Bài 11
Vài ước mơ cho tuổi trẻ Việt Nam
Rời
bỏ đất nước ra đi, một trong những ước mơ của cha mẹ là kiếm một
chỗ đứng trên xứ lạ quê người và nuôi dạy cho con cái nên người.
Tuy nhiên, như người phương Tây vẫn nói: "Trên vườn địa đàng vẫn
có con rắn" thì ở xứ sở giầu có nhất thế giới này vẫn đầy
rẫy những vấn đề rất nan giải của nó và mặc dù những tiến bộ khoa
học dồn dập, trẻ em lắm khi vẫn còn là những kẻ bị bỏ quên trong màng
lưới xã hội đắt tiền và phức tạp. Từ thế giới thứ ba nhìn vào xã
hội Mỹ, chúng ta muốn bắt chước gì và muốn tránh những gì cho con
cháu?
Trước
hết, người Việt Nam chúng ta không thể nào quên những thảm cảnh xảy
ra hàng ngày trên đất nước mình. Những em bé từ lúc nằm trong bụng
mẹ đã bị bỏ bê, bị thiếu dinh dưỡng vì chính người mẹ mang bào thai
đó cũng bị đói khát, bệnh hoạn. Do một bản năng nào đó, để bảo
toàn nòi giống, cơ thể người đàn bà có bầu luôn luôn dành ưu tiên
cho bào thai và dù người mẹ có thiếu thốn đi nữa, cơ thể người mẹ
vẫn tích cực dồn qua phía bào thai của mình những chất dinh dưỡng cần
thiết và trong phần lớn các trường hợp đứa bé ra đời vẫn khỏe mạnh
bình thường. Tuy nhiên, trong những trường hợp người mẹ bị suy dinh
dưỡng nặng nề, hoặc thức ăn của người mẹ thiếu một số chất cần
thiết, đứa bé ra đời có thể bị èo uột và đôi khi mang tật. Một số
phụ nữ còn có thể bị những bệnh nhiễm trùng như
lao, bệnh phong tình,
bệnh AIDS, v...v... Những bệnh này có thể nhiễm trùng em bé từ lúc
còn trong bụng mẹ hoặc ngày trong những ngày đầu tiên của cuộc đời
em, làm cho em bé không sống được hoặc mang thương tật suốt đời. Giải
đáp cho vấn đề trước tiên là vấn đề kinh tế xã hội. Xã hội phồn
thịnh, người đàn bà được ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng tốt, lúc có
bầu sẽ có khả năng mang thai lành mạnh. Giáo dục quần chúng phổ
cập trong mọi tầng lớp xã hội về bảo vệ sức khỏe trong sinh hoạt
hàng ngày ví dụ như ăn uống quân bình, tránh rượu chè thuốc lá và
những chất sì ke ma túy trước khi, cũng như trong khi có bầu sẽ tránh
được nhiều tai hại cho hài nhi còn trong bụng.
Vậy,
ước mơ đầu tiên là làm sao cho trình độ kiến thức của phụ
huynh, cha
cũng như mẹ, càng ngày càng được nâng cao để người làm cha mẹ có
một hiểu biết căn bản về sức khỏe và vệ sinh lúc mang bầu cũng như
trước khi có bầu; cha mẹ có mạnh giỏi thì em bé mới nhiều hy vọng
tốt tươi lúc vào đời. Về mặt y tế, giáo dục làm sao bằng những lời
giản dị và dễ hiểu, những tài liệu về vệ
sinh, về sức khỏe càng
ngày càng được phổ cập trong giới sắp làm cha mẹ thì rất nhiều tai
họa có thể tránh được dễ dàng hơn và không tốn kém.
Ví
dụ, nếu người thiếu nữ biết bệnh phong tình có thể làm cho em bé
mới sinh bị mù hoặc bị nhiễm trùng chết và nếu chỉ dạy cho người
thiếu nữ đó đừng bừa bãi trong cuộc sống đôi lứa, hoặc phải đi
khám thai đều đặn lúc có bầu thì tai họa của bệnh phong tình nơi trẻ
sơ sinh có thể tránh được và tiết kiệm công sức xã hội phải dành
cho công cuộc chữa trị cho đứa trẻ lúc đã quá trễ.
