đi. Vì cơ thể không chống nổi những tấn
công thông thường của các vi trùng, các loại nấm, các ký sinh trùng
bình thường "chung sống hòa bình" với chúng ta, người bệnh sẽ bị mắc
phải một số chứng nhiễm trùng thường rất ít khi thấy ở người bình
thường. Lúc đầu phần lớn những người bệnh AIDS thường thuộc về một
trong bốn loại người bắt đầu bằng chữa H: Homoxexuals (đồng tính luyến
ái), Hemophiliacs (người bị bệnh huyết hữu, nghĩa là bệnh làm máu
không đông), Haitians (người gốc Haiti) và những người chích thuốc ma
túy (Heroin) vào tĩnh mạch.
Chỉ
vài năm sau, dịch học của bệnh AIDS thay đổi hẳn một cách bất ngờ.
Những người đồng tính luyến ái ít bị mắc AIDS hơn trước vì được những
cơ quan y tế công cộng và những hội ái hữu của họ cảnh cáo và phổ
biến những biện pháp phòng ngừa. Những phòng tắm hơi công cộng của
dân "gay" ở California bị đóng cửa, người "gay" đứng trước đe dọa của
bệnh AIDS trở nên ít "lang chạ " hơn trước và áp dụng những biện
pháp ngừa bệnh như dùng "áo mưa" (condom) một cách rộng rãi hơn.
Những
người bị bệnh huyết hữu (hemophiliac) thường mắc vi trùng HIV do những
sản phẩm giúp đông máu mà họ phải dùng thường xuyên. Những người
bệnh này thiếu một hoặc nhiều chất trong máu làm cho máu họ không
ngưng chảy lúc họ bị thương tích. Nguyên do là vì di thể của họ bị một
khuyết tật (genetic defect) làm cho cơ thể họ không tổng hợp được
những chất giúp cho cục máu đông lại. Những máu mà người bị huyết
hữu chích thường xuyên được bào chế từ máu của những người đông
máu bình thường. Rất tiếc, một số người cho máu (blood donor) lại là
dân chơi bời hoặc ghiền chích ma túy. Những người này có thể mang
virus HIV trong máu và những sản phẩm bào chế từ máu của họ cũng
nhiễm virus HIV.
Những
biện pháp thanh lọc các người cho máu làm cho những trường hợp nhiễm
HIV vì truyền máu hoặc vì chích thuốc trị bệnh huyết hữu càng ngày
càng ít đi.
Trong
lúc đó càng ngày, bệnh càng lan ra những nhóm mới và xuất hiện những
nơi mới. Lúc đầu, mọi người cứ tưởng đây chỉ là một bệnh dành
riêng cho dân "ăn chơi", đồng tính luyến ái. Một số người cho AIDS là
một loại hình phạt trời giáng xuống những kẻ tội lỗi và không dính
dáng gì đến mình.
Thực
tế xảy ra khác với dự đoán. AIDS lan tràn không còn giới hạn trong
những nhóm bệnh nhân ban đầu, một số phụ nữ bị người tình hoặc
chồng truyền bệnh qua mình. Những phụ nữ này lại truyền bệnh cho bào
thai và đứa bé sinh ra mắc bệnh AIDS bẩm sinh. Những đứa trẻ này là
những trường hợp tuyệt vọng, chữa trị tốn kém ngân quỹ công cộng
mà không đem lại một kết quả gì cho các cháu.
Lúc đầu, người ta
nghĩ rằng một số dân như dân Á Ðông không bị AIDS, rất tiếc thực tế
phủ phàng hơn. Nạn AIDS đang đe dọa một số nước Á Châu như Ấn Ðộ,
Thái Lan. Ở Thái Lan, một xứ có dân số cỡ Việt Nam, số người bị
nhiễm bệnh AIDS lên tới gần triệu người. Việt Nam nếu học đòi nếp
sống xô bồ của Thái Lan để kiếm đô la từ du khách ngoại quốc chắc
cũng đi vào con đường tương tự.
