Bài 6
KHI EM BÉ CHÀO ÐỜI
Trước đây bác sĩ
sản khoa săn sóc luôn cho người mẹ lẫn em bé lúc em bé chào đời.
Gần đây, do sự phát triển tột bực của các dữ kiện khoa học và do khuynh
hướng chia xẻ trách nhiệm trong y khoa, trách nhiệm chăm sóc cho em bé
từ lúc lọt lòng mẹ được giao cho bác sĩ nhi
khoa.
Nếu thai kỳ bình
thường và không có gì đặc biệt xảy ra trong lúc sanh thường thì không
cần có mặt bác sĩ nhi khoa. Y tá phòng sanh tiếp nhận em bé từ tay
của bác sĩ sản khoa, đặt bé dưới máy sưởi, lau mình bé cho khô, hút
nhớt từ mũi miệng cho sạch, cắt cuống rốn, ghi sổ sách, cho em mang
vòng tên rồi trao cho mẹ em bé. Công việc giản dị, bình thường như đã
xảy ra mấy chục ngàn năm nay trong sự hân hoan của mọi người.
Tuy nhiên đối với
em bé, việc chui ra khỏi lòng mẹ không thoải mái tí nào. Suốt tám
chín tháng, thai nhi quen sống trong một bầu nước ấm
(nước đầu ối),
ngăn cách với thế giới bên ngoài, có lẽ chỉ có một chút ánh sáng
lọt xuyên qua vách bụng của mẹ và có lẽ cũng rất ít tiếng động
lọt vào ngoài tiếng máu chảy trong mạch máu của người mẹ. Bé không
phải thở, không phải tiêu hóa vì mọi việc đều do cơ thể mẹ làm
việc thay thế và mỗi nguồn dinh dưỡng được truyền qua cuống rún
(umbilical cord) từ máu người mẹ đưa vào và mỗi chất phế thải cũng
được trả về máu mẹ. Cơ thể bé dồn chặt lại để chui lọt lòng mẹ,
và vừa qua khỏi cái "stress" này là bé phải ngay lập tức há miệng
thở hơi thở đầu tiên và toàn cơ thể phải trong chốc lát thích ứng
mau lẹ với một môi trường hoàn toàn khác, tựa như một con cá phải
đổi từ môi trường trong nước và thở để sống trên cạn. Cho nên lúc
mới lọt lòng cháu cần được theo dõi kỹ và nếu cần can thiệp phải
can thiệp sớm và nhanh chóng.
APGAR SCORE (Chỉ số Apgar)
Mỗi em bé mới lọt
lòng đều được quan sát kỹ và người ta ước định những khía cạnh sau
đây của tình trạng em bé.
Nhịp tim
đập: Bình thường tim em
bé đập chừng 120 lần mỗi phút. Nếu dưới 100 lần một phút là quá
chậm. Ðôi lúc tim ngừng đập trước khi em bé chào đời, lúc đó cần
những biện pháp hồi sinh cấp cứu!
Nhịp
thở: Bé thở có mạnh mẽ
không, hay hơi thở thoi thóp, hoặc không thở gì cả.
Tình
trạng hoạt động của tay chân thân thể. Bình thường bé nhúc nhích tay chân một
cách tích cực. Nếu cháu nằm thẳng cánh, bất động là dấu hiệu xấu.
Phản
xạ (reflex) em bé lúc bị
kích thích như cho ống hút vào mũi. Bình thường em bé nhăn mặt, khóc,
v...v... Nếu bé quá mệt sẽ không phản ứng gì cả.
Màu
sắc: Ða số các em hồng
hào sau mấy tiếng khóc ban đầu, thường tay chân vẫn hơi tím. Một số
bé vì ngộp thở sanh ra? toàn thân
xanh tím.
Trong mỗi mục kể
trên, em bé được cho từ 0 đến 2 điểm. Cộng lại cả năm điểm ta có
một chỉ số gọi là chỉ số Apgar, gọi theo tên người đặt ra hệ thống
cho điểm nói trên. Tối đa là chỉ số 10. Ða số các em được chỉ số
tốt, nghĩa là từ 7 trở lên. Nếu Apgar dưới 7 và nhất là nếu dưới 3
thì cần có những biện pháp hồi sinh em bé. Một em bé không thở, tim
không đập sẽ có chỉ số O.