Tại
Việt Nam trước đây, từ lúc học tiểu học đến khi đỗ tú tài đứa trẻ
cũng được giáo dục về sức khỏe qua những lớp vệ
sinh, khoa học
thường thức. Chúng được dạy dỗ phải rửa tay trước khi ăn, đun nước
sôi để nguội mới được uống, tập thể thao đều đặn để giữ gìn
"một trí óc minh mẫn trong một thân thể tráng kiện". Những
lời dạy dỗ này sẽ ăn sâu vào trí óc đứa trẻ và thường đủ dùng
cho suốt cuộc đời trong một xã hội tương đối giản dị, ít cám dỗ về
vật chất. Tại Mỹ, từ những năm tiểu học, đứa trẻ đã được hướng
dẫn về những vấn đề sức khỏe, kể cả những vấn đề có tính cách
cấm kỵ đối với một số người như vấn đề tình dục (sex education), nay
là một phần của các lớp "giáo dục đời sống gia đình"
(family life education). Các phương tiện truyền thông như báo chỉ, TV,
cũng có những chương trình dạy hoặc giải thích mỗi khía cạnh về sức
khỏe, sinh lý, bệnh lý và y khoa phòng ngừa. Kết quả là quần chúng
có một mức hiểu biết cao hơn về các vấn đề bảo vệ sức khỏe. Ví dụ
phần đông trẻ con đều biết rằng tập thể
thao, ăn ít đồ mỡ là tốt;
phần lớn thanh thiếu niên đều biết bệnh AIDS thường lây truyền bằng
đường tình dục hoặc bằng những kim chích máu, v...v...
Xã
hội nào muốn tồn tại cũng dành ưu tiên cho thế hệ kế tiếp. Tuy
nhiên, một số người mới ở Việt Nam đến sống trong xã hội Mỹ không
khỏi ngạc nhiên trước các biện pháp bảo vệ quyền lợi trẻ em ở xứ
này. Những biện pháp kỷ luật thường áp dụng ở Việt Nam như đánh
đập con cái, la mắng nặng lời được nhìn dưới một con mắt không mấy
thuận lợi ở xã hội này và trong quan niệm phổ cập ở nước Mỹ trẻ
con cũng có những quyền bất khả xâm phạm, mà người lớn dầu là cha
mẹ cũng không có quyền xâm phạm tới. Những trường hợp dùng bạo
lực ngược đãi với các em ngay cả những trường hợp những trường hợp
bỏ bê các em không chăm sóc đúng mức làm cho các em bị thiệt mạng
lúc bệnh tật hoặc bị thương tật, hoặc không phát triển bình thường,
đều có thể làm cha mẹ các em hoặc người có trách nhiệm bị pháp
luật trừng trị hoặc bị tước đi quyền giám hộ.
Chúng
ta mừng cho các cháu Việt Nam chúng ta cũng được hưởng trọn vẹn
quyền làm người như mọi thành viên khác của xã hội văn mình. Nhưng
có một điều ước mong sao cho trẻ con cũng như người lớn đừng phải
trả một giá quá đắt mhư một số trường hợp vẫn thấy trong xã hội
này. Ví dụ, một em bé đã thành hình trong bụng mẹ có thể bị từ chối
không cho lớn lên đến ngày, đến tháng chỉ vì cha mẹ tính toán nếu
sanh em ra thành người không có thì giờ cho cuộc sống nghề nghiệp bận
rộn của mình, hoặc vì nghĩ rằng sẽ không có đủ tiền nuôi thêm một
đứa nữa đi đại học. Hiện tượng này đi đến chỗ nhà giàu thì phá thai
nhiều, nhà nghèo thì sinh con đông nhưng không có tiền cho con học cao
như ý muốn. Ngay cả sự bảo vệ trẻ em tránh bị ngược đãi cũng có
thể bị đưa đẩy quá xa làm thành một trò "săn phù thủy"
(witch hunt), gây tai vạ cho những người vô tình không biết phong tục
tập quán Mỹ hoặc những người vô tội bị các cháu thơ ngây gây hiểu
lầm và tài khoản tiếng oan cho người lớn. Có những trường hợp cha
mẹ, ông bà, thầy giáo bị con lớn lên tố cáo với luật pháp những
tội "sexual abuse" có thể xảy ra hàng chục năm về trước làm
cho danh giá và sự nghiệp tan vỡ; đôi khi làm chúng ta nhớ cảnh "con
tố cha, vợ tố chồng" từng quen thuộc với người Việt chúng
ta.
Hiện tượng này đôi khi làm cho người cha mẹ bớt hăng say trong công
cuộc dạy dỗ con cái mình theo những phong tục tập quán mà mình hằng
tin tưởng. Một số người trẻ cũng vì vậy mà chán nản không muốn
nhận lãnh trách nhiệm làm cha mẹ.
