Bài 5
VAI TRÒ NGƯỜI BỆNH TRONG NỀN Y TẾ MỚI
Trong phần lớn lịch
sử loài người, mỗi khi chữa bệnh người thầy thuốc luôn luôn giữ
một màn thần bí hoặc bí hiểm chung quanh phương pháp trị bệnh của mình.
Từ những phù thủy - y sĩ (witch doctor) của các bộ lạc sơ khai cho đến
người bác sĩ tây y trong những thế kỷ gần đây hay những thầy
lang,
thầy thuốc ta của xã hội Ðông phương, luôn luôn chúng ta thấy một
cố gắng không ít thì nhiều của y giới làm cho y khoa mang một tính
chất mầu nhiệm bí ẩn. Mặt khác người được chữa bệnh, cũng sẵn lòng
tin tưởng, chờ đợi người chữa bệnh nếu không thực hiện được một phép
lạ thì ít lắm thực hiện được một phép thuật huyền bí nào đó giúp
cho con bệnh. Thái độ người được chữa bệnh là hoàn toàn tin tưởng
và thụ động. Người bệnh nhân không cố gắng tìm hiểu cách làm việc
của người chữa bệnh; người chữa bệnh thì phần lớn cũng khư khư giữ
những bí mật về nghề nghiệp của mình, thường là những môn thuốc
hoặc những thủ thuật bí truyền, cha truyền con nối, hoặc chỉ được phổ
biến cho những môn đệ thân cận xứng đáng được giao phó các bí mật
đó.
Sự tin tưởng có
tính cách hầu như tôn giáo đó vẫn còn tồn tại cho đến những năm
gần đây, tức là khoảng trong vòng thế kỷ hai mươi lúc mà nền y khoa
thế giới từ từ trút bỏ phần lớn tánh chất huyền bí không ít nhiều
dị đoan của nó. Trong lãnh vực trị liệu, chữa bệnh, yếu tố tin tưởng
vẫn còn là một yếu tố rất quan trọng quyết định kết quả của sự trị
liệu.
Một khía cạnh
thường được nhắc đến trong lãnh vực này là tác dụng thuốc giả,
hoặc placebo effect. Trong trường hợp này, bệnh thuyên giảm chỉ vì
người bệnh tin rằng thuốc đó sẽ làm cho mình khỏi bệnh, mặc dù đây
chỉ là một viên thuốc giả làm bằng bột mì mà bệnh nhân không biết.
Nếu bệnh nhân biết đấy là thuốc giả thì thuốc không còn hiệu
nghiệm nữa, nghĩa là mất placebo effect. Lắm khi khó quyết định bệnh
thuyên giảm do thuốc công hiệu thật sự hoặc do tác dụng placebo,
hoặc do cả hai yếu tố cộng lại. Màn huyền bí của thầy thuốc và
lòng tin của bệnh nhân làm tăng tác dụng placebo.
Nền y tế hiện nay
tại các nước tân tiến càng ngày càng đi xa dần lề lối làm việc
nói trên. Một mặt sự tiến bộ của y khoa tùy thuộc vào những tiến
bộ của nền khoa học kỹ thuật nói chung, và trong thế giới hiện nay,
trừ trường hợp một số lãnh vực quốc phòng nền khoa học kỹ thuật
thế giới sống mạnh là nhờ sự phổ biến và chia xẻ nhanh chóng các
thành quả nghiên cứu về khoa học. Những khám phá mới được công bố
càng nhanh càng tốt, càng sâu rộng càng tốt và ngược lại bản quyền
của các khám phá đó cũng được pháp luật quốc tế bảo vệ. Cho nên nếu
mình biết cái gì hay, tìm ra được cái gì mới mà không công bố
ra,
không giữ bản quyền trước thì có thể mất hết quyền lợi, không cần
phải "dấu nghề" như xưa.
Mặt khác, trong thế
giới y khoa hiện nay, một con én thường không làm nổi mùa xuân; các
khám phá mới cần nhiều tiền của và sự góp sức của nhiều khoa học
gia, nhiều phòng thí nghiệm, nhiều nhà thương, lắm khi nhiều quốc gia
khác nhau cùng chung sức. Cho nên, nền y học khoa học hiện đại (modern
scientific medicine) rất cởi mở, rất công khai, ai có đủ trí thông
minh, có óc kiên nhẫn học tập (và có phương tiện trả tiền học)
cũng có thể leo đến những bậc thang cao nhất của y
khoa. Do đó y giới
bây giờ mất hầu hết tính cách "witch doctor" mà mang nhiều
tính chất của một tầng lớp lãnh đạo và điều hành kỹ thuật
(technocrat). Mặt khác, do tính chất phổ biến và công khai của các
cuộc bàn cãi khoa học, và do trình độ kiến thức càng ngày càng cao
của tập thể bệnh nhân, càng ngày các hành động của bác sĩ càng
được bệnh nhân nghiên cứu, phân tách kỹ lưỡng và phê phán, đánh
giá, đôi khi cả với sự giúp đỡ của giới luật sư và các công ty
bảo hiểm sức khỏe trả tiền cho bác sĩ.
