Bài 3
QUAN
HỆ GIỮA BÁC SỸ VÀ BỆNH NHÂN
Trong xã hội cũ,
một khi bạn đem con đến khám bác sĩ, mặc nhiên bạn chấp nhận thẩm
quyền của bác sĩ đó ít nhất cũng trong giới hạn của nhu cầu chữa trị
cho em bé. Thường người bác sĩ sẽ có quyết định tối hậu dựa trên
khả năng của mình cũng như dựa trên lương tâm nghề nghiệp của mình.
Nếu thành công, người bác sĩ được coi như đã làm một hành động nhân
đạo, có lợi cho xã hội và được sự kính nể biết ơn của gia đình bệnh
nhân. Nếu thất bại, thường gia đình bệnh nhân chấp nhận sự thất bại
đó như là số mệnh và phần đông gia đình vẫn cảm ơn bác sĩ đã tận tình
chăm sóc, trừ một số trường hợp ngoại lệ do khủng hoảng tinh thần
cha mẹ có những phản ứng nóng nảy bạo động đáng tiếc.
Do những yếu tố
đặc biệt của xã hội Mỹ như sự tôn trọng bình đẳng xã hội, tính
toán sòng phẳng, ưa kiện tụng, cũng như do những thay đổi trong y khoa
như sự chuyên môn hóa cao độ trong giới bác sĩ, tính cách kỹ thuật
của nền y khoa hiện đại, tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân không
còn mang nhiều tính chất "người" như trước đây, và càng ngày
càng có những đặc tính của sự thực hiện một giao kèo giữa đôi bên.
Một bên là người cung cấp dịch vụ y tế (health care provider) hoặc
người bán (vendor) và một bên là khách hàng (client). Ở giữa hai bên
là hãng bảo hiểm, hoặc Medicare hay Medicaid, gọi là đệ tam nhân phụ
trách trả tiền (third party payer). Người cung cấp dịch vụ theo bổn
phận chỉ cung cấp cho khách hàng những gì người khách muốn và nếu
người khách không đồng ý sẽ "mua" dịch vụ ở một nơi khác.
Do đó trách nhiệm của người bác sĩ không chỉ ở trước lương tâm của
mình mà thôi mà trách nhiệm chính là ở trước tòa án ngoài đời dưới
cái nhìn soi mói của những luật sư chuyên về loại kiện tụng này. Do
đó người bác sĩ bắt buộc phải theo dõi thật sát những trào lưu trong
lãnh vực chuyên môn của mình vì nếu chẳng may kết quả trị liệu không
đạt được như ý muốn, cách trị liệu của người bác sĩ đó sẽ được so
sánh với những tiêu chuẩn (standard of care) đang áp dụng trong y giới
và dù quan niệm của mình có vẻ hay hợp đồng độc đáo bao nhiêu mà
vẫn chưa được các bác sĩ "đồng môn" (peers) chấp thuận,
người bác sĩ vẫn ở thế khó chống đỡ.
Cho nên có hai thái
độ thường gặp trong giới bác sĩ ở xứ này, thứ nhất là thái độ bài
bản, trong sách dạy sao thì làm vậy, không dám uyển chuyển, thứ hai
là quyết định theo hội đồng, dùng hình thức thỉnh vấn (consultation)
rất nhiều để hội ý với những bác sĩ chuyên khoa (specialist) hoặc
"phân khoa" (tạm dịch là subspecialist) để đi tới một quyết
định tập thể và do đó một hình thức trách nhiệm tập thể. Cách làm
việc này thường được gọi là "defensive medicine".
Do quen dần với
cuộc sống vật chất của xã hội hậu kỹ nghệ trong đó mỗi câu hỏi
đều được giải quyết một cách nhanh chóng máy móc, người Mỹ cũng như
người Việt Nam chúng ta có vẻ đang bắt đầu "ghiền" các thử
nghiệm (test). Chúng ta có khuynh hướng tin rằng hễ có bệnh, có triệu
chứng nào đó thì ắt phải có một cái test nào đó để tìm ra bệnh đó.
Ví dụ, cháu bé hay đau bụng, mẹ cháu liền tìm ngay đến bác sĩ để xin
chụp hình (ý nói chụp quang tuyến, X-ray), và tin tưởng rằng chỉ cần
xem X-ray bác sĩ sẽ định bệnh ra ngay. Không những người ngoài ngành y
khoa suy nghĩ như vậy mà ngay cả y giới, nhất là giới bác sĩ trẻ được
huấn luyện ở xứ này cũng có khuynh hướng giải quyết mọi vấn đề
bằng thử nghiệm và thủ thuật. Khuynh hướng này làm cho y khoa HK ngày
càng tùy thuộc nặng nề hơn vào các phương tiện kỹ thuật cũng như
vào các thủ thuật (procedures) và bác sĩ được chuyên môn hóa cao độ,
sự tiếp xúc giữa con người với con người càng lúc càng ít đi. Hậu
quả của tình trạng này là mặc dù việc chữa trị càng ngày càng tốn
kém và trong phần lớn các trường hợp bệnh thông thường người bệnh
dễ cảm thấy mình lạc lỏng, đôi khi có những cảm tưởng mình bị đối
xử như một cái máy bị hư, phần "người" của mình, với những
"hỉ, nộ, ái, ố" ảnh hưởng lên cuộc sống toàn diện của mình
không được bác sĩ để ý tới. Vì vậy mới có phong trào hiện nay muốn
phục hồi tầm quan trọng của ngành y khoa gia đình cũng như những ngành
"primary care" khác là tuyến đầu của y khoa như nội khoa
(internal medicine) hoặc nhi khoa ( pediatrics). Những ngành này đặt
trọng tâm vào sự hiểu biết cá nhân giữa bác sĩ và bệnh nhân và
có hy vọng giải quyết nhu cầu của người bệnh trong bối cảnh của
cuộc sống xã hội và tinh thần của họ. Do đó muốn có một sự chăm
sóc toàn diện cho sức khỏe bệnh nhân, người bác sĩ cũng như bệnh
nhân đều phải cáng đáng trách nhiệm của mình trong công cuộc trị
bệnh và phòng bệnh bằng thuốc men cũng như thay đổi cần thiết trong
nếp sinh hoạt (life style changes).