Trẻ
em ở Mỹ được bảo vệ đôi khi tới mức quá lố. Một số cha mẹ người
Việt chúng ta quen thuộc với quan niệm "các không ăn muối cá
ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư" có thể thấy như mình bị lạc
hướng. Trẻ em ở xứ này ăn uống đầy đủ, chăm sóc chu đáo nên phát
triển nhanh hơn trẻ con thời cha mẹ chúng nhiều. Thiếu niên 13 tuổi
có thể đã nảy nở hẳn gần như một người lớn. Thêm vào đó, quan
niệm về giáo dục nặng về thông tin và dữ kiện (facts), nhẹ về giáo
dục đạo đức và tôn giáo làm cho đứa trẻ cảm thấy chỉ cần học sao
cho đủ điểm, có chơi thì giữ sao cho khỏi bệnh còn ngoài ra tất cả
mọi lối sống (life styles) đều có thể chấp nhận được. Trong khi đó
thì cha mẹ một mặt lo mưu sinh, một mặt thì lo "hội nhập" vô
xã hội mới, cho nên lắm khi, chính bản thân của cha mẹ cũng không có
một lập trường vững chắc nào về kỷ luật cho con em. Ngay cả việc con
chúng ta học ở trường có giỏi không, có tiến bộ không, đôi khi
chúng ta cũng không biết nữa vì chúng ta không quen với lề lối chấm
điểm ở đây và phần lớn chúng ta không tham gia nhiều vào các hoạt
động học đường như Hội phụ huynh học sinh, v...v...
Nói
tóm lại, con chúng ta thì được xã hội bảo đảm nhiều quyền mà chúng
ta đôi khi không biết cha mẹ còn lại những quyền gì và có biết đi
nữa cũng có thể không có thì giờ và không đủ kiến thức để thực
thi cái quyền làm cha mẹ đó. Và chúng ta hỏi, "tham vấn" ai:
Cố vấn học sinh (counselor), bác sĩ tâm thần trẻ em (child
psychiatrist), bác sĩ nhi khoa, tâm lý gia (psychologist), v...v... Nhưng
nói chung càng nhờ chuyên gia chúng ta lại càng mất quyền chủ động
và sự tin tưởng trong việc uốn nắn tương lai của con chúng ta. Có lẽ
sau một thời gian định cư trên đất Mỹ mới dần dần chúng ta cũng phải
cố gắng tìm cho ra và định nghĩa cho rõ thế nào là di sản mà chúng ta
muốn để lại cho thế hệ kế tiếp. Là thế hệ đầu tiên của người
Việt Nam lập nghiệp trên đất Mỹ, cuộc sống của chúng ta chắc chắn
không thiếu những cam go, gây cấn của những người phải tranh đấu, lao
động để chen chân kiếm một chỗ đứng trong xã hội vật chất tân tiến
và đầy cạnh tranh. Tuy nhiên, có thể thế hệ con cái của chúng ta sẽ
không còn phải đương đầu với những vấn đề cơm áo như chúng ta đã
từng vật lộn lúc mới đến xứ này nữa. Con cái chúng ta là thế hệ
người Việt đầu tiên sinh trưởng trong xã hội hậu kỹ nghệ ở đó quan
niệm về đấu tranh để sống còn, về giai cấp, về mục đích cuộc sống
và ý nghĩa cuộc sống hoàn toàn được xét dưới những viễn tượng mới.
Francis Fukuyama, tác giả cuốn sách gây nhiều tranh luận trong giới
chính trị và kinh tế "The End of History and the last man", đưa
quan điểm cho rằng chúng ta đang sống ở Mỹ trong một xã hội ở cái
gọi là "nơi tận cùng của lịch sử" (the end of history), trong
đó nhu cầu vật chất và tự do cá nhân được xã hội bảo đảm đến đỗi
sự tranh đấu để sống còn, không còn là ưu tiên hàng đầu của mọi
người nữa; trong xã hội "dân chủ tự do" (liberal democracy)
mà chúng ta được may mắn đang sống, sự tranh đấu quan trọng nhất là
sự tranh đấu để được công nhận, được nể vì (fight for recognition).
Cái sự nể vì đó có thể là cái hư danh của một địa chỉ ở khu gia cư
sang trọng, một chiếc xe hơi đắt tiền, một bằng cấp đại học,
nhưng? cũng có thể là một cái gì
thanh tao hơn, cao cả hơn như trong chữ "danh" của tiền nhân
chúng ta:
Ðã
mang tiếng đứng trong trời đất,
Phải
có danh gì với núi sông.
Ðem
lại một tiếng thơm cho đồng bào, giúp ích được một chút ít cho nhân
loại, bảo vệ môi trường trái đất, giữ gìn cho thế hệ mai sau, v...v...
làm sao lấy chữ "danh" để đem lại ý nghĩa cho cuộc sống trong
đoạn tận cùng lịch sử đó là thách đố của thế hệ Việt Nam kế tiếp
trên đất nước trù phú này. Làm sao nuôi nấng dạy dỗ những người
trẻ tuổi có đủ sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần để sống
xứng đáng với những thách đố đó là sự thử thách mà thế hệ phụ
huynh chúng ta phải đương đầu trước ngưỡng cửa thế kỷ hai mươi mốt.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.