Người ta tính chỉ số
Apgar lúc một phút, và lúc năm phút sau khi lọt lòng. Có lúc phải
theo dõi em bé lâu hơn và người ta tính chỉ số Apgar lúc 10 phút, 15
phút. Nói chung, chỉ số Apgar càng cao thì triển vọng càng tốt. Nếu em
bé sanh ra bị ngộp vì sanh khó khăn vì cuống nhau choàng quanh cổ, hoặc
vì sanh quá nhanh, hoặc vì người mẹ được cho quá nhiều thuốc mê, lúc
đó Apgar lúc 1 phút sẽ rất thấp (khoảng từ 0 đến 3-4). Sau khi em bé
được cấp cứu một thời gian, chỉ số lúc 5 phút cho ta một ý niệm về
kết quả của sự hồi sức và cũng tiên đoán một phần nào dự hậu
(kết quả về sau, prognosis) cho biết em bé có ít nhiều cơ may bị các
dự chứng về thần kinh khi lớn lên. Tuy nhiên vì các kỹ thuật hồi
sức tiến nhanh vượt bực, hiện nay đa số trẻ em có Apgar nhỏ hơn 7 lúc
5 phút đều bình thường lúc lớn lên. Chỉ số Apgar lúc 10, 15 phút hoặc
20 phút lại càng có giá trị tiên đoán hơn. Nếu lúc Apgar = 3 hoặc
thấp hơn, chỉ một phần ba sẽ sống sót, và quá nửa số sống sót sẽ
bị liệt não (cerebralpalsy), nghĩa là tê liệt các bắp thịt do tổn
thương ở các tế bào não. Nói chung nếu sau năm phút hồi sức, tim
đập lại được và sau 30 phút bé tự mình thở được và thở đều thì dự
hậu của em bé sẽ tốt. Như vậy sự can thiệp hữu hiệu và nhanh chóng
của bác sĩ nhi khoa có thể là một yếu tố quyết định trong sự hồi
sức em bé và quyết định phần lớn tương lai của em bé. Vì vậy, nếu
bác sĩ sản khoa thấy những điểm bất thường trong thai kỳ, hoặc nếu
có những rắc rối trong lúc sanh, tại các bệnh viện lớn bác sĩ
chuyên về sơ sanh (neonatologist) sẽ phải túc trực trong phòng sanh
hoặc phòng mổ để đợi em bé ra khỏi lòng mẹ và can thiệp ngay nếu
cần.
NHỮNG TAI BIẾN LÚC MỚI
SANH
Một trong những tai
biến quan trọng nhất là em bé ngạt thở vì hít phân su (mecontum) vào
phổi. Phân su là thứ phân đen và dẻo trẻ sơ sinh bài tiết sau khi
sanh. Nếu vì một lý do nào đó em bé thiếu oxy (từ máu mẹ đem qua)
lúc còn trong tử cung người mẹ, em bé do phản xạ sẽ thải phân su
trong nước đầu ối và khi cháu thở hơi thở đầu tiên hít đám phân su
đó vào phổi. Tình trạng này thường xảy ra nếu người mẹ bị thai độc
(toxemia) bị phù thủng, với áp huyết cao, hoặc mẹ bị suy hô hấp kinh
niên. Thai nẩy nở chậm hoặc thai quá ngày cũng dễ bị vấn đề này.
Nếu biết trước có
phân su trong nước ối, bác sĩ nhi khoa sẽ đặt vào yết hầu (cuống
họng) em bé ngay khi em bé vừa lọt lòng để hút sạch phân su và nhớt
trước khi em bé hít vào hơi thở đầu tiên.
