Bài 9
KHI EM BÉ VÀO PHÒNG CẤP CỨU
Ở Việt Nam, đêm
hôm em bé bệnh thường chỉ có nước vào phòng ngoại chẩn hoặc phòng
cấp cứu của bệnh viện gần nhất. Phần lớn các phòng cấp cứu này do
sinh viên y khoa phụ trách dưới sự giám sát của các nội trú sinh
viên y khoa xuất sắc đang học năm cuối của học trình y khoa bác sĩ
hoặc đang ở lại trường y khoa để học xa thêm nữa.
Ở Mỹ cách tổ chức
có khác, bác sĩ nhi khoa (pediatrician) chuyên về trẻ con và thanh
thiếu niên, bác sĩ gia đình (family physician) hoặc bác sĩ y khoa tổng
quát đều? cùng chia xẻ trách nhiệm
săn sóc sức khỏe cho các cháu và khám bệnh các cháu trong giờ làm
việc tại phòng mạch, sau giờ làm việc nhờ hệ thống điện thoại cũng
như liên lạc viễn thông như "beeper", điện thoại xe hơi, người
bệnh hầu như lúc nào cũng có thể liên lạc với bác sĩ riêng của
mình hoặc bác sĩ của con mình một cách dễ dàng được hướng dẫn thích
đáng. Ví dụ con bạn bị nóng, bạn có thể điện thoại cho bác sĩ và
báo cáo tình hình của em bé: bé nóng bao nhiêu, nóng từ bao giờ, tại
sao tình trạng cháu làm bạn lo ngại khác những lần trước cháu nóng
thông thường, vân vân. Nếu bác sĩ cảm thấy cháu không nặng lắm có
thể bác sĩ sẽ khuyên bạn cho cháu uống thuốc hạ nhiệt như Tylenol,
cho cháu uống nước trái cây rồi ngày mai xem lại cho cặn kẽ. Ðôi
khi, cha mẹ em bé cảm thấy một điểm gì không ổn như cháu có vẻ đờ
đẫn hơn mọi hôm, hoặc có vẻ yếu lả đi hoặc cháu có những triệu
chứng đáng ngại như nhiệt độ rất
cao, ói mửa không dứt, lúc đó có
lẽ tốt hơn hết nên đem cháu vào một phòng cấp cứu bệnh viện gần
nhất để đánh giá tình trạng em bé chính xác hơn và kịp thời hơn.
Ở đây chúng ta nên
bàn thêm về sự liên lạc giữa bác sĩ và cha mẹ em bé trong những
trường hợp cấp cứu loại này. Thứ nhất, chúng ta đang ở Mỹ và đối
với một số không nhỏ trong chúng ta trở ngại ngôn ngữ sẽ là một
vấn đề rất đáng kể. Hầu hết cha mẹ đều nói tiếng Anh được. Nhưng
lắm khi có thể gây ra sai lạc vì chúng ta nói tiếng Anh được nhưng
không đủ khả năng nói một cách lưu loát để trình bày một trạng
huống về y khoa một cách mạch lạch để người bên kia đầu dây điện
thoại đánh giá được trạng thái của em bé. Mặt khác tài liệu phổ
biến kiến thức y học bằng tiếng Việt tại xứ ta cũng như tại Mỹ
tương đối hiếm, nói chung chúng ta xa lạ với các từ y học và thường
dùng những từ kém chính xác. Mẹ của một em bé có thể gọi bác sĩ
của cháu lúc nửa đêm và cho biết: "Con tôi khó thở, sốt mê man
và mặt mày tím ngắt, mấy hôm nay cháu chẳng ăn uống gì cả".