Mối
đe dọa đối với cộng đồng Việt Nam nếu chúng ta không ý thức được
nguy cơ của bệnh AIDS tại một số nước Á Châu, một số thanh niên đi
du lịch tìm thú giải trí sẽ có thể mắc bệnh chết người, hại cho mình,
hại cho vợ con và những người gần gũi với mình nữa. Chúng ta là
những người từng trải qua một cuộc vượt biên nguy hiểm, một số
người trẻ trong chúng ta có thể vẫn còn giữ tinh thần liều lĩnh, bạt
mạng, bất cần đời không thích hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Bài
học của bệnh AIDS là dù ở cuối thế kỷ thứ 20, mặc dù những ảo
tưởng lúc các thập niên 1960, 1970 cái gọi là "safe sex" vẫn chưa
thực hiện được. Mặc dù các cuộc vận động quần chúng để ngăn ngừa
truyền hình qua đường tình dục (sexually transmitted diseases), những
thuốc trụ sinh mới, những dụng cụ đa dạng như "condom" cho đàn bà,
"sex" vẫn nguy hiểm như thường. Trong xã hội này, rao giảng luân lý
là một việc ít được khuyến khích và lắm khi bị chế diễu. Tuy nhiên
nếu học đường không dạy, sách vở không dạy và truyền hình, phim ảnh
rao giảng chủ thuyết cho rằng mọi lối sống đều có giá trị như nhau,
cuối cùng chỉ còn có gia đình là phải nhận lãnh lấy trách nhiệm
giáo dục con cái theo các giá trị tinh thần mà mình tin tưởng mà
thôi.
Bệnh ăn thịt người
Ngoài
AIDS ra, một số bệnh nhiễm trùng làm cho dư luận ở Mỹ sôi nổi trong
vòng mấy năm qua.
Bệnh
được các báo chí khai thác nhiều là bệnh thường được gọi "Bệnh ăn
thịt người" (Flesh eating disease). Một số trường hợp nặng, bệnh nhân
bị vi trùng ăn sâu dưới da (fat and fascia). Trường hợp một chính trị
gia nổi tiếng của phong trào Quebec tự trị ở Canada mắc bệnh này suýt
chết và cuối cùng mất một chân vì bệnh này làm cho dư luận càng sôi
nổi hơn.
Thật
ra đây là một bệnh cũ chứ không phải mới, mặc dù gần đây y giới
để ý nhiều hơn và báo cáo về bệnh này thường hơn. Tên chính thức
của bệnh "necrotizing fasciitis", nghĩa là viêm gân gây hoại thư, làm
chết, làm hủy hoại các lớp gân dưới da. Thường người bệnh bị một
vết thương nào đó ngoài da (do trái rạ, bị trầy trụa, hoặc do sinh đẻ
.), vết thương này làm cửa ngỏ đi vào của vi trùng Streptococcus loại
A (group A streptococcus). Vết thương là ở tay, chân sưng lên, chảy nước
trong những bong bóng da, trở nên bầm tím. Bệnh cần được chữa trị
nhanh chóng, kết hợp giải phẩu, mở rộng vết thương và cắt xén các
mô (tissues) chết và trụ sinh (antibiotics) ào ạt vào tĩnh mạch. Chữa
không kịp thời, bệnh nhân chết lẹ làng vì kích xúc (toxic shock
syndrome).
Trong
không khí ti-vi, báo chí ở Mỹ hiện nay, mọi chuyện dù lớn nhỏ đều
có thể khai thác thành chuyện giật gân, rùng rợn ăn khách. Chúng ta
không nên quá hoảng sợ trước những trường hợp "bệnh ăn thịt người"
được trình chiếu trên tivi hay trên báo. Tuy nhiên, cũng nên "đề cao
cảnh giác". Nếu có vết thương chảy mủ không lành mau chóng, hoặc nếu
tay chân bị sưng, đau đáng kể nhất là kèm theo sốt nóng, mệt mỏi thì
chúng ta nên nhờ bác sĩ khám sớm hoặc nếu cần đi phòng cấp cứu
chữa trị gấp nếu có những dấu hiệu bệnh càng lúc càng nặng.
Nai và người
Mười
năm qua một số bệnh cũng đã được phát hiện, làm cho những kể yêu
thiên nhiên, ưa đi lang thang trong rừng, hoặc cấm trại, "ngủ bờ, ngủ
bụi" phải cẩn thận hơn trước.