Sau khi người ta sẽ
dùng phương pháp vật lý trị liệu (chest physiotherapy, gọi tắt là chest
P.T.) Nghĩa là vỗ ngực và lưng em bé, hút nhớt trong bụng và phổi em
bé để đem hết các chất nhờn và phân su còn ứ đọng trong phổi ra
ngoài. Cứ 3 em bé bị hít phân su vào phổi sẽ có một em bị bệnh sưng
phổi nặng (pneumonia). Lúc đó phân su làm nghẹt các khí quản lớn và
nhỏ, cùng lúc gây ra phản ứng viêm (sưng, inflammation) làm cho các
khí quản lại càng bị nghẹt hơn nữa. Cháu bé bị ngộp không thở bình
thường được, sinh lý phổi và hệ tuần hoàn (tim và các mạch máu) bị
rối loạn, và lắm khi tính mạng bị đe dọa. Ðây là lúc cần đem cháu
qua khu săn sóc đặc biệt sơ sinh, tiếng Anh gọi là Intensive Care
Nursery (viết tắt là ICN). Thường em bé được đặt nằm trong những
giường có máy sưởi rọi xuống để giữ nhiệt độ em bé hoặc trong
những lồng ấp (lồng kiếng incubator "isolette") để cách ly và để
điều hòa nhiệt độ đúng mức. Bé được nối vào một máy thở nhân tạo
(ventilator) giúp cho phổi bé thở hữu hiệu hơn, không khí đi vào máy
thở được trộn với một lượng oxy (dưỡng khí) thích hợp tùy theo nhu
cầu của em bé. Nhiều dưỡng khí quá cũng có thể có hai cho em bé,
nhất là đối với mắt và phổi của em. Vì vậy người ta phải thường
xuyên đo áp suất (pressure) oxy cũng như những chất khí khác trong máu
em bé. Vì vậy, lắm khi cha mẹ của em rất sốt ruột khi thấy con mình
cứ bị lấy máu cả chục lần một ngày. Một đôi khi người ta phải đặt
luôn một ống plastic vào cuống rún của em bé để tiện việc lấy máu,
em bé cũng có thể sẽ được truyền máu. Ðây là một mối ưu tư lớn cho
các bậc cha mẹ. Như mọi người đều biết, truyền máu đôi khi đem đến
cho người nhận máu một số bệnh của người cho máu. Mặc dù ngân hàng
máu rất cẩn thận trong việc kiểm soát phẩm chất của các bịch máu,
tai nạn vẫn có thể xảy ra. Và quan trọng hơn nữa, một số bệnh vẫn
có thể được truyền qua lúc được truyền máu. Trước đây một số trẻ
sơ sinh bị truyền máu có nhiễm vi trùng AIDS và chết vì bệnh này.
Hiện nay chúng ta đã có những phương pháp phát hiện máu bị nhiễm
virus AIDS và do đó truyền máu an toàn hơn trước nhiều.
Truyền máu cũng có
thể đem đến cho người nhận máu những bệnh khác như viêm gan
(hepatitis), đôi lúc gây những dịch (epidemics) nhỏ trong đám nhân viên
bệnh viện cũng như cha mẹ của bệnh nhân chẳng may tiếp xúc với máu
hoặc các chất bài tiết (phân) của em bé.
TRẠI SĂN SÓC ÐẶC BIỆT
TRẺ SƠ SINH
Em bé nằm trong khu
săn sóc đặc biệt lắm khi không bú được và người ta phải cho một
ống plastic vào thực quản (esophagus) đi vào bao tử và bơm thức ăn
vào. Thức ăn có thể là sữa của mẹ em bé, có thể là sữa bò được
bào chế cho thích hợp với tuổi và nhu cầu của em bé. Ðôi khi ruột em
bé không thể làm việc được và phải nuôi em bé qua đường mạch máu,
tức là bơm thẳng thức ăn vào mạch máu của em bé. Ðây là một kỹ
thuật tương đối mới, đòi hỏi những phòng thí nghiệm tân tiến để chế
biến thức ăn nhân tạo và để theo dõi bệnh nhân (tiếng Anh thường
dùng là Total Parental Nutrition, gọi tắt là TPN). Kỹ thuật này đôi
khi cũng gây ra những biến chứng quan trọng.