Nếu hiểu theo nghĩa đen của câu nói trên, bác sĩ ắt cho rằng em bé
phải sốt cỡ 104-105 độ trở lên, không phản ứng, nằm bất động mê
man và có thể cháu ngộp thở hoặc sưng phổi gì đây nếu máu thiếu
dưỡng khí và do đó mặt mày tím ngắt; ngoài ra bác sĩ còn phải lo
không biết làm sao mẹ cháu lại cho cháu nhịn đói nhịn khát hai ba
ngày mà không cho cháu đi khám sớm hơn. Tất nhiên bác sĩ chẳng còn
đường nào khác ngoài việc gọi cháu vào phòng cấp cứu cho người ta
định tình hình bệnh của cháu và điều trị khẩn cấp. Vào nhà thương,
bác sĩ phòng cấp cứu khám xong, thử máu cẩn thận rồi cho về. Trường
hợp này có lẽ em bé chỉ nghẹt mũi nên thở khì khì và bứt rứt khó
chịu, cháu nóng nên mẹ cháu quýnh lên mặc áo đắp chăn năm ba lớp
sợ cháu bị "trúng gió" nên cháu càng nóng hơn nữa và mặt
mày đỏ bừng mà mẹ cháu mô tả là "tím ngắt", hoặc cháu hơi
nhợt nhạt vì ăn uống kém mấy hôm nay.
Cho nên lắm khi theo
thói quen chúng ta dùng những chữ mà trong lời nói hằng ngày có
nghĩa khác với nghĩa được hiểu trong bối cảnh y
khoa. Những chữ như
"khó thở", "mặt tím" nếu dịch theo đúng danh từ y
khoa là "dyspnea", "cyanosis" làm cho người bác sĩ nghĩ
đến những bệnh trạng trầm trọng hơn nhiều. Những chữ thông thường
như "khò khè", "mệt", "làm kinh",
"nóng", "lạnh tay chân", "mê man",
"bón" v...v... cũng được dùng rất là lỏng lẻo tùy theo từng
người, và bác sĩ lắm khi phải điều tra hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới
biết thật sự cha mẹ bệnh nhân muốn nói gì. Cộng thêm vào đó, trở
ngại ngôn ngữ giữa một người nói tiếng Việt và một người nói
tiếng Anh thì bạn sẽ thấy hiểu lầm tới mức nào. Cho nên đành rằng
bác sĩ của bạn sẽ cố gắng hiểu đúng những gì bạn nói, ngược lại
bạn cũng phải cố gắng nói mạch lạc chỉ dùng những từ mà mình hiểu
rõ nghĩa và nên để ý xem bác sĩ có hiểu đúng ý bạn nói không. Ví
dụ bạn muốn nói con bạn bị làm kinh và dùng chữ "seizures"
thì cũng nên tả cho bác sĩ biết cháu có những động tác bất thường
như thế nào, méo mặt, giật tay chân ra sao, sắc mặt như thế nào lúc
biến cố xảy ra để biết chắc rằng bác sĩ nắm rõ điều bạn diễn tả.
CBC và SPINAL TAP
Lý do thường nhất
làm cha mẹ đem con tới phòng cấp cứu là các bệnh "nóng".
Thường cháu được khám từ đầu tới chân sau khi bác sĩ thăm hỏi cha
mẹ và sau đó bác sĩ cho làm một số thử nghiệm.
Thông thường nhất
là thử nghiệm "CBC", viết tắt của "complete blood
count". Ðại khái người ta đếm xem trong một đơn vị thể tích máu
(millimet khối) có bao nhiêu hồng cầu (red bood cells), và xem các bạch
cầu này thuộc loại gì (phần này gọi là "differential"). Các
bạch cầu có nhiệm vụ phòng thủ cơ thể, nếu có nhiễm trùng ở đâu
đó thì thường thường số lượng bạch cầu tăng lên nhiều, tương tự như
trường hợp bạn đến một xứ đang chiến tranh thì đâu đâu cũng thấy
rất nhiều lính tráng, v...v... (đây chỉ là một cách giải thích đơn
giản cho dễ hiểu, chúng tôi có tham vọng giảng bài về y khoa trong
bài này). Có lúc bạn sẽ thấy người ta rút nguyên cả ống máu của
bé, thường để đem đi cấy (culture): máu này được đem đi ủ trong một
máy hấp có đủ chất dinh dưỡng cho vi trùng, nếu trong máu bé có vi
trùng, các vi trùng này sẽ mọc ra để người ta xem nó là loại gì,
chịu thuốc nào. Ðôi khi người ta nghi cháu có thể bị sưng màng óc và
xin phép cha mẹ cho làm "spinal tap", người Việt ưa gọi là
"lấy nước tủy xương sống" nghe có vẻ ghê gớm hơn nhiều. Có
thể giải thích sơ lược như sau: Phần chính hệ thần kinh của chúng ta
gồm bộ óc và tủy sống, hai bộ phận này được bao bọc bởi một màng
che chở gói ghém lại gọi là màng óc
(meninges); giữa hai lớp của
màng óc có một lớp nước trong vắt
(cerebro-spinal fluid), lúc bị nhiễm
trùng (tức là sưng màng óc, meningitis) lớp nước này sẽ biến thành
mủ, sẽ trở nên đục ngầu đầy tế bào và vi trùng. Cho nên chọc kim
và rút nước này ra người ta sẽ biết được cháu có bị sưng màng óc
hay không.