Quyền lợi càng
tăng thì trách nhiệm cũng phải tăng theo, người bệnh càng có quyền
định đoạt trong tương quan bác sĩ bệnh nhân thì đương nhiên người bệnh
hiểu biết nhiều hơn về hoạt động của người bác sĩ, hiểu biết nhiều
hơn về bệnh trạng của mình hoặc của con cái mình và có một kiến
thức căn bản rộng hơn về các ngành khoa học liên hệ thì mói đủ khả
năng đối thoại với người bác sĩ và tham gia vào sự lựa chọn cách
trị liệu phù hợp với quan niệm của mình và thay đổi nếp sống của
mình cho hợp với những quan niệm mới về vệ
sinh.
Những ngày đầu
tiên hành nghề tại nước Mỹ một trong những cảnh đập vào mắt tôi
nhất là cảnh một giáo sư chuyên khoa thần kinh trẻ em tại đại học
Georgetown ngồi giảng bằng tiếng Anh cho một phụ nữ người Cambodia về
ý nghĩa của những dấu hiệu trên siêu âm đồ (sonogram) của não bộ em
bé thiếu tháng, và thuyết phục bà ta về những lý do phải đặt ống
thoát nước vào các xoang của não bộ em bé. Ðương nhiên người thiếu
phụ không may kia chẳng hiểu gì cả, vì chính người sinh viên y khoa
trung bình chưa chắc đã hiểu những gì người giáo sư thuyết giảng. Tuy
nhiên thủ tục là như vậy, việc ai nấy làm, và những lý tưởng dân
chủ lúc đem ra thực hiện không phải là dễ và lắm khi trở thành lố
bịch. Cũng giống như trong các hoạt động khác của xã hội dân chủ,
trình độ hiểu biết của người dân là điều tối cần thiết, trong y khoa
sự ưng thuận có ý thức (informed consent) chỉ có giá trị nếu người
bệnh hoặc cha mẹ người bệnh thiết tha với vai trò quyết định của mình
và chịu khó tìm hiểu để có một lập trường có giá trị. Ðiều này
thật khó thực hiện lúc gia đình đang bối rối và hơn nữa ít ai có thì
giờ.
Ðể kết luận, chúng
ta nên làm gì khi bác sĩ hỏi ý chúng ta về quyết định quan trọng trong
trị liệu của con cái chúng ta? Trước hết, chúng ta nên tránh mọi
thái độ đối nghịch giữa hai bên bác sĩ và bệnh nhân; chúng ta đang ở
một xứ mà chuyên gia ngành nào cũng có đủ, nếu ta không thích ai thì
không thiếu gì những người khác có khả năng tương tự, nếu bạn không
thấy thoải mái thì đừng nên nhờ đến người đó, có hại cho cả đôi
bên. Nếu bác sĩ của bạn tìm cách giải thích cho bạn hiểu rõ vấn đề,
nên kiên nhẫn theo dõi và nếu không hiểu điều gì nên hỏi lại cho rõ.
Tuy nhiên, đến một mức nào đó bạn phải đặt lòng tin vào sự phán
đoán của bác sĩ điều trị. Nếu bạn vẫn chưa thỏa mãn, nên đề nghị
hỏi ý kiến một người thứ hai (second opinion). Nếu bạn đã đồng ý
rồi, nên kiên nhẫn chờ đợi kết quả. Những lúc cháu bệnh nặng bạn
sẽ nghe lắm người bàn ra tán vào, đôi khi dị nghị khen chê bạn nên
cân nhắc kỹ vì "đổi ngựa lúc sang sông" lắm khi không có
lợi, trừ trường hợp tối cần thiết. Nếu tai họa xảy đến, cũng có
thể một người nào đó đã lầm, cũng có thể tai nạn không tránh
được. Ðây là lúc bạn phải sáng suốt để áp dụng óc suy xét cũng
như triết lý sống của mình trước khi nghe những lời bàn ra tán vào
của những người chung quanh và đi đến một thái độ hợp tình hợp lý.
Người xưa vẫn nói:
"Tận nhân lực, tri thiên mệnh", khoa học kỹ thuật dù của
thế kỷ thứ hai mươi hay hai mươi mốt vẫn còn những giới hạn nhất định
của nó. Nếu gia đình bệnh nhân và bác sĩ cộng tác với nhau một cách
bình đẳng và thành khẩn, người bệnh ắt sẽ được săn sóc đúng mức
và kết quả điều trị gần đến mức tối hảo. Nếu đôi bên làm việc
trong không khí nghi kỵ lẫn nhau hoặc ngược lại nếu bệnh nhân thần
thánh hóa y học và mong đợi những kết quả viển vông, những phép lạ
không thể nào đạt được, trong cả hai trường hợp mối quan hệ giữa
bác sĩ và bệnh nhân chẳng những không đem lại kết quả tốt cho người
bệnh mà còn mang thêm sự thất vọng về phía gia đình bệnh nhân và cay
đắng chua chát về phía người chữa bệnh.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.