Tất cả các em bé
nằm ở khu săn sóc đặc biệt đều được theo dõi cân nặng, lượng nước
ra vào cơ thể ít lắm là một lần mỗi ngày. Bác sĩ và y tá phải ghi
chú rất tỉ mỉ các sự việc xảy ra: Như cháu đi cầu, đi tiểu lúc nào,
bao nhiêu lần, nước tiểu nặng bao nhiêu, phân nặng bao nhiêu, bé vận
động nhiều ít, thở đều hay không; các kết quả thử nghiệm đều phải
theo dõi hàng giờ, và cho vào máy điện tử để có thể xem xét bất cứ
lúc nào cần. Các y tá làm việc tại các khu này thường rất kiên
nhẫn và tận tâm. Tuy nhiên, vì chỗ làm việc ồn ào, chật chội và
công việc tỉ mỉ lại có tính cách quyết định đối với mạng sống bệnh
nhân, kết quả công việc làm nhiều khi khó thấy được vì bệnh nhân
chỉ là một sinh vật rất nhỏ, không nói năng, đôi khi lại có vẻ yếu
đuối một cách rất thảm thương. Do đó, người bác sĩ cũng như người y
tá nếu không được nghỉ ngơi đúng mức dễ bị mệt mỏi và đôi lúc chán
nản. Ở đây người ta gọi là "burn out". Một số người đổi qua nghề
khác như đi bán thuốc hoặc đổi qua những trại bệnh khác với? công việc nhẹ nhàng hơn.
Bác sĩ nội trú
(intern) là người chịu đựng những công việc nặng nề nhất, phải làm
việc liên tục không nghỉ từ 7 giờ sáng đến 7 giờ chiều ngày hôm sau
mà không được nghỉ bù nên đôi khi có những trường hợp khủng hoảng
tinh thần ở các bác sĩ trẻ này. Không những chỉ ở các khu săn sóc
đặc biệt mà thôi, nói chung càng ngày người ta càng để ý tới hiện
tượng các bác sĩ nội trú hoặc thường trú làm việc quá sức, trực
gác quá nhiều tại các bệnh viện chuyên về giảng dạy (teaching
hospital) tại Hoa Kỳ và đề ra những dự luật giới hạn giờ giấc làm
việc sao cho khỏi nguy hại tới sự săn sóc trị liệu của bệnh nhân.
Mặt khác, trại săn
sóc đặc biệt của trẻ sơ sinh có thể được coi như mặt trận tiên phong
của Nhi khoa hiện nay, những khám phá mới về sinh lý học cũng như về
kỹ thuật đều được đem áp dụng tại đây và người bác sĩ làm việc có
thể tự hào mình đang tham dự trực tiếp vào sự tiến triển của Y khoa.
Trong trường hợp
sưng phổi của em bé bị ngộp nêu trên, một kỹ thuật mới vừa được
bắt đầu áp dụng tại các bệnh viện như Georgetown, Children?s Hospital.
Kỹ thuật này gọi là ECMO, viết tắt của Extra Corporeal Membraneous
Oxygeneration. Vì phổi của bệnh nhân bị hư hại nặng và cần thời gian
nghỉ ngơi để bình phục, người ta bơm máu của em bé ra ngoài, chạy vào
một cái máy. Trong máy này oxy được chuyền qua máu của em bé và khí
CO2 được thải ra ngoài, đi xuyên qua một cái màng mỏng. Sau đó máu
được bơm trở vào cơ thể em bé. Các khó khăn chính là do lượng máu
rất nhỏ của em bé nên đòi hỏi kỹ thuật rất tinh vi. Những em bé
trước đây hy vọng sống sót chỉ mười phần trăm nay được cứu sống rất
nhiều.
Tóm lại, tuy những
ngày đầu đời của cháu tại bệnh viện thường là những giây phút
hạnh phúc của gia đình, đôi khi đấy cũng là những giây phút cực kỳ sôi
nổi đầy thử thách, lúc bác sĩ của cháu cùng với bao nhiêu chuyên
viên khác giúp cháu vượt qua bao trở ngại để bám vào cuộc sống đang
bị đe dọa, đồng thời giúp mẹ cháu giữ vững niềm tin trong những lúc
tuyệt vọng nhất.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.