Bệnh
Lyme (Lyme disease) là một bệnh truyền từ các con bọ chét (tick) sống
trên thân thể loài nai. Mấy năm gần đây, do khuynh hướng bảo vệ môi
trường thiên nhiên, ở Mỹ người ta trồng nhiều cây hơn và những khu
gia cư mới có khuynh hướng dành những khoảng rộng từ hai acres trở
lên chung quanh nhà để trồng cỏ, trồng cây thấp. Những khoảng trống
này rất thuận lợi cho loài nai sinh sôi nảy nở. Mặt khác không có
thú dữ (như chó sói, sư tử ) để diệt bớt các loài nai này. Người ta
thì ngại săn bắn các "Bambi" được trẻ nhỏ yêu mến, hơn nữa săn bắn
trong các khu gia cư, dù thưa thớt cũng nguy hiểm.
Do
đó nai sinh sản nhiều, phá hại cây cối cũng nhiều. Tick của nai cắn
các dân thích ngoạn cảnh, cắm trại và truyền bệnh Lyme. Người bị
bệnh nóng sốt, nổi mẫn đỏ (rash) càng lúc càng lan rộng ra. Sau đó
một số bệnh nhân có thể mệt mỏi, đau nhức khớp xương kinh niên. Một
số bị chứng sưng màng óc (meningistis), liệt dây thần kinh (paralysis) .
Nếu biết bệnh sớm, chữa sớm thì đỡ rắc rối.
Hiện
nay cứ đến gần hè là báo chí lại nhắc đến bệnh Lyme, đến các con
bọ chét của loài nai để thiên hạ cẩn thận.
Bài
học thực tế của chúng ta là : Sau khi đi chơi công viên, rừng cây,
phải coi lại áo quần trong chúng ta hoặc các em bé xem có bị con
"tick" nào bám vào không. Thứ hai nếu thấy mẩn đỏ hiện lên ngoài
da, càng ngày càng lan rộng nên đi khám bác sĩ của bạn. Ngược lại
không phải ai bị đau nhức khớp xương ít nhiều đều bị bệnh Lyme. Không
nên đòi bác sĩ thử nghiệm nhiều quá không cần thiết và tốn kém.
Chuột và người.
Người
Việt Nam chúng ta không ai lạ gì chuột. Khi qua Mỹ có lẽ phần lớn
chúng ta đã giã từ những chú chuột và chắc không bao giờ bị những
bệnh hiểm nghèo từ chuột như bệnh dịch hạch, bệnh typhus. Tuy nhiên
từ năm 1993, ở Mỹ xuất hiện một số trường hợp từ trẻ em đến người
lớn bị sốt đột ngột, sưng phổi (pneumonia), ngộp thở (suy hô hấp =
respiratory disstress) và có thể chết. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở
miền tây nam Hoa Kỳ (vùng California) và gần đây lẻ tẻ ở Virginia.
Bệnh nhân nhiễm một con siêu vi trùng lạ tên là hantavirus. Con virus
này sống trên mình một loại chuột tên là "deer mouse" (tên khoa học
Peromyscus maniculatius, "chuột nải"). Bài học nên rút tỉa là nên
tránh xa các loài gậm nhấm (rodents) và phân, nước tiểu (excreta) của
chúng. Ði cắm trại, đừng ngủ gần hang chuột. Bạn vào một ngôi nhà,
một cái garage, một cái hầm nhà (basement) lâu ngày đóng kín, không
người ở, bạn nên để cửa mở thoáng khí ít lắm một tiếng đồng hồ
mới bắt đầu sinh hoạt tại đó. Những chỗ bụi bậm đừng ham quét dọn
vội vì phân, nước tiểu đã kho của chuột sẽ bay trong không khí và
bạn hít vào phổi. Phải xịt thuốc sát trùng lên trên bụi bặm rồi
mới quét dọn và phải cẩn thận.
