Bài 8
SIDS VÀ NHỮNG CÁI CHẾT TÌNH CỜ
Phong tục mỗi nơi
mỗi khác. Một trong những điều khác thường khi chúng ta bắt đầu sống
ở Mỹ và nuôi con "theo lối Mỹ" là cái thế nằm của các em
bé lúc mới sanh và mấy tháng sau đó. Thật vậy, bé mới sanh còn yếu
nên chúng ta đặt nó nằm thế nào thì nó nằm thế đó vì chúng chưa
lật hoặc lăn được. Người Việt Nam chúng ta thường không thích cái
thế nằm sấp nói chung, có lẽ ta thấy cái thế này không đẹp cũng
có thể phần đông chúng ta nằm giường trải chiếu hoặc phản gỗ cứng
nằm sấp không êm ái chút nào. Cũng có thể do bản năng nào đó,
chúng ta cho con chúng ta nằm ngửa, hoặc ôm em bé nằm bên cạnh mẹ
cháu, lúc nào cháu đói thì mẹ cho bú. Các vùng khác trên thế giới
như châu Âu cũng phần đông cho cháu nằm ngửa. Trong quá khứ, những
lý do sau đây làm cho y giới Mỹ nghĩ rằng em bé nên nằm sấp (prone
position): Nếu cháu ói thì chất ói sẽ chảy ra ngoài, không chảy
ngược lại cuống phổi làm bé bị ngộp thở, các chất nhớt dãi dễ
chảy ra ngoài lúc cháu cảm, lưỡi không có khuynh hướng cản trở
đường hô hấp như lúc nằm ngửa.
Rất tiếc, thực tế
không xảy ra như dự đoán. Trong những năm gần đây, các cuộc khảo
cứu ngoài Hoa Kỳ (châu Âu, Úc, Tân Tây Lan) hầu như càng ngày càng
xác nhận rằng trẻ em nằm sấp dễ bị chết đột ngột không duyên cớ
rõ rệt nhiều hơn những trẻ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng một bên. Cho
nên giới thẩm quyền trong Nhi khoa mới đây lại khuyên cho các trẻ
nằm ngửa hoặc nằm nghiêng và tránh cho chúng nằm sấp như trước đây.
Hai năm trước đây,
Ủy ban Phụ trách An toàn sản phẩm tiêu thụ (Consumer Product Safety
Commission) ra lệnh thu hồi 627,000 cái gối dùng cho em bé nằm (baby
cushion). Lý do là người ta nghi ngờ trong hai năm trước những cái gối
này có thể đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho 19 hài nhi (trẻ
dưới ba tháng) chết ngộp lúc chúng ngủ nằm sấp trên những gối này.
Cũng theo bản tin này, đây là những gối lớn, giống như một tấm nệm
nhỏ, nhồi các chất xốp plastic (plastic foam) nên khi cháu bé nằm sấp
mặt dễ lún sâu xuống gối, nếu trẻ con quá nhỏ chưa đủ sức để
ngẩng đầu lên cháu có thể bị chết ngạt. Tuy nhiên sự kiện có thể
không giản dị như người ta tưởng vì đây không phải là lần đầu tiên
mà người ta nghi ngờ thế nằm hoặc là những chiếc gối có thể làm
cho trẻ nhỏ chết một cách bất ngờ, vô cớ. Hiện tượng hài nhi (gọi
là hài nhi để phân biệt với những trẻ lớn hơn) chết đột ngột là
một hiện tượng khá phổ biến có từ hàng ngàn năm mà chúng ta sẽ
bàn tới sau đây.
Trẻ con có những
cái chết đột ngột, tình cờ. Nhiều người đã từng nghe đến chữ
"crib death", "cot death" hoặc "SIDS", viết
tắt củ chữ "Sudden Infant Death Syndrome" (hội chứng hài nhi
chết đột ngột). Thường cháu chừng hai ba tháng, mạnh giỏi hoặc chỉ
cảm sổ mũi sơ sài, đột nhiên nằm chết trong giấc ngủ thường là
buổi sáng sớm hoặc từ nửa đêm đến sáu giờ sáng.
SIDS không phải là
một hiện tượng mới xuất hiện. Ở Việt Nam chúng ta đã thường nghe
nói đến những trường hợp người mẹ nằm ngủ quên đè trên con mình
làm bé ngộp thở và chết. Trong Thánh kinh cũng kể chuyện người đàn
bà lỡ làm con mình chết ngộp rồi trộm con người khác để thay thế con
mình trong câu chuyện nói về sự khôn ngoan của vua Salomon. Những
trường hợp tương tự thực chất có lẽ chỉ là những trường hợp SIDS,
và những bà mẹ đáng thương kia có lẽ chỉ là nạn nhân của một sự
hiểu lầm. Trước đây ở một số nơi ở Âu châu còn có những luật
trừng phạt các bà mẹ bị nghi ngờ làm các em bé bị chết ngộp
(overlie).
Cứ một ngàn đứa
bé sinh ra đời, trung bình chừng một hai đứa sẽ chết đột ngột không
duyên cớ. Sau khi cháu vượt qua được tháng (4 tuần) đầu đời, nguyên
nhân số một làm bé chết trước khi thôi nôi (1 tuổi) là SIDS, nghĩa
là chết không tìm được một nguyên cớ nào cả, dù bác sĩ có khám
nghiệm tử thi. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2
tuần đến 6 tháng. Cao điểm xảy ra lúc cháu được 2-3 tháng (nên để ý
đây là lúc cháu đi chích ngừa lần đầu tiên cho nên lắm khi thuốc
chích ngừa DPT bị đổ lỗi gây ra SIDS mặc dù phần lớn kết quả nghiên
cứu chối bỏ luận cứ này).