Người ta chỉ hút ra
vài phân khối nước này và trong đại đa số trường hợp không làm hại
hoặc tổn thương gì đến tủy sống. Ngược lại nếu định bệnh không kịp
thời, nếu chẳng may cháu bị sưng màng óc mà chữa trị chậm trễ, hệ
thần kinh có thể bị nguy hại hoặc đôi khi lúc bệnh nặng quá làm
cháu không sống nổi.
Cha mẹ các cháu
nên có ý niệm dù là sơ lược về "spinal tap" vì lắm lúc sẽ
phải làm thủ thuật này, bác sĩ phòng cấp cứu sẽ xin phép bạn cho
phép họ rút nước tủy sống của bé; mình có hiểu thì mới tham gia vào
các quyết định trị liệu cho con mình được.
Sau khi đánh giá
tình hình, bác sĩ phòng cấp cứu sẽ hoặc cho em bé về nhà uống thuốc
tiếp nếu bệnh nhẹ, hoặc bác sĩ phòng cấp cứu sẽ gọi điện thoại
tham khảo với các bác sĩ chuyên môn hơn về bệnh của em. Những bác sĩ
thường được tham vấn (consultant) là các bác sĩ nhi khoa (pediatrician)
bác sĩ giải phẩu trẻ em (pediatric surgeon), bác sĩ chuyên về săn sóc
đặc biệt nhi khoa nếu bệnh rất nặng (pediatrician intensivist), bác sĩ
mắt trẻ em (pediatric ophthalmologist), bác sĩ niệu khoa trẻ em (pediatric
urologist), ... Một số bác sĩ chuyên khoa này chỉ cộng tác với những
bệnh viện lớn như bệnh viện Fairfax hoặc các bệnh viện trực thuộc
đại học như Georgetown University Hospital. Cho nên nếu cháu bệnh rất
nặng và nếu thì giờ cho phép bạn có thể để ý đến khía cạnh này
lúc chọn lựa phòng cấp cứu. Tất nhiên ưu tiên một vẫn là làm sao
đến nơi cấp cứu gần như lúc cháu đã được ổn định (stabilized), nếu
cần người ta sẽ đưa đến nơi khác có đủ phương tiện hơn.
Trong trường hợp
thông thường, bác sĩ nhi khoa riêng của em bé sẽ đứng tên cho em
vào bệnh viện và phối hợp các bác sĩ chuyên khoa khác trong công việc chữa
trị cho em bé.
Tóm tắt, trong
những lúc cấp bách đêm hôm cha mẹ bệnh nhân cần có phản ứng nhanh,
liên lạc kịp thời và báo cáo chính xác rành mạch tình hình với bác
sĩ riêng của mình hoặc bác sĩ phòng cấp cứu. Những hiểu lầm có thể
xảy ra do ngôn ngữ không chính xác hoặc trở ngại vì ngoại ngữ. Cha
mẹ cháu cũng nên hiểu sơ qua về những thủ thuật và thí nghiệm
thường được bác sĩ phòng cấp cứu xin phép áp dụng và vai trò những
bác sĩ tham vấn (consultant) được mời đến trong những trường hợp phức
tạp cần đi sâu vào các ngành chuyên môn.
Bác sĩ Hồ văn Hiền.