Ebola
Chắc
đến đây, bạn sẽ nhắc tới virus Ebola, con siêu vi trùng gây chết
chóc ở châu Phi. Tuy nhiên Ebola cũng không xa chúng ta lắm, chỉ một
chuyến bay nữa ngày là tới Mỹ. Ngay tại thành phố Reston gần chúng
ta một dịch do Ebola suýt xảy ra khi một số khỉ dùng trong thí nghiệm
khoa học đem từ ngoại quốc vào bị nhiễm virus này và bị chặn đứng kịp
thời. Chuyện này là một đề tài của cuốn phim ăn khách "Outbreak"
nói về đe dọa của các siêu vi trùng trên nền y tế toàn cầu. Tuy
nhiên chúng ta không nên bi quan quá. Ðành rằng cuộc chiến đấu chống
siêu vi trùng, vi trùng là một cuộc chiến đấu trường kỳ, tốn kém
và nhiều hy sinh (một khoa học gia đã thực sự hy sinh tính mạng),
chúng ta cũng có những chiến thắng ngoạn mục cần kể sau đây. Như
bệnh đậu mùa (small-pox), khác với bệnh trái rạ là chicken-pox. Bệnh
đậu mùa đã bị xóa hẳn trên bản đồ thế giới. Hiện nay chỉ còn hai
nơi chứa con vi khuẩn này trong phòng thí nghiệm. Một ở Nga (Russia) và
một ở Mỹ. Giới khoa học còn do dự, chưa biết có nên "dứt điểm"
tiêu diệt con virus này hay không, để tránh hậu họa về sau. Chiến
thắng thứ hai là bệnh sưng màng óc, nhiễm trùng máu, sưng phổi nơi
trẻ em do vi trùng tên hemophilus influenza (gọi tắt là H. flu) gây
nên. Do chủng ngừa hàng loạt trẻ em từ hai tháng trở lên trong vòng
gần mười năm qua, các bệnh do vi trùng này gây ra giảm xuống hẳn ở
Mỹ. Hiện nay trẻ con ở vùng này hiếm khi bị sưng màng óc, bị ngộp
thở chết vì vi trùng H. flu này.
Loét bao
tử
Một
"chiến thắng" nữa đang làm cho bệnh nhân phấn khởi là trường hợp
bệnh lở loét bao tử và đầu ruột non (gastric and duodenal ulcer). Từ
trước đến nay người ta vẫn nghĩ bệnh này do bao tử tiết ra quá nhiều
chất acid ăn loét vào màng nhầy (mucosa) lót trong bao tử hoặc ruột.
Chỉ mấy năm gần đây một bác sĩ ở Virginia mới chứng minh được là
một số lớn bệnh bao tử do một vi trùng tên helicobacter gây ra. Do
đó, hiện nay người ta dùng thuốc trụ sinh (antibiotic) để trị các bệnh
bao tử nhiều hơn trước, với kết quả khả quan hơn. Trường hợp này cho
thấy kiến thức y khoa thay đổi liên tục, một số giáo điều trong y
khoa bị xét lại. Y giới cũng có những thành kiến thủ cựu của mình
và những gì đúng ngày hôm nay có thể ngày mai được chứng minh hoàn
toàn sai; hoặc trường hợp ngược lại.
Kết luận
Những
câu chuyện trên bàn về cuộc chiến đấu của y học với những bệnh
nhiễm trùng. Thực tế chúng ta rút được những kết luận gì ?
Thứ nhất, những bài học vệ sinh mà ta học ở mẫu
giáo vẫn còn đúng. Phải rửa tay sau khi đi tiêu tiểu, trước khi ăn.
Thứ hai, "sex" vẫn là một sinh hoạt chứa nhiều bí
ẩn và nguy hiểm. Nên cẩn thận về "casual sex", tức là tính dục bừa
bãi.
Thứ ba là tránh đụng tới những gì mà chúng ta
chưa thấu hiểu (như thức ăn lạ, thuốc lạ, chơi với những con thú
lạ), nên cẩn thận nếu quyết định mạo hiểm (cũng áp dụng với trường
hợp thứ hai ở? trên)
Thứ tư là nên nhớ phòng bệnh hơn chữa bệnh,
chủng ngừa bệnh là điều bắt buộc và là biện pháp hữu hiệu hơn hết
để tránh bệnh tật.
Thứ năm, do thất vọng với một số khía cạnh của nền y khoa tân tiến, một số người bắt đầu đả kích nền y khoa chính thống Hoa Kỳ, nghi ngờ những thành quả của y học như thuốc trụ sinh, thuốc chủng ngừa và trở về với thuốc bắc, thuốc nam (herbal medicine). Bi quan quá, thụ động quá có thể làm người bệnh không được chữa trị kịp thời, đôi khi nguy hiểm tới tính mạng.
BS Hồ Văn Hiền
26-1-1996
&