Trẻ Á châu có tỷ
lệ SIDS thấp nhất, cứ 2,000 bé mới có một bé bị SIDS. Người Mỹ Ðen
có tỷ lệ cao gấp bốn lần và người Da Ðỏ Hoa Kỳ có tỷ lệ cao hơn 12
lần tỷ lệ của dân Á châu. Có lẽ những yếu tố về môi trường sống
(environmental factors), tình trạng xã hội - kinh tế của gia đình em bé,
thời tiết mùa đông, những em bé của các thiếu nữ có thai mà không
chồng, cộng với những yếu tố di truyền nói trên làm thay đổi tỷ số
hội chứng SIDS trong một cộng đồng nhất định nào đó.
Theo đúng nghĩa của
SIDS, y học hiện nay chưa giải thích được các trường hợp của những
cái chết thật "tình cờ" này. Có rất nhiều giả thuyết nhưng
chưa có giả thuyết nào được y giới đồng thanh chấp thuận cả. Có
nhiều người cho rằng những bé này có thể có những bộ phận trong
đường hô hấp (thở) làm việc không bình thường. Có thể phần bộ óc
điều khiển nhịp thở không đáp ứng kịp thời với nhu cầu của cơ thể
lúc cháu bị ngộp (bình thường nếu thán khí (CO2) trong máu lên cao tới
mức nào đó, theo phản xạ não bộ phải thúc buồng phổi thở nhanh để
thanh toán bớt thán khí). Hoặc có thể những bắp thịt ở cổ điều
khiển các động tác hô hấp làm việc không được ăn khớp nhịp nhàng
làm cho lưỡi cháu tuột về phía sau và nghẽn đường không khí di
chuyển. Có thể yết hầu (larynx, phần ở cổ nơi phát ra tiếng nói)
của cháu phản ứng quá mạnh với một chất tiết trong họng hoặc chất
ói chạy ngược từ bao tử lên làm yết hầu thắt lại và cháu không
thở được. Có thể tim cháu hoạt động không bình thường mặc dù xem bề
ngoài lúc phẫu nghiệm tử thi thì chẳng thấy có gì khác thường cả.
Hiện nay giả thuyết tương đối vững chắc nhất cho rằng những nạn nhân
của SIDS chết vì ngưng thở quá lâu. Bình thường trong 4 tháng đầu, sau
mỗi lần hít vào, đứa trẻ có thể thở ra rồi nghỉ thở trong 5-7 giây
đồng hồ trước khi hít vào trở lại. Thời gian tạm nghỉ (respiratory
pause) này có thể kéo dài quá mức lúc cháu ngủ (prolonged apnea) và
trong một số trường hợp thì thời gian này kéo dài vô hạn định và bé
chết luôn, lúc đó ta có hiện tượng SIDS. Tư thế bé nằm sấp lúc
ngủ, các vật như gối, mền trong giường bé có thể góp phần ít nhiều
làm cho tai nạn dễ xảy ra hơn.
Mục đích của bài
báo bàn về hiện tượng đáng buồn này không phải chỉ phổ biến đến
bạn đọc một số lý thuyết để thỏa mãn tính tò mò về một hiện
tượng y học. Tuy SIDS vẫn là một hiện tượng bí ẩn, chúng ta có thể
có những biện pháp cụ thể sau đây có thể có ích lúc cần đến:
Tránh đừng để cháu
bé bị sặc và nghẹn thức ăn uống nhất là trong những tháng đầu
tiên. Lúc cho cháu bú, đừng để cháu nằm ngửa, đầu thấp vì thức ăn
dễ chạy ngược lên họng làm cháu kẹt đường hô hấp. Cháu bú xong
cần cho cháu ợ hơi (burp) tử tế trước khi cho cháu nằm
xuống.
Tránh dùng thuốc
ho, thuốc ngủ bừa bãi mà không có hướng dẫn của bác sĩ, nhất là
lúc cháu chỉ mới vài tháng. Những thuốc cảm, thuốc ngủ có thể làm
giấc ngủ của cháu quá sâu, quá mê, làm cản trở những phản xạ
(reflex) tự nhiên của cháu.
Ðừng cho cháu uống
mật ong, ít nhất là trong 6 tháng đầu. Ðôi khi mật ong chứa một loại
vi trùng mang tên Clostridium botulinum, khi vào ruột cháu có thể gây
ra chất độc toxin) làm cháu tê liệt không thở không ăn uống được
(infant botulism) và chết nếu không chữa trị kịp thời. Một số trường
hợp SIDS có thể là do ngộ độc botulism mà không được chẩn đoán.
Nếu biết qua về
hồi sinh cấp cứu ở trẻ sơ sinh để đối phó lúc cháu sặc hoặc ngộp
thở. Những trường hợp bé ngưng thở không lý do được can thiệp kịp
thời gọi là "near SIDS" hoặc "aborted SIDS".
Dù cháu được cứu
vãn kịp thời, cần phải được đem vào phòng cấp cứu ngay để được kiểm
tra lại tường tận và nếu có thể định bệnh chính xác, và nếu cần có
những biện pháp phòng ngừa như cho cháu mang "monitor" (là máy
theo dõi nhịp thở và nhịp tim của cháu liên tục, máy sẽ báo động
nếu cháu ngưng thở hoặc tim ngưng đập, hoặc đập quá chậm).
Người mẹ có thai
tuyệt đối không uống rượu, không hút thuốc, không xài những chất
như cocaine, nếu không đứa bé ra đời sẽ dễ bị SIDS hơn các trẻ bình
thường khác.
Gia đình rủi ro bị
SIDS cần được nâng đỡ về nhiều mặt. Những người liên hệ có thể
mang mặc cảm tội lỗi quá mức nếu không hiểu về SIDS.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
4.22.1992.