Vì lý do y học càng
ngày càng mất tính chất nghệ thuật mà thiên về khoa học thực
nghiệm, tất cả những thực hành (practice) của y khoa đều dựa trên
những kết luận đạt được qua những khảo cứu rút tỉa từ những kinh
nghiệm sẵn có đã được ghi nhận trong vô số các hồ sơ bệnh, tại các
phòng thí nghiệm các bệnh viện, các phòng mạch bác sĩ hoặc những
kết luật đạt được qua những thí nghiệm trên thú vật hoặc trên con
người. Cho nên, xét chung như là một tập thể, giới y tế ở xứ này
luôn luôn được đặt trước một khối kiến thức luôn luôn thay đổi theo
đà tiến triển của khoa học nói chung và do đó những gì mà họ tin
tưởng là đúng hay sai cũng sẽ thay đổi rất
nhanh. Mặt khác, bệnh
nhân cũng như phụ huynh của các bệnh nhân tí hon cũng không còn thụ
động như xưa. Bệnh nhân không còn chấp nhận một cách mù quáng những
gì bác sĩ "ra lịnh" (order) họ làm nữa. Bác sĩ đóng vai trò
cố vấn, tham vấn (consultant), đề ra những lựa chọn (alternative), bệnh
nhân muốn chọn cái nào, hoặc không chọn cái nào hết
(từ chối được
chữa trị) là tùy theo ý mình. Mà cũng vì vai trò cố vấn đó, nhiệm
vụ bác sĩ phức tạp hơn. Không những bác sĩ phải biết định bệnh cho
đúng, biết chữa sao cho phải, mà còn phải giải thích cho người bệnh
hiểu bệnh của họ xảy ra như thế nào, tại sao phải chữa như thế mà
không chữa cách khác, chữa như thế có bao nhiêu phần lợi và bao
nhiêu phần hại, tai biến gì có thể xảy
ra, v...v... Nếu bệnh nhân có
những kiến thức căn bản về bệnh lý, về cơ thể học thì công việc
này của bác sĩ tương đối đỡ mệt hơn. Rất tiếc phần đông chúng ta sau
khi học các điều căn bản về sinh vật học (biology) thì đều đã trả
chữ nghĩa lại cho thầy, hoặc nếu còn nhớ thì có lẽ kiến thức của
chúng ta về cơ thể học của bộ óc cấu trúc của các nhiễm thể
(chromosome) cũng đã lỗi thời.
Hiện nay một số cha
mẹ bệnh nhân hoặc bệnh nhân cấp tiến hơn thế hệ trước, họ bỏ
nhiều thì giờ để nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới bệnh con
mình hoặc của chính mình. Họ mua sách y khoa như cuốn Merk's Manual là
cuốn cẩm nang gối đầu giường của nhiều bác sĩ, giá chỉ chừng hai ba
chục đôla, trình bày giản dị từ các khái niệm căn bản về y khoa cho
đến cách chữa trị, có lẽ ai có một ít kiến thức căn bản về y khoa
học đều có thể dùng sách này được. Một số bệnh nhân ở Mỹ cũng
mua cuốn Physician Desk Reference (chừng 40-50 đôla) để tự tìm hiểu về
các đặt tính của các thuốc mình xài và tìm hiểu về những biến chứng
của nó.
Ngoài ra vô số
những bài báo, những sách chỉ nam bằng tiếng Anh, những show trên
truyền hình dạy cho người ngoài nghề y khoa (layman) đủ mọi chi tiết,
uẩn khúc về các hoạt động của y giới. Ðây là hậu quả của một xã
hội có đời sống cao và có mức học vấn cao mà cũng là thành phần
của phong trào "consumerism" trong đó người tiêu thụ (ở đây
là người bệnh hoặc cha mẹ người bệnh) đoàn kết lại để bảo đảm các
quyền lợi của mình, gồm quyền lợi thông tin, được hiểu biết
(information), quyền được bảo hiểm nếu chẳng may có gì bất trắc lúc
trị liệu, v...v...
Tuy nhiên nếu bác
sĩ gặp loại bệnh nhân hoặc phụ huynh bệnh nhân có tinh thần và thì
giờ học hỏi như trên chưa chắc đã là điều may cho bác sĩ. Những bệnh
nhân này có khuynh hướng lo lắng nhiều hơn những người khác, vì
thường càng biết nhiều thì càng lo nhiều nếu kiến thức không đi đôi
với kinh nghiệm thực tế. Thật vậy, những sinh viên y khoa là những
người biết nhiều nhất về lý thuyết trong y khoa, họ đang đi học nên
kiến thức thật mới mẽ trong đầu; tuy nhiên họ chưa có kinh nghiệm
nên học tới đâu người sinh viên dễ tưởng tượng mình cũng mắc những
bệnh đó. Mặt khác, người ngoài ngành y tế thường có khuynh hướng để
ý đọc những tin tức được trình bày có tính cách giật gân (như thuốc
mới chữa được bệnh ung thư này, bệnh ung thư kia) hoặc thời thượng theo
mùa (ví dụ như lúc ông tổng thống bị ung thư ruột già thì tivi nào
cũng nói đến chuyện ung thư ruột) nên quần chúng dễ tin vào những
tin tức có khả năng tạo sôi nổi dư luận nhưng không có giá trị khoa
học bền vững về lâu dài. Cho nên, nếu bác sĩ không theo dõi kịp
những diễn biến mới nhứt trong báo chí, có thể người bệnh nhân thức
thời kia sẽ đánh giá lầm là bác sĩ không giỏi hoặc không chuyên
môn và đi kiếm người khác chữa bệnh cho mình.
Gần đây, xuất hiện
cuốn phim "Lorenzo Oil" kể câu chuyện của một cậu bé mắc
chứng bệnh hiếm có gọi là adrenoleukodystrophy, thường bệnh này làm
cho đứa trẻ đổi tánh, ngồi đứng không vững cùng những triệu chứng
thần kinh khác và đứa trẻ thường chết nhanh chóng chỉ hai ba năm sau
khi định bệnh. Tất cả bác sĩ đều bó tay; một số cố gắng chữa bệnh
này bằng cách đổi thức ăn uống chỉ có tính cách thí nghiệm giúp cho
bác sĩ tìm những trị liệu mới. Trong câu chuyện có thực được dựng
thành phim, cha mẹ cậu bé bất mãn trước thái độ tiêu cực và trì
trệ của các bác sĩ chuyên khoa. Họ bỏ ăn bỏ làm vào thư viện
nghiên cứu đem ngày về bệnh này, tổ chức những cuộc hội thảo quy
tụ các chuyên gia quốc tế hầu tìm một câu giải đáp nào đó cho con
mình. Rốt cuộc, cha mẹ em bé khám phá ra được một chất dầu chế biến
từ dầu trái olive. Nhờ chất dầu này, bệnh tình em bé tuy nguy kịch nhưng
biến chuyển chậm lại. Ở cuối phim cặp vợ chồng có thật ngoài đời
này đang đi sâu hơn nữa vào các cuộc nghiên cứu về hệ thần kinh để
mong một ngày nào đó hồi phục lại các sợi dây thần kinh đã bị hư
hỏng trong bộ óc của con mình. Nhờ cố gắng của mình, người cha em bé
được trao tặng tước hiệu Bác sĩ y khoa danh dự.
Cha mẹ cậu bé
Lorenzo là hình ảnh có một không hai của người cha mẹ không chịu
khuất phục trước cơn bệnh có vẻ tuyệt vọng của cái mình, không chịu
chấp nhận sự thất bại của y khoa đứng trước một số bệnh viện nay
vẫn chưa có câu giải đáp, và không chấp nhận sự điều hành có khi
quá chậm do quá cẩn trọng của y giới trong sự áp dụng các phương
thức trị liệu mới. Những trường hợp khác trong đó bệnh nhân hay cha
mẹ bệnh nhân đang làm áp lực với y giới trong việc áp dụng những
phương thức trị liệu mới là trường hợp bệnh AIDS, bệnh Parkinson, bệnh
Lyme (do bọ chét nai truyền qua người bệnh một con vi trùng gây sưng
khớp, triệu chứng thần kinh, v...v...), bệnh ung thư vú.
Phần đông người
bệnh hoặc phụ huynh không có đủ khả năng chuyên môn cũng như khả
năng tài chánh và không có một nghị lực phi thường và một sự tự
tin như cha mẹ em bé Lozenzo. Câu chuyện này quan trọng hơn hết phản
ánh vai trò càng ngày càng tích cực và quan trọng của bệnh nhân và
gia đình trong công việc chữa trị trong y khoa hiện nay tại Mỹ. Câu
chuyện cũng làm nổi bật vai trò khó khăn của người bác sĩ lúc đề
ra những phương sách trị liệu trước những trường hợp phức tạp, để
làm cho tất cả mọi người liên hệ đều cộng tác một cách ăn khớp
và mỗi kiến thức mới cũ đều được áp dụng một cách an toàn và hợp
lý.
Tóm lại, từ một
ngành nghề có tính cách huyền bí, nặng về tín điều, trong mấy chục
năm gần đây y khoa đã trở nên rất chính xác và khoa học. Những
quyết định của bác sĩ trong lúc chữa bệnh được căn cứ trên những
kết quả nghiên cứu mới nhất được phổ biến rộng rãi và luôn luôn
cần được cập nhật hóa, khối lượng kiến thức này càng ngày càng
tăng và thay đổi không ngừng. Về phía người bệnh, muốn góp phần một
cách tích cực vào các quyết định liên hệ đến sức khỏe của chính
mình, người bệnh cũng phải tìm hiểu để có một mức hiểu biết cần
thiết để cộng tác với bác sĩ. Sự cộng tác tích cực này giữa bác sĩ
và bệnh nhân giúp thực hiện mục tiêu trị liệu một cách hữu hiệu
và giúp cho người bệnh giữ được quyền quyết định tối hậu đối với
những lựa chọn trị liệu sao cho hợp với ý muốn và quan niệm sống của